02/11/2024

PHAN CHÂU TRINH VÀ MỘT CUỘC DUY TÂN Truy điệu Tây Hồ nhật

Đúng 90 năm trước, ngày 24-3-1926, một quốc tang với tất cả nghi lễ bên ngoài, kính ngưỡng bên trong đã được hàng vạn người dân đồng lòng tổ chức xuyên suốt Nam – Trung – Bắc.

 PHAN CHÂU TRINH VÀ MỘT CUỘC DUY TÂN

Truy điệu Tây Hồ nhật

 

 

Đúng 90 năm trước, ngày 24-3-1926, một quốc tang với tất cả nghi lễ bên ngoài, kính ngưỡng bên trong đã được hàng vạn người dân đồng lòng tổ chức xuyên suốt Nam – Trung – Bắc.

 

 

 

 

Truy điệu Tây Hồ nhật
Chí sĩ Phan Châu Trinh – Ảnh tư liệu

 là tang lễ chí sĩ Phan Châu Trinh… Ngày 24-3-1926, nhà yêu nước Phan Châu Trinh tạ thế. Ngày 4-4-1926, Sài Gòn chấn động khi hàng vạn người từ trong nhà đổ ra đường, từ các tỉnh đổ về thành phố, đeo băng tang, xếp hàng tề chỉnh, cờ phướn nghiêm trang, đi theo linh cữu Phan Châu Trinh về nơi an nghỉ.

90 năm dài bằng cả đời người, dài hơn hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Thế nhưng dư âm thức tỉnh của tang lễ Phan Châu Trinh thì vẫn còn đó…

Truy điệu Tây Hồ nhật
Trước giờ đưa tang – Ảnh: Khánh Ký

Toàn quốc thọ tang

Trong khu vườn xanh mát trên đường Phan Thúc Duyện (Tân Bình, TP.HCM), ngôi mộ Phan Châu Trinh nằm yên ả, bức tượng với hàm râu và đôi mắt kiên định dõi nhìn lịch sử biến động thăng trầm.

Tấm bia vẫn nguyên vẹn hàng Hán tự: “Việt Nam chính trị cách mạng gia Phan Châu Trinh tiên sinh chi mộ – Quốc dân đồng kính tặng” và những dòng tiểu sử đầy tự hào lẫn nuối tiếc ai oán của người bạn tri kỷ Huỳnh Thúc Kháng.

1926, Việt Nam đã mấy mươi năm rơi vào vòng bảo hộ thuộc địa. Nước mất. Dân nô lệ. Trong những trang cuối cùng của Việt Nam sử lược, sử gia Trần Trọng Kim viết: “Người Việt Nam vì hoàn cảnh, vì tình thế bắt buộc phải im hơi lặng tiếng, nhưng lòng ái quốc mỗi ngày mỗi nồng nàn, sự uất ức đau khổ mỗi ngày mỗi tăng thêm. Cho nên cứ cách năm, bảy năm lại có một cuộc phiến động…”.

Song, các cuộc kháng Pháp hưởng ứng phong trào Cần vương đều thất bại, tan rã, những đường hướng tìm lại độc lập, tự do đều như đi vào ngõ cụt, cuộc sống người dân ngày một lầm than.

Trong hoàn cảnh ấy, tư tưởng “Nam quốc dân quyền tiên tổ chức” (“Người gây dựng nhân quyền đầu tiên ở nước Nam” – trích lời điếu của ông Nguyễn Sinh Huy, tức thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – PV) của Phan Châu Trinh tất nhiên sáng chói và có sức hút không thể cưỡng lại.

Ban tổ chức tang lễ Phan Châu Trinh nhận định trong Lời đạt: “Cụ Phan Châu Trinh là người đã bước bước thứ nhất lên con đường cải cách chính trị của quốc dân ta.

Trong 20 năm cụ đã bỏ nhà cửa, vợ con, bị đày, bị tù để cho dân ta được tấn hóa. Công nghiệp ấy lớn biết là dường nào”.

Và kêu gọi: “Thưởng công phạt tội, quyền ở quốc dân ta, lại có cái nghĩa phải thi hành quyền ấy. Những kẻ bán nước cầu vinh thì chúng ta phạt bằng bút bằng lưỡi. Đối với kẻ có tội đã vậy, đối với người có công chúng ta há chẳng nên biểu dương và sùng bái hay sao.

Nếu cụ Phan Châu Trinh mà không được hưởng cái lễ long trọng này, những người như cụ sống đây ai còn thiết gì đến chúng ta nữa. Dân tộc nào không biết tôn kính người ái quốc là dân tộc ấy không có lòng ái quốc…”.

Với tinh thần ấy, khi đoán bệnh cụ Phan không qua khỏi, Huỳnh Đình Điển, Võ Công Tồn, Trần Huy Liệu, Nguyễn An Ninh, Khánh Ký, Phan Văn Trường, Nguyễn Phan Long… những bạn bè, đồng chí đã tổ chức quyên góp, chuẩn bị sẵn hầm mộ bêtông cốt sắt ở nghĩa trang Hội Gò Công tương tế, mua quan tài kẽm, xin phép lưu giữ thi hài 10 ngày, cắt sẵn hàng vạn băng tang… chuẩn bị đến từng chi tiết cho một tang lễ vĩ đại mang tính chất quy tụ lòng dân.

Ngày 23-3-1926 chính quyền thực dân tại Sài Gòn ra quyết định cấm ngặt các cuộc biểu tình trong thành phố. Hôm sau, sở cảnh sát bắt Nguyễn An Ninh và hai người đồng sự. Chỉ vài giờ đồng hồ sau đó, Phan Châu Trinh trút hơi thở cuối.

Dù người trẻ tuổi và hoạt động hăng hái nhất trong ban tổ chức là Nguyễn An Ninh bị bắt, tang lễ vẫn bắt đầu với quy mô quốc tang.

Truy điệu Tây Hồ nhật
Hàng vạn người Sài Gòn đi theo linh cữu Phan Châu Trinh về nơi an nghỉ – Ảnh: Khánh Ký

Trời Nam mây ám

Trong phòng lưu niệm ở nhà thờ Phan Châu Trinh, những bức ảnh được đích thân ông Khánh Ký chụp đã ố vàng, mờ nhoè nhưng vẫn có thể thấy được những hàng người đủ cả già trẻ lớn bé, quần áo tề chỉnh, băng tang đeo tay, xếp hàng dằng dặc, gương mặt cương nghị, đầy thương tiếc, liễn phướn dựng rợp một góc trời.

Vẫn có thể đọc được những dòng tường thuật được cắt giữ, lưu lại từ những Đông Pháp Thời Báo, Thực Nghiệp Dân Báo, Thần Chung… Sách Phan Châu Trinh của Thế Nguyên, in tại Sài Gòn năm 1950, kể lại: “Linh cữu của cụ Phan Châu Trinh quàn tại ngôi nhà số 54 đường Pellerin (nay là đường Pasteur – PV) ngày đêm tấp nập những người túc trực lo liệu việc đám.

Đồng bào ở Trung – Bắc Việt vào, ở lục tỉnh lên, thành phố Sài Gòn hiện ra một vẻ náo nhiệt lạ thường. 6g sáng 4-4-1926, đám tang cụ Phan khởi hành, hàng muôn người sắp hàng tư đi đưa đám, đông nghẹt các ngả đường…”.

Trên một tờ báo tiếng Pháp xuất bản tại Sài Gòn số ra ngày 6-4-1926 tường thuật: “Dòng người kéo dài như một dòng sông trên chiều dài mấy cây số.

Các thành phần, ngành nghề đều có mặt, đều được đại diện: đoàn phụ nữ Sài Gòn và Chợ Lớn, thanh niên của Đảng Thanh niên cao vọng, An Nam trẻ, nam sinh, nữ sinh các trường, công chức và công nhân, thợ Ba Son, thợ may, thợ đóng giày Trung và Bắc, thợ cắt tóc, thợ mộc, thợ nề, đoàn Hoa kiều ở Chợ Lớn…

Cả các phu kéo xe cũng đến và góp mỗi người 30 xu để xây dựng lăng mộ. Hàng ngàn bài phúng, trướng, liễn nối tiếp nhau, đung đưa trên tay người và phất phới trước gió”…

4-4-1926, tờ Thư Tín Quốc Tế (một tạp chí của Quốc tế cộng sản) đăng bài viết của Nguyễn Ái Quốc: “Nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, một người thuộc phái quốc gia, vừa qua đời. 30.000 người An Nam ở khắp xứ Nam kỳ đã làm lễ truy điệu.

Tất cả học sinh, sinh viên đều để tang cụ. Trước phong trào yêu nước của toàn dân, thực dân Pháp sợ hãi, bắt đầu phản công lại: cấm học sinh để tang và tổ chức các cuộc lạc quyên, cấm tổ chức các lễ truy điệu… Để phản đối, học sinh đã bãi khoá”.

Nguyễn Ái Quốc khi ấy đang hoạt động tại Trung Quốc, Người đã nắm rất rõ tình hình thời sự về tang lễ của cụ Phan nhưng chưa toàn vẹn.

Hương án, lễ viếng, lễ truy điệu cụ không chỉ được đặt để, tổ chức ở Sài Gòn, không chỉ tại các tỉnh Nam kỳ mà cả Trung kỳ, Bắc kỳ, cả ở Phnom Penh và Paris…

Tác phẩm Quốc gia huyết lệ của tác giả Nguyễn Đức Riệu, Thịnh Quang Thư quán xuất bản ngày 15-5-1926 đã dành chương “Trời Nam mây ám” tường thuật, ghi chép lại hàng chục lễ truy điệu tại Nam kỳ, Trung kỳ.

Nhà thờ Phan Châu Trinh tại Đà Nẵng hiện nay còn lưu giữ nội dung hàng chục bài điếu, hàng trăm câu đối, trong đó có câu đối nổi tiếng được treo trong lễ truy điệu tổ chức tại Nam Định: “Truy điệu Tây Hồ nhật/ Hoán cải quốc dân hồn”.

Đặc biệt hơn, các con cháu Phan Châu Trinh còn sưu tầm được hàng trăm văn bản của Sở mật thám Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Cao Miên, Paris báo cáo rất chi tiết về hoạt động tang lễ, tổ chức truy điệu, xuất bản sách về Phan Châu Trinh trước và sau khi ông mất với những nhận định khá xác đáng: “Công chúng An Nam đã nắm lấy dịp Phan Châu Trinh qua đời và tang lễ ông ta để thoả mãn nhu cầu biểu thị ra ngoài trạng thái tư tưởng mới của họ” (báo cáo của Sở mật thám Sài Gòn ngày 28-3-1926).

Dù với những mục đích rất khác nhau, người Pháp đã gặp người Việt Nam ở ý thức rất rõ về giá trị thức tỉnh sâu rộng và lâu dài của tang lễ cụ Phan.

__________

Kỳ tới: Hoán cải quốc dân hồn

PHẠM VŨ