27/12/2024

Thầy Nghĩa làm việc nghĩa

Người ta hay nói thầy được đặt tên Nghĩa là đúng vì cả đời thầy làm việc nghĩa. Thấy học sinh nghèo, bệnh tật, thầy lao vào giúp. Thấy trò không có sách đọc, thầy lấy sách ở nhà, vận động mạnh thường quân đóng góp làm thư viện cho học trò nghèo.

 

Thầy Nghĩa làm việc nghĩa

Người ta hay nói thầy được đặt tên Nghĩa là đúng vì cả đời thầy làm việc nghĩa. Thấy học sinh nghèo, bệnh tật, thầy lao vào giúp. Thấy trò không có sách đọc, thầy lấy sách ở nhà, vận động mạnh thường quân đóng góp làm thư viện cho học trò nghèo.

Thầy Nghĩa làm việc nghĩa
Thầy Nghĩa (bìa phải) trao quà là những chiếc xe đạp mới cho học trò nghèo – Ảnh: Trần Mai

“Thay mặt những người làm thiện nguyện, chúng 
tôi rất cảm ơn những đóng góp của thầy. Bằng khen trao cho thầy mỗi năm chưa thể nói hết được những 
gì thầy đã làm

Bà NGUYỄN THỊ THUỲ TRANG (phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Mộ Đức)

Cách đây mấy ngày, thầy Lương Thạch Nghĩa (59 tuổi, giáo viên Trường THCS Đức Thắng, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) vừa chuyển 500 cuốn sách thiếu nhi đến Trường tiểu học Văn Bân (xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức).

Để có số sách này, thầy Nghĩa đã liên hệ với NXB Kim Đồng làm các thủ tục xin. Đó là thư viện thứ tư mà thầy Nghĩa đã làm trong ba năm qua.

Một đời xin sách cho trò

Thầy Nghĩa bảo rằng mình là người mê đọc sách, cả đời là giáo viên nên tủ sách nhà thầy Nghĩa cứ lớn dần.

Thế rồi năm 2012 thấy thư viện trường chỉ có mấy cuốn sách giáo khoa và sách tham khảo, thầy Nghĩa quyết định mang 120 cuốn sách của gia đình và vận động thầy cô, học sinh ở trường góp sách cho thư viện. Sách đã nhiều hơn nhưng vẫn chưa đúng với tuổi của các em thì thư viện vẫn chưa thể thu hút học trò.

Trong một lần lang thang trên mạng, thầy Nghĩa thấy chương trình “Một triệu bản sách cho học trò nghèo” của NXB Kim Đồng, thầy bèn làm công văn xin sách đưa cho thầy hiệu trưởng ký, gửi gấp vào cho NXB và nhận về được 500 cuốn sách bao gồm truyện tranh lịch sử, truyện văn học…

Đến giờ này, từ vài trăm cuốn sách ban đầu, thư viện của Trường THCS Đức Thắng đã có hơn 9.000 đầu sách.

Gần đây, thầy Nghĩa còn vận động xin thêm 500 cuốn sách cho Trường tiểu học Đức Thắng, 500 cuốn cho Trường tiểu học Bồ Đề và ngày 15-3 vừa rồi, Trường tiểu học Văn Bân cũng nhận được 500 cuốn. Thầy Nghĩa bảo mình sắp về hưu nên dồn hết tâm sức để làm “Tủ sách của chúng em” do Trung ương Đoàn phát 
động trước khi về hưu.

Năm nay đã 59 tuổi, thầy giáo Nghĩa vẫn làm duy nhất một vị trí là giáo viên phụ trách Đội, người già nhất Quảng Ngãi làm nhiệm vụ này. Chỉ cần nhìn những tấm bằng khen của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Quảng Ngãi và huyện Mộ Đức công nhận thầy Ba Nghĩa là người thầy được học trò yêu quý nhất trong nhiều năm liền là có thể hiểu được tình cảm thầy dành 
cho bao thế hệ học trò.

Làm sao mà không được yêu quý khi giữa thời bao cấp thầy đã san sẻ khó nhọc cùng học trò. Khóa học 1980-1981 có cậu học trò tên Lê Tuấn Anh dù học rất giỏi nhưng nhà nghèo. Năm đó, trong buổi sinh hoạt Đội, tất cả học sinh phải bỏ áo vào quần, cậu học trò Tuấn Anh là chi đội trưởng nhưng không chịu “đóng thùng”.

Thầy Nghĩa hỏi chuyện mới biết quần Tuấn Anh bị rách, lủng và đứt chỉ nhiều chỗ. Thầy Nghĩa bỏ dạy về lấy quần cũ của mình rồi dẫn Tuấn Anh tới một tiệm may đo. Cái quần đó đã gắn với Tuấn Anh được hai năm. Cậu học trò nghèo Tuấn Anh ngày đó giờ đã 44 tuổi, làm giám đốc một công ty xây dựng ở Đồng Nai.

Nhắc lại chuyện cũ, anh Tuấn Anh bảo: “Hồi đó ai cũng nghèo cả, giáo viên như thầy Nghĩa chỉ có hai cái quần mua theo tem phiếu, vậy mà thầy lại nhường cho tôi một cái. Cái tình này cả đời tôi mãi không quên”.

Tiếp bước đến trường

Sau lần chia quần cho học trò ấy, thầy Nghĩa phát động chương trình “Tiếp bước đến trường” và duy trì đến nay. Hiện thầy không còn làm riêng cho một cảnh đời nào mà mở rộng ra toàn huyện thay vì chỉ làm cho trường mình. Mỗi lần nghe ở đâu có học trò khó khăn thầy lại tìm đến, giúp đỡ vật chất và tinh thần, động viên các em tiến bước trên con đường học vấn.

Trong rất nhiều học sinh khó khăn ở vùng đất hiếu học Mộ Đức có ba chị em Võ Thị Hồng Luyến, học lớp 10, hoàn cảnh rất thương tâm. Cha mẹ ly dị phải về ở cùng bà ngoại, lên lớp 7 ngoại mất, ba đứa trẻ sống đơn lẻ trong căn nhà trống.

Thầy đã đồng hành với những khó khăn của ba chị em Luyến từ khi em còn học lớp 6. Luyến chia sẻ: “Thầy Nghĩa như là người thân của em vậy. Cảm ơn thầy đã cho tụi em một điểm tựa và thấy mình không đơn độc nữa”.

Thầy Nghĩa bảo bây giờ thầy được các nhóm trẻ thiện nguyện giúp sức sau nhiều năm đơn độc một mình làm việc nghĩa cho học trò. Thầy tin rằng lòng thiện nguyện chắc chắn sẽ được tiếp nối. Những cô cậu học trò mà thầy giúp đỡ từ thời còn bao cấp hiện đang là người bạn đồng hành giúp đỡ học trò nghèo với thầy.

Thầy kể về cô học trò Lê Thị Kim Dung học khoá 1983-1984 tại trường. Hồi đó nhà nghèo, Dung nằm trong danh sách học sinh được thầy giúp đỡ.

Hiện giờ Kim Dung làm kế toán cho Công ty Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu, mỗi lần tết đến gửi về 10 triệu đồng để thầy tặng quà cho 20 học sinh nghèo. Hay như chị Lê Thị Kim Nhung năm nay đã 44 tuổi, giám đốc một công ty tại TP.HCM, hằng năm gửi tiền về mua xe đạp cho học trò nghèo…

Năm sau thầy Nghĩa sẽ về hưu, nhưng thầy bảo dù không còn đi dạy nữa vẫn sẽ đi tìm các mảnh đời học sinh nghèo để giúp đỡ. Thầy vẫn tin rằng những cô cậu học trò ăn chưa no lo chưa tới đang được giúp đỡ sẽ giúp đỡ lại người khác khi lớn lên. “Đó là niềm mong ước lớn nhất của đời tôi” – 
thầy Nghĩa nói.

TRẦN MAI