25/12/2024

ĐTC Phanxicô cứu xét lời mời viếng thăm Canada

Ottawa, Ontario – Đức Tổng Giám mục Luigi Bonazzi, Sứ thần Toà Thánh tại Canada, cho biết là Đức Thánh Cha Phanxicô đang xem xét lời mời thăm Canada, nơi mà các thổ dân mong đợi ngài sẽ xin lỗi về vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc điều hành các trường nội trú của người bản địa.

 ĐTC Phanxicô cứu xét lời mời viếng thăm Canada

 

 

ĐTC Phanxicô và người dân bản địa

Ottawa, Ontario – Đức Tổng Giám mục Luigi Bonazzi, Sứ thần Toà Thánh tại Canada, cho biết là Đức Thánh Cha Phanxicô đang xem xét lời mời thăm  Canada, nơi mà các thổ dân mong đợi ngài sẽ xin lỗi về vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc điều hành các trường nội trú của người bản địa.

Vào năm ngoái, Uỷ ban Sự thật và Hoà giải của Canada được thiết lập để điều tra những điều đã xảy ra trong các trường nội trú do chính phủ tài trợ, được điều hành bởi các tổ chức của các Giáo hội, trong đó Giáo hội Công giáo điều hành khoảng 60% số trường này. Nhiệm vụ của Uỷ ban là đưa ra một thu thập các thảm kịch của các trường nội trú dành cho người bản địa và kiểm tra hậu quả của chính sách kéo dài 130 năm đã phân chia 150.000 trẻ em bản địa khỏi gia đình của các em. Uỷ ban hy vọng sẽ tạo dựng sự hoà giải giữa các thổ dân và phần còn lại của Canada. Uỷ ban đã đưa ra 94 mời gọi hành động. Một trong số này là Đức Thánh Cha sẽ xin lỗi, ngay tại đất nước Canada, về vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc điều hành các trường nội trú của người bản địa.

Marie Wilson, một thành viên của uỷ ban, đã nói trong cuộc họp báo ở Ottawa ngày 20 tháng 3: “Chúng tôi đã nghe nhiều người sống sót nói: ‘Giáo hội của tôi không xin lỗi tôi.’” 

Được hỏi là lời xin lỗi của Đức Thánh Cha có đủ không, bà nói: “Tôi chắc chắn là không đủ. Nó chỉ là một sự chuyển tiến thôi. Không có một điều gì là hoàn hảo cho mọi người, nhưng chúng tôi phải tiếp tục cố gắng.” 

Bà cũng nhận là nhiều Giám mục và các tổ chức Công giáo đã xin lỗi trong nhiều năm qua, nhưng 7.000 nhân chứng làm chứng trước Uỷ ban Sự thật và Hoà giải là họ muốn một lời đáp của toàn thể. Bởi vì Giáo hội Công giáo ở Canada bao gồm nhiều giáo phận và thực thể, một đáp trả duy nhất của Công giáo là không thể.

Cựu thủ tướng Canada cũng đã thảo luận với Đức Thánh Cha Phanxicô  về vấn đề này khi ông gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican vào năm ngoái. Chủ tịch Quốc gia của Hiệp hội các Thổ dân đã yêu cầu ông nêu vấn đề này với Đức Thánh Cha và yêu cầu ngài xin lỗi công khai.

Đáp lại lời mời gọi trong báo cáo của Uỷ ban Sự thật và Hoà giải, Hội đồng Giám mục Canada đã đưa ra một tài liệu, trong đó vạch ra các bước để hướng dẫn các Giám mục Công giáo sửa lại những sai lầm của quá khứ bằng một “dấn thân cụ thể để chữa lành những bất công kéo dài”. Các bước này bao gồm những cố gắng để đảm bảo là các tổ chức Công giáo trình bày một lịch sử chân thật về cuộc gặp gỡ với người bản địa và các tác hại của việc bỏ qua hay coi nhẹ các điều ước.

Tài liệu cũng bao gồm việc thành lập các hoạt động tương tác với các cộng đồng bản địa, là phần của đối thoại hiệp nhất và liên tôn; hành động để cải tiến các dịch vụ y tế toàn diện; khuyến khích một phương thế phục hồi công lý để chống lại tỷ lệ bị bắt giam cao nơi các cộng đồng này; ủng hộ các cuộc điều tra quốc gia về số phụ nữ bản địa mất tích và bị giết; giúp đỡ các cộng đồng người bản địa xây dựng các chương trình giáo dục để phát triển văn hoá và kinh nghiệm của họ; và các Giám mục và các lãnh đạo Công giáo kêu gọi các giáo dân suy tư về tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền của các Dân bản địa để tuyên ngôn được ủng hộ và thực hiên. 

Các Giám mục nói là không có vấn đề trong việc tái khẳng định sự ủng hộ của họ về tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc. Các ngài tuyên bố: “Tinh thần của tuyên ngôn này chỉ ra một con đường tiến tới hoà giải giữa người bản địa và những người không phải là bản địa ở Canada.” 

Hội đồng Giám mục cũng ra một tài liệu bác bỏ những ý niệm và nguyên tắc bất hợp pháp phản ánh trong học thuyết khám phá của thế kỷ 15. Học thuyết này đã được dùng để biện minh cho việc chiếm đất của người dân bản địa từ cuộc định cư ở Bắc Mỹ của người châu Âu. (Catholic News Service 05/04/2016

 
 

Hồng Thuỷ OP