01/01/2025

Cảm Lãm góp phần bức tử Mekong

Các nhà khoa học chỉ rõ tác hại của các con đập lớn chặn dòng Mekong và làm đảo lộn sinh thái của dòng sông lẫn cuộc sống của người dân xung quanh khu vực xây đập, đặc biệt là hàng triệu người dân dưới hạ lưu.

 

Ngược dòng Mekong đang hấp hối: Cảm Lãm góp phần bức tử Mekong

 

 

Các nhà khoa học chỉ rõ tác hại của các con đập lớn chặn dòng Mekong và làm đảo lộn sinh thái của dòng sông lẫn cuộc sống của người dân xung quanh khu vực xây đập, đặc biệt là hàng triệu người dân dưới hạ lưu.

 

 

 

 

 

Ngược dòng Mekong đang hấp hối: Cảm Lãm góp phần bức tử Mekong
Đất đá đang được đổ xuống dòng sông Mekong để xây đập thuỷ điện Cảm Lãm – Ảnh: Nguyễn Khánh

Một nghiên cứu xuất bản vào tháng 3-2015 của Viện Nghiên cứu hoà bình và xung đột (Institute of Peace and Conflict Studies) có trụ sở ở Ấn Độ chỉ ra rằng những con đập ở thượng lưu sông Mekong tác động bất lợi đến nguồn nước sạch, đặc biệt là cá.

Một lượng rất lớn nước ứ đọng được cho là có tảo độc sinh sôi nảy nở gây ảnh hưởng đến sự đa dạng thuỷ sinh cũng như khiến nguồn nước tại đây không thể uống được.

Cũng theo nghiên cứu trên, việc xây đập và hồ chứa có thể dẫn đến ba hệ quả lớn ở Trung Quốc gồm sự bần cùng về kinh tế, bất ổn xã hội và suy thoái môi trường, đặc biệt là đối với việc tái định cư.

“Ba hậu quả” trên quả thật đang xảy ra ở dự án thuỷ điện Cảm Lãm (Trung Quốc), cách biên giới với Myanmar và Lào không xa.

Ngược dòng Mekong đang hấp hối: Cảm Lãm góp phần bức tử Mekong

Ông Dương, 60 tuổi, tỏ ra bức xúc về giá đền bù chưa thoả đáng cho ngôi nhà của gia đình ông bị giải toả để làm con đường lên đập thuỷ điện Cảm Lãm – Ảnh: Nguyễn Khán

Nước sông Mekong nhìn qua thì trong xanh vậy thôi chứ dân ở đây không ai dám sử dụng để sinh hoạt. Tắm ở sông đây còn bị ngứa thì làm sao dám dùng để nấu nướng
Ông DƯƠNG (ngươi dân Trung Quốc sống gân đập Cảm Lãm)

Chứng thực ở Cảm Lãm

Cảm Lãm là dự án thủy điện mà Trung Quốc dự kiến xây dựng trên dòng sông Mekong, hiện tại công trình này đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.

Chỉ cách thành phố Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam khoảng 30km, nhưng chúng tôi phải di chuyển hơn 70km theo đường vòng vì tài xế taxi cho biết con đường chính đang thi công. Khu vực dự kiến xây dựng đập thuỷ điện Cảm Lãm nằm trên một con đường nhỏ nối với thành phố Cảnh Hồng, ngay bên cạnh là dòng sông Mekong.

Do đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng nên khu vực này luôn trong tình trạng bụi mịt mù.

Anh Vương, một người dân địa phương, ngao ngán: “Xe chở đất đá phục vụ cho thuỷ điện chạy liên hồi khiến không khí khu vực này ngột ngạt vô cùng. Dù đã dùng nilông và vải bạt quấn quanh nhà để chống bụi nhưng cũng không ăn thua, bụi bẩn bám cả vào vách núi khiến chúng tôi không dám lấy nước chảy từ trên vách đá để uống”.

Anh Vương khẳng định con đập này được lên kế hoạch xây dựng từ 7-8 năm trước, nhưng giờ đây vẫn còn ngổn ngang. Ngay cả con đường chạy dọc sông Mekong phục vụ thủy điện dự kiến hoàn thành từ năm 2015 nhưng hiện tại vẫn chưa xong.

Theo anh Vương, chính quyền báo sắp làm thêm một con đường mới sát bờ sông để phục vụ du lịch sinh thái. Gia đình anh rất lo vì có thể bị buộc di dời mà vẫn chưa biết sẽ đi đâu cũng như giá đền bù có thoả đáng hay không.

“Tôi làm nghề cạo mủ cao su thuê. Sắp tới hết hạn thuê đất, thu nhập sẽ càng bấp bênh, chưa biết nghĩ ra việc gì để sống. Nguyện vọng lớn nhất của tôi bây giờ là con đập Cảm Lãm này sớm hoàn thành để gia đình được ổn định cuộc sống và có không khí trong lành để thở, cứ như hiện tại thì sống khổ quá” – anh Vương tiếp tục thở dài.

Cách nhà anh Vương khoảng 300m, giữa buổi trưa nắng gắt, hai vợ chồng ông Dương đang hì hục dựng lại ngôi nhà của gia đình. Cách đó khoảng 10m, ngôi nhà cũ mà ông bà đã sống từ năm 1989 bị buộc phải đập bỏ vì vướng quy hoạch.

Nói về việc đền bù, ông Dương trăn trở: “Việc đền bù tôi thấy vẫn chưa thỏa đáng: chính quyền chỉ đền bù 50 NDT (khoảng 170.000 đồng VN) cho một cây ăn quả đã trên mười năm tuổi, còn ngôi nhà lúc đầu họ chỉ đồng ý đền bù 400 NDT/m2, sau khi chúng tôi đấu tranh quyết liệt thì họ mới tăng lên 600 NDT/m2“.

Người đàn ông 60 tuổi này kể rằng cách đây hai năm, không hiểu lý do gì mà rất nhiều cá to, nhỏ trên đoạn sông gần nơi ông ở đều chết, nhiều con cá nặng tới 20kg cũng trắng bụng trôi theo dòng nước.

“Tôi nhớ khi đó dân làng ùa ra vớt cá mang về ăn, nhưng sau đợt đó lượng cá giảm hẳn, giờ thì chẳng ai còn đánh bắt gì ở con sông này nữa rồi, mặt khác chính quyền cũng cấm đánh bắt cá trên sông” – ông Dương kể.

Ngược dòng Mekong đang hấp hối: Cảm Lãm góp phần bức tử Mekong
Ngổn ngang tại khu vực dự kiến sẽ xây dựng nhà máy thuỷ điện Cảm Lãm trên dòng sông Mekong – Ảnh: Ng.Khánh

Vào thuỷ điện như vào… khu quân sự

Trong những ngày đi dọc đoạn sông Mekong thuộc địa phận tỉnh Vân Nam, có một thực tế làm chúng tôi ngạc nhiên là người dân sinh sống quanh khu vực các đập thuỷ điện dường như không có mối quan hệ gắn bó mật thiết với con sông này và thái độ lớn nhất là họ thấy quá bị phiền toái với những con đập thủy điện đã và đang xây dựng.

Sự xuất hiện dày đặc của các con đập thuỷ điện đang là tác nhân chính khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.

Lúc đến thành phố Cảnh Hồng, chúng tôi đặt mục tiêu vào xem đập thuỷ điện Cảnh Hồng đang xả nước nhưng chẳng thành vì vướng phải hàng rào an ninh dày đặc cách thân đập khoảng 1,5km. Hai bên bờ sông Mekong tiếp giáp với đập thuỷ điện được nối liền bằng cây cầu Tháp Trắng và các trạm kiểm soát an ninh được dựng lên ở hai bên đầu cầu.

Đến cả những người dân địa phương còn sinh sống trong “khu vực cấm” cũng mỗi ngày phải đối mặt với việc xét hỏi giấy tờ. Mỗi lần qua lại cổng kiểm soát an ninh, họ phải dừng xe xin phép lực lượng làm việc tại đây.

Bắt chuyện với ông Mạnh, một người dân sống gần đập, chúng tôi mới biết hiện tại vẫn có một số hộ gia đình còn được phép sinh sống ở “khu vực vùng đệm” bảo vệ vòng ngoài của đập Cảnh Hồng.

Ông Mạnh kể rằng gia đình ông sinh sống ở nơi này từ trước khi có đập thuỷ điện (khởi công năm 2003, khánh thành năm 2008). Hồi quy hoạch đập Cảnh Hồng, gia đình ông tưởng phải chuyển đi nơi khác, nhưng về sau chính quyền nói vẫn có thể sống ở đó, mặc dù nhà không phải di dời nhưng mỗi lần di chuyển ra ngoài lại phải dừng xe trình giấy tờ, khiến ông cảm thấy vô cùng phiền phức.

Cuối buổi sáng, chúng tôi lại bắt gặp một chiếc xe máy chở ba người từ phía trong khu đập đi ra ngoài; ngay lập tức lực lượng bảo vệ yêu cầu xuống xe và bắt người phụ nữ phải giải thích hai người còn lại trên xe có mối quan hệ như thế nào. Phải mất gần năm phút nhóm người này mới được phép đi tiếp.

Q.TRUNG – N.KHÁNH (từ Vân Nam, Trung Quốc)