26/12/2024

Sài Gòn tính lập hồ trữ nước sông

Trước nguy cơ nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn và bẩn, các cơ quan hữu quan ở TP.HCM đang tính đến việc lập hồ dự trữ nước sông.

 

Sài Gòn tính lập hồ trữ nước sông

Trước nguy cơ nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn và bẩn, các cơ quan hữu quan ở TP.HCM đang tính đến việc lập hồ dự trữ nước sông.





Nhà máy nước Tân Hiệp nhiều lần ngưng bơm từ tháng 1.2016 đến nay vì mặn - Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Nhà máy nước Tân Hiệp nhiều lần ngưng bơm từ tháng 1.2016 đến nay vì mặn – Ảnh: Diệp Đức Minh


Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo về “Hồ trữ nước đảm bảo cấp nước an toàn cho TP.HCM”, do Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) phối hợp Công ty Vitens Evides International (Hà Lan) tổ chức ngày 8.4.
Nguồn nước nhiễm mặn, chất thải
Nhiều chuyên gia nhận định TP.HCM ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nước biển dâng cùng sự sụt lún đất do khai thác nguồn nước ngầm quá mức. Mỗi khi mưa to, những vùng trũng của TP phải gánh chịu ngập lụt, đặc biệt là khi triều cường. Còn vào mùa khô, những nguồn cung cấp nước chính cho TP như sông Đồng Nai, Sài Gòn đều bị nhiễm mặn. Đáng lo hơn là chất lượng nước khá thấp do các chất thải sinh hoạt, chất thải công, nông nghiệp của các vùng dân cư cũng như các khu công nghiệp thuộc TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh khiến 2 con sông đang bị ô nhiễm nặng. Ngoài ra, lưu lượng dòng chảy của nước mưa lớn cũng ảnh hưởng xấu tới các thông số chất lượng nước như màu sắc, hàm lượng mangan (Mn) cũng như độ đục của nước. Số lượng trực khuẩn, E.coli, độ đục và hàm lượng ammoni (NH3-N), mangan đều vượt quá chuẩn cho phép của VN và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về cấp nước cho cộng đồng.
Sawaco khẳng định những kỹ thuật xử lý nước do đơn vị đề xuất đều có khả năng loại bỏ những tạp chất nói trên để đưa về đúng tiêu chuẩn nước sạch. Thế nhưng, để phòng tránh sự gia tăng đột ngột của các hàm lượng chất cặn lên các tầng lọc cát trong nhà máy xử lý (kéo theo các chất bẩn kích cỡ lớn và vi sinh vật lọt qua) khi độ đục của nước quá cao, Sawaco đề xuất phương án trữ nước sông trong các hồ dự trữ. Những hồ nước thô này rất có ích khi những sự cố tràn hóa chất công nghiệp, nông nghiệp cũng như khi hàm lượng chloride tăng cực điểm do triều cường lên vào mùa khô; đồng thời giúp Sawaco ổn định sản xuất cho các đơn vị xử lý nước trực thuộc. Theo đó, sẽ chuyển điểm lấy nước từ trạm bơm Hoà Phú hiện nay lên khu vực thượng lưu sông Sài Gòn thuộc huyện Củ Chi. Phương án này sẽ xây dựng 10 km đường ống để dẫn nước về Nhà máy nước Tân Hiệp.
450 triệu USD cho hồ trữ nước
Trong quy hoạch cấp nước tổng thể cho TP.HCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài việc sử dụng các nguồn nước hiện có còn tính đến việc tìm những nguồn nước thay thế về lâu dài, như lấy nước thô từ hồ Dầu Tiếng (Bình Phước), hồ Trị An (Đồng Nai).
Theo các chuyên gia Hà Lan, đây là một ý tưởng táo bạo, vốn đầu tư ban đầu rất lớn (khoảng 450 triệu USD) và cần sự chấp thuận của các cơ quan quản lý hồ, sự hợp tác của chính quyền các tỉnh liên quan. Đó là chưa kể, đối với hồ Dầu Tiếng ở thượng nguồn sông Sài Gòn cũng đang bị nhiễm bẩn hữu cơ do nước thải từ nông nghiệp và chăn nuôi gia súc; một số tham số chất lượng vượt mức quy định. Ngoài ra, hồ Dầu Tiếng cách Nhà máy nước Tân Hiệp 53 km với địa thế tương đối bằng phẳng nên khó tạo thế dòng chảy. Chưa hết, năm 2013, nghiên cứu của JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) đã tính toán tuyến ống ngắn nhất từ hồ đến trạm bơm Hoà Phú cũng lên tới 65 km và để phòng trường hợp hỏng hóc nặng cần phải lắp đặt đến 2 tuyến ống, 4 trạm bơm, vốn đầu tư lên đến 1,2 tỉ USD, chi phí điện tiêu thụ mỗi năm hết 14,5 triệu USD (chưa kể lượng điện tại trạm bơm Hoà Phú), thời gian xây dựng mất 7 – 10 năm. Do đó, trước mắt đánh giá lại trữ lượng và chất lượng nước tại các trạm bơm Hoá An, Hoà Phú để chọn những phương án khả thi hơn và chỉ khi nào nước sông Đồng Nai, sông Sài Gòn không thể sử dụng được nữa mới lấy nước thô từ 2 hồ trên để cấp cho các nhà máy nước Tân Hiệp và Thủ Đức.
Ông Đặng Hoài Vĩnh, chuyên gia thuộc Viện Địa lý và tài nguyên TP.HCM, và các chuyên gia trong nước tỏ ra rất tâm đắc với đề xuất của nhóm chuyên gia Hà Lan về phương án làm hồ ngăn mặn đa chức năng. Theo đó, khu vực kênh Láng The và kênh Địa Phận thuộc H.Củ Chi sẽ được cải tạo làm hồ chứa nước đa chức năng, vừa chứa nước phục vụ Nhà máy nước Tân Hiệp, đồng thời phát triển thành khu vực sinh thái, hành lang xanh, thoát nước. Khi triều cường lên, mặn không vào được, khi triều xuống thì xả toàn bộ nước từ kênh ra. Tuyến kênh hiện dài 22 km sẽ chuyển sang thành hồ chứa nước, đồng thời tạo khu vực hành lang xanh dọc hai bên kênh. Nói nôm na, thay vì vận chuyển nước bằng đường ống thì vận chuyển nước bằng kênh hở. Khu vực kênh trước đây người dân trồng lúa nhưng do hiệu quả thấp nên người dân đã chuyển sang trồng cỏ để nuôi bò.
Ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng, nhận định: “Quy hoạch tổng thể cấp nước TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhu cầu sử dụng nước cho TP đến năm 2025 là trên 3,6 triệu m3/ngày. Quy hoạch cũng đặt vấn đề xây dựng một số tuyến ống chuyển tải nước thô từ các hồ Dầu Tiếng, Trị An về các nhà máy nước Tân Hiệp, Thủ Đức. Thế nhưng, hiện nay do nhiễm mặn nghiêm trọng, biến đổi khí hậu đã đặt ra bài toán cần sử dụng nhiều phương án khác nhau. Trong đó, đề xuất hồ (kênh) trữ nước đa chức năng, nhất là phát triển hệ sinh thái, rất ấn tượng”.

Đình Mười