27/12/2024

Khô hạn ngay bên hồ thuỷ điện

Không bị nước biển xâm nhập như khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở hạ nguồn Mekong, nhưng Lào cũng đang trải qua mùa nắng hạn khốc liệt. Đất đai nứt nẻ, cây cối chết khô…

 NGƯỢC DÒNG MEKONG ĐANG HẤP HỐI

Khô hạn ngay bên hồ thuỷ điện

 

 

Không bị nước biển xâm nhập như khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở hạ nguồn Mekong, nhưng Lào cũng đang trải qua mùa nắng hạn khốc liệt. Đất đai nứt nẻ, cây cối chết khô…

 

 

 

 

 

Khô hạn ngay bên hồ thủy điện
Khô hạn ngay bên hồ thủy điện
Khô hạn ngay bên hồ thủy điện
Từ trên xuống: hồ thuỷ điện ngập tràn nước nhưng những cánh đồng thì khô cháy và cuộc sống của người dân tái định cư rất vất vả – Ảnh: Quốc Việt

 

 

Nhổ những cây lúa chết khô dưới nắng nóng, một người đàn ông ở tỉnh Xaynhabuly buồn bã nói: “Chẳng cây gì sống nổi đâu. Nhiều người đã bỏ ruộng. Còn tôi cố gắng trồng ít lúa cho mấy đứa con nhỏ ăn, nhưng cũng chết hết rồi”.

Người đàn ông từng có thời gian dài ở Việt Nam này tâm sự thêm bằng tiếng Việt khá chuẩn: “Hồi trước, dân Lào không sợ mùa nắng hạn vì đa số chỉ trồng lúa một vụ. Bây giờ nhiều nơi đã trồng hai vụ, kể cả xen canh ba vụ rau màu. Bởi vậy, các cánh đồng đang khát nước dữ dội”.

Bên biển hồ, 
bên đồng khô

Nghịch lý dễ phát hiện nhất ở Lào là có nhiều thủy điện với các hồ trữ nước rộng mênh mông, nhưng ngay bên cạnh đó lại có quá nhiều cánh đồng khô cằn phải bỏ hoang hoặc có canh tác thì cây cối cũng chết rụi dưới nắng nóng.

Từ thủ đô Vientiane ngược lên các tỉnh phía bắc Lào, tôi đã tận mắt chứng kiến ít nhất hơn 10 thuỷ điện lớn khắp lưu vực sông Mekong đang giữ hàng tỉ mét khối nước, nhưng nhiều nông dân lại không có nước để làm ruộng.

Đồng khô cỏ cháy nối tiếp đồng khô cỏ cháy. Đường nhựa hầm hập bốc nhiệt. Đường đất thì cuốn tung bụi mù đến mức chỉ cách vài mét cũng khó nhận ra người. Người bạn lái xe phải dò dẫm chậm chạp. Là người Việt Nam từng qua Lào làm việc bảy năm, anh kể sông Mekong từng có những mùa nước dâng đe dọa ngập tràn cả thủ đô Vientiane.

Chính anh đã chứng kiến tận mắt cảnh quân đội, người dân Lào dùng bao cát đắp đê tạm để ngăn nước tràn vào thành phố. Chưa được nhìn thấy cảnh này, nhưng tôi có thể cảm nhận rõ chuyện anh kể. Bờ sông nơi tôi đứng đang cao hơn mặt nước sông cả chục mét. Mực nước chênh lệch thật khủng khiếp vì mùa nắng hạn và vì cả hệ thống thuỷ điện dày đặc chặn nước vào dòng sông này.

Ở dưới hạ lưu, tác hại nặng nề của tình trạng sông Mekong cạn nước đã quá rõ ràng. Nhưng ngay tại Lào cũng có thể cảm nhận được sự ảnh hưởng. Cả năm đập thuỷ điện Nậm Ngườm, mực nước trong lòng hồ đang dâng cao hơn bên ngoài lòng sông đến hàng chục mét.

Nếu không đến tận nơi, nhìn tận mắt sẽ khó ai hình dung nổi Lào đã xây dựng những biển nước mênh mông giữa các cánh rừng già trong khi phần lớn diện tích ngay ngoài bờ đập lại khô cằn, không thể canh tác được gì.

Hầu hết nông dân mà chúng tôi bắt chuyện ở Vientiane, Xaynhabuly và Luang Prabang… đều khẳng định họ phải bỏ ruộng mùa này vì các thuỷ điện đã chặn hết nguồn nước trồng trọt của họ.

“Chỉ có thể bán nông sản cho người Thái hay người Trung Quốc, mà đất đai khô hạn như vậy thì trồng trọt làm sao được?” – anh Kham K, một cựu cán bộ ở tỉnh Bokeo, miền tây bắc Lào, tâm sự…

Dân tái định cư 
khó khăn

Không chỉ ảnh hưởng đến nông dân, mà ngay người địa phương tại các đập thuỷ điện Lào cũng đang bị ảnh hưởng, bởi những công trình bêtông khổng lồ đã làm thay đổi hoàn toàn môi trường sống của họ. Hầu hết khu tái định cư bên đập thuỷ điện mà chúng tôi đi qua như Nậm Ngườm, Xayaburi, Nậm Khan 2, 3 đều có tình trạng chung là… vắng lặng bóng người.

Nếu có người thì cũng chỉ lác đác người già, trẻ em đang ở giữ nhà, còn người lớn phải đi làm xa để kiếm sống. Ngay từ đầu đường rẽ vào hai đập thuỷ điện Nậm Khan 2, 3, chúng tôi đã nhìn thấy những khu tái định cư san sát như phố thị.

Đó là những kiểu nhà sàn nguyên mẫu đồng loạt có diện tích khoảng 40-50m2, không có sân vườn quen thuộc của người Lào. Người ta kể rằng nhà thầu thuỷ điện Trung Quốc đã xây cho họ, chật hẹp và không phù hợp với lối sống gần thiên nhiên của người Lào.

Tôi mất hai giờ để vượt gần 50km trên con đường đất đá nhỏ xíu xuyên qua các vách núi cheo leo mới gặp được… chủ nhân của các căn nhà tái định cư này đang ở tít trong rừng sâu. Ông Thao Hac cùng dân làng mới đi làm về.

Họ chui vào những cái chòi lá nhỏ xíu được dựng tạm ngay triền núi có thể đối diện với nguy cơ lở đất bất cứ lúc nào. Thấy khách lạ, họ rất ngạc nhiên, vì đã lâu rồi chỉ có người Trung Quốc và công nhân xây dựng Lào ra vào.

“Khi thủy điện được xây, chúng tôi phải bỏ nơi ở cũ, dời ra ngoài xa hơn. Chính phủ có hỗ trợ một năm lương thực và cho một căn nhà mới. Nhưng rồi lương thực cũng hết, chúng tôi lại phải quay vào đây làm rẫy, hái trái rừng và bắt cá kiếm sống” – ông Thao Hac nói.

Người thông dịch kể rằng vì đường núi xa quá nên phải vài hôm họ mới về được nhà mới. Nếu gia đình nào có người lớn tuổi thì ở ngoài đó giữ cháu nhỏ, còn không họ sẽ phải đưa luôn con thơ vào rừng.

Nhiều mảnh vườn ngày xưa dưới các chân núi giờ đã ngập chìm dưới lòng nước hồ thuỷ điện. Họ phải vất vả leo lên núi cao hơn để khai hoang rẫy mới trong tình cảnh thường xuyên bị thú rừng phá hoại.

Đường đi lại khó nhọc hơn và chút nông sản thu hoạch được cũng rất khó bán cho ai. Đặc biệt, dù ở ngay sát lòng hồ tích nước mênh mông nhưng họ lại không có nước để tưới rẫy. Rẫy nằm tít trên các vách núi, họ không có cách nào để dẫn nước lên cao trong điều kiện không có máy bơm và cũng không có điện.

Suốt cả buổi chiều tâm sự với người dân địa phương ngay bên triền hồ thủy điện Nậm Khan 2, Nậm Khan 3, tôi có thể cảm nhận rõ sự vất vả của người dân nơi đây. Khi phần lương thực hỗ trợ đầu tiên của chính phủ cạn hết, họ lại phải khó nhọc kiếm sống trong môi trường đã thay đổi hẳn và đang gần như tự cung tự cấp hoàn toàn.

Có nước nhưng không có đường thủy lợi

Những ngày ở Lào, tôi cố gắng đi thực tế, tìm hiểu giải pháp nguồn nước cho người nông dân nhưng chẳng thu được mấy kết quả. Người dẫn đường, người thông dịch, các quan chức địa phương không muốn nêu tên, kể cả Việt kiều nhiều năm sống ở Lào cũng đều lắc đầu trước câu hỏi này.

“Chưa có gì thay đổi đâu. Vẫn y như cũ thôi. Cứ nhìn trời mà tính mùa làm ruộng. Lào đang có đầy hồ thuỷ điện trữ nước, nhưng không có đường tuỷ lợi để dẫn lên ruộng, trong khi các dòng sông bên ngoài lại cạn kiệt”. Đó là câu trả lời mà tôi thường nghe nhất.

QUỐC VIỆT