05/11/2024

Trung Quốc xả đập vẫn khó đẩy lùi mặn

Tại buổi tọa đàm sáng 1-4 về vấn đề hạn mặn đang diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL, PGS.TS Lê Anh Tuấn, mực nước xả tại đập Cảnh Hồng không thể đẩy mặn cho ĐBSCL.

 

Trung Quốc xả đập vẫn khó đẩy lùi mặn

 

Tại buổi tọa đàm sáng 1-4 về vấn đề hạn mặn đang diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL, PGS.TS Lê Anh Tuấn, mực nước xả tại đập Cảnh Hồng không thể đẩy mặn cho ĐBSCL.

 

 

 

 

Trung Quốc xả đập vẫn khó đẩy lùi mặn
Một đoạn sông Mekong (Lan Thương) chảy trên đất Trung Quốc – Ảnh:the diplomat.com

Tại buổi tọa đàm, thạc sĩ Kỷ Quang Vinh (Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ) cho biết mực nước đo được tại Tân Châu (An Giang) hiện nay là 400m3/giây, so với thời điểm bình thường hằng năm thì không bằng phân nửa. Vì vậy, theo ông, “nói nước từ thượng nguồn về để đẩy mặn thì cần nghiên cứu thêm”.

Liên quan việc Trung Quốc xả đập thủy điện, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết theo số liệu mới nhất được Trung tâm khí tượng thuỷ văn cung cấp ngày trước đó cho thấy mực nước hiện nay tại Tân Châu đang giảm, nhưng lưu lượng hơi tăng.

Ông Tuấn phân tích ảnh hưởng thuỷ triều, có thể triều rút làm lưu lượng tăng lên chứ không phải do ảnh hưởng của việc xả đập thủy điện.

“Theo tính toán của tôi, mực nước xả tại đập Cảnh Hồng không thể đẩy mặn cho ĐBSCL. Hiện 50% vùng ĐBSCL đã ảnh hưởng mặn, nếu giảm mặn một nửa cần một lưu lượng ít nhất 10.000m3/s, mà việc xả đập thuỷ điện Trung Quốc chỉ khoảng 2.100m3/s thì không ăn thua” – ông Tuấn nhận định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thông báo tháng 4 sẽ có nước ngọt vì chân triều rút, ông Tuấn cho rằng chi cục thuỷ lợi các địa phương cần chủ động khảo sát nắm bắt tình hình để có hướng dẫn bà con nông dân một cách phù hợp.

Ông Tuấn lưu ý tránh tình trạng người nông dân nghe “có nước” là sạ lúa rồi sau đó bị thiệt hại nặng.

Khô hạn tại các nước dọc sông Mekong

Thái Lan

Theo trang Coconuts, do tình trạng hạn hán kỷ lục trong hơn 20 năm, vào dịp tết cổ truyền Songkran mừng năm mới năm nay của người Thái Lan (đã được rút từ bốn ngày xuống còn ba ngày: 12 đến 14-4), chính quyền Bangkok đã thực hiện một loạt giải pháp tiết kiệm nước trong lễ té nước truyền thống của lễ hội Songkran.

Theo đó, chính quyền Bangkok kêu gọi người dân dùng các bình xịt nước thay vì súng nước để tiết kiệm nước, và thời gian phun nước cũng chỉ được phép kéo dài tới 9g tối. Các loại súng nước cỡ lớn đã bị cấm bán.

Theo Thaivisa, hạn hán vẫn đang kéo dài tại nhiều tỉnh ở Thái Lan khi mực nước của sông Chao Phray đang thấp dần.

Tại tỉnh Ang Thong, chính quyền địa phương đang khẩn trương nạo vét nhiều con kênh dẫn các nguồn nước tự nhiên vào hồ Bueng Klip Mek để chống hạn.

Hàng trăm hộ gia đình ở Tambon Khlong Wua và các khu vực gần đó đã phải sử dụng các nguồn nước tự nhiên này trong sinh hoạt.

Ngày 28-3, Trung tâm mưa nhân tạo hoàng gia Thái Lan đã điều động các máy bay tạo mưa để giải quyết tình trạng hạn hán đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới 22/76 tỉnh của nước này. Thái Lan từng làm mưa nhân tạo từ những năm 1960.

Campuchia

Hiện tại, gần như tất cả các tỉnh ở Campuchia đều đang đối mặt với hạn hán ở những cấp độ khác nhau, tuy nhiên chỉ một vài tỉnh rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Theo Phnompenhpost, khoảng 4.000 người dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, tại huyện Keo Seima của tỉnh Mondulkiri đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt sau khi Công ty cấp nước Bor Poch địa phương thông báo tạm dừng cấp nước do tình trạng khô hạn trên diện rộng.

Theo Washington Post, mực nước trên sông Tonle Sap đoạn chảy qua cung điện hoàng gia ở thủ đô Phnom Penh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm.

Các đập thủy điện của Trung Quốc đã khiến tình trạng hạn hán nghiêm trọng hơn

Theo Washington Post, mặc dù nhiều ý kiến lý giải tình trạng hạn hán và hạn mặn nghiêm trọng tại các nước như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan hiện nay là do hiện tượng El Nino vốn gây thời tiết khô hơn và nóng hơn bình thường trên toàn cầu, tuy nhiên các nhà hoạt động môi trường và một số quan chức chính phủ các nước cho rằng tình trạng này trở nên tồi tệ hơn với 10 đập thuỷ điện xây dựng trong hai thập kỷ qua trên lưu vực chính sông Mekong, trong đó phần lớn của Trung Quốc.

Tờ Bangkok Post cho biết Trung Quốc đã hoàn thành 6/15 đập thủy điện trong kế hoạch xây dựng của họ.

Bà Kundhavi Kadiresan, trợ lý tổng giám đốc Tổ chức Lương nông của Liên Hiệp Quốc,  cho rằng hiện tượng El Nino là một nguyên nhân lớn gây hạn hán, nhưng “các đập thuỷ điện dọc sông Mekong có thể và chắc chắn gây ra một số vấn đề”.

Hiện đang có thêm nhiều đập thủy điện nữa có kế hoạch xây dựng trên sông Mekong, trong đó có của Trung Quốc và của Lào.

Trên báo Bangkok Post, phó giáo sư Thitinan Pongsudhirak của Đại học Chulalongkorn, Thái Lan có bài bình luận chi tiết về âm mưu “thâu tóm nước” song song với âm mưu thâu tóm đảo của Trung Quốc ở Biển Đông và chỉ ra những hậu quả của việc này.

Theo đó, phó giáo sư Thitinan Pongsudhirak cho rằng với các nước ở Đông Nam Á chia sẻ dòng Mekong, Trung Quốc đã đơn phương thao túng quyền lực chính trị của họ thông qua việc khai thác lợi thế về địa lý và thao túng nguồn nước tự nhiên thông qua một loạt đập thủy điện xây dựng ở thượng lưu sông Mekong.

Khi các nước hạ lưu sông Mekong gánh chịu đợt hạn kỷ lục trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc làm ra vẻ tốt bụng xả lũ ở đập Cảnh Hồng từ ngày 15-3, một phần để nhằm “bôi trơn” cho hội nghị thượng đỉnh hợp tác Lan Thương – Mekong (LMC) cùng với sáu nhà lãnh đạo của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Theo đó, phó giáo sư Thitinan Pongsudhirak cho rằng mặc dù việc xả nước của Trung Quốc là giải pháp tạm thời với các nước hạ lưu sông Mekong, nhưng nó cũng là điềm báo cho thấy sự lệ thuộc của những nước này vào sự hào phóng và hữu nghị của Trung Quốc.

D.KIM THOA

CHÍ QUỐC