23/01/2025

TP.HCM lo giữ nguồn nước ngọt

Tại TP.HCM có nơi nước ngọt ngày một ít đi, trở nên khan hiếm; có đoạn sông nước nhiễm mặn, ô nhiễm hoành hành, gây nên nhiều lo ngại…

 

TP.HCM lo giữ nguồn nước ngọt

 

Tại TP.HCM có nơi nước ngọt ngày một ít đi, trở nên khan hiếm; có đoạn sông nước nhiễm mặn, ô nhiễm hoành hành, gây nên nhiều lo ngại… 

 

 

 

 

TP.HCM lo giữ nguồn nước ngọt
Nhân viên Nhà máy nước Thủ Đức kiểm tra chất lượng nước sau khi xử lý của nhà máy – Ảnh: Quang Khải

Diễn biến này đặt TP.HCM với khoảng 10 triệu dân trước đòi hỏi phải gìn giữ chất lượng nước cho phát triển bền vững.

Những ngày giữa tháng 3 năm nay, trạm bơm Hòa Phú trên sông Sài Gòn – lấy nước thô cho Nhà máy nước Tân Hiệp công suất 300.000m3/ngày – phải ngưng lấy nước nhiều lần, mỗi lần kéo dài trong nhiều giờ.

Nguyên nhân do nước dưới sông mặn đến ngưỡng không hút được nữa. Nhà máy nước Bình An lấy nguồn trên sông Đồng Nai (gần chân cầu Đồng Nai) cũng rơi vào tình cảnh tương tự – nước mặn ở mức không thể hút vào nhà máy.

Phụ thuộc các hồ chứa thượng nguồn

ThS Đào Thu Hà – giám đốc Trung tâm chất lượng nước môi trường, Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam – cho biết qua số liệu đo mặn có thể nhận định thời gian không bị ảnh hưởng mặn tại Cát Lái trên sông Đồng Nai chỉ có ba tháng mùa mưa là từ tháng 7 đến hết tháng 9.

Đồng thời trở lại số liệu ghi nhận trong quá khứ, so với năm 2014 tại khu vực Cát Lái đỉnh mặn năm 2015 cao hơn và thời gian mặn xâm nhập cũng kéo dài hơn. Còn diễn biến mặn tại Phú An trên sông Sài Gòn cũng tương tự, đỉnh mặn cao và thời gian xâm nhập mặn dài hơn.

Theo ThS Lê Ngọc Quyền – giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ, đối với TP.HCM, Đồng Nai, việc xâm nhập mặn không hoàn toàn do ảnh hưởng triều Biển Đông mà lệ thuộc rất nhiều vào điều tiết của các hồ chứa ở thượng nguồn sông Sài Gòn – Đồng Nai. Theo ông, lượng nước về các hồ chứa thượng nguồn hệ thống sông này thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 25-40%.

Phân tích cụ thể hơn, ông Quyền nhấn mạnh mực nước ở các hồ chứa rất thấp, đến hết mùa lũ năm 2015 mực nước tại hai hồ Trị An và Thác Mơ vẫn chưa tích được đến mực nước dâng bình thường (hồ Trị An là 62m, hồ Thác Mơ 218m). Chính vì vậy, việc xả nước đẩy mặn không đảm bảo. Cũng vì thế, mùa khô năm 2015 – 2016 mặn xâm nhập sâu và sớm vào hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai.

Trả lời câu hỏi tại sao xâm nhập mặn ngày càng nặng như vậy, các nhà chuyên môn của Trung tâm chất lượng nước môi trường Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam cho rằng có hai vấn đề mấu chốt. Theo đó, do suy giảm nguồn nước phía thượng lưu các hồ, làm ảnh hưởng dòng chảy ngầm bổ sung cho các con sông và hồ chứa vào mùa khô. Bên cạnh đó là thay đổi đặc tính mưa do biến đổi khí hậu, cần được nghiên cứu chuyên sâu hơn để xác định mức độ ảnh hưởng.

Cần lời giải trước mắt và lâu dài

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) ký hợp đồng xả nước đẩy mặn với Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng, Phước Hoà hằng năm nhưng vì sao độ mặn trên sông Sài Gòn vẫn ở mức cao?

Đại diện Sawaco cho biết do nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng có hạn, tích trữ bằng 70-80% so với trung bình các năm trước nên nguồn nước không đủ đẩy mặn. “Nhu cầu cần xả 50-60m3 nhưng nước hồ Dầu Tiếng chỉ xả 20-30m3 nên không đẩy hết mặn trên sông Sài Gòn” – một lãnh đạo Sawaco cho biết.

Giải quyết vấn đề xâm nhập mặn có lối ra nhưng theo các nhà chuyên môn Trung tâm chất lượng nước môi trường Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam thì cần cân nhắc. Ví dụ như làm các cống cửa sông được xem là giải pháp triệt để nhưng cần cân nhắc đến nhiều hệ luỵ.

Vấn đề cốt lõi có tính lâu dài là cần có chương trình, kế hoạch quản lý toàn lưu vực một cách tổng thể và dài hơi, chứ không thể đi giải quyết phần ngọn, cứ nổ ra chỗ nào lại đắp vào chỗ đó.

Theo các chuyên gia, vấn đề ở đây chính là không đủ nước đảm bảo giữ ranh mặn. Trước mắt, cần làm một số giải pháp đảm bảo giảm suy giảm khối lượng nước, như sử dụng tiết kiệm, thay đổi hành vi dùng nước của người dân, thay đổi công nghệ tưới trong nông nghiệp…

Riêng các nhà máy nước trong trường hợp không lấy được nước do mặn xâm nhập sâu, hoặc không đủ nước xả đẩy mặn do hạn hán, có thể xây dựng đường ống trực tiếp truyền tải nước (chẳng hạn như lấy nước từ hồ Dầu Tiếng) về các nhà máy để tránh thất thoát nước.

Trở lại vấn đề xả nước đẩy mặn, các nhà chuyên môn cho rằng hiện nay hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn cho Nhà máy nước Tân Hiệp là rất tốt, tuy nhiên lượng nước quá dư thừa (do cần đẩy mặn nên phải xả lượng nước lớn). Còn nếu chỉ dùng khối nước đó cấp cho nhà máy nước thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều nước, lâu dài cần cân nhắc vấn đề này.

Ông Lê Ngọc Quyền đề nghị do thời gian gần đây tác động của biến đổi khí hậu, nắng nóng và lượng mưa suy giảm, quy trình vận hành hồ chứa không theo kịp điều kiện biến đổi khí hậu, cần nghiên cứu lại quy trình vận hành cho thích hợp.

Đồng thời, cần tăng cường năng lực dự trữ của các hồ chứa thượng nguồn, làm tốt các dự báo để việc vận hành hồ chứa đảm bảo hai nhiệm vụ phát điện và xả nước đẩy mặn cho hạ du.

Nhiều phương án đảm bảo cấp nước

Để đối phó với tình trạng hạn mặn, ô nhiễm, Sawaco đã huy động các nhà máy khác tăng sản lượng khi Nhà máy nước Tân Hiệp và Bình An ngưng hoạt động vì độ mặn trên sông quá cao.

Phương án được tính đến là điều tiết lượng nước sạch từ Nhà máy nước Kênh Đông khoảng 150.000m3/ngày về Nhà máy nước Tân Hiệp.

Theo tính toán của Sawaco, khả năng dự phòng của các nhà máy hiện nay khoảng 500.000m3/ngày nên vẫn đảm bảo cho trước mắt trong trường hợp sông Sài Gòn nhiễm mặn, buộc Nhà máy nước Tân Hiệp ngưng hoạt động.

Về hướng lâu dài hơn, Sawaco đề xuất xây dựng một hồ chứa nước sạch dung tích 1- 4 triệu m3, có thể dự trữ cho Nhà máy nước Tân Hiệp trong ba ngày. Bên cạnh đó, đề xuất UBND TP sớm thông qua chủ trương lấy nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng thay vì phải thông qua biện pháp xả như hiện nay.

Ngoài vấn đề hạn mặn, lãnh đạo Sawaco lo ngại tình trạng các chất gây ô nhiễm trên sông Sài Gòn cũng ảnh hưởng đến hoạt động cấp nước, trong đó đáng lo ngại nhất là hàm lượng amoni (vốn có nhiều trong nước thải sinh hoạt, rất khó xử lý) trên sông Sài Gòn diễn biến phức tạp.

QUỐC THANH – QUANG KHẢI ([email protected])