23/01/2025

Người cổ triệu năm ở Tây nguyên?

Phát hiện khảo cổ học ở An Khê đang được đánh giá là một sự kiện khảo cổ học lớn. Khai quật từ 2015 – 2016, trên tổng diện tích chưa đầy 200 m2, các nhà khảo cổ tham gia cho biết nhìn chung tầng văn hoá ở đây khá nguyên vẹn.

 Người cổ triệu năm ở Tây nguyên?

Các nhà khoa học xem hiện vật khai quật được ở An Khê - Ảnh: Ngữ Thiên

Các nhà khoa học xem hiện vật khai quật được ở An Khê – Ảnh: Ngữ Thiên

Sáng 11.4, tại Hà Nội, trong cuộc họp báo công bố phát hiện khảo cổ học ở An Khê (Gia Lai), TS Anatony Derevianko nâng chiếc rìu đá, đưa lên miệng hôn và nói: “Xin cảm ơn tất cả. Nếu có thể khóc được, tôi muốn khóc”.

Anatony Derevianko, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhà nghiên cứu một đời gắn bó với khảo cổ học thời đại đồ đá, đã đi khắp thế giới để vẽ bản đồ khảo cổ học thời đại này. Trước khi đến VN, ông đã tìm thấy dấu vết người tối cổ ở mọi khu vực, trừ Đông Nam Á. “Chính vì thế, việc cùng với các đồng nghiệp VN tìm thấy hiện vật đồ đá cũ ở An Khê đã điền nốt chỗ trống trên bản đồ này”, PGS-TS Nguyễn Giang Hải giải thích về nụ hôn của TS Anatony Derevianko.

Bổ sung bản đồ nguồn gốc loài người

Phát hiện khảo cổ học ở An Khê đang được đánh giá là một sự kiện khảo cổ học lớn. Khai quật từ 2015 – 2016, trên tổng diện tích chưa đầy 200 m2, các nhà khảo cổ tham gia cho biết nhìn chung tầng văn hoá ở đây khá nguyên vẹn. Nhiều công cụ đá, thiên thạch từ vũ trụ rơi xuống đã được tìm thấy. “Đáng chú ý là các công cụ ghè hai mặt và rìu tay được gia công với trình độ kỹ thuật và thẩm mỹ cao”, PGS-TS Nguyễn Gia Đối, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết. Cũng theo ông Đối, thậm chí, qua thảo luận, các nhà khảo cổ học Nga – Việt tham gia khai quật còn đưa ra thuật ngữ “kỹ nghệ An Khê” để nói về trình độ, cách thức tạo tác này.

 
 

Di sản của loài người

Với ý nghĩa quan trọng của An Khê, PGS-TS Nguyễn Giang Hải nói: “Những người làm công tác khảo cổ học chúng tôi xin kiến nghị Hội đồng di sản quốc gia, Bộ VH-TT-DL xem xét, đặc cách công nhận cụm di tích Sơ kỳ thời đại đá cũ ở An Khê, Gia Lai là Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Các di tích này cần được bảo vệ bằng mọi giá. Đây là di sản của loài người. Nó không chỉ đơn thuần là di sản của một quốc gia”.

 

PGS-TS Nguyễn Khắc Sử, nghiên cứu viên cao cấp Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, cho biết qua nghiên cứu sơ bộ, các nhà khảo cổ đã xác định được những công cụ đồ đá do con người làm ra. “Điều đó cũng khẳng định rằng VN là một trong những vùng đất quê hương của loài người”, ông Sử nói. Còn ông Đối cho rằng phát hiện này quan trọng vì phản bác được quan điểm đối lập phương Đông – phương Tây. Theo quan điểm đối lập này, phương Tây sớm xuất hiện rìu tay, thể hiện cho tiến bộ năng động. Còn phương Đông bảo thủ chỉ sử dụng các công cụ ghè đẽo thô sơ dạng chopper. “Những công cụ ghè đẽo hai mặt ở An Khê không chỉ bác bỏ quan điểm sai trái này, mà còn bổ sung tư liệu mới vào bản đồ phân bố sự xuất hiện loài người trên thế giới”, ông Đối nói.

“Đã hơn nửa thế kỷ từ khi một học giả Xô Viết, GS Borikopski, tìm được những công cụ đá cũ ở núi Đọ, thuộc tỉnh Thanh Hoá, khảo cổ học VN mới có được niềm hạnh phúc khi phát hiện được một địa điểm khảo cổ học thuộc Sơ kỳ đồ đá cũ với tầng văn hoá nguyên vẹn. Nó là cơ sở khoa học để tin tưởng rằng gần một triệu năm trước, loài người đã có mặt ở khu vực Đông Nam Á, trên lãnh thổ VN ngày nay”, PGS-TS Giang Hải nói.

Mở rộng nghiên cứu

PGS-TS Ngô Thế Phong, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội, nhớ lại cách đây hai năm, ông đã được nhìn thấy chiếc rìu tay tại điểm khai quật này. Cảm giác xúc động khi ấy còn tới tận bây giờ. “Nếu người làm khảo cổ lâu năm thì nhìn thấy phát hiện đá cũ như thế đều mừng lắm. Vì di tích đá mới dày hơn nhiều chứ không hiếm như đá cũ. Đã thế, hiện vật đá lại còn được tìm trong địa tầng”, ông nói.

Người cổ triệu năm ở Tây nguyên ? 2

Công bố kết quả khảo cổ học ở An Khê – Ảnh: Ngữ Thiên

Tuy nhiên, theo ông Phong, để nghiên cứu toàn diện, ngoài bối cảnh địa tầng còn có dấu tích cổ nhân và cổ sinh. “Hiện ở đây chưa tìm thấy cổ nhân và cổ sinh. Chẳng hạn, một di tích khác tại Indonesia thì lại chỉ phát hiện được cổ nhân mà chưa phát hiện được công cụ. Tuy nhiên hiện chúng ta mới ở giai đoạn thám sát, phạm vi chưa nhiều. Vì thế, hy vọng sau này sẽ tìm thấy dấu cả cổ nhân và cổ sinh nữa”, ông Phong nói.

Bên cạnh đề nghị nghiên cứu mở rộng của ông Phong, còn có nhiều đề nghị nghiên cứu sâu và bổ trợ thêm về địa tầng. TS Nguyễn Việt, Trung tâm nghiên cứu tiền sử, cho rằng việc nghiên cứu địa tầng rất quan trọng. Nó sẽ giúp khẳng định chắc chắn đây có phải là các hiện vật của thời đá cũ hay không.

Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Sử, việc nghiên cứu ở An Khê hiện mới chỉ bắt đầu. Ông cũng muốn đặt những nghiên cứu này trong liên kết nghiên cứu nguồn gốc loài người ở các vùng khác trên thế giới.

Bổ sung “bản đồ” du lịch

Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Gia Lai, cho rằng phát hiện này sẽ được bổ sung vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương từ 5 – 10 năm tới. Trong đó, việc khai thác di chỉ khảo cổ học mới này sẽ được tính đến cùng việc phát triển du lịch của tỉnh. Về điều này, PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản, cho biết sắp tới ông cũng sẽ tham gia khảo sát để nghiên cứu việc xây dựng công viên địa chất tại tỉnh này. Nó cũng sẽ có liên quan tới phát hiện khảo cổ tại An Khê.

Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội, công việc đang thực hiện ở An Khê, Gia Lai chính là một phần của chương trình xây dựng bản đồ khảo cổ học cho vùng Tây nguyên. Việc nghiên cứu tại đây tới giờ cho thấy kết quả hết sức bất ngờ. Chỉ trong hai năm đã có tới 30 phát hiện khảo cổ học, trong đó có kết quả liên quan tới người tối cổ. “Phải chăng An Khê là điểm quan trọng nhất khi xây dựng bản đồ khảo cổ học Tây nguyên”, ông Thắng nói.