25/12/2024

Chính quyền Davao, Philippin đe doạ một giám mục Tin Lành Methodist hiệp nhất

Manila – Hãng tin Asia News loan tin là chính quyền của tỉnh Cotabaco đã đe doạ Giám mục Ciriaco Francisco của Giáo hội Tin Lành Methodist Hiệp nhất ở Kidapawan, kết án ngài đã che giấu trong nhà thờ một số nông dân chạy trốn trong cuộc đụng độ hôm 1 tháng 4 vừa qua. Bà Thống đốc Emmylou “Lala” J. Talino-Mendoza đã tuyên bố trong thư gửi cho Giám mục: “Quyết định của ngài cho những người biểu tình bất hợp pháp cư trú có thể bị phạt bởi pháp luật…

 Chính quyền Davao, Philippin đe doạ một giám mục Tin Lành Methodist hiệp nhất

 

 

 

Manila – Hãng tin Asia News loan tin là chính quyền của tỉnh Cotabaco đã đe doạ Giám mục Ciriaco Francisco của Giáo hội Tin Lành Methodist Hiệp nhất ở Kidapawan, kết án ngài đã che giấu trong nhà thờ một số nông dân chạy trốn trong cuộc đụng độ hôm 1 tháng 4 vừa qua. 

Bà Thống đốc Emmylou “Lala” J. Talino-Mendoza đã tuyên bố trong thư gửi cho Giám mục: “Quyết định của ngài cho những người biểu tình bất hợp pháp cư trú có thể bị phạt bởi pháp luật. Nếu ngài không cộng tác với chúng tôi, chúng tôi buộc phải hành động chống lại ngài.”

Bạo lực đã bùng phát ngày 1 tháng 4 vừa qua sau những ngày biểu tình và chống đối của 6.000 nông dân mà phần lớn thuộc sắc tộc Lumad. Họ đã yêu cầu chính quyền can thiệp cụ thể để chống lại tình trạng hạn hán do El Nino, đã dẫn đến tình trạng đói kém, và kết án chính quyền đã không dùng đúng ngân quỹ dành trực tiếp cho việc trồng trọt. Chính quyền đã dùng các cơ quan cảnh sát chống bạo động, và kết quả của bạo lực là có 2 người chết và hàng chục người bị thương nặng.

Tình trạng hạn hán trầm trọng đang xảy ra trong vùng khi 4 tháng không có mưa, các dân tộc thiểu số không có tiền dự phòng cho những lúc không thể trồng trọt gặt hái. Họ chỉ biết cầu nguyện cho trời mưa. Trong khi đó, các chính trị gia đang chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử, có những nhóm lợi dụng cuộc biểu tình để thủ lợi nên làm cho tình hình tồi tệ hơn.

Hội đồng Giám mục Philippin đã bày tỏ đau buồn về bạo lực đã xảy ra. Đức Tổng Giám mục Socrates Villegas, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, nói: “Cái chết của một người là bi thảm, nhưng nó còn bi thảm hơn khi nó tấn công người vô tội và người nghèo, những người được yêu quý trong ánh mắt của Thiên Chúa. Chúng tôi cầu nguyện cho các nông dân của chúng ta ở Kidapawan, để họ được an nghỉ, và chúng tôi kêu gọi các gia đình của họ: đừng tìm báo thù, nhưng hãy làm việc để đối thoại.” 

Đức Tổng Giám mục cũng kêu gọi các lực lượng quân sự trở lại với sứ mệnh của họ là gìn giữ hoà bình cho đất nước chúng ta, đồng thời cũng bảo vệ những người yếu thế và phục vụ cho công lý. Các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế ở Manila đã kết án mạnh mẽ, chống lại các hành động bạo lực này. Họ nói bạo lực này là tội ác và không thể chấp nhận được; không thể đáp lại cơn đói khát của dân chúng bằng vũ khí. 

Hôm nay các nhà truyền giáo nông thôn cũng liên kết với Hội đồng Giám mục, lên án chính quyền Aquino, họ viết trong một thông cáo: “Chúng tôi tin rằng chính quyền chịu trách nhiệm cho hành động kinh khủng này. Các nông dân, bị ảnh hưởng bỏi nạn hạn hán và thúc đẩy bởi sự tuyệt vọng, họ đã kêu cầu giúp đỡ, nhưng đổi lại, điều họ nhân được là bạo lực.”

Cha Giovanni Vettoretto, thuộc Hội Truyền giáo PIME, nhận xét là trách nhiệm thuộc về các cấp chính trị đã thụ động trước nạn hạn hán được loan báo. Dân chúng đã gây sức ép từ tháng một. Ở giáo xứ của cha từ nhiều tháng nay, có hàng dài người xin giúp đỡ. Chính quyền cứ để xảy ra như thế và hy vọng nó sẽ được ổn định. Nhưng tình hình ngày càng tệ hơn, không chỉ cây cối khô héo mà cả nhà cửa cũng cháy. 

Theo cha, để giải quyết tình trạng này, cần các cấp chính trị, các tổ chức xã hội và giáo hội (không chỉ Công giáo), cùng cộng tác với nhau. Các nhà chính trị phải làm phần vụ của họ, đảm nhận đúng trách nhiệm, không trốn tránh trong phòng vệ. Còn Giáo hội có thể giữ vai trò trung gian. (Asia News 05/04/2016)


 
 

Hồng Thuỷ OP