23/01/2025

Phục kích ‘thịt bẩn’

Từ khi các tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành và TP.HCM – Trung Lương đi vào hoạt động, nhiều xe chở gia súc, gia cầm… lưu thông mà không qua kiểm dịch tại Trạm kiểm dịch Thủ Đức, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các tỉnh vào TP rất cao.

 

Phục kích ‘thịt bẩn’

Xe tải chở vịt, heo lưu thông trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành bị Đoàn 2 kiểm tra - Ảnh: Công Nguyên

 Xe tải chở vịt, heo lưu thông trên đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành bị Đoàn 2 kiểm tra – Ảnh: Công Nguyên

Từ khi các tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành và TP.HCM – Trung Lương đi vào hoạt động, nhiều xe chở gia súc, gia cầm… lưu thông mà không qua kiểm dịch tại Trạm kiểm dịch Thủ Đức, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các tỉnh vào TP rất cao.

Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh, mới đây UBND TP.HCM thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành lưu động chống dịch gia súc, gia cầm. Trong đó, theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục Thú y TP.HCM, Đoàn 1 chốt chặn trên đường dẫn lên xuống cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Đoàn 2 chốt chặn tại đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành và Đoàn 3 chốt chặn kiểm soát tuyến đường từ Tây Ninh về TP.HCM.

Xe vi phạm tăng đột biến

Rạng sáng 22.3, PV Thanh Niên theo chân Đoàn 2 “phục kích” tại tuyến đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành (Q.2). Đây là tuyến đường nhiều xe vận chuyển hàng hoá từ các tỉnh Miền Tây đi ngang TP.HCM về các tỉnh Đông Nam bộ, miền Trung, miền Bắc, Tây nguyên và ngược lại.

Cán bộ thú y kiểm tra giấy tờ xe chở gia súc, gia cầm

Cán bộ thú y kiểm tra giấy tờ xe chở gia súc, gia cầm

 

3 giờ sáng, nhiều xe tải vận chuyển heo, vịt và xe đông lạnh chở tôm giống ra vô TP bị yêu cầu dừng để kiểm tra. Nhiều xe bị lập biên bản. Điển hình, xe tải BS 63C-064.82 chở 1.000 con vịt sống lưu thông hướng từ cầu Phú Mỹ ra đường cao tốc TP.HCM – Long Thành, khi bị dừng xe, tài xế Đặng Văn Út thừa nhận số vịt trên trốn tránh kiểm dịch tại các trạm đầu mối và phương tiện vận chuyển không đảm bảo vệ sinh. Tương tự, xe tải 67M-3390 chở 856 con vịt từ Bình Dương về Đồng Tháp cũng trốn kiểm dịch tại các địa phương đi qua. Xe tải 36C-112.22 chở 164 con heo từ Kiên Giang về các tỉnh phía bắc cũng vi phạm tương tự… 

 
 

Theo ông Phạm Ngọc Chí, Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, từ 1.7.2016, sẽ xử lý hình sự đối với người kinh doanh sản phẩm động vật chứa chất cấm. Quy định này sẽ tăng răn đe và khiến những người kinh doanh thực phẩm bẩn phải chùn tay.

 

 

Rạng sáng 24.3, Đoàn 2 tiếp tục phối hợp Đội CSGT Cát Lái chốt chặn trên các tuyến đường ra vào TP.HCM, phát hiện nhiều xe vi phạm, trong đó có xe tải BS 60C-062.94 chở 650 kg thịt heo không giấy chứng nhận kiểm dịch chạy từ Đồng Nai về TP.HCM tiêu thụ. Đêm 26.3, đoàn tiếp tục bắt giữ xe tải 64H-6797 chở 37 con heo nái từ Bình Thuận vào TP.HCM; kết quả xét nghiệm cho thấy có nhiều con mắc bệnh lở mồm long móng. Toàn bộ số heo này bị buộc tiêu huỷ.

Trong đêm 29, rạng sáng 30.3, Đoàn 2 tiếp tục chốt chặn trên đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành phát hiện hàng loạt xe tải chở gia súc, gia cầm vi phạm. Tổng cộng, từ 22 – 30.3, Đoàn 2 phát hiện 23 trường hợp xe tải chở gia súc, gia cầm, thuỷ sản (502 con heo, 6.504 con gà, 17.610 con vịt, tôm giống 140.000 con và 670 kg thịt heo) vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, số tiền phạt gần 90 triệu đồng. Các lỗi điển hình là không giấy chứng nhận kiểm dịch, trốn tránh kiểm dịch tại các địa phương đi qua, phương tiện vận chuyển không đảm bảo… Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2015 qua kiểm tra, chỉ phát hiện 12 trường hợp xe vi phạm.

Tiếp tục kiểm tra lưu động

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, từ khi đường cao tốc TP.HCM – Long Thành đưa vào hoạt động, nhiều xe chở gia súc gia cầm lưu thông trên đường này nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển và có cả lý do né kiểm dịch, phúc kiểm tại các trạm đầu mối của TP đặt trên các tuyến quốc lộ trước đây. Việc các xe chở gia súc, gia cầm trốn tránh kiểm dịch ra vô TP sẽ có nguy cơ làm lây lan các dịch bệnh nguy hiểm từ tỉnh này sang tỉnh khác gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Đoàn kiểm tra đang kiểm tra xe chở gia súc, gia cầm

Đoàn kiểm tra đang kiểm tra xe chở gia súc, gia cầm

 

“Trước khi vận chuyển lô hàng gia súc, gia cầm từ tỉnh này sang tỉnh khác thì chủ hàng phải có trách nhiệm trình báo với thú y địa phương. Thú y tại đó sẽ kiểm tra nguồn gốc con vật, sản phẩm động vật thế nào, nhiễm bệnh hay không, số lượng bao nhiêu, phương tiện vận chuyển và đóng niêm phong rồi cấp một giấy chứng nhận kiểm dịch. Người vận chuyển có trách nhiệm ghé các trạm kiểm dịch đầu mối ở các tỉnh nằm trên tuyến đường đi qua để phúc kiểm. Nếu xe từ các tỉnh ra vào TP bằng đường cao tốc thì phải ghi rõ trong giấy chứng nhận kiểm dịch. Khi vào TP, các bộ phận kiểm tra sẽ dựa trên giấy chứng nhận kiểm dịch để xác định lô hàng, vi phạm sẽ lập biên bản xử phạt, tạm giữ lô hàng bắt phải kiểm dịch lại. Qua xét nghiệm, lô hàng nào mang mầm bệnh, không đảm bảo vệ sinh sẽ buộc tiêu huỷ”, ông Phát nói.

Trước thực trạng lượng xe chở gia súc, gia cầm vào TP theo đường cao tốc ngày càng tăng cao, liệu có cần lập trạm kiểm dịch động vật trên những tuyến này, ông Phát nói: “Việc thành lập các trạm kiểm dịch động vật tại các tuyến đường dẫn cao tốc còn phải nghiên cứu kỹ. Ví dụ như đường cao tốc TP.HCM – Long Thành có rất nhiều đường dẫn lên xuống tại Q.2, Q.9 nên chưa biết đặt trạm kiểm dịch ở đâu cho hợp lý. Vì vậy, trước mắt tăng cường kiểm tra lưu động, chốt chặn từ 3 đoàn phòng chống dịch. Việc xe tải chở gia súc gia cầm ra vô TP bằng đường cao tốc, khi bị kiểm tra cán bộ sẽ xem xét không xử phạt lỗi không phúc kiểm tại các trạm đầu mối của TP”.