27/12/2024

ĐTC kêu gọi các tín hữu quảng đại làm phúc cho người nghèo với lòng yêu mến

VATICAN – ĐTC kêu gọi các tín hữu quảng đại làm phúc cho người nghèo với lòng yêu mến, và đừng làm phúc để được người đời ca ngợi, ngưỡng mộ. Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ bảy, 9-4-2016, dành cho hơn 50.000 tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô. Đây là buổi tiếp kiến chung ngài thực hiện thêm mỗi tháng 1 lần vào sáng thứ bảy, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót.

 ĐTC kêu gọi các tín hữu quảng đại làm phúc cho người nghèo với lòng yêu mến

 

 

Hơn 50.000 người dự tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha: 9-4-2016 – AFP

VATICAN – ĐTC kêu gọi các tín hữu quảng đại làm phúc cho người nghèo với lòng yêu mến, và đừng làm phúc để được người đời ca ngợi, ngưỡng mộ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ bảy, 9-4-2016, dành cho hơn 50.000 tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô. Đây là buổi tiếp kiến chung ngài thực hiện thêm mỗi tháng 1 lần vào sáng thứ bảy, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong bài huấn giáo, ĐTC nói về đề tài “Lòng thương xót và việc làm phúc”. Ngài giải thích rằng trong tiếng Hy Lạp, elemosina có nghĩa là từ bi thương xót. Việc làm phúc bao gồm tất cả sự phong phú của lòng từ bi thương xót. Và cũng như lòng thương xót có hàng ngàn con đường và cách thức khác nhau, việc làm phúc cũng được biểu lộ qua rất nhiều cách thức, để xoa dịu nỗi cơ cực của những người ở trong tình trạng túng quẫn.


ĐTC nhắc đến tầm quan trọng của việc làm phúc trong Kinh Thánh: hy tế và làm phúc là hai nghĩa vụ mà người đạo đức phải làm; như tấm gương của cụ già Tobia, sau khi nhận được một số tiền lớn, đã gọi con đến và dặn dò hãy làm phúc giúp đỡ những người nghèo.

Ngài nói thêm: “Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một giáo huấn không thể thay thế được về việc làm phúc. Trước tiên, Chúa yêu cầu chúng ta đừng làm phúc để được người đời ca ngợi và ngưỡng mộ lòng quảng đại của chúng ta. Vẻ bề ngoài không đáng kể, nhưng là khả năng dừng lại để nhìn tận mặt người xin giúp đỡ. Vì thế, chúng ta không được đồng hoá việc làm phúc với đồng tiền cho đi một cách vội vã, không thèm nhìn người và không dừng lại để nói chuyển, và hiểu rõ điều mà người nghèo thực sự cần. Đồng thời chúng ta phải phân biệt giữa người nghèo và những hình thức hành khất khác nhau không mưu ích cho người nghèo đích thực.


ĐTC kết luận: “Tóm lại làm phúc là một cử chỉ yêu thương đối với những người chúng ta gặp; đó là một cử chỉ chân thành quan tâm đến với những người tới gần chúng ta và xin giúp đỡ. Sự giúp đỡ ấy được thực hiện trong âm thầm, nơi mà chỉ có Thiên Chúa thấy và hiểu giá trị của hành vi đã làm. Vậy chúng ta hãy đón nhận lời Thánh Phaolô Tông Đồ: “Bằng mọi cách tôi đã tỏ cho anh chị em thấy rằng những người yếu cần được giúp đỡ bằng cách làm việc như thế, nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói: Cho đi thì hạnh phúc hơn là nhận lãnh!” (Cv 20,35; x. 2 Cr 9,7) (SD 9-4-2016)

 
 

 

G. Trần Đức Anh OP