23/01/2025

Phương pháp xoa bóp để chữa bệnh

Hành Khất Kitô xin gửi đến các bạn bài nghiên cứu về phương pháp xoa bóp để chữa bệnh như món quà gửi tặng các bạn trong Mùa Phục Sinh. Cầu chúc các bạn và gia đình tràn đầy niềm vui của Chúa Phục Sinh để thể hiện lòng xót của Chúa cho mọi người.

 Phương pháp xoa bóp để chữa bệnh

Lời mở

Sau một số năm giúp cho các người bệnh bị đau nhức ở tay chân chúng tôi xin chia sẻ với các bạn phương pháp xoa bóp để chữa bệnh này. Đây không phải là một phương pháp khoa học đã được nghiên cứu kỹ lưỡng mà chỉ là một ít kinh nghiệm trong đời sống thực tế để chia sẻ cho những ai quan tâm. Chúng tôi hy vọng có những nghiên cứu sâu xa hơn từ những vị chuyên môn để sửa chữa những sai lầm thiếu sót của phương pháp này. Các hình ảnh minh hoạ trong bài này được trích trong cuốn Atlas Giải Phẫu Người của Frank H. Netter, MD., được GS. BS. Nguyễn Quang Quyền dịch sang tiếng Việt với sự cộng tác của PTS. Phạm Đăng Diệu, do Nhà Xuất bản Y Học ấn hành năm 1999.

1. Nói chung về phương pháp

1.1. Từ kinh nghiệm thực tế

Trong khi giúp các bệnh nhân, chúng tôi gặp nhiều người bị đau ở vùng cổ dẫn đến cánh tay và bàn tay tê cứng; hoặc đau ở vùng thắt lưng khiến cho đôi chân bước đi khó khăn, tê bại. Tìm hiểu quá trình dẫn đến các triệu chứng này, chúng tôi được biết người bệnh đã gặp tai nạn xe cộ, bị té ngã từ trên cao, hoặc vận động không đúng tư thế khi phải vác nặng, ngồi lâu trước màn hình đặt quá cao hoặc quá thấp, nằm quá lâu trong đêm với tư thế không thẳng trên một tấm nệm quá mềm… Có người bị nặng hơn cảm thấy tay chân lúc nào cũng nhức mỏi nên phải co duỗi liên tục, có khi cảm thấy nóng rát phải chườm nước đá, thậm chí tưởng như không còn cảm thấy có tay chân.

Xem các hình chụp Xquang cột sống, chúng tôi thấy đĩa đệm ở các đốt sống cổ, đốt sống lưng, đốt sống thắt lưng bị lệch ra khỏi vị trí và chèn vào dây thần kinh ở mỗi đốt xương gây nên những cơn đau nhức. Vì thế, y khoa gọi triệu chứng này là “thoát vị đĩa đệm”.

Khi đĩa đệm rời khỏi vị trí đúng, nó sẽ chặn dòng máu đưa các chất bổ dưỡng tới để nuôi các tế bào. Dần dần những khe hở giữa đốt đệm bị chặn bởi những chất bổ dưỡng khiến cho đĩa đệm càng bị chặn cứng bên ngoài. Các chất thải càng tụ nhiều khiến bó dây thần kinh càng bị chèn ép và bệnh nhân cảm thấy đau nhức mỗi ngày một tăng so với lúc ban đầu khi mới té ngã hay bị tai nạn.

Hướng điều trị hiện nay là bác sĩ cho dùng các thuốc giảm đau. Khi uống thuốc vào bệnh nhân không còn cảm thấy đau nhức, nhưng khi ngưng thuốc lại cảm thấy đau và đau hơn vì thật ra đĩa đệm vẫn ở ngoài vị trí đúng và đám rác chất thải ngày càng tụ lại và chèn dây thần kinh. Các bác sĩ hiểu rằng tuỷ sống rất quan trọng vì là đường dây thần kinh dẫn lệnh đi khắp cơ thể nên không dám đụng chạm đến xương sống vì sợ làm thương tổn tuỷ sống. Khi nào bệnh nặng, người ta mới quyết định mổ xương để thay khớp hay thay đĩa đệm. Mỗi ca mổ như thế làm cho bệnh nhân tốn nhiều thời giờ, sức khoẻ và tiền bạc vì phải nằm bất động nhiều tháng.

Trong cách chữa dân gian hiện nay, trong nhiều trường hợp, cột sống không bị gãy dập thương tổn nặng nề, người ta có thể nắn khớp tay chân hay cột sống rất nhanh chóng qua vài động tác. Tôi còn nhớ cách đây 45 năm, khi học võ Aikido (Hiệp khí đạo), các võ sinh chúng tôi phải lao mình qua các chướng ngại vật, hoặc dùng những đòn nâng bổng người đối thủ và quật xuống nền sân tập. Nhiều võ sinh khi tiếp đất không đúng thế đã bị trật xương khớp cổ hay khớp lưng, nằm bất động trên sàn tập. Võ sư chỉ cần đặt võ sinh nằm ngửa hay nằm sấp, kéo nhẹ một cái là hết đau và lại tập luyện như thường. Nếu đưa vào nhà thương chắc phải chữa trị lâu ngày.

Điều này thôi thúc tôi nghiên cứu về cột sống, đường dây thần kinh dẫn lệnh từ não đến các bộ phận trong cơ thể để hình thành nên phương pháp xoa bóp này nhằm chữa trị một số bệnh thông thường.

1.2. Giải thích sơ lược phương pháp

Chúng tôi thấy rằng bộ não và những đường dây thần kinh chạy dọc theo cột sống dẫn đến từng cơ quan như mắt, tai, mũi họng, mạch máu nội sọ, mạch máu trên mặt, tim phổi, dạ dày, ruột non, gan mật, thận, lá lách, ruột già, bộ phận sinh dục, bộ phận bài tiết là rất quan trọng. Nhiều khi những bệnh như ăn khó tiêu, ợ chua ở dạ dày, không giữ được đường tiểu nên hay tiểu đêm, khó hấp thụ đồ ăn ở ruột non, mạch máu ở mặt bị thu hẹp lại,… có thể không phải do từng cơ quan đó bị thương tổn như một số bác sĩ cho thuốc để chữa trị trực tiếp, nhưng do đường dây thần kinh dẫn lệnh từ não đến các cơ quan đó bị ngăn chặn. Giải phóng được sự ngăn chặn này, người bệnh sẽ phục hồi mau chóng sức khoẻ. Nhiều bệnh nhân sau khi được chữa trị trong vòng 30-45 phút thấy mình đi được, chạy được, hết đau nhức tê cứng ở tay chân, hết co thắt ở dạ dày… tưởng như mình nhận được phép lạ.

 

 

 

 

Nếu nhìn kỹ những đường dây thần kinh ở mỗi đốt sống từ cổ đến xương cùng, chúng ta sẽ khám phá ra những đường dây thần kinh vận động, cảm giác, thần kinh tự chủ ở đốt sống nào, do đĩa đệm nào chèn ép, do mạch máu nào bị chèn ép nên thiếu chất bổ dưỡng dẫn đến xơ cứng các đường gân và các cơ bắp để có thể xoa nắn, phục hồi cho bệnh nhân.

Ngay cả những người già yếu hay mệt mỏi, căng thẳng vì công việc, chúng ta cũng có thể dùng phương pháp xoa bóp dọc theo cột sống để dẫn các lệnh từ não xuống các cơ quan tốt hơn, nhanh hơn nhằm phục hồi sức khoẻ cho họ.

Phương pháp xoa bóp chữa trị này chỉ là một phần nhỏ trong cách phục hồi sức khoẻ toàn diện con người mà chúng tôi hy vọng sẽ nói thêm trong các bài sau này sau chuyến tham quan nghiên cứu ở Đức vào tháng 9 năm 2012. Sức khoẻ toàn diện gồm 4 yếu tố: thể lý, tâm thần, tâm lý và tâm linh. Phương pháp này nằm ở giữa 2 lĩnh vực thể lý và tâm thần. Chúng tôi xin chia sẻ những gì đơn giản nhất để các bạn có thể làm được tại gia đình cho những người thân yêu của mình.

2. Việc chữa trị xoa bóp nên được thực hiện theo từng bước sau đây:

2.1. Ghế nằm và các phương tiện chữa trị

2.2. Tư thế người thực hiện và người bệnh

2.3. Làm sạch và bôi dầu nóng chỗ thương tổn

2.4. Xoa bóp để giải phóng chỗ đau

2.5. Xoa bóp các đường gân ở tay chân

2.6. Kéo dãn các đốt sống

2.7. Động tác đưa các đĩa đệm vào vị trí đúng

2.8. Các động tác kiểm tra và thể dục

2.9. Cách giữ tư thế đúng lâu dài

 

2.1. Ghế nằm và các phương tiện chữa trị

Thật ra, để giúp các bệnh nhân loại này, điều cần hơn cả là tấm lòng cảm thông muốn giúp họ loại bỏ những đau đớn. Ta cũng cần một số hiểu biết về cột sống và đường dây thần kinh như đã nói ở trên và cần đôi bàn tay biết xoa nắn với vài động tác đơn giản.

Về phương tiện vật chất, nếu có được chai dầu nóng không làm hại da hay không làm người bệnh bị dị ứng thì càng tốt, nếu không, chỉ cần xoa bóp chỗ đau bằng tay không cũng được rồi. Vì bệnh nhân có lúc nằm sấp mặt nên nếu có chiếc giường hay ghế làm massage có khoét lỗ thở ở đầu ghế cho thẳng các đốt sống cổ, sống lưng thì tốt nhất. Tuy nhiên nếu không có, ta có thể cuộn một cái khăn kê ở cổ bệnh nhân cho cổ thẳng với thân đốt sống cũng được.

2.2. Tư thế người thực hiện và người bệnh

Người thực hiện ngồi hay đứng ở phía đầu bệnh nhân để đẩy bàn tay dọc theo sống lưng bệnh nhân. Trong trường hợp giường kê sát tường không có khoảng trống ở phía đầu bệnh nhân, ta mới bất đắc dĩ ngồi trên đầu gối của mình dọc theo hướng sống lưng của bệnh nhân để đẩy bàn tay theo sống lưng của họ. Khi đó ta nên trải một tấm khăn lớn trên người bệnh nhân để giữ vệ sinh cho cả người thực hiện và người bệnh.

Người bệnh nằm úp mặt xuống, hai tay xuôi theo thân mình, thả lỏng để các cơ thư dãn thoải mái, nhất là các cơ dọc theo sống lưng. Tránh gồng mình căng cứng. Người bệnh vẫn thở bình thường thay vì nín thở. Người bệnh nên bỏ quần áo ngoài để người chữa khỏi bị vướng khi xoa bóp. Người bệnh nên đi tiểu trước khi chữa để không bị căng thẳng phần bụng dưới.

2.3. Làm sạch và bôi dầu nóng chỗ thương tổn

Người thực hiện làm sạch chỗ đau bằng cách lấy bông gòn thấm cồn và lau sơ ngoài da các chỗ sẽ xoa bóp.

Nếu tay chân người bệnh bị tê cứng thì ta bôi dầu lên cả chân và tay ở hai lòng bàn tay, bàn chân, trên mu bàn tay và mu bàn chân, cổ tay và cổ chân, dọc theo đường gân ở cánh tay và cẳng chân, ở phía sau đầu gối. Dầu nóng sẽ làm dãn các cơ bắp và đường gân nhờ việc xoa bóp tiếp theo.

2.4. Xoa bóp để giải phóng chỗ đau

Người thực hiện dùng hai bàn tay để xoa bóp hoặc dùng hai cườm tay để day, ấn các chỗ đau dọc theo sống lưng từ đốt sống cổ I (C1) cho đến tận xương cùng sau đốt S5. Việc xoa bóp này tốn giờ và sức lực của người thực hiện, vì bệnh càng để lâu càng tốn nhiều giờ để làm tan những đám rác tụ lại do việc đĩa đệm bị lệch ra khỏi vị trí đúng. Công việc có thể kéo dài khoảng 15-20 phút và có thể lâu hơn.

Chúng tôi nhớ có bệnh nhân như chị Trần Thị Trung Thành, sinh năm 1974, ở Phú Thuỷ, Mỹ Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận, cần đến 2g30 phút vì chị bị té từ lầu 1 xuống đất vào ngày 8/2/2015, gãy xương cổ C5, dập C3-C6, đĩa đệm bị chèn từ cổ xuống sống lưng, chân tay bị tê liệt. Sau khi nằm chữa trị bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM gần 2 tháng các bác sĩ chẩn đoán chị cần phải mổ, nhưng 80% sẽ bị liệt. Người nhà đưa chị về bệnh viện tỉnh Ninh Thuận chữa trị thêm 3 tháng mà không khỏi. Sau khi bó thuốc Nam của 1 thầy lang ở Cam Ranh, chị quay cổ được đôi chút nhưng vẫn không ổn ở xương sống để đi lại bình thường. Chị di chuyển bằng cách lết trên chiếc nạng gỗ và vào Tp. Hồ Chí Minh để bán vé số ở chợ Bàn Cờ, đường Nguyễn Thiện Thuật, Q.3, TP.HCM. Mấy giáo dân đã dìu chị lên tôi ngày 31/12/2015, và sau khi nắn lại toàn thể khớp xương sống cổ và xương sống lưng, chị đã đi được một mình, lưng thẳng, không cần ai giúp đỡ. Đây là ca chữa lâu nhất cho 1 người bệnh từ trước đến nay của tôi. Trung bình mỗi bệnh nhân mất chừng 20-30 phút.

Những đám rác này có thể tạo nên những gai xương như gai cột sống, gai mắt cá chân, gai gan bàn chân do đồ ăn có nhiều calci. Người ta có thể làm tan các gai xương nhờ cách xoa bóp chỗ đau và dây thần kinh để lệnh từ não xuống không bị cản trở.

Đối với một số bệnh nhân bị đau thắt lưng và tê chân, chúng ta nên xoa bóp nhiều ở vùng đốt sống L4-L5-S1-S2-S3, mấy huyệt đạo trên mông, các đường gân chạy dọc theo mặt ngoài cẳng chân, huyệt phía sau đầu gối, gan bàn chân và mu bàn chân để giải phóng những chất đang làm cứng cơ, cứng gân chân và bàn chân.

Đối với một số bệnh nhân hay căng thẳng, nhức đầu, chúng ta có thể xoa nhẹ các đường mạch máu ở mặt để khai thông đường máu nuôi não nhờ vậy não phát ra nhiều lệnh thần kinh hơn. Ngoài nguyên nhân thở kém, nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng thiếu máu não khi các động mạch, tĩnh mạch bị thu hẹp do các hạt mỡ bám vào thành mạch.

Đường dẫn máu từ động mạch, tĩnh mạch chủ ở giữa ngực đưa lên cổ rồi đưa lên mặt chia làm 3 đường chính.

 

Một đường từ cổ đi thẳng lên phía trước tai và phân nhánh ở trên đầu.

Một đường từ cổ đi dọc theo hàm dưới, rồi đưa lên mặt, dọc theo sống mũi lên trán.

Một đường đi từ cổ đưa ra phía sau ót rồi đưa lên đầu dọc theo gáy.

Việc máu trên đầu không đủ oxy cũng có thể gây nên những cơn nhức đầu, choáng váng, xây xẩm, ù tai nghe không rõ, hay buồn ngủ, hay quên… do khí oxy không đủ trong não. Bộ não có khoảng 16 tỷ tế bào thần kinh, nên cần một lượng khí rất lớn khoảng 2.000 lít không khí tối thiểu mỗi ngày, chiếm 1/5 lượng khí thở khoảng 10.000 lít cho toàn thân, để nuôi các tế bào đó hoạt động, tạo ra các lệnh cho từng cơ quan. Nếu khi đo dung lượng khí thở mà thấy bệnh nhân thở kém, chúng ta nên nhắc nhở họ tập thở nhiều hơn và tập thở 4 thì khoảng 5 phút mỗi ngày cho có dung lượng khí tốt hơn trong buồng phổi.

2.5. Xoa bóp các đường gân ở tay chân

Việc vuốt dọc theo đường gân tay chân cũng làm cho các dây thần kinh và gân được kéo dãn tạo thoải mái cho các cơ tay chân.

Việc kéo dãn các đường gân, cơ bắp ở cổ, lưng và tay chân thường làm cho bệnh nhân cảm thấy ê ẩm, đau nhẹ 2,3 ngày, do chúng ở trong tình trạng bất động khá lâu. Giống như khi ta bỏ lâu không chơi thể thao, bây giờ cầm vợt, đánh bóng, chạy nhảy trở lại ta cảm thấy ê ẩm đau nhức toàn thân. Đây chỉ là hiện tượng thông thường tự nhiên kéo dài vài ngày sẽ hết. Ta cũng nên báo trước để bệnh nhân không quá lo sợ khi thấy hiện tượng này.

2.6. Kéo dãn các đốt sống

Ta có thể dùng cườm tay day mạnh trên bả vai và các cơ trên vùng ngực để làm dãn các cơ, nhất là phía gần cánh tay, xoa nắn đầu vai mỗi bên đối với người bị tê bại cánh tay.

Muốn kéo dãn các đốt sống, chúng ta có thể dùng bàn tay vuốt mạnh hay dùng cườm tay đẩy dọc theo sống lưng người bệnh. Ta dùng 2 tay đẩy ngược theo hai chiều khác nhau để tạo sức ép cộng hưởng và chỉ cần đẩy nhẹ mà không cần dùng nhiều sức.

Việc kéo dãn này sẽ tạo ra những kẽ hở khiến cho các đĩa đệm có thể được đẩy vào đúng vị trí một cách dễ dàng.

Đối với các đốt sống cổ khá ngắn và khít gần nhau so với các đốt sống khác, ta có thể một tay giữ đầu bệnh nhân, tay kia đẩy xuôi về phía cuối xương sống để kéo dãn.

Để làm dãn gân cốt hai bên cổ và vai, ta có thể một tay giữ đầu bệnh nhân, tay kia đẩy đầu vai mỗi bên.

Đối với các đốt xương cùng, từ S1-S5, ta dùng cườm tay phải đẩy mạnh xuống và dùng tay trái đẩy theo chiều ngược lại vì đây là những đốt sống lớn, có nhiều đường thần kinh dẫn tới chân. Đối với người bệnh bị liệt hay tê chân, bị xáo trộn đường tiểu tiện, đại tiện và đau ở bộ phận sinh dục, các dây thần kinh tự chủ từ các đốt sống này dẫn lệnh đến các bộ phận trên.

2.7. Động tác đưa các đĩa đệm vào vị trí đúng

Đĩa đệm có thể thoát khỏi vị trí đúng theo 4 chiều: lồi ra ở phía trước hay sau trong rãnh mỗi đốt sống, hoặc lệch sang phải/trái của cột sống.

Trong trường hợp lồi ra ở phía trước hay sau, người thực hiện dùng bàn tay đặt dọc theo cột sống, tay còn lại úp lên bàn tay trước rồi ấn nhẹ. Bàn tay tỳ lên các đốt sống sẽ đẩy đĩa đệm đang lồi lên hay đẩy hai đốt sống đang lồi lên được ngang bằng với nhau.

Trong trường hợp đĩa đệm lệch sang hai bên phải/trái, người thực hiện dùng hai ngón tay cái, hoặc 2,3 ngón tay của cả hai bàn tay, đẩy nhẹ từ ngoài vào trong. Thế đẩy đó sẽ đưa đĩa đệm trở lại vị trí đúng và không chạm vào các bó dây thần kinh toả ra từ tuỷ sống. Bó dây thần kinh được giải phóng sẽ không làm bệnh nhân đau nhức hay rối loạn ở mỗi bộ phận liên hệ.

2.8. Các động tác kiểm tra và thể dục

Sau khi kéo dãn các khớp và đẩy đĩa đệm vào đúng vị trí, chúng ta cần kiểm tra xem chúng đã ăn khớp chưa. Các động tác sau đây giúp kiểm tra việc đó. Nếu bệnh nhân làm các động tác sau đây mà cảm thấy đau nhiều, thì chứng tỏ đốt xương chưa ăn khớp với đĩa đệm. Nếu bệnh nhân cảm thấy không đau hay chỉ đau một chút do cơ bắp lâu ngày không vận động là việc chữa trị đã thành công. Sau đây là vài động tác để kiểm tra và cũng là những thế trong bài thể dục hằng ngày.

– Động tác 1: nằm ngửa, hai tay bắt chéo để sau đầu, đầu hơi nâng cao. Bệnh nhân sẽ thấy các cơ ở dưới bụng chuyển động căng cứng. Hai chân đạp thẳng như đạp xe đạp, gót chân đưa ra phía trước. Vừa đạp chân vừa thở ra bằng miệng, hít vào bằng mũi.

Thế vận động này sẽ làm cho các cơ quan tiêu hoá (gồm dạ dày, ruột non, gan, tuỵ tạng), bài tiết (gan, thận và đường tiểu), sinh dục (nam cũng như nữ) với hàng ngàn cơ bắp (cơ trơn, cơ duỗi, cơ vòng) được tác động khiến cho săn cứng, giúp cho việc tiêu hoá, bài tiết được ổn định. Phụ nữ sẽ bớt đau hơn vào thời kỳ kinh nguyệt. Lớp mỡ ở bụng sẽ tiêu đi để thân hình đẹp hơn. Các em thiếu niên sẽ có cơ hội cao hơn vì vận động được đôi chân.

– Động tác 2: nằm ngửa, hai tay vẫn bắt chéo sau đầu, đầu hơi ngẩng lên rồi giơ hai chân lên cùng một lúc, vừa giơ vừa hít vào bằng mũi, khi hạ chân xuống thì thở ra bằng miệng.

Thế vận động này kéo dãn thớ lưng nên nếu đốt xương và đĩa đệm ăn khớp sẽ không thấy đau. Nếu đau là chưa ăn khớp.

Động tác 3: nằm ngửa, hai tay vẫn bắt chéo sau đầu, đầu hơi ngẩng cao. Vận động hai đầu gối và hai cổ chân bằng cách vẽ những vòng tròn. Vừa vận động vừa thở.

Thế vận động này giúp khoẻ đầu gối và cổ chân, khoẻ các bộ phận tiêu hoá, bài tiết và sinh dục.

Động tác 4: nằm ngửa, mỗi tay ôm một đầu gối và kéo sát vào mình. Vừa kéo vừa hít vào, duỗi chân thì thở ra. Thế này giúp kéo dãn cột sống.

Khi bệnh nhân ôm đầu gối và kéo sát vào mình, người chữa có thể giúp người bệnh bằng cách ấn mạnh trên hai chân bệnh nhân để giúp họ kéo dãn thêm sống lưng.

Động tác 5: nằm sấp, chân duỗi thẳng, hai tay gập lại, bàn tay xoè ra úp xuống ngang vai, hai cùi chỏ khép lại đặt song song với thân mình.

Nâng nửa thân trước lên, đầu ngửa ra đằng sau cho đến khi duỗi thẳng được cánh tay. Vừa nâng người vừa hít vào. Sau đó hạ thân trước xuống, đầu cuối về phía trước cho đến khi chạm đầu xuống nền, vừa hạ thấp người vừa thở ra bằng miệng.

Thế này giúp cho khoẻ các cơ ở cổ, vai và các cơ ở mặt, giúp điều hoà cột sống từ cổ cho đến thắt lưng.

Động tác 6: tập các khớp vai. Đứng thẳng, hai cánh tay vung tròn, vừa vung vừa hít vào khi mở rộng lồng ngực, thở ra khi kép lồng ngực lại.

Động tác này giúp cho khớp vai chuyển động, mở rộng lồng ngực và tăng dung lượng khí thở.

Động tác 7: tập khớp cổ.

+ Đứng thẳng, cúi và ngửa đầu: cúi thì thở ra, ngửa thì hít vào.

+ Đứng thẳng, nghiêng đầu sang trái và phải: khi nghiêng trái/phải thì hít vào, khi đầu thẳng thì thở ra.

+ Đứng thẳng, xoay đầu từ trước ra sau thành một vòng tròn: khi đang xoay thì hít vào, khi đưa đầu trở về giữa thì thở ra. Xoay 3 vòng từ trái sang phải, và 3 vòng ngược lại từ phải sang trái cho các khớp cổ xoay đều.

Sau khi xoay, dùng lòng bàn tay vỗ trán 5-6 cái để các thần kinh mặt được chuyển động, tránh nhức đầu choáng váng khi xoay tròn.

2.9. Cách giữ tư thế đúng lâu dài

Các đĩa đệm là vật thể di động để bảo vệ các đốt sống cho khỏi mòn khi vận động. Chúng có thể thoát khỏi vị trí mỗi khi ta vận động ở tư thế sai như vác quá nặng, nhổm dậy quá nhanh khi đang nằm, nằm gối quá cao làm đau cổ, hay nệm quá mềm làm cong đốt sống lưng dẫn tới bị còng lưng, nhất là những người già xương bị loãng. Người ta cũng dễ bị đau vai, đau cổ khi làm việc quá lâu với màn hình máy vi tính nếu đặt màn hình này lệch sang một bên và điểm giao nhau của 2 đường chéo màn hình không nằm đúng vào điểm ở giữa hai mắt vì các cơ và đường gân bên co, bên giãn không đều. Vì thế, chúng ta cố gắng tạo những tư thế tốt khi đi, đứng, nằm, ngồi để bảo vệ cột sống và sức khoẻ bền vững.

– Tư thế nằm tốt nhất là nằm ngửa thay vì nằm nghiêng, đầu thẳng với lưng, các cơ bắp thư giãn thay vì ôm gối hay gối đầu quá cao để lồng ngực không bị ép lại, các khớp cổ không bị căng thẳng trong một giấc ngủ nhiều giờ.

– Tư thế đứng tốt nhất là đứng thẳng, các cơ bắp của cổ, đầu và lưng tựa trên một đường thẳng để không bị co cứng cơ. Hai chân đứng thẳng với đế giày bằng, tránh mang guốc hay giày có gót quá cao để không bị co cứng cơ ở bắp chân, cổ chân và thắt lưng. Không nên đứng nghiêng, chân co chân duỗi, nhất là nam giới.

– Tư thế ngồi cũng nên giữ thẳng lưng, thẳng đầu và cổ như tư thế đứng, bàn chân đặt thoải mái trên nền nhà, mắt nhìn thẳng trước mặt. Nếu ghế quá cao phải có đệm kê chân.

Lời kết

Trên đây là một ít kinh nghiệm trong việc dùng phương pháp xoa bóp để chữa một số bệnh thông thường. Lời cuối muốn gửi đến các bạn liên quan đến phương pháp này là việc chữa bệnh cho người khác giới. Tinh thần Á Đông thời xưa cho rằng “nam nữ thụ thụ bất tương thân”, người ta không cho phép chạm đến thân thể người khác giới, nhất là đối với những người đi tu của bất cứ tôn giáo nào. Ngày nay, người ta thấy các bác sĩ khác giới săn sóc bệnh nhân thường xuyên hơn nên việc chữa bệnh này được chấp nhận phần nào.

Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng những ai dùng phương pháp này cũng nên cẩn thận để không lạm dụng và làm mất đi ý nghĩa cao quý của việc chữa bệnh phục vụ con người. Đức Giêsu đã không ngại đụng chạm đến người phong cùi, chạm vào quan tài của người chết, dù đó là điều cấm trong luật Do Thái, để mời gọi chúng ta phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo khổ, tật bệnh vì đó là hành động loan báo Tin Mừng cứu độ.

Chúng tôi muốn viết ra phương pháp này để chia sẻ cho nhiều người biết sử dụng nhằm chữa cho nhau, nhất là những người đồng phái, để tránh những cám dỗ có thể xảy đến khi phục vụ bệnh nhân.

Chúng tôi cũng muốn truyền đạt cho các anh chị em bị khuyết tật về thị giác, nhất là những ai đang làm nghề xoa bóp (massage) để các bạn đó nâng cao tay nghề lên mức có thể chữa một số bệnh. Như thế việc xoa bóp này có thể tạo thêm thu nhập cho anh chị em khi anh chị em biết thêm vài kỹ thuật để chữa bệnh cho khách.

Kinh nghiệm chúng tôi muốn truyền lại là khi chúng tôi thực hiện phương pháp xoa bóp này kèm theo lời cầu nguyện với Chúa Giêsu, Đấng cứu độ con người, và với Chúa Thánh Thần là Thần Khí tác sinh, thì hiệu quả nhiều khi lại vượt quá những gì chúng tôi mong ước và nhiều bệnh nhân đã cảm nghiệm được phép lạ chữa lành vẫn còn xảy ra trong đời sống hiện nay.

Cầu chúc các bạn trở thành hình ảnh sống động của Thầy Giêsu chữa lành.

Mùa Phục Sinh 2016,

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn