Bộ trưởng nói “đa số thực phẩm là an toàn”: Thật khó tin
Nếu thực phẩm an toàn, vì sao ngộ độc lại xảy ra thường xuyên và ung thư tại VN lại nhiều đến vậy?
Bộ trưởng nói “đa số thực phẩm là an toàn”: Thật khó tin
Nếu thực phẩm an toàn, vì sao ngộ độc lại xảy ra thường xuyên và ung thư tại VN lại nhiều đến vậy?
Ảnh: TTXVN |
Khó tin! Không có cơ sở để khẳng định thực phẩm an toàn, bởi hằng ngày các cơ quan chức năng vẫn phát hiện thực phẩm bẩn.
Nhiều người dân cũng như các chuyên gia và đại biểu Quốc hội đã phản ứng như trên về phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trước Quốc hội ngày 1-4: “Đa số thực phẩm an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác tất cả không an toàn”.
Chỉ mới tập trung vào chỉ tiêu hoá học
Trao đổi với chúng tôi, GS Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT, Úc) cho rằng một loại nông sản được coi là sạch, an toàn khi đảm bảo ba tiêu chí là không có tồn dư hoá chất vượt ngưỡng cho phép (chỉ tiêu hoá học), không có vi sinh vật gây hại vượt ngưỡng và không có các vật cứng, nhọn gây hại cho người sử dụng (các thành phần vật lý).
Trong khi đó, báo cáo của Bộ NN&PTNT chỉ mới tập trung vào một thành phần là các chỉ tiêu hoá học.
Thực tế cho thấy đang có sự khác biệt giữa tuyên bố của Bộ trưởng Cao Đức Phát với niềm tin của người tiêu dùng. Bởi hằng ngày người dân vẫn nhận được thông tin về sử dụng hoá chất quá mức trong trồng rau, trái cây, hoá chất cấm trong nuôi heo, nuôi gà.
“Nếu thực phẩm an toàn đến mức đó, tại sao số vụ ngộ độc tập thể lại liên tiếp diễn ra?” – ông Vọng thắc mắc.
Cũng theo ông Vọng, cần xem xét lại quy trình lấy mẫu kiểm tra của Bộ NN&PTNT. Bởi nếu tập trung lấy mẫu ở siêu thị hay các mô hình đã đạt chuẩn như VietGAP, đương nhiên kết quả sẽ đẹp.
Hơn nữa, nếu chỉ tập trung lấy mẫu trong các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi để cho thấy thực phẩm an toàn thì cần lưu ý rằng thực phẩm tại kênh bán lẻ hiện đại nói trên mới chỉ chiếm 15% tổng tiêu thụ của toàn bộ thị trường.
“Tức là còn tới 85% nông sản được tiêu thụ tại các chợ truyền thống chưa được kiểm soát” – ông Vọng nói.
“… Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn… |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu tại Quốc hội ngày 1-4 |
Ảnh: Võ Văn Thành |
“Tôi nghĩ tình hình khác hẳn với những gì mà Bộ trưởng Cao Đức Phát nói. Theo tôi, cần phải xem lại cách lấy mẫu của Bộ NN&PTNT |
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – nguyên thứ trưởng Bộ Thuỷ sản |
Một chuyên gia ngành nông nghiệp cũng có cùng quan điểm khi cho rằng tại các quốc gia phát triển, nông sản thực phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ tức là phải sạch, được sản xuất theo một quy trình có kiểm soát.
Trong khi VN lấy chuẩn nào để nói rằng phần lớn nông sản đưa ra thị trường là an toàn? Nếu lấy chuẩn là nông sản đạt chứng nhận VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt của VN do Bộ NN&PTNT ban hành), con số thực tế lại trái ngược hoàn toàn với báo cáo.
Bởi đến nay, trong số 1 triệu ha đất trồng rau củ, có chưa đến 1% đạt chuẩn VietGAP.
“Nếu coi VietGAP là tiêu chuẩn tạo ra nông sản an toàn, còn có đến 99% nông sản làm ra chưa đạt chuẩn này. Chưa kể còn có những tiêu cực trong quá trình cấp tiêu chuẩn này nữa” – vị này khẳng định. Chưa hết, tỉ lệ trang trại đạt chứng nhận VietGAP trong chăn nuôi còn thấp hơn trồng trọt.
“Hai năm qua Bộ y tế cho nhập khẩu trên 9 tấn chất tạo nạc (salbutamol) nhưng đến nay các cơ quan chức năng không biết số thuốc ấy đi đâu, dùng vào mục đích gì thì làm sao người dân yên tâm được” – vị này khẳng định.
“Nếu thực phẩm an toàn như ông bộ trưởng nói thì heo ăn chất cấm, rau có chứa thuốc trừ sâu đã đi đâu? |
Chị Vân Kiều (quản lý một trường mầm non Ở Q.3, TP.HCM) |
“Tôi không tin chuyện đa số thực phẩm an toàn như Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nói, ông ấy có phải đi chợ như chúng tôi đâu! |
Chị Nguyễn Kim Oanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) |
Cứ kiểm tra là phát hiện thực phẩm bẩn
Trong khi Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định “đa số thực phẩm an toàn”, người tiêu dùng tại TP.HCM hiện vẫn đang bị bao vây bởi thực phẩm bẩn, bởi cơ quan chức năng liên tục phát hiện nông sản thực phẩm có chứa chất gây tổn hại đến sức khoẻ.
Một cán bộ Chi cục Thú y TP.HCM thừa nhận tình hình kinh doanh, vận chuyển thịt bẩn vào TP.HCM tiêu thụ thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm.
“Ngoài việc ngụy trang để “lọt” qua các chốt kiểm tra, các đối tượng kinh doanh thịt bẩn “chuyển hướng” vận chuyển qua đường cao tốc để trốn tránh kiểm dịch” – vị này nói.
Ngày 2-4, UBND Q.3 (TP.HCM) cho biết vừa ra quyết định đình chỉ hoạt động của Công ty TNHH Bính Hạnh, đồng thời xử phạt ông Nguyễn Xuân Bính (tổng giám đốc công ty) gần 300 triệu đồng do kinh doanh sản phẩm động vật không giấy chứng nhận kiểm dịch, sử dụng hoá chất không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, sử dụng sản phẩm động vật bị nhiễm khuẩn vượt mức giới hạn.
Trước đó, Chi cục Thú y TP phối hợp với các cơ quan chức năng bắt quả tang ông Bính đang tổ chức cho công nhân ngâm tẩm hoá chất, huyết bò và nước để “phù phép” thịt heo nái thành thịt bò trước khi tung ra thị trường tiêu thụ.
Tại thời điểm kiểm tra, công ty có 2.044kg thịt heo nái (có 865kg thịt đã ngâm hoá chất), đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện hai bọc nilông đựng bột hoá chất metabisulfite, không được phép dùng để bảo quản thịt, được ông Bính mua từ chợ Kim Biên (Q.5) để ngâm giúp thịt heo tươi lâu và khử mùi.
Theo ông Bính, việc biến thịt heo nái thành thịt bò thực hiện từ đầu tháng 11-2015. Mỗi ngày, công ty nhập khoảng 600kg thịt heo do mối hàng ở Đồng Nai giao đến bằng xe máy.
Thịt heo nái nguyên mảng được cắt từng khối nửa ký hoặc cắt lát mỏng ngâm vào một dung dịch với tỉ lệ: 100g hoá chất metabisulfite – 6 lít huyết bò – 56 lít nước lọc. Ngâm khoảng 15 phút, số thịt này đưa vào kho bảo quản, phân phối tại nhiều quán phở bò ở TP.HCM.
Kết quả xét nghiệm cho thấy ngoài việc nhiễm vi sinh vượt mức quy định, tất cả các mẫu xét nghiệm đều chứa hoá chất metabisulfite.
Chỉ trong vòng hơn một tuần (từ 22 đến 30-3) ra quân xử phạt tại khu vực đường dẫn vào cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cơ quan chức năng phát hiện 23 trường hợp vận chuyển sản phẩm động vật bẩn, tổng số tiền xử phạt trên 80 triệu đồng.
Điển hình ngày 26-3, đoàn liên ngành phòng chống dịch phối hợp với Đội CSGT Cát Lái (Công an TP.HCM) kiểm tra xe tải chở 37 con heo vào TP.HCM giết mổ, kết quả xét nghiệm cho thấy toàn bộ số heo này đều dương tính với virút lở mồm long móng.
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, trong quý 1-2016 cơ quan này phát hiện và xử phạt 622 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, với số tiền thu phạt trên 1,8 tỉ đồng, tiêu huỷ hàng trăm con heo cùng hàng tấn thịt heo, bò, dê, phụ phẩm trâu bò, sản phẩm chế biến, chưa kể hàng ngàn con gia cầm và sản phẩm gia cầm các loại.
Đặc biệt, cơ quan này đã xử phạt vi phạm 23 trường hợp kinh doanh không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm với số tiền trên 80 triệu đồng, trong đó có 17 trường hợp kinh doanh thịt heo bị bơm nước.
Kiểm tra 451 lô heo tại chín cơ sở giết mổ trên địa bàn, phát hiện 37 lô heo dương tính với chất cấm nhóm beta-agonist, xử lý vi phạm hành chính 28 trường hợp giết mổ động vật chứa chất cấm với số tiền phạt gần 400 triệu đồng.
Phù phép thịt trâu thành thịt bò
Trạm thú y huyện Củ Chi, TP.HCM cho biết đã chuyển hồ sơ vụ kinh doanh trái phép thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Thuỷ (ấp Trạm Bơm, xã Tân Phú Trung, Củ Chi) cho Chi cục Thú y TP.HCM xử lý sau khi đã xử phạt hành chính. Rạng sáng 2-4, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Củ Chi kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Thuỷ, phát hiện chứa 2.207kg thịt trâu đông lạnh Ấn Độ đựng trong các kiện hàng. Ngoài ra, phát hiện thêm 8 bịch huyết tươi của heo trọng lượng 5kg dùng trét lên thịt trâu để bán… cho tươi. Theo Trạm thú y Củ Chi, việc kiểm tra còn phát hiện mặc dù trên giấy tờ nhãn mác ghi thịt trâu nhưng bà Thủy đã thuê người “phù phép” thành thịt bò bán tại chợ Tân Phú Trung (Củ Chi) và các quán ăn để hưởng chênh lệch. |