24/01/2025

​Hơn 75 triệu người dân Ấn Độ không được tiếp cận nước sạch

Theo báo cáo của tổ chức từ thiện quốc tế Water Aid được công bố ngày 22/3, Ấn Độ là quốc gia có số người không được tiếp cận nguồn nước sạch cao nhất thế giới. Báo cáo trên nêu rõ có tới 75,8 triệu người Ấn Độ, chiếm 5% trên tổng dân số 1,25 tỷ người của nước này, buộc phải mua nước với giá cao hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.

 

Hơn 75 triệu người dân Ấn Độ không được tiếp cận nước sạch

Theo báo cáo của tổ chức từ thiện quốc tế Water Aid được công bố ngày 22/3, Ấn Độ là quốc gia có số người không được tiếp cận nguồn nước sạch cao nhất thế giới.

 

Báo cáo trên nêu rõ có tới 75,8 triệu người Ấn Độ, chiếm 5% trên tổng dân số 1,25 tỷ người của nước này, buộc phải mua nước với giá cao hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.

Con số này chiếm hơn 1/10 trong số 650 triệu người không được tiếp cận nước sạch trên toàn thế giới, cao hơn Trung Quốc (63 triệu người) hay bất kỳ quốc gia nào tại châu Phi.

Tại Ấn Độ, người nghèo buộc phải trả tương đương 72 cent Mỹ để mua 50 lít nước/ngày, lượng nước tiêu thù trung bình mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Số tiền này tương đương 20% thu nhập hàng ngày của họ, trong khi người dân Anh chỉ phải trả tương đương hơn 10 cent Mỹ cho lượng nước tương đương.

Báo cáo nhấn mạnh việc quản lý kém nguồn nước là vấn đề lớn nhất tại Ấn Độ. Sự tham ô trong việc lên kế hoạch và triển khai các dự án cấp nước là nguyên nhân khiến người dân Ấn Độ không có nước sạch để dùng.

Các dự án này thường sử dụng các nguồn nước không phù hợp và đường ống thì không tới được nơi sinh sống của người dân. Việc sử dụng nước bẩn khiến nhiều người dân bị nhiễm bệnh. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 315.000 trẻ em tử vong do tiêu chảy, trong đó 140.000 ca là xảy ra ở Ấn Độ.

Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước và hạn hán khi các con sông ngày càng ô nhiễm, trong khi dự trữ nước ngầm ngày một giảm do thiếu kiểm soát việc nông dân sử dụng máy bơm nước. Vấn đề này ngày càng trầm trọng hơn khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên và mưa trở nên thất thường do biến đối khí hậu.

Dự báo trong 15 năm tới, Ấn Độ sẽ chỉ còn một nửa lượng nước cần để đáp ứng nhu cầu cho các thành phố, ngành công nghiệp và nông nghiệp.

Các chuyên gia quan ngại khủng hoảng nước sạch có thể làm trầm trọng thêm xung đột sắc tộc hoặc căng thẳng tôn giáo, đồng thời hối thúc nhà chức trách áp đặt các quy định nghiêm ngặt về việc bơm và sử dụng nước.

Ngoài ra, cũng theo báo cáo trên, Papua New Guinea, Guinea Xích đạo, Angola, Chad và Mozambique là những quốc gia đứng đầu danh sách về tỷ lệ dân số không được tiếp cận nước sạch.

Tại Papua New Guinea, 4,5 triệu người, tương đương 60% dân số quốc đảo Tây Nam Thái Bình Dương này, phải chi hơn 50% thu nhập cho lượng nước trung bình tiêu thụ mỗi ngày.

Báo cáo nhận định nước biển dâng lên và các diễn biến thời tiết ngày một khắc nghiệt là hai hậu quả của biến đổi khí hậu khiến nguồn nước và cuộc sống nói chung ngày càng khó khăn hơn bao giờ hết.