23/01/2025

Chưa được phép vẫn ủi tan hoang rừng làm thuỷ điện

Rừng phòng hộ khu tây Ba Tơ quản lý, Tuổi Trẻ ghi nhận cảnh hoang tàn của nhiều diện tích rừng đã bị san ủi trái phép.

 

Chưa được phép vẫn ủi tan hoang rừng làm thuỷ điện

 

 

Rừng phòng hộ khu tây Ba Tơ quản lý, Tuổi Trẻ ghi nhận cảnh hoang tàn của nhiều diện tích rừng đã bị san ủi trái phép. 

 

 

 

 

 

Chưa được phép vẫn ủi tan hoang rừng làm thủy điện
Một mảng rừng bị xé toạc từ đất rừng tự nhiên sản xuất đến rừng phòng hộ – Ảnh: Trần Mai

 

 

Dù chưa được UBND tỉnh Quảng Ngãi đồng ý cho phép chuyển đổi các diện tích rừng phòng hộ, rừng tự nhiên để xây dựng các hạng mục phụ trợ nhưng chủ đầu tư thuỷ điện Đắk Re (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) đã “chủ động” đưa máy móc vào san ủi, khiến một diện tích rừng phòng hộ tan hoang.

Lo rừng bị phá, chủ rừng là ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ khu tây huyện Ba Tơ đã cử lực lượng kiểm lâm canh gác theo dõi để ngăn máy móc vào thi công thủy điện.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã cho tạm dừng thi công, kiểm tra làm rõ các sai phạm của Công ty CP Thiên Tân – chủ đầu tư thuỷ điện Đắk Re.

Ngổn ngang rừng phòng hộ

Có mặt tại lô rừng tự nhiên nằm ở khoảnh 8,9 – tiểu khu 411 – do BQL rừng phòng hộ khu tây Ba Tơ quản lý vào ngày 31-3, Tuổi Trẻ ghi nhận cảnh hoang tàn của nhiều diện tích rừng đã bị san ủi trái phép.

Nhiều cây gỗ ở rừng tự nhiên bị triệt hạ, đơn vị thi công không tổ chức tận thu mà ủi hết xuống taluy âm trộn lẫn trong đất đá, gây ảnh hưởng đến diện tích rừng xung quanh.

Một dòng suối chảy giữa khu rừng rậm cũng bị san lấp, cây cối ngã đổ ngổn ngang, nhiều thân gỗ lớn nằm bật gốc. Tại đây nhiều xe cơ giới đang nằm trên công trường đợi thi công trở lại sau khi bị tỉnh Quảng Ngãi phát hiện việc san ủi rừng trái phép.

Trước đó, báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho thấy trong quá trình thi công thủy điện Đắk Re, chủ đầu tư là Công ty CP Thiên Tân đã xâm hại rừng phòng hộ của dự án JICA 2 nằm trong lâm phần của BQL rừng phòng hộ Ba Tơ, làm vùi lấp nhiều cây rừng tự nhiên, sau khi san ủi đơn vị thi công cũng không tổ chức thu gom và bảo quản số cây gỗ rừng gãy đổ.

Nghiêm trọng hơn, cho đến thời điểm san ủi, hồ sơ thủ tục pháp lý liên quan đến dự án vẫn chưa đầy đủ. Lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết quá trình khảo sát, đơn vị chức năng còn phát hiện Công ty Thiên Tân đã thi công tuyến đường công vụ vào nhà máy và nhiều hạng mục khác trong lâm phần rừng trồng phòng hộ dự án JICA 2 không đúng với thiết kế được phê duyệt.

Ông Nguyễn Trọng – giám đốc BQL rừng phòng hộ khu tây huyện Ba Tơ – bức xúc cho biết đã không được Công ty Thiên Tân báo cáo khi san ủi để làm thủy điện. “Trước khi đưa máy móc vào, chủ đầu tư phải cung cấp cho chúng tôi hồ sơ thủ tục liên quan, đằng này họ không đưa ra một mẩu giấy tờ nào nhưng vẫn vào san ủi rừng phòng hộ làm đường đi” – ông Trọng nói.

Theo ông Trọng, do lo lắng rừng bị xâm phạm, BQL đã nhiều lần yêu cầu đình chỉ thi công thủy điện Đắk Re, báo cáo khẩn đề nghị cấp trên can thiệp. Thậm chí, BQL rừng phòng hộ Ba Tơ còn tính chuyện lập một barie và cử kiểm lâm theo dõi 24/24 giờ các động tĩnh trong quá trình thi công.

Tương tự, lãnh đạo huyện Ba Tơ và xã Ba Xa cũng cho biết không hề được Công ty Thiên Tân thông báo trước khi đưa máy móc vào san ủi các diện tích rừng chưa được tỉnh đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tạm dừng thi công, 
chờ kiểm tra xử lý

Thủy điện Đắk Re nằm trên địa bàn xã Hiếu (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) và xã Ba Xa (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi), có công suất lắp máy 60MW, vốn đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng và dự kiến nhà máy phát điện từ đầu năm 2017.

Theo ông Hoàng Hà Thanh Hải – chủ tịch UBND xã Hiếu, thuỷ điện Đắk Re gây ảnh hưởng hơn 160ha đất rừng sản xuất của xã, hiện đơn vị thi công đã tiến hành san ủi một con đường nhỏ từ vùng dân cư đi qua rừng vào đến khu vực thi công các hạng mục của 
dự án.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lân – chủ tịch UBND huyện Kon Plông – cho biết ngoài diện tích đất rừng, thủy điện Đắk Re cũng có tác động đến diện tích rừng phòng hộ.

“Hiện nay các trình tự thủ tục liên quan đến dự án này chủ đầu tư đã cơ bản làm xong, chúng tôi cũng đã yêu cầu kiểm lâm, các lực lượng chức năng kiểm tra giám sát vì khu vực triển khai thuỷ điện trong vùng nhiều rừng” – ông Lân nói.

Một cán bộ của dự án phát triển quỹ cácbon cộng đồng REED+ Kon Tum (đặt tại xã Hiếu) cũng cho biết trước khi dự án thuỷ điện Đắk Re triển khai, rừng ở khu vực lòng hồ và lân cận còn rất dày.

Từ khi thủy điện triển khai, một con đường độc đạo kéo dài 4-5km đi qua rừng nguyên sinh cũng được mở ra, không chỉ diện tích rừng bị ngập mà ở vùng ven lòng hồ, người dân đã kéo nhau vào rừng chặt phá rừng, biến đất rừng thành đất nương rẫy để đòi đền bù.

“Tình trạng phá rừng do ảnh hưởng từ dự án là rất nghiêm trọng trong khi xã Hiếu là địa phương đầu nguồn, một trong những xã có hệ rừng tự nhiên phong phú bậc nhất của Kon Tum” – cán bộ này nói.

Liên quan đến những sai phạm trong quá trình thi công thuỷ điện Đắk Re, ngày 31-3 UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định đình chỉ thi công, buộc Công ty Thiên Tân phải phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm kê toàn bộ diện tích đã san ủi để tỉnh có cơ sở xử lý.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết sau khi có kết quả xử lý của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Công ty Thiên Tân phải tiến hành hoàn tất thủ tục pháp lý, khi được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền, nộp xong tiền trồng rừng thay thế đối với các diện tích rừng đã bị ảnh hưởng từ dự án thì mới được thi công trở lại.

“San ủi ở các diện tích phát sinh”

Ông Huỳnh Kim Lập – chủ tịch HĐQT Thiên Tân Group – cho biết các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án thuỷ điện Đắk Re đã hoàn tất với tỉnh Kon Tum, riêng tại Quảng Ngãi có một số hạng mục phát sinh, công ty đang làm việc với các cơ quan chức năng để hoàn tất các thủ tục pháp lý.

Ông Lập thừa nhận dự án nằm trong vùng nhạy cảm, có tác động đến rừng. Ngoài diện tích rừng phòng hộ ở Quảng Ngãi, thuỷ điện Đắk Re cũng ảnh hưởng đến rừng phòng hộ ở Kon Tum và đã được cho phép chuyển đổi. “Các diện tích mà chúng tôi san ủi trước khi được tỉnh cho phép đó là các diện tích nằm ở các hạng mục phát sinh” – ông Lập nói.

TRẦN MAI – THÁI BÁ DŨNG