Chúa Nhật II PS – C – 2016
Vào Năm Thánh 2000, cách đây 16 năm, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ Chúa Thương Xót để cổ vũ lòng sùng kính dựa trên các thị kiến của người nữ tu Ba Lan, Faustina Kowalska. Năm Thánh đặc biệt về Lòng Thương Xót lại càng mời gọi chúng ta tập trung suy niệm về đề tài này.
Tột đỉnh của Lòng Thương Xót
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Vào Năm Thánh 2000, cách đây 16 năm, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ Chúa Thương Xót để cổ vũ lòng sùng kính dựa trên các thị kiến của người nữ tu Ba Lan, Faustina Kowalska. Năm Thánh đặc biệt về Lòng Thương Xót lại càng mời gọi chúng ta tập trung suy niệm về đề tài này. Tuần trước chúng ta đã tìm hiểu việc gặp được Đấng Phục Sinh là phần thưởng của Lòng Thương Xót. Chúng ta đi tới tột đỉnh của Lòng Thương Xót trong Chúa Nhật này.
1. Tột đỉnh của Lòng Thương Xót là gì?
1.1. Mạc khải về Lòng Thương Xót
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông sắc Dung mạo Lòng Thương Xót, đã xác định: “Lòng Thương Xót là lời mạc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh” (số 2). “Từ trái tim của Ba Ngôi, từ mầu nhiệm cao cả và thẳm sâu nhất của Thiên Chúa, dòng chảy dạt dào của Lòng Thương Xót trào dâng và liên lỉ tuôn tràn” (số 25).
Năm 1931, thánh nữ Faustina, qua một thị kiến, đã thấy Chúa Giêsu là vua của Lòng Thương Xót, khoác áo choàng màu trắng và có các luồng ánh sáng trắng và đỏ toả ra từ cạnh sườn Người. Trong bài giảng ngày tuyên phong hiển thánh cho nữ tu Faustina, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã kể lại lời mạc khải của thánh nữ rằng: hai luồng sáng từ trái tim Chúa Giêsu tượng trưng máu và nước. Máu đỏ là từ hy lễ trên thập giá và từ quà tặng Thánh Thể. Còn nước tượng trưng cho các quà tặng từ phép Thánh Tẩy và từ Chúa Thánh Thần. Rồi Chúa Giêsu nói với thánh nữ rằng: “Con hãy bảo cho mọi người biết Ta chính là hiện thân của tình yêu và Lòng Thương Xót”.
Chính từ những thị kiến của nữ tu Faustina, cả hai vị giáo hoàng muốn nói đến trái tim của Ba Ngôi, đến tình yêu thương xót của Ba Ngôi cùng hiện diện để tuôn chảy cho chúng ta nguồn ân sủng vô bờ từ các bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể, từ cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, cũng như nguồn ơn cứu độ của Chúa Thánh Thần.
1.2. Tột đỉnh Lòng Thương Xót
Vì thế, Chúa Nhật này được chọn là Chúa Nhật Lòng Thương Xót vì các bài Thánh Kinh, nhất là bài Tin Mừng, đọc chung cho cả 3 năm ABC (x. Ga 20,19-31) mạc khải mầu nhiệm Ba Ngôi cùng tỏ Lòng Thương Xót: vào ngày Chúa Giêsu sống lại, Người hiện ra với các môn đệ và nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20,19-22).
Chỉ trong một vài câu ngắn ngủi và động tác thổi hơi đơn giản, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết về Lòng Thương Xót tột đỉnh của Chúa Cha. Ngài đón nhận chúng ta không chỉ như người con thụ động được cha nuôi dưỡng an lành trong nhà mà còn như những sứ giả của Lòng Thương Xót để sai chúng ta đi làm chứng cho Chúa Giêsu như là hiện thân của Lòng Thương Xót.
Sau khi ban Người Con Một để chịu chết thay cho ta và sống lại vì ta, Chúa Cha muốn sai chúng ta đi để làm chứng cho Lòng Thương Xót của Ngài không phải trong tư cách là những tông đồ bình thường, mà trong tư cách là con Thiên Chúa, là chính Chúa Giêsu, dung mạo của Lòng Thương Xót. Vì thế Chúa Giêsu mới thổi hơi để ban Chúa Thánh Thần cho ta và ban quyền tha tội như quyền năng chỉ dành cho một mình Thiên Chúa.
Đây là tột đỉnh của Lòng Thương Xót vì cả Ba Ngôi Thiên Chúa yêu ta, tỏ lòng thương xót đối với ta để đưa ta hoà nhập thành một với mình. Đây cũng là ước nguyện của Chúa Giêsu “Ước gì họ được nên một như chúng ta là một” (x. Ga 17,21-23). Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không hạ thấp giá trị con người chỉ vì những lỗi lầm, đau khổ, khốn cùng của kiếp người, khiến thế giới ngày nay ngại ngùng đối với Lòng Thương Xót, nhưng mang con người lên đến điểm tột đỉnh là trở thành Thiên Chúa cao sang, để gọi Thiên Chúa là “Cha” nhờ Thần Khí Chúa Giêsu ban (x. Rm 8,15-16).
2. Làm thế nào để thể hiện tột đỉnh Lòng Thương Xót?
Chúa nâng con người lên cao không phải để con người tự mãn với chính mình, hay tự hào vì mình cao cả hơn các thiên thần và các loài thụ tạo khác, nhưng là vì Chúa muốn con người chúng ta thể hiện được Lòng Thương Xót ấy cho nhau và cho muôn loài.
2.1. Không tin vào Lòng Thương Xót
Trong thế giới khoa học kỹ thuật hiện nay, con người không tin mình đã được nâng cao tột đỉnh như vậy. Họ chỉ tin vào trí óc thông minh và bàn tay chăm chỉ của mình sẽ tạo nên tất cả. Những chuyện phép lạ, thần hoá kỳ diệu bị coi là chuyện hoang đường, cổ tích thời xưa. Ngay cả nhiều linh mục, tu sĩ Công giáo hay chức sắc Kitô giáo khi đọc bài đọc I (x. Cv 5,12.16) vẫn không tin rằng “cái bóng của Phêrô phủ lên ai thì người đó được khỏi bệnh“. Họ vẫn lập luận kiểu Tôma: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25).
Vì không tin nên cho đến nay, nhiều người chúng ta vẫn sống co cụm với nhau trong góc tối căn nhà, sợ hãi từng tiếng đập cửa như các môn đệ xưa. Dù Đức Thánh Cha Phanxicô có kêu gọi “ra đi”, hay “đi ra” đến mấy ta cũng vẫn đứng im bất động vì chưa thở được Thần Khí thật sự của Chúa Giêsu. Nếu chưa tin vào Lòng Thương Xót vô bờ của Thiên Chúa thì làm sao chúng ta thể hiện được lòng thương xót trong đời sống hằng ngày?
2.2. Thể hiện tột đỉnh Lòng Thương Xót
Việc Đấng Phục Sinh hiện ra và đáp ứng những thách thức của tông đồ Tôma như mời gọi chúng ta hãy vững tin vào Lòng Thương Xót và quyết tâm ra đi theo như lệnh truyền của Người. Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta, lắng nghe những thách thức của chúng ta và sai ta đi làm chứng cho Người. Muốn hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ chứng nhân này, ta cần hai điểm sau đây:
Điểm cơ bản đầu tiên chúng ta còn thiếu là phải kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Tẩy để cùng chết với Chúa Giêsu cho tội lỗi, và trong bí tích Thánh Thể để nhận được sự sống thần linh của Người.
Điểm cơ bản tiếp theo mà chúng ta hầu như không để ý đến là làm sao thở được dồi dào Thần Khí của Chúa Phục Sinh. Trong đời sống thiêng liêng, từng giây phút sống ta cần đến Thần Khí để làm đỏ lại dòng máu tinh tuyền của Chúa Giêsu ở trong ta, như ta cần khí oxy để làm đỏ lại dòng máu đen trong buồng phổi của con người. Nếu ta thở được dồi dào Thần Khí này, việc thể hiện Lòng Thương Xót bằng những dấu lạ sẽ trở thành chuyện bình thường của người tín hữu (x. Cv 5,12), như thánh Phêrô và các môn đệ Chúa Giêsu làm thời Giáo Hội sơ khai, vì Chúa Thánh Thần sẽ ban cho ta đủ loại ân sủng của Ngài (x. 1Cr 12,4-7).
Lời kết
Xin Mẹ Maria, Người Mẹ đã cảm nhận được tột đỉnh của lòng Chúa xót thương chuyển cầu cho chúng ta để luôn gắn bó với Chúa Giêsu và thở được Thần Khí như Mẹ trong suốt cuộc đời.