23/12/2024

Chúa Nhật Phục Sinh – C – 2016 – Lễ Sáng

Trong ngày Chúa sống lại đầy vui mừng này, Giáo Hội mời gọi chúng ta đến gặp Chúa Giêsu Phục Sinh vì Người là dung mạo của lòng Chúa thương xót và cũng là phần thưởng cho những ai có lòng thương xót như Người.

 

Phần thưởng của lòng thương xót
là gặp được Đấng Phục Sinh

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Trong suốt Mùa Chay, chúng ta đã cùng nhau suy niệm đề tài “Cảm nghiệm và thể hiện Lòng Chúa thương xót”. Trong ngày Chúa sống lại đầy vui mừng này, Giáo Hội mời gọi chúng ta đến gặp Chúa Giêsu Phục Sinh vì Người là dung mạo của lòng Chúa thương xót và cũng là phần thưởng cho những ai có lòng thương xót như Người. Ba môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay sẽ giới thiệu cho chúng ta biết những điều kiện để gặp được Đấng Phục Sinh.

1. Đức tin là cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa

Nhiều tín hữu chúng ta, muốn gặp được Đức Giêsu ít là 1 lần trong suốt cuộc đời, nhưng chưa gặp được, dù họ vẫn giữ đạo tốt lành, sống đạo đúng đắn, làm việc bác ái đầy đủ. Nếu họ gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh như các tông đồ và môn đệ thuở xưa hay như một số tín hữu thời nay, chắc chắn họ sẽ được biến đổi cách lạ lùng. Chúa Giêsu sẽ chuyển thông cho họ sự sống thần linh và quyền năng kỳ diệu của Người để họ làm chứng nhân cho Người như tông đồ Phêrô trong bài đọc I (x. Cv 10, 34.37-40).

Gặp được Đức Giêsu Phục Sinh là điểm căn bản của đức tin và làm nên phẩm chất người tín hữu. Thật thế, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG) đã định nghĩa: đức tin chính là cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, giữa 1 con người cụ thể là từng người chúng ta với 1 Thiên Chúa cụ thể là Đức Giêsu Kitô (x. GLHTCG, số 142, 150-151; CĐ Vaticanô II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, số 2). Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới 2012 cũng xác định rằng: “Đức tin Kitô giáo là 1 cuộc gặp gỡ và quan hệ đích thực với Đức Giêsu Kitô. Truyền bá Đức tin có nghĩa là tạo lập ở mọi nơi và mọi thời những điều kiện dẫn tới cuộc gặp gỡ này giữa con người với Đức Kitô, 1 cuộc gặp gỡ vừa cá nhân và thân mật, vừa công khai và cộng đồng”. Vì thế, từng tín hữu chúng ta thử hỏi xem mình đã gặp Đức Giêsu chưa.

Chúng ta có thể có niềm tin, nghĩa là có sự cố gắng liên lỉ vươn tới Thiên Chúa (x. GLHTCG, số 148), tìm hiểu Ngài bằng lý trí tự nhiên của mình (x. GLHTCG, số 50), nhưng chưa thật sự có đức tin vì chưa gặp Đức Giêsu Kitô cũng như gặp được Thiên Chúa. Đức Giêsu nói cho chúng ta hiểu rằng: gặp được Người là gặp được Chúa Cha (x. Ga 14,9). Hơn nữa, khi Đức Giêsu đồng hoá mình với những con người đói khát, rách rưới,  đau khổ, bất hạnh thì gặp gỡ và phục vụ những con người nhỏ bé, yếu đuối như thế chính là gặp gỡ và phục vụ Đức Giêsu (x. Mt 25, 31-45). Tuy nhiên, câu hỏi mà chúng ta quan tâm nhất trong dịp này là muốn gặp gỡ được Người chúng ta phải làm gì hay phải có những điều kiện nào?

2. Điểu kiện để gặp được Đấng Phục Sinh

Rất nhiều tín hữu đã hiểu lầm lời Thánh Phaolô trong bài đọc II: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô nên hãy tìm hiểu những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-4). Họ mong gặp được một Đức Kitô Giêsu vinh hiển, với vòng hào quang toả sáng ở trên đầu trong những giấc mơ, thị kiến, ảo giác của họ. Vì thế họ xa lánh con người và những vấn đề của con người như nghèo đói, tật bệnh, bất công, đau khổ, chết chóc ở hạ giới này. Họ quên rằng Đức Giêsu Phục Sinh “mãi mãi vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và muôn đời vẫn thế” (Dt 13,8). Người đang sống giữa họ, đang hoà mình với muôn người muôn vật trong cuộc sống của họ ở trần thế: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) nhưng họ không gặp được Người chỉ vì hướng mắt nhìn thượng giới!

Họ không gặp hay chưa gặp được Người chỉ vì họ chưa cảm nhận và thể hiện được lòng thương xót của Chúa Cha và Chúa Giêsu như 3 môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Ga 20,1-9). Đây là bài Tin Mừng tiêu biểu được chọn cho ngày lễ quan trọng nhất trong năm nên có rất nhiều ý nghĩa ẩn chứa trong đó. Thánh sử Gioan đã tham dự trực tiếp vào biến cố này nên kể lại để nhắc nhở chúng ta cần làm gì nếu muốn gặp được Đấng Phục Sinh. Ngài diễn tả qua 3 động từ dễ nhớ: thao thức, chạy tới và dừng lại.

Thao thức: Cả 3 môn đệ rất bức xúc về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu: họ thấy Người phải chết cách nhục nhã, bất công, được an táng cách vội vã nên thao thức suốt đêm, chỉ mong cho ngày nghỉ sabbat chóng kết thúc để tìm đến mộ Chúa. Họ bất chấp nguy hiểm và thử thách có thể gặp vì ngôi mộ được quân lính canh giữ nghiêm ngặt với lệnh niêm phong của quan tổng trấn. Tình yêu đối với Đức Giêsu đã thúc đẩy họ thao thức khiến họ chỗi dậy như Maria Magdala ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối mang theo dầu thơm để xức xác Chúa Giêsu theo phong tục tẩm liệm người chết 3 ngày của người Do Thái. Tình yêu đối với Đức Giêsu phải luôn thúc đẩy người môn đệ thao thức về những vấn đề của con người trong thế giới hôm nay chứ không thể dửng dưng lãnh đạm. Vậy chúng ta đang thao thức gì?

Chạy tới: Cả 3 môn đệ đều chạy, mỗi người một cách. Chạy là vận động nhanh hơn, mạnh hơn, cao hơn, chứ không phải chậm rãi, thấp kém như mọi ngày bình thường. Động lực thúc đẩy họ chạy cũng là tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô. Chạy có nghĩa là học hành chăm chỉ hơn, làm việc cẩn thận hơn, giải trí thanh cao hơn, yêu thương trong sáng hơn, hy sinh quảng đại hơn, chọn lựa những công việc khó khăn hơn mà người khác không thích làm. Họ chạy về hướng ngôi mộ nơi chôn xác Đức Giêsu, chứ không phải đến những nơi an toàn, sạch sẽ, mát mẻ, sang trọng, thậm chí thanh thoát như đền thờ. Vậy chúng ta đang đi chậm rãi hay chạy tới những chỗ nào?

Ngừng lại: Tuy cả 3 đều chạy nhưng tất cả đều biết ngừng lại trước mộ Chúa, trước những con người bất động vì bị đối xử bất công. Maria đến mộ sớm nhất nhưng không vào. Bà chạy về báo tin cho 2 môn đệ có trách nhiệm thay vì bước vào trong mộ xem chuyện gì xảy ra. Gioan chạy mau hơn Phêrô nhưng cũng dừng lại nhường chỗ cho Phêrô bước vào trong mộ.

Việc dừng lại nhường bước cho người khác, dù họ yếu kém hơn mình, là bài học căn bản về lòng khiêm tốn và biết cộng tác với nhau trong cộng đoàn Giáo Hội để vượt qua tính ích kỷ và thói hưởng thụ, đòi quyền ưu tiên của con người. Ngừng lại ở cửa mộ của Chúa Giêsu là biết mục đích chạy tới của mình là đến với tất cả nhũng kẻ khổ đau, nghèo túng, bị gạt ra ngoài lề xã hội, đang bị chôn vùi trong đủ thứ tảng đá đè nặng của kiếp người để biết cộng tác với nhau mà lo cho những con người ấy.

Phần thưởng: Chính trong mức độ thao thức, chạy tới và dừng lại nhiều ít khác nhau mà 3 môn đệ sẽ gặp Đức Giêsu Phục Sinh cách khác nhau và sớm muộn khác nhau. Phêrô thao thức ít nhất, chạy chậm nhất và không nhường ai nên Tin Mừng không nói đến việc Ngài cảm nhận Chúa Phục Sinh. Gioan thao thức nhiều hơn, chạy nhanh hơn và nhường cho Phêô nên Tìn Mừng cho ta biết “ông đã thấy và đã tin” dù chỉ thấy khăn liệm và vải liệm nhưng đã tin Đức Giêsu sống lại. Còn Maria đã thao thức nhiều nhất, chạy đến mộ sớm nhất và nhường cho cả hai người kia nên khi bà tưởng là mình bị mất thân xác bất động của Chúa Giêsu thì lại gặp được Chúa Giêsu sống động và ôm Người trong vòng tay mình (x. Ga 20,12-17).

Lời kết

Đức Giêsu chính là phần thưởng cho những môn đệ có lòng thương xót khi họ biết thao thức, chạy tới và ngừng lại trong việc tìm gặp những Giêsu đang bị bỏ rơi, bị đối xử tàn tệ, bị hành hạ bất công trong muôn vàn ngôi mộ của kiếp người. Đó là lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi đến chúng ta trong Năm Thánh về Lòng Thương Xót: “Hãy đi ra những vùng ven của phận người” trong cộng đồng xã hội (Tông sắc Dung mạo Lòng thương xót, số 15). Cầu chúc tất cả anh chị em gặp được Đức Giêsu Phục Sinh để nhận được niềm vui và ân phúc của Người.