24/01/2025

Đụng độ trên mỏ cát sông Hậu

Hàng loạt vụ người dân đụng độ, khống chế các ghe khai thác cát trên sông Hậu trong những ngày gần đây khiến vùng đất vốn yên bình này trở nên nóng lên từng ngày.

 

Đụng độ trên mỏ cát sông Hậu

 

Hàng loạt vụ người dân đụng độ, khống chế các ghe khai thác cát trên sông Hậu trong những ngày gần đây khiến vùng đất vốn yên bình này trở nên nóng lên từng ngày.

 

 

 

 

Đụng độ trên mỏ cát sông Hậu
Một sà lan cạp cát gần cồn Công bị người dân ngăn chặn – Ảnh: Tiến Trình

Nhiều người dân bức xúc cho biết những phương tiện khai thác lậu cùng lẫn vào các phương tiện có phép để khai thác cát ồ ạt khiến tình hình sạt lở càng nghiêm trọng hơn.

Trước đây, các sà lan hút cát ban ngày, nhưng khi bị phản đối thì chuyển sang lấy cát ban đêm. Chúng tôi phải thức canh, nếu họ lấy cát là tụi tui có mặt

Ông BÙI VĂN TRIỀU (56 tuổi, ấp Phú Xuân, Phú Thành, Trà Ôn, Vĩnh Long)

Bao vây sà lan cát

“Trời ơi, nó cạp sát mé rồi, mấy ông mau kéo ra đây mà coi nè, ra tiếp tui chặn nó lại. Kiểu này ai mà sống được hả trời…” – trên chiếc xuồng máy lướt nhanh về phía đầu vàm sông Hậu, nơi chiếc sà lan đang vươn cẩu cạp từng gàu cát bỏ lên chiếc tàu sắt đang cặp mạn, người đàn ông nhỏ thó vừa lái chiếc máy đuôi tôm lượn lờ quanh sà lan, vừa liên tục điện thoại nhờ chi viện, đồng thời gọi điện cho chủ tịch UBND xã Phú Thành đề nghị cử công an ra lập biên bản vụ việc.

Dù vậy, những người trên sà lan vẫn bình thản điều khiển cần cẩu cạp cát từ lòng sông, sát mé cồn Công (ấp Phú Xuân, xã Phú Thành, H.Trà Ôn, Vĩnh Long) bỏ lên tàu sắt cho đến khi chiếc tàu đầy cát, chạy ra giữa sông Hậu. Lúc này, chiếc sà lan mới nổ máy lui ra giữa sông và neo lì lại đây.

Sự việc trở nên căng thẳng khi một chiếc tắc ráng băng ra từ hướng cồn Công, chở theo gần 10 người đàn ông. Những người này giận dữ tìm những người cạp cát “nói phải quấy”.

Tuy nhiên, những người trên sà lan cát vẫn dửng dưng bảo làm theo lệnh một người tên là “Chín Hạ”. Một người từ chiếc tắc ráng quát: “Nói vậy, ông Chín Hạ kêu ông đi chết ông có đi không? Mấy ông cạp cát ở đây, đất đai của người ta bị sạt lở mấy ông biết không?”.

Mặc cho những truy vấn, những người trên sà lan vẫn như không nghe, không biết. Gần một giờ sau, dù lực lượng công an xã Phú Thành xuất hiện, những người trên sà lan cát vẫn bình chân như vại.

Mặc cho những người dân liên tục tố sà lan cạp cát sát bờ gây sạt lở, lực lượng công an vẫn không có cuộc kiểm tra giấy phép hoạt động của sà lan khai thác cát. Sau vài cú điện thoại hỏi xin ý kiến ai đó, ông V. – người dẫn đầu lực lượng công an xã – ra lệnh mọi người rút đi.

Một người đi trên chiếc tắc ráng chỉ cho chúng tôi những thanh cây tròn được cắt khúc ngắn, rồi bảo: “Tụi tui chuẩn bị hết rồi. Ép quá, tụi tui “bung” đó”.

Theo một số người dân, dưới lòng sông đã được các hộ rải đá ở nhiều nơi để ngăn các sà lan cạp, hút cát.

Căng thẳng vùng sạt lở

Ông Bùi Văn Triều (56 tuổi, ấp Phú Xuân, Phú Thành) nói chuyện người dân phục kích và vây các sà lan cạp, hút cát trên nhánh sông Hậu diễn ra từ đầu năm đến nay. Không chỉ có người dân ở cồn Công mà người dân ở cồn Sừng (xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) cũng tham gia chặn khai thác cát.

“Lúc đầu chúng tôi tưởng những người này là dân ăn cắp cát, chỉ làm một vài chuyến cát rồi đi nên không nói. Tới khi họ lấy đi mười mấy chuyến sà lan cát, chúng tôi mới báo với xã. Xã lại bảo tỉnh đã cấp phép cho khai thác rồi” – một người dân nói.

Bức xúc vì tình trạng sạt lở, hàng chục hộ dân đã kéo đến các cơ quan của huyện, tỉnh đề nghị ngưng việc khai thác cát trên ở khu vực cồn họ sinh sống. Sau đó, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức đoàn đến đối thoại với người dân, nhưng nhiều người dân vẫn tiếp tục phản đối việc khai thác cát và bao vây các sà lan khai thác cát.

Thời gian đầu các sà lan lấy cát ở đoạn giữa nhánh sông. Đến khi bị người dân ngăn cản, họ chuyển ra đầu vàm nơi giáp với sông chính, nhưng vẫn tiếp tục bị phản đối. Thậm chí, người dân cắt cử người túc trực, khi nào các sà lan khai thác cát hoạt động thì báo cho nhiều người cùng tới ngăn.

Trong những lần ngăn các sà lan cát, những người dân này còn phát hiện cả những sà lan khai thác cát trái phép để báo cho cơ quan chức năng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Minh Chánh, trưởng Phòng tài nguyên – môi trường thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), cho biết vào đầu tháng 3-2016, UBND thị xã Bình Minh đã ra quyết định xử phạt một phương tiện khai thác cát trái phép 16 triệu đồng.

Tiếp theo đó, UBND huyện Trà Ôn cũng đang xử lý một sà lan khai thác cát lậu khác… Đáng chú ý, các phương tiện khai thác cát lậu này khi bị phát hiện đều đang lấy cát từ “điểm nóng” cồn Công – nơi UBND tỉnh Vĩnh Long đã cấp phép cho một đơn vị tại Bình Minh khai thác.

Đời sống bị xáo trộn

Chỉ về hướng hàng bần đang trơ gốc, ông Võ Văn Đấu (61 tuổi, xã Phú Thành) cho biết nơi đây từng là bãi bùn – cát chạy dài. Chiều chiều, khi nước rút, thanh niên có thể xuống bãi đá banh được. Thế nhưng, chỉ mấy năm trở lại đây, vùng đất bồi trở nên sạt lở nghiêm trọng.

Ban đầu, người dân chặt cây cắm chà để giữ đất, nhưng không lâu sau đám chà biến mất. Ông Đấu mua hàng trăm bao cát tấn bờ sông ngăn sạt lở, nhưng chỉ một thời gian các bao cát biến mất.

Khi sạt lở đe dọa đến ao cá của mình, ông Đấu phải vay tiền mua đá kè bờ, tốn trên 400 triệu đồng. Cạnh nhà ông Đấu, nhà ông Tăng Tuấn cũng bị sạt lở, phải gia cố bờ bao tốn hàng trăm triệu.

“May mà nhà tôi còn kè chắn được, nhà ông Trường đợt rồi bị sạt lở bể bờ bao, thiệt hại cả trăm triệu đồng” – ông Đấu nói.

Dọc theo các hộ dân sống ven nhánh sông ở cồn Công, hỏi đến chuyện sạt lở ai cũng bức xúc. “Nhà Hai Thật, nhà Năm Long… bị sụp bờ kè. Nhà bà Ba Nết bị sạt lở gia cố 1.500 cây tràm, cả trăm triệu tiền đá tấn bờ giờ cũng tiêu luôn” – một người dân ở cồn Công bức xúc.

Đầu cồn Công, một doanh nghiệp đầu tư gần 3ha nuôi cá nhưng cá chưa tới lứa thu hoạch, bờ bao đã bị sạt lở, buộc phải kéo cá bán tháo để “chạy lở”.

Kế đó, ao cá nhà ông Võ Văn Chín đã bị sóng đánh tan hoang… Bên kia bờ đối diện thuộc xã Mỹ Hoà, nông dân Năm Lời nói nhà ông vay 300 triệu đồng để nuôi cá điêu hồng. Dự tính đến tháng thứ tư sẽ thu hoạch cá. Thế nhưng, chỉ đến tháng thứ ba thì bờ bao ao cá nhà ông bị sạt lở, buộc ông phải bán tống bán tháo số cá.

Theo nhiều người dân, nguyên nhân khiến vùng đất cồn trước đây bồi lắng nay bị sạt lở là do nạn khai thác cát. “Không chỉ những phương tiện khai thác cát hợp pháp, cánh khai thác lậu cũng len lỏi băm nát lòng sông khiến vùng đất bình yên giờ không còn yên ổn nữa, đời sống nhiều người bị đe doạ” – một người dân cho biết.

Người dân ngăn cản, phải ngưng khai thác cát

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Vĩnh Hạ, chủ nhiệm HTX Tân Bình Minh, cho biết vào ngày 15-1 vừa qua, đơn vị này được UBND tỉnh Vĩnh Long cấp giấy phép khai thác cát tại mỏ cát Mỹ Hoà- Phú Thành (nhánh sông giáp cồn Sừng và cồn Công) trong vòng 6 năm. Tuy nhiên ngày 15-2, khi HTX này đưa phương tiện đến khai thác cát thì bị người dân ngăn cản, phải ngưng khai thác.

Đến ngày 10-3, sau cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền với người dân sống ven mỏ cát, HTX lại đưa phương tiện đến lấy cát tiếp tục bị người dân truy cản.

“Người dân không cho lấy cát, còn đòi đốt sà lan, nên tôi phải cho sà lan rút về phía đầu cồn Công. Đến nay chưa thể khai thác được… Chưa tính tiền thuê sà lan, tiền lệ phí bạc tỉ bây giờ phải nằm chờ” – ông Hạ nói.

TIẾN TRÌNH , [email protected]