05/11/2024

Vua Lê – chúa Trịnh xuất cung và tế lễ

Samuel Baron từng sang Đông Kinh (tên gọi của Hà Nội thời Lê – Trịnh). Ông có nhiều ghi chép tỉ mỉ về tình hình kinh tế, xã hội của VN trong thời gian lưu trú tại đây.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Việt Nam qua ghi chép của người phương Tây: Vua Lê – chúa Trịnh xuất cung và tế lễ

 

Samuel Baron từng sang Đông Kinh (tên gọi của Hà Nội thời Lê – Trịnh). Ông có nhiều ghi chép tỉ mỉ về tình hình kinh tế, xã hội của VN trong thời gian lưu trú tại đây.


 

 


Thăng Long thời xưa - Ảnh: T.L

 

Thăng Long thời xưa – Ảnh: T.L


Họa hoằn lắm, đức vua mới du ngoạn; mỗi năm một lần, vào đầu tháng giêng, được ngày lành ngài xuất cung cho thần dân chiêm bái.

Hôm ấy, từ lúc giời chưa sáng, vua Lê, chúa Trịnh, thế tử các triều thần, đi riêng đến một ngôi đền làm ở phía nam kinh thành, có ba cửa vào.
Đến tám giờ thì súng thần công bắn một phát; chúa Trịnh, thế tử, chiếu lệ vào mừng vua; còn các quan theo lễ vào bái mạng. Nghi tiết lặng lẽ nhưng kính cẩn tôn nghiêm. Các quan vừa lễ xong thì súng liền bắn tiếng thứ hai: mọi người hộ giá vua đến cửa đền; ngài đập cửa thì quân canh hỏi ngài là ai. Ngài xưng là “vua” thì cửa mở. Ngài không vào, ngài đến gõ cửa thứ hai rồi cửa thứ ba. Cửa này mở thì chỉ có vua là được vào trong đền thôi. Trên kia đã nói ngài trai giới từ mấy hôm trước: vào đến ngài khấn và lễ.
Lễ xong thì ngài lên ngồi một chiếc ngai thếp vàng đặt trong sân đền. Đoạn người ta dâng ngài một cái cày có mắc trâu. Ngài cầm lấy bắp cày tỏ ý là ngài cũng dự vào việc cày bừa. Ngài giúp cho các nông gia gặp sự may mắn và có ý khuyên nhủ ai nấy đều nên chăm chỉ, cần mẫn, biết lo xa nhất là trong việc canh nông và như thế sẽ được giời đền công làm lụng khó nhọc.
Có người bảo hôm ấy có làm lễ dâng “bát” cho vua, nhưng có người lại bảo lễ ấy cử ngay vào hôm ngài đăng quang. Lễ như thế này: trên một án thư sơn son có đặt mấy cái bát trong đựng mấy ngự phẩm đã nấu chín rồi: bát thứ nhất đựng cơm trắng, bát thứ hai đựng cơm vàng và bát thứ ba đựng nước, bát thứ tư đựng rau xanh. Bát nào trên miệng cũng bịt giấy dán kín để không phân biệt được bát nào riêng ra bát nào. Đức vua chọn lấy bất cứ một cái bát nào: nếu được bát đựng cơm vàng thì thần dân mừng rỡ vì đó là điềm mưa thuận gió hoà; nếu là bát cơm trắng thì mùa màng cũng khá; nếu là nước lã thì gạo kém rồi; nếu vua chọn phải bát rau xanh thì dân mất mùa, đói kém, chết hại rất nhiều.
Lễ thế này là xong, súng bắn phát thứ ba, vua lên kiệu, có nhiều lọng che và được tám tên lính khiêng qua các phố về đền cùng, theo sau là các quan mặc áo thụng đi bộ. Dọc đường vua vứt tiền cho dân nghèo đói ở các làng vua ngự qua, hay bọn cùng khốn đứng xem loan giá.
Cách sau vua một ít là chúa Trịnh ngồi voi to, có nhiều ông hoàng trong phủ liêu hay bên tôn thất, có nhiều võ tướng và đại thần đi kèm ai cũng ăn mặc lộng lẫy, lại thêm có ba bốn nghìn kỵ binh, trăm rưởi hay một trăm thớt tượng đóng bành lộng lẫy, một vạn bộ binh mặc quân phục may bằng hàng thêu tay. Thành thử về nghi vệ chúa lấn hẳn vua. Chúa cùng về một đường với vua, nhưng khi đến chỗ rẽ thì chúa đi quặt về vương phủ và để vua Lê thẳng lối về cung.
Tế kỳ đảo
Tế kỳ đảo một năm một lần, nhất là khi nào có dịch. Người ta cho rằng có dịch tễ là tại các vong hồn những kẻ muốn bội phản nước nhà hay rắp tâm định mưu sát vua, chúa hoặc các tôn thần đã bị hành hình và muốn trả thù dương gian bằng cách phá hại đồ vật hay bạo động hiểm ác.
Muốn tránh những tai ương ấy, người ta mới nghĩ ra cách tế kỳ để ngăn ngừa lũ quỷ dữ và xua đuổi giống tà ma. Chúa sai mở lịch chọn ngày, thường thường cứ tế đúng vào hôm 25 tháng hai tây lịch. Đàn tràng đã sửa soạn xong thì chúa cùng các hoàng thân và các quan đi ra võ trường. Chúa cưỡi ngựa ngồi voi hay ngự trên một chiếc kiệu có bánh do mấy tên trai lực lưỡng đẩy; ngự kiệu, có tàn che. Đi hộ giá có đến một vạn sáu hay một vạn tám bộ binh, không kể vô số ngựa voi đóng yên, đóng bành cẩn thận.
Trên bãi cát đã dựng nhiều gian nhà tre và nhiều chiếc lều để che mưa nắng. Quân vệ binh của chúa Trịnh đều là những trai tráng lực lưỡng vạm vỡ, có vài người cao lớn ghê gớm cũng mặc áo và đội mũ một kiểu với các quan, nhưng vải thô hơn.
Riêng để hầu chúa có mười con ngựa và sáu con voi yên bành có nạm vàng toàn khối và đỏ ối khác xa những ngựa voi thường; cờ xí nhiều vô kể; trống, chiêng, phường bát âm, đủ các thứ dùng trong triều hay ra mặt trận cũng bầy liền cạnh đấy. Tất cả những bài trí này, giữa một đám người đến xem đông vô số làm cho bãi cát có vẻ huy hoàng và trọng đại. Sửa soạn xong thì ba tiếng trống thong thả đánh, tiếng trước cách tiếng sau khá lâu. Nghe hiệu trống chúa Trịnh từ võ trường đến chỗ lính xếp hàng và vào trong gian nhà đã dựng sẵn cho ngài.
Rồi đến ba tiếng chiêng cũng thong thả đánh như trống. Chúa bắt đầu, dâng lễ cho các quỷ ác và ma dữ. Cũng như trước khi hành hình ta cho phạm nhân ăn uống tử tế. Đoạn chúa mới đọc văn kể tội chúng đã gây bệnh hoạn trong xứ, đã làm ngựa voi ngài chết, tội trạng ấy cũng đủ làm cho chúng phải đuổi ra khỏi xứ.
Đoạn người ta bắn ba phát súng lớn; và mỗi loạt súng hoả mai, súng tay để xua đuổi tà ma. Đến trưa thì ai nấy cũng ăn uống linh đình. Chiều tối thì chúa hồi cung, cũng theo nghi vệ lúc đi, rất sung sướng đã thắng được kẻ nghịch.
Vua Lê không bao giờ dự lễ này. Có lẽ vì chúa sợ rằng quân lính, có điều gì bất mãn với mình nhân lúc tụ họp đông nổi loạn phế mình để khôi phục lại quyền vua.

Samuel Baron 
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)