Trung Quốc hứa chia sẻ thông tin về đập trên sông Mê Kông
Trung Quốc đã cam kết sẽ chia sẻ thông tin về việc quản lý các đập trên sông Mê Kông với các nước liên quan nhằm giảm thiểu tác động đối với hàng triệu người sinh sống ở hạ nguồn.
Trung Quốc hứa chia sẻ thông tin về đập trên sông Mê Kông
Trung Quốc đã cam kết sẽ chia sẻ thông tin về việc quản lý các đập trên sông Mê Kông với các nước liên quan nhằm giảm thiểu tác động đối với hàng triệu người sinh sống ở hạ nguồn.
Tờ Bangkok Post ngày 22.3 dẫn lời người phát ngôn Bộ Tài nguyên – Môi trường Thái Lan Suphot Tovichakchaikul cho biết thông tin trên.
Trung Quốc bắt đầu xả đập thuỷ điện Cảnh Hồng từ ngày 15.3 – 10.4. Với lượng xả nước khoảng 2.000 m3/giây, mực nước sông Mê Kông khu vực Thái Lan đã tăng lên nhanh chóng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp, đánh bắt thuỷ sản và hoạt động trong mùa khô. “Nếu biết chính xác lịch xả nước, chúng tôi có thể phản ứng hiệu quả hơn để làm giảm thiểu tác động xấu đến cuộc sống người dân”, ông Suphot nói.
Theo ông này, cam kết của Trung Quốc sẽ được thể hiện trong Tuyên bố Tam Á, vốn vạch ra nguyên tắc chỉ đạo cho hợp tác giữa 6 nước thành viên của cơ chế Hợp tác sông Mê Kông – Lan Thương (MLC): Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Cuộc họp đầu tiên của MLC sẽ diễn ra tại thành phố Tam Á (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) từ 23 – 24.3.
Tuy vậy, việc Trung Quốc xả nước và đồng ý chia sẻ thông tin được nhiều người đánh giá là chỉ mới giải quyết “phần ngọn”.
Tờ Phnom Penh Post ở Campuchia ngày 22.3 dẫn lời ông Bun Hean, Quốc vụ khanh Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng học Campuchia, phát biểu rằng với khoảng cách hàng ngàn ki lô mét từ đập Cảnh Hồng đến vùng hạ lưu Mê Kông như ở Campuchia thì tác động không đáng kể. “Nếu đầu nguồn xả 100%, chúng tôi nhận được chỉ khoảng 10%”, ông nói.
Mặt khác, Ian Thomas, cố vấn kỹ thuật của Uỷ hội Sông Mê Kông, cho biết việc xả nước mới đây của Trung Quốc không khác gì với lịch xả nước trong quá khứ. Bên cạnh đó, theo Pianporn Deetes, điều phối viên Tổ chức sông ngòi quốc tế (Thái Lan), lý do lớn hơn của việc xả nước là để tàu Trung Quốc đi buôn bán ở hạ lưu có thể về lại Trung Quốc.
Montree Chantawong, người vận động chiến dịch Phục hồi sinh thái và khu vực liên minh (TERRA), cho biết việc các đập ở Trung Quốc xả nước để tạo ra điện và giúp tàu bè vận chuyển cho mục đích thương mại đã ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên, nhiều tài nguyên thiên nhiên bị mất.
Vì thế, chính phủ Trung Quốc nên hỗ trợ phát triển bền vững sông Mê Kông bằng cách duy trì dòng chảy tự nhiên để tạo một hệ sinh thái cân bằng. Pianporn Deetes cho rằng đề nghị của Trung Quốc để chia sẻ thông tin về quản lý đập vẫn chưa đủ. Những tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái đã rất rõ ràng nhưng phía Trung Quốc vẫn không có bất cứ động thái bồi thường hoặc phục hồi.
“Vì thế, Trung Quốc nên chấp thuận việc nguồn nước chung (sông Mê Kông) không thể được quản lý chỉ bởi một quốc gia vì quá nhiều lợi ích chung bị đe doạ. Bảo vệ môi trường sinh thái phải được ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển bền vững giữa các nước sông Mê Kông”, bà nói.
Lam Yên
(VP Bangkok)