Băng tan khiến nước biển có nguy cơ dâng cao thêm 1m vào 2100
Tan băng ở Nam Cực sẽ làm mực nước biển dâng cao thêm 1 mét từ nay đến năm 2100, nếu lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vẫn giữ tốc độ cao như hiện nay.
Băng tan khiến nước biển có nguy cơ dâng cao thêm 1m vào 2100
Tan băng ở Nam Cực sẽ làm mực nước biển dâng cao thêm 1 mét từ nay đến năm 2100, nếu lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vẫn giữ tốc độ cao như hiện nay.
Đây là kết quả nghiên cứu được công bố ngày 30-3 trên tạp chí khoa học Nature (Tự nhiên) của Anh.
Đồng chủ nhiệm đề tài Robert DeConto, trường Đại học Massachusetts của Mỹ, cho rằng sự thay đổi đột ngột này sẽ là thảm hoạ đối với các thành phố ở vùng đất thấp, tuy nhiên ông lạc quan cho biết nếu chúng ta giảm mạnh được lượng phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính thì sự tan băng ở Nam Cực sẽ được hạn chế.
Hình ảnh 3D của nghiên cứu mô phỏng sự liên kết giữa việc khí quyển nóng lên và hoạt động dịch chuyển, tan băng. Mô hình cũng so sánh với các giai đoạn nắng nóng trước đây như Kỳ gian băng (cách đây 125.000 năm) và Thế thượng tân (cách đây 3 triệu năm).
Vào thời kỳ mà nhiệt độ trung bình cao hơn hiện nay, mực nước biển cũng cao hơn. Ví dụ mực nước biển cao hơn từ 6-9m trong giai đoạn nắng nóng của Kỳ gian băng.
Theo nghiên cứu trên, nếu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính giảm, nhiệt độ trái đất được giữ ở ngưỡng trên 2 độ C so với thời kỳ cách mạng công nghiệp, thì sẽ không có sự thay đổi đáng kể từ nay đến năm 2100 và mực nước biển chỉ tăng thêm 20 cm vào năm 2500. Hạn chế mức nóng lên toàn cầu ở ngưỡng trên 2 độ C so với thời kỳ cách mạng công nghiệp cũng là mục tiêu của của hiệp định về chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 21) tại Paris.
Còn với tốc độ phát thải khí CO2 như hiện này, tan băng ở Nam Cực sẽ làm mực nước biển sẽ dâng thêm 1 mét vào 2100 và 13 mét vào năm 2500.
Đến nay Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc mới chỉ dự đoán mực nước biển tăng hơn từ 26-82cm vào năm 2100 so với cuối thế kỷ 20, trong đó 12cm là do tan băng ở Nam Cực.
Nhiệt độ không khí nóng lên là nguyên nhân chính cho sự tan băng. Tuy nhiên, sự ấm lên của đại dương ảnh hưởng như thế nào đối với các cao nguyên băng cũng đang là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu.
Hiện nay tại nhiều cao nguyên băng nhiệt độ mùa hè lên đến gần hoặc hơn 0 độ. Vì lý do bề mặt tiếp xúc gần với mực nước biển, sự nóng nhẹ của không khí cũng đủ làm tăng tốc độ tan băng bề mặt và tăng lượng mưa mùa hè.
Nghiên cứu còn cảnh báo nhiệt độ đại dương tăng cũng làm chậm thêm hàng nghìn năm quá trình hình thành và tích luỹ băng, ngay cả khi lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính giảm đáng kể.
Lượng băng ở cả Bắc Cực và Nam Cực đều tan chảy nhanh hơn dự kiến là một bằng chứng nữa phản ánh tình trạng biến đổi khí hậu cũng như sự nóng lên toàn cầu đang ở mức báo động. Theo các nhà khoa học, sự biến mất dần dần của lượng băng tuyết tại hai cực sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như các loài động vật và thực vật trên toàn cầu.