23/01/2025

Chàng “vệ sĩ” của Sơn Trà

Cuối tháng 2-2016, dư luận Đà Nẵng nóng sốt bởi thông tin vụ xâm hại rừng ở bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng).

 

Chàng “vệ sĩ” của Sơn Trà

 

Cuối tháng 2-2016, dư luận Đà Nẵng nóng sốt bởi thông tin vụ xâm hại rừng ở bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng). 

 

 

 

 

Chàng “vệ sĩ” của Sơn Trà
Bùi Văn Tuấn (giữa) hướng dẫn các bạn trẻ cùng tìm hiểu về voọc chà vá chân nâu trong chương trình “Tôi yêu Sơn Trà” – Ảnh: G.V.

Một số hộ dân được giao đất trồng rừng tự ý chặt cây, mở đường gây ảnh hưởng đến không gian của loài vật có tên trong sách đỏ vốn được mệnh danh “nữ hoàng linh trưởng”: voọc chà vá chân nâu.

Sự việc được đánh động khiến cả hệ thống chính quyền TP Đà Nẵng cùng vào cuộc xử lý.

Ít ai biết rằng vụ xâm hại rừng vỡ lở từ tiếng kêu cứu trên Facebook của một thành viên tổ chức bảo vệ voọc trên bán đảo Sơn Trà. Anh là Bùi Văn Tuấn, trưởng phòng nghiên cứu khoa học Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet).

“Voọc vốn di chuyển ở trên cây chứ không xuống đất, nhưng từ khi làm đường để xe du lịch lên xuống thì những cụm rừng bị chia cắt, chúng phải xuống đất để di chuyển sang nơi khác kiếm ăn.

Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ bị săn bắt hoặc xe tông nhiều hơn. Nhiều đàn cũng nháo nhác mỗi khi có tiếng động cơ xuất hiện trong rừng, vì thế việc giáo dục ý thức của người vào rừng là rất quan trọng

Bùi văn Tuấn

Tiếng kêu cứu gửi
lên Facebook

Gặp chúng tôi, Bùi Văn Tuấn bảo mình và những anh em ở Trung tâm GreenViet đã hơn ba tháng sống trong căng thẳng.

Nói là cách đây hơn ba tháng bởi vào cuối năm 2015, khi Tuấn cùng anh em đi thực địa ghi nhận phân bố của đàn voọc ở khu vực tiểu khu 62 tình cờ phát hiện người dân chặt cây mở đường.

Vốn coi những cánh rừng Sơn Trà là nhà, Tuấn điện thoại báo ngay cho các đơn vị liên quan biết sự việc để giải quyết. Tuy nhiên vào thời điểm ấy, khu vực rừng này đang trong thời gian “giao thoa” quản lý giữa kiểm lâm và chính quyền địa phương.

TP Đà Nẵng vừa quy hoạch khu vực này về địa phương, giao đất cho dân trồng rừng làm kinh tế, sự việc xảy ra đúng thời điểm hai bên nhận bàn giao trên giấy tờ, chưa vào giai đoạn bàn giao thực địa.

“Lên xuống vài lần, đơn thư anh em cũng đã gửi đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy hồi âm thì vào những ngày sau tết lại xuất hiện lán trại kiên cố trong khu vực này. Không những vậy mà có tới hai khu vực rộng lớn gần 10ha bị chặt dây leo và cây bụi đổi từ màu xanh sang màu đỏ khiến chúng tôi không thể nào tìm thấy voọc ở đây.

Khi tôi vào đây trò chuyện với những người giữ lán trại thì được biết họ không phải người địa phương, mà chỉ là những người được thuê phát băm rừng. Họ không biết gì về khu rừng này nên nhóm bếp ngay cạnh những đống dây leo khô khiến tôi và mọi người lo xảy ra cháy rừng” – Tuấn kể.

Nghĩ rằng không thể cứ để tình trạng phá rừng này kéo dài mãi, nên Tuấn và anh em mới bàn với nhau đưa sự việc lên Facebook để đánh động mọi người cùng vào cuộc.

Những anh em GreenViet hiểu hơn ai hết việc bảo tồn thành bại tuỳ thuộc sự chung tay của cộng đồng và sự phối hợp của các bên liên quan. Một tiếng đánh động nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến nhiều người.

Để có chứng cứ xác thực, Tuấn cùng anh em lặn lội vào tận lán trại quay phim, chụp ảnh rồi mô tả toàn bộ hiện trạng khu vực này. Từ nickname Tuan GreenViet trên Facebook, thông tin được đăng tải với hàng chục bức ảnh rừng bị xâm hại khiến cư dân mạng phẫn nộ, các cấp chính quyền thấy vậy mới “nhập cuộc” xử lý.

Giám đốc các sở và lãnh đạo TP Đà Nẵng sau khi nhận được thông tin cũng đi thực địa khu trại trái phép ở đây nhiều ngày trời. Sau đó họ đã “mạnh tay” cách chức hạt trưởng, hạt phó Hạt kiểm lâm Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn cũng như luân chuyển toàn bộ kiểm lâm viên đang công tác tại đây.

Sự việc này cũng một lần nữa gióng lên hồi chuông, tác động đến việc Sở TN&MT đề nghị TP khẩn cấp thực thi các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã và đa dạng sinh học ở Sơn Trà. Đồng thời, họ đề xuất lấy voọc chà vá chân nâu làm biểu tượng đa dạng sinh học của TP và đề nghị sớm xác định diện tích, cắm mốc để quản lý chặt đối với khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà.

“Trước khi đăng câu chuyện xâm hại rừng này lên mạng, tôi cùng anh em cũng đã mổ xẻ phân tích nhiều vấn đề. Tôn chỉ hoạt động của GreenViet là bảo vệ sự đa dạng sinh học nên dù biết có thể sẽ gặp thái độ không hài lòng của nhiều người, chúng tôi không thể im miệng được.

Và quá may mắn khi biết tin, chính quyền đã hành động quyết liệt. Sau sự việc này, rừng Sơn Trà đã có thêm những người bạn, còn chúng tôi có thêm bạn đồng hành chung sức bảo vệ bầy voọc” – Tuấn nói.

Có điều mà chính Tuấn và những thành viên trong nhóm không thể ngờ được là sự việc ấy tình cờ “tiếp lửa” những chiến dịch truyền thông lớn về đa dạng sinh học ở Sơn Trà mà cả nhóm đang hướng tới.

Gọi người đến với… voọc

Mới 30 tuổi, Tuấn đã có gần chục năm gắn bó với voọc chà vá chân nâu. Đến bây giờ, những cánh rừng ở đây đã in đầy dấu giày của Tuấn và đồng nghiệp, từ những dấu chân trên con đường gồ ghề đá sỏi của thời sinh viên đến khi làm cho một tổ chức bảo vệ môi trường.

Sinh ra tại Quảng Nam và chọn những con voọc chà vá chân nâu ở rừng Đà Nẵng để yêu, Tuấn bảo đó là duyên nợ bởi trước đây anh chưa từng nhìn thấy loài vật quý hiếm này.

Năm 2007, khi đang là sinh viên năm 2 ngành sinh – môi trường của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Tuấn làm quen với voọc chà vá chân nâu qua khóa tập huấn của Hội Động vật học Frankfurt – Đức.

“Lúc đó dù voọc chà vá chân nâu đã có tên trong sách đỏ ở danh mục nguy cấp cấm săn bắn giết hại, nhưng ngay tại TP Đà Nẵng vẫn rất ít người biết đến nó. Khi thực hiện đề tài nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái học và phân bố của quần thể voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà, tôi khảo sát 10 người thì quá nửa còn chưa nghe tới tên loài này.

Khi tìm hiểu, tôi biết rằng trên thế giới này chỉ có tại Sơn Trà người ta mới có cơ hội được ngắm voọc chà vá chân nâu ở một khoảng cách gần và dễ dàng như thế. Vậy mà thỉnh thoảng vẫn có thông tin voọc bị giết hại nấu cao dưới chân núi.

Rõ ràng nếu chúng ta không giữ được đàn voọc thì mai này lên núi Sơn Trà cũng giống như lạc vào vườn keo lá tràm, chẳng còn gì thú vị” – Tuấn nhớ lại.

Nhiều tháng ròng lội rừng nghiên cứu, cậu sinh viên ngày ấy “thường trú” luôn ở Sơn Trà. Những nơi trú ngụ của bầy voọc, giờ ăn, ngủ… của chúng đều được Tuấn ghi nhớ.

Đề tài mới mẻ của Tuấn và một người bạn được đánh giá cao với giải nhì ở hội thi Sinh viên nghiên cứu khoa học của ĐH Đà Nẵng và được tham gia báo cáo tại một hội nghị linh trưởng khu vực Đông Dương.

Ra trường, Tuấn lại chân ướt chân ráo theo lời mời của một người anh cùng khóa lên Tây nguyên tìm hiểu về voọc chà vá chân nâu. Hơn hai năm miệt mài với những chuyến thực địa dài ngày theo dấu loài thú này đã giúp Tuấn mở mang thêm thật nhiều kiến thức mà không sách vở nào dạy được.

Tới năm 2012, Tuấn lại quay về Đà Nẵng theo lời “rủ rê” của anh em đồng khoa vừa thành lập trung tâm GreenViet. Tuấn bảo muốn thử sức cho một mô hình bảo tồn “thuần Việt”, theo cách tập hợp những bạn trẻ tâm huyết với việc nghiên cứu và phổ biến các giá trị của đa dạng sinh học đến cộng đồng. Lúc bấy giờ, những chuyến rong ruổi trên Sơn Trà của Tuấn không chỉ để ngắm, để ghi chép về bầy voọc mà còn kiêm thêm nhiệm vụ ghi hình phục vụ mục tiêu lan toả giá trị của loài vật này.

“Lúc bấy giờ, núi Sơn Trà không còn hoang vu như trước. Đường chính đã được thảm bêtông, nhưng lũ voọc thì thưa dần vì nhiều khách du lịch lấn sâu vào khu trú ngụ của chúng. Để săn được những tấm ảnh về voọc sinh hoạt một cách tự nhiên nhiều khi phải mất nhiều giờ nguỵ trang trong lãnh địa của chúng” – Tuấn giải thích.

Từ những bức ảnh “độc” ban đầu về cảnh sinh hoạt của voọc chà vá chân nâu của Tuấn được trưng bày trong triển lãm, đến nay tại TP Đà Nẵng đã có nhiều dân chơi ảnh cùng đến với voọc. Thậm chí những triển lãm ảnh về Đà Nẵng gần đây đã chuyển dần từ đề tài phố, thị sang… voọc.

Chàng “vệ sĩ” của Sơn Trà
Bùi Văn Tuấn trong rừng Sơn Trà – Ảnh: G.V.

Các ý tưởng bảo vệ Sơn Trà

Với mục tiêu tới năm 2020, 100% người dân Đà Nẵng đều biết rõ về voọc chà vá chân nâu, nhiều năm nay Tuấn và cộng sự ở GreenViet đã có nhiều ý tưởng kêu gọi bảo tồn – bảo vệ Sơn Trà.

Đó là phiên bản “Tôi yêu Sơn Trà 3.0” kêu gọi bạn trẻ đi thăm voọc vào dịp cuối tuần. Tuấn cùng những đồng nghiệp ở GreenViet trực tiếp hướng dẫn kỹ năng cho mọi người khám phá thế giới của loài voọc (miễn phí).

Sau hơn ba năm thực hiện, đã có hàng trăm lượt bạn trẻ tìm đến với loài vật quý hiếm này và ký cam kết thực hiện bảo tồn.

Ngoài ra, Tuấn cũng tham gia điều hành chiến dịch “Sơn Trà xanh” thực hiện hình thức du lịch nhặt rác, vận động hàng trăm lượt bạn trẻ chung tay giữ gìn môi trường Sơn Trà, vận động cơ quan xí nghiệp tặng hàng trăm túi tự huỷ thân thiện với thiên nhiên.

Tết Bính Thân vừa qua, từ ý tưởng của Tuấn, hơn 55.000 phong bao lì xì kêu gọi bảo tồn voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà đã được phát cho người dân, cán bộ và du khách ở Đà Nẵng.

ĐOÀN CƯỜNG – TRƯỜNG TRUNG