23/01/2025

Đức Thánh Cha kêu gọi bãi bỏ án tử hình và tha nợ quốc tế

Trong sứ điệp gửi Hội nghị Quốc tế do Phong trào Pax Christi (Hoà bình của Chúa Kitô) và Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình đồng tổ chức ở Roma từ ngày 11 đến 13-4-2016 này, ĐTC viết: “Tôi mời gọi tất cả quý vị hiện diện tại Hội nghị này hãy hỗ trợ 2 lời thỉnh cầu mà tôi đã gửi đến các vị lãnh đạo các nước, trong Năm Thánh này, đó là bãi bỏ án tử hình tại nơi nào vẫn còn, cùng với sự ân xá, và huỷ bỏ hoặc điều chỉnh lại nợ nần quốc tế qua sự quản trị có thể chấp nhận được dành cho các nước nghèo nhất.”

Đức Thánh Cha kêu gọi bãi bỏ án tử hình và tha nợ quốc tế
 
 
VATICAN – ĐTC Phanxicô tái kêu gọi các vị lãnh đạo chính quyền các quốc gia bãi bỏ án tử hình và tha nợ quốc tế.

Trong sứ điệp gửi Hội nghị Quốc tế do Phong trào Pax Christi (Hoà bình của Chúa Kitô) và Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình đồng tổ chức ở Roma từ ngày 11 đến 13-4-2016 này, ĐTC viết:

“Tôi mời gọi tất cả quý vị hiện diện tại Hội nghị này hãy hỗ trợ 2 lời thỉnh cầu mà tôi đã gửi đến các vị lãnh đạo các nước, trong Năm Thánh này, đó là bãi bỏ án tử hình tại nơi nào vẫn còn, cùng với sự ân xá, và huỷ bỏ hoặc điều chỉnh lại nợ nần quốc tế qua sự quản trị có thể chấp nhận được dành cho các nước nghèo nhất.”

Hội nghị Quốc tế vừa nói có chủ đề là “Bất bạo lực và Hoà bình công chính: góp phần vào quan niệm của Công giáo về bất bạo động và sự dấn thân cho bất bạo động”.

Trong sứ điệp, ĐTC nhấn mạnh một điểm thiết yếu, đó là: “Trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta biết rằng chỉ khi nào coi những người đồng loại như anh chị em với nhau, chúng ta mới có thể vượt thắng chiến tranh và xung đột. Giáo Hội không ngừng lặp lại rằng điều ấy có giá trị không những trên bình diện cá nhân, nhưng cả trên bình diện các dân nước, đến độ Giáo Hội coi cộng đồng quốc tế như “gia đình các dân nước”.

ĐTC viết thêm: “Trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta cũng biết rằng chướng ngại lớn cần loại bỏ để có gia đình các dân nước chính là chướng ngại do bức tường dửng dưng lãnh đạm dựng lên. Tin tức thời sự gần đây cho chúng ta thấy, khi tôi nói về bức tường, thì đó không phải là ngôn ngữ chỉ nghĩa bóng, nhưng đó là một thực tại đau buồn. Thực tại dửng dưng, không những chỉ liên hệ đến con người, nhưng cả môi trường tự nhiên, với những hậu quả nhiều khi đau thương về mặt an ninh và hoà bình xã hội.”

ĐTC cũng nhận xét: “Sự dấn thân vượt thắng sự dửng dưng chỉ thành công, nếu chúng ta có khả năng sử dụng lòng từ bi thương xót. Lòng thương xót được biểu lộ qua tình liên đới ‘chính trị’, vì tình liên đới tạo nên thái độ luân lý và xã hội đáp ứng hữu hiệu sự ý thức về những tai ương thời nay và sự lệ thuộc lẫn nhau giữa đời sống cá nhân, cộng đoàn gia đình, địa phương và hoàn cầu.” (SD 11-4-2016)

 
 
 

G. Trần Đức Anh OP