26/12/2024

Tình hình bách hại các Kitô hữu tại Ấn Độ

Trong các năm qua Kitô hữu Ấn Độ đã bị bách hại tàn nhẫn bởi các nhóm Ấn giáo cuồng tín, trước sự thinh lặng đồng loã của đảng cầm quyền BJP, tức đảng Nhân dân Ấn quốc gia khuynh hữu. Trong những ngày đầu tháng 3 vừa qua, ĐC Leo Cornelio, Giám mục Bhopal, đã cho tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ biết tình hình bách hại các Kitô hữu trong tiểu bang Madhya Pradesh, nơi có giáo phận của ngài.

 Tình hình bách hại các Kitô hữu tại Ấn Độ

 

 
Trong các năm qua Kitô hữu Ấn Độ đã bị bách hại tàn nhẫn bởi các nhóm Ấn giáo cuồng tín, trước sự thinh lặng đồng loã của đảng cầm quyền BJP, tức đảng Nhân dân Ấn quốc gia khuynh hữu. Trong những ngày đầu tháng 3 vừa qua, ĐC Leo Cornelio, Giám mục Bhopal, đã cho tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ  biết tình hình bách hại các Kitô hữu trong tiểu bang Madhya Pradesh, nơi có giáo phận của ngài. Tại đây hồi tháng giêng vừa qua đã có 13 Kitô hữu bị vu khống cưỡng bách các tín hữu Ấn theo Kitô giáo và bị bắt giam. Thật ra, bang Madhya Pradesh là 1 trong 7 bang tại Ấn Độ có luật tự do tôn giáo, tức luật chống cải đạo. Luật này được đưa ra nhắm phòng ngừa các cuộc cưỡng bách theo một tôn giáo khác, nhưng trong thực tế gây ra các kỳ thị khắt khe, bạo lực và các vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng của các nhóm tôn giáo thiểu số. Luật cấm cải đạo hiện nay được thi hành tại 7 tiểu bang tại Ấn Độ là: Chhattisgarh, Himachal Pradesh, Gujarat, Madhya Pradesh, Arunanchal Pradesh, Rajasthan và Orissa. Madhya Pradesh là bang đầu tiên có luật chống cải đạo từ năm 1967.

ĐC Cornelio cho biết có lẽ 13 Kitô hữu nói trên đã cùng nhau cầu nguyện, và đã gây tiếng động ồn áo quá nên gây phiền toái cho ai đó. Trong số những người bị cảnh sát bắt cũng có các trẻ em vị thành niên. Vụ này cho thấy người ta có thể dễ dàng lạm dụng luật để bách hại các Kitô hữu. Đáng lý ra luật lệ phải bảo đảm cho các nhóm tôn giáo thiểu số không ép buộc tín hữu các tôn giáo khác theo đạo của mình. Nhưng làm thế nào để tránh sự kiện ai đó sử dụng nó cho các lợi lộc kinh tế, chính trị hay cá nhân của họ? ĐC Cornelio cho biết Giáo hội Công giáo không hề tìm cách lôi kéo tín hữu các tôn giáo khác theo Kitô giáo, mặc dù có thể có các giáo phái Kitô làm chuyện này. ĐC cho biết trong bầu khí ấy các hoạt động bác ái của Giáo Hội cũng bị các nhóm Ấn cuồng tín giải thích sai lạc. Họ tố cáo Giáo Hội là tìm cách lo lắng cho người nghèo chỉ để lôi kéo những người này theo Kitô giáo. Họ còn tố cáo cả Mẹ Têrêxa Calcutta tội tưởng tượng này.

Thực ra, ĐC nói tiếp, chính những anh chị em nghèo xin chúng tôi trợ giúp họ, và khi chúng tôi giải thích cho họ rằng điều chúng tôi làm là do Chúa Giêsu Kitô dạy, họ muốn theo Kitô giáo. ĐC Cornelio cũng cảnh cáo các nguy cơ của việc thi hành luật cải đạo trên bình diện tổng quát và nhấn mạnh rằng tuy chính quyền Ấn không trực tiếp gây ra các khổ đau cho các Kitô hữu, nhưng kể từ khi Đảng Quốc gia Ấn giáo Bharatiya Janata, viết tắt là NJP, lên cầm quyền với Tổng thống Narenda Modi, các nhóm Ấn giáo cuồng tín càng tỏ ra quá khích hơn. ĐC nói các nhóm này lèo lái các vụ theo đạo, và gây áp lực trên chính trị để chính quyền bắt giữ các người họ cho là có tội. Và thế là bắt đầu các vụ án có khi kéo dài nhiều năm vì sự chậm chạp của hệ thống tư pháp Ấn. Và các nhóm tôn giáo thiểu sổ tiếp tục khổ đau vì các bắt bớ đàn áp bất công này.

Tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ là tổ chức quyền giáo hoàng, do Cha Werenfried van Straaten thành lập, và là tổ chức duy nhất thực hiện các dự án trợ giúp mục vụ của Giáo Hội tại những nơi Giáo Hội bị bách hại, hay thiếu các phương tiện chu toàn sứ mệnh của mình, và tổ chức có trụ sở tại 21 quốc gia. Năm 2014 tổ chức đã quyên góp được 105 triệu Euro và tài trợ cho 5.614 dự án tại 145 quốc gia trên thế giới.

Theo bản tường trình do ĐHY Oswald Gracias, TGM Bombay kiêm Chủ tịch HĐGM Ấn Độ, công bố trong năm 2013, đã có hơn 4.000 vụ bạo lực chống lại các Kitô hữu, do các nhóm Ấn giáo cực đoan chủ mưu tại nhiều nơi trên toàn quốc. Các vụ bạo hành này bao gồm cả việc sát hại 7 tín hữu trong đó có cả một trẻ em vị thành niên, các lạm dụng đối với 1.000 phụ nữ và bạo hành 400 linh mục thuộc nhiều giáo hội. Ngoài ra cũng có hơn 100 nhà thờ và nơi thờ tự Kitô bị tấn công. Bản tường trình về các vụ bách hại các Kitô hữu năm 2013 do Giáo hội Công giáo và nhiều tổ chức Kitô soạn thảo như: Diễn đàn Giáo dân Công giáo, Hội đồng Kitô toàn nước Ấn, Hội Ái hữu Tin Lành Ấn, Hội đồng Kitô toàn nước Ấn và tổ chức Canh chừng Quốc tế. Bản tường trình đã do hai giáo dân thuộc Diễn đàn Giáo dân Công giáo đệ trình lên các Giám mục. Đó là Ông Joseph Dias và Thẩm phán Michael Saldanha, thư ký và chủ tịch của Diễn đàn này. Trong số 4.000 vụ bạo hành có các bằng chứng chi tiết, có 200 vụ bách hại trầm trọng xảy ra trong vài tiểu bang Ấn. Đứng đầu là bang Karnataka, nơi các vụ bách hại các tín hữu Kitô phổ biến nhất, cũng như tại bang Maharashtra xem ra là phòng thí nghiệm của phong trào Ấn giáo cuồng tín. Các bang khác thuộc nhóm đứng đầu các vụ bách hại Kitô hữu như: Andra Pradesh, Chhattisgarh, Gujarat, Orissa, Madhya Pradesh, Tamil Nadu và Kerala.

Bản tường trình cũng duyệt xét các kẽ hở của hệ thống tư pháp Ấn Độ cho phép việc phổ biến bạo lực và không trừng phạt các thủ phạm. Các luật lệ bị tố cáo là luật Trật tự do Tổng thống ban hành năm 1950 khước từ quyền của các Kitô hữu gốc dalít và quyền của các tín hữu thuộc các thiểu số tôn giáo khác, trong khi lại chấp nhận các quyền của các tín hữu Ấn gốc dalít, là giới thấp kém nhất trong bậc thang xã hội Ấn. Bên cạnh đó là các luật chống cải đạo hiện được thi hành trong 7 tiểu bang như đã kể trên đây.

Bản tường trình cũng ghi nhận rằng một luật tổng quát nhằm ngăn chặn bạo lực được đệ trình Quốc hội năm ngoái 2015, đã bị ngâm tôm, chưa được đem ra thảo luận. Và trong đa số các trường hợp bạo hành, cảnh sát Ấn đã không ghi nhận các lời tố cáo và các phương tiện truyền thông Ấn bỏ không tường thuật và đưa tin, hay có đưa tin nhưng lèo lái, sơ sài và giảm thiểu tầm nghiêm trọng của chúng.

Trong đại hội khoáng đại triệu tập tại Bangalore từ mồng 4 đến mồng 9 tháng 3 vừa qua, 180 Giám mục Ấn Độ đã ra thông cáo bày tỏ âu lo, phẫn nộ và đau đớn đối với vụ tàn sát các Kitô hữu xảy ra ngày mồng 4 tháng 3 tại Aden của Yemen, khiến cho 16 Kitô hữu bị thiệt mạng, trong đó có 4 nữ tu Dòng Thừa sai Bác Ái của Mẹ Têrêxa Calcutta. Một trong 4 nữ tu bị giết là chị Anselma, người Ấn Độ, thuộc Giáo phận Gumla trong bang Jharkhand. Các vị cũng bày tỏ lo âu cho số phận của Cha Tom Uzhunnalil, người Ấn Độ, Dòng Salesien, bị bọn khủng bố bắt cóc và mong cha sớm được trả tự do. Trong thông cáo, các Giám mục Ấn Độ khẳng định rằng các tấn kích và sát hại tàn bạo các thừa sai Kitô từ phía các đầu óc man rợ sẽ không làm nản lòng dấn thân của Giáo Hội trong việc phục vụ người nghèo và các bệnh nhân. Trong thông cáo gửi cho hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo, dòng các nữ tu Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêxa Calcutta cũng cho biết các nữ tu sẽ không rời bỏ công việc phục vụ ngưòi nghèo và người túng thiếu tại Yemen. Mẹ Têrêxa đã luôn luôn hiện diện tại các ngõ ngách xa xôi nhất trên thế giới.

Trong khi đó, vào hạ tuần tháng 2 vừa qua, một nhóm các luật gia, trạng sư, giới trí thức đại học, các nhà văn và nghệ sĩ hoạt động bênh vực nhân quyền đã thành lập một địa chỉ trên liên mạng Internet để kể lại con đường thập giá của các Kitô hữu còn sống sót sau các vụ tàn sát trong quận Kandhamal, thuộc tiểu bang Orissa, hồi mùa hè năm 2008. Cha Ajaya Kumar Singh cho biết trang mạng này sẽ là nguồn cung cấp các tin tức, dữ kiện và tài liệu trợ giúp tư pháp cho những người hoạt động cho các Kitô hữu sống sót, cũng như cho tất cả những ai muốn tìm hiểu sự thật liên quan tới các vụ bách hại các Kitô hữu trong bang này và đó đây trên toàn nước Ấn. Trang mạng cũng nhắm mục đích chứng minh cho thấy sự thất bại của chính quyền bang Orissa và của Liên hiệp Ấn Độ không bảo vệ được các quyền lợi của người dân, đặc biệt là quyền của các Kitô hữu. Đã có hai Uỷ ban điều tra về cuộc bách hại các Kitô hữu trong quận Kandhamal và họ đã nộp các bản tường trình hồi cuối năm 2015, nhưng chúng vẫn chưa được công bố. Các vụ bách hại Kitô hữu tại Kandhamal đã khiến cho 90 tín hữu bị thiệt mạng trong đó có cả linh mục và nữ tu, phá huỷ 8.500 nhà ở và 395 nhà thờ, và khiến cho 56.000 người bị đuổi khỏi các làng mạc của họ và chạy trốn đi nơi khác.

Ngày mồng 9 tháng 2. lần đầu tiên khoảng 100, Kitô hữu sống sót sau các cuộc bách hại trong quận Kandhamal đã có thể gặp gỡ nhau tại Trung tâm Mục vụ Konjamendi của Giáo phận Cuttack-Bhubaneswar. Cuộc gặp gỡ đã do giáo phận tổ chức và bảo trợ. Mục đích là để cho các Kitô hữu chia sẻ kinh nghiệm cuộc đấu tranh cho công lý và phẩm giá con người. Nó cũng muốn trao ban hy vọng cho các nạn nhân và xây dựng tình liên đới giữa những người còn sống sót. Cha Ajaya Singh, hoạt động cho nhân quyền và trợ giúp các nạn nhân của bạo lực chống Kitô hữu, và là người phối hợp hoạt động xã hội của Giáo Hội địa phương, cho biết cuộc gặp gỡ cũng muốn trao ban hy vọng cho các nạn nhân và xây dựng tình liên đới giữa những người còn sống sót. Có những con cái mất cha mẹ, hay cha mẹ mất con, có những phụ nữ mất chồng, hay những người chồng mất vợ, có những người đã mất tất cả nhà cửa ruộng vườn của cải, khiến cho toàn cuộc sống của họ bị ảnh hưởng. Chúng tôi hy vọng xây dựng một sự hiệp thông giữa các người sống sót, trong khi hệ thống tư pháp của chính quyền hoàn toàn thất bại trong việc xét xử. Thân nhân của các nạn nhân rất sợ hãi, khi phải tham dự các phiên xử của toà án, vì các thủ phạm có thể đe doạ các nhân chứng.

Trong tình hình buồn thương ấy, ngày mồng 8 tháng 2, Kitô hữu quận Kandhamal đã sống một biến cố trao ban hy vọng, vì có hai tân linh mục được ĐC John Barwa, Giám mục Cuttack Bhubaneswar, truyền chức tại Simon Badi. Đó là Cha Bonifacio Kanhar và Cha Chandulal Baliarsingh, Dòng Capucino gốc Kandhamal, thuộc Tỉnh dòng Andhra-Orissa. Đã có 50 linh mục đồng tế Thánh lễ với sự tham dự của 1.500 giáo dân. 

Trong bài giảng Thánh lễ Truyền chức, ĐC Barwa nhắc nhở rằng tất cả chúng ta đều được kêu mời là dụng cụ lòng thương xót Chúa, cả khi cha Kanhar và cha Baliarsingh và gia đình các cha đã là nạn nhân của bạo lực. Phản ứng của hai cha và gia đình đã là lòng thương xót. Nhắc lại các khó khăn và khổ đau phải chịu hồi năm 2008, Cha Kanhar nói: tôi cảm tạ Chúa vì ơn thừa tác linh mục Chúa ban cho tôi và cho Giáo Hội. Cha có người em gái út là nữ tu Dòng Thánh Giuse Annecy và một người bác cũng là linh mục của Giáo phận Cuttack-Bhubaneswar. Còn Cha Baliarsingh cám ơn cha mẹ, thân nhân và các linh mục đã khích lệ cha theo đuổi ơn gọi linh mục trong các năm qua. Cha xin mọi người cầu nguyện cho hai cha để có thể phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội  với lòng thương xót.

Cũng trong tháng 2 tại Mumbai đã có cuộc gặp gỡ liên tôn hằng năm, do các nữ tử Thánh Phaolô tổ chức chung với các hiệp hội và trường học Kitô và không Kitô, với sự tham dự của 500 bạn trẻ. Đề tài của cuộc hội thảo là “Khuynh hướng cuồng tín tôn giáo: một đe doạ cho nhân loại và thụ tạo”. Bên cạnh các bạn trẻ cũng có các phụ huynh và giáo viên. Mọi người đã thảo luận về sự “Hiệp nhất trong đa dạng và lên án mọi khuynh hướng cuồng tín tôn giáo”. Giới trẻ là chìa khoá giúp cử hành và thăng tiến sự hiệp nhất trong đa dạng và xây dựng hoà bình và công lý. Trong cuộc hội thảo người trẻ học hỏi nơi nhau và trao đổi các truyền thống tôn giáo, cũng như các giá trị, tư tưởng và kinh nghiệm sống. Tất cả là để xây dựng một nước Ấn Độ và một thế giới tốt đẹp hơn.

Nữ tu Ananda Amritmahal, Giám đốc Trường Sophia, đã giải thích cho các bạn trẻ hiểu khuynh hướng cuồng tín tôn giáo và hậu quả của việc sống niềm tin tôn giáo không có lý trí trên cuộc sống xã hội. Chị khẳng định rằng tất cả mọi người đều như nhau  trước mắt của Vị Thầy và là Đấng Tạo Dựng, cả khi họ có các kiểu khác nhau trong việc thông truyền với Ngài. Chị mời gọi các bạn trẻ tôn trọng người khác vả không cạnh tranh với các tôn giáo khác. Trong phần chia sẻ các bạn trẻ đã cho thấy họ rất ý thức được các đe dọa của khuynh hướng tôn giáo cuồng tín và ước mong thắng vượt các khác biệt tôn giáo để xây dựng một nước Ấn Độ đa nguyên, đa văn hoá và đa tôn giáo, trong đó mọi người có thể sống trong hài hoà và tình huynh đệ đại đồng.

(FIDES 9.10.19.26-2-2016; 7.11-3-2016)



 

 

Linh Tiến Khải