23/12/2024

Chết sạch hàng ngàn hecta mía do nhiễm mặn

Đồng mía ở nhiều nơi có nguy cơ mất trắng. Nguyên nhân là do xâm nhập mặn, mía bị chết hoặc giảm năng suất. Một số cánh đồng mía bị chết hoàn toàn.

 

Chết sạch hàng ngàn hecta mía do nhiễm mặn

Đồng mía ở nhiều nơi có nguy cơ mất trắng. Nguyên nhân là do xâm nhập mặn, mía bị chết hoặc giảm năng suất. Một số cánh đồng mía bị chết hoàn toàn.

 

Chết sạch hàng ngàn hecta mía do nhiễm mặn
Một vườn mía tại xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng bị còi cọc và chết cháy do nhiễm mặn và hạn hán kéo dài – Ảnh: Chí Quốc

Ông Hồ Thanh Kiệt, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), cho biết toàn huyện hiện có hơn 2.300ha mía bị thiệt hại từ 30% trở lên, trong đó diện tích mía bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%) là hơn 214ha, thiệt hại rất nặng (50-70%) là 619ha, còn lại là thiệt hại từ 30-70%. 

Nguyên nhân là do xâm nhập mặn, mía bị chết hoặc giảm năng suất. Theo ông Kiệt, đây là lần đầu tiên mặn xâm nhập sâu vào nội đồng và nồng độ mặn rất cao so với những năm trước.

“Chúng tôi đã báo cáo đề xuất UBND tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ bà con có diện tích mía bị thiệt hại theo quy định gồm 4 triệu đồng/ha đối với diện tích thiệt hại trên 70%, 2 triệu đồng/ha đối với diện tích thiệt hại từ 30-70%.

Ngoài ra, chúng tôi khuyến cáo bà con tranh thủ thu hoạch sớm, không để mía trên đồng lâu ngày sẽ mất năng suất và trữ lượng, đồng thời chưa xuống giống vụ mới cho đến khi có mưa” – ông Kiệt nói.

Cũng theo ông Kiệt, niên vụ 2015-2016 toàn huyện trồng hơn 6.630ha mía, hiện đã thu hoạch gần 3.200ha, chiếm khoảng 47% diện tích trồng mía nhưng năng suất, sản lượng và giá cả đều giảm mạnh.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, bên cạnh các cánh đồng mía bỏ đất trống sau khi vừa thu hoạch, dọc tuyến đường chính chạy dọc huyện Cù Lao Dung nhiều cánh đồng thuộc các xã Đại Ân 1, An Thạnh 2, An Thạnh 3… mía bị cháy vàng, giảm năng suất, thậm chí một số cánh đồng mía bị chết hoàn toàn.

Ông Phạm Công Thọ – một hộ dân ở xã An Thạnh 2 – cho biết ông vừa thu hoạch 7 công mía (7.000m2), mỗi công chỉ bán được 7 triệu đồng, tính bình quân lỗ 3 triệu đồng/công, chưa tính công lao động mà gia đình ông bỏ ra.

Nguyên nhân là do bị nhiễm mặn, gặp hạn kéo dài, không có nước tưới nên mía không đủ chữ đường và nhẹ, bán không có giá (khoảng 700-800 đồng/kg).

“Nếu không nhiễm mặn và hạn kéo dài tui đã xuống giống vụ mới rồi” – ông Thọ cho hay. Nhiều hộ trồng mía cũng cho biết mía giảm chữ đường do hạn, mặn nên các thương lái từ chối mua hoặc mua với giá rẻ khiến cuộc sống người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.

Tương tự, tại huyện Phụng Hiệp – vùng trồng mía lớn nhất của tỉnh Hậu Giang với gần 7.560ha, mía cũng bị chết do nhiễm mặn và bệnh gỉ sắt do thiếu nước tưới. Chị Trần Thị Thuý (ấp Sậy Niếu A, xã Phụng Hiệp) cho biết sau khi xuống giống gần hai tháng, do không biết bị mặn xâm nhập, gia đình chị bơm nước vào ruộng mía, khiến mía bị chết sạch, phải trồng lại.

“Tui tốn hơn 2 triệu đồng để trồng mía lại nhưng cũng phập phồng vì nghe thông tin mặn còn lấn vô nữa, còn nếu trồng lại trễ mà nước lũ về mía cũng chết, nhưng cuộc sống chỉ trông vào rẫy mía nên đành chịu” – chị Thuý nói.

Cạnh đó, rẫy mía 3.000m2 của ông Lương Văn Lâm cũng bị chết 1/3 do tưới nước mặn, hiện đất vẫn đang để trống.

Ngoài những diện tích bị thiệt hại do nhiễm mặn, theo ông Nguyễn Thế Tự – phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, khoảng 200-300ha mía trên địa bàn đã bị nhiễm bệnh gỉ sắt, bởi người dân không dám tưới sau khi nghe thông tin nước bị nhiễm mặn.

“Trời càng nắng nóng thì bệnh gỉ sắt càng lây lan nhanh, nông dân cần kịp thời phun thuốc đặc trị và giữ độ ẩm cho cây mía” – ông Tự khuyến cáo.

 

Cà Mau: mía có nguy cơ mất trắng

Nhiều diện tích mía tại huyện Thới Bình, một trong những nơi có diện tích trồng mía lớn nhất của tỉnh Cà Mau (hơn 400ha), đang bị chết đứng do nắng hạn kéo dài, thiếu nước tưới. Bà Dương Thị Ráng (xã Biển Bạch Đông) cho biết do nước dưới sông bị nhiễm mặn nặng, hơn một nửa trong số 1ha mía của gia đình bà đã bị chết khô do thiếu nước tưới.

Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm – trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, mía trên địa bàn được sản xuất theo mô hình hệ sinh thái ngọt, nhưng hệ thống thu lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên các con sông, kênh mương đều bị xâm nhập mặn, trong đó nhiều con sông độ mặn lên đến 30‰, không thể phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.

“Đến thời điểm này, khoảng 30% diện tích mía trên địa bàn bị chết hoặc không phát triển do thiếu nước. Nếu hạn hán tiếp tục kéo dài, diện tích mía còn lại cũng có nguy cơ mất trắng” – ông Lâm nhận định.

TẤN THÁI