26/12/2024

GS Võ Tòng Xuân :Không nên đua trồng lúa bằng mọi giá

Trong những ngày người dân ĐBSCL phải vật vã chống chọi với tình hình hạn – mặn gay gắt này, một lần nữa, câu chuyện trồng lúa trên vùng đất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu lại được đặt ra.

 

GS Võ Tòng Xuân :Không nên đua trồng lúa bằng mọi giá

 

 

Trong những ngày người dân ĐBSCL phải vật vã chống chọi với tình hình hạn – mặn gay gắt này, một lần nữa, câu chuyện trồng lúa trên vùng đất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu lại được đặt ra.

 

 

 

GS Võ Tòng Xuân :Không nên đua trồng lúa bằng mọi giá
Giáo sư Võ Tòng Xuân – Ảnh: H.T.D.

“Tại sao chính phủ các nước khác đã có phương án sản xuất nông nghiệp cho dân họ giàu bằng cách trồng những cây trồng giá trị cao, trong khi Việt Nam chỉ biết chăm chăm khuyến khích dân trồng lúa một cách rất tốn kém tiền ngân sách và tốn lượng nước ngọt quý hiếm cho sinh hoạt của dân?

Giáo sư Võ Tòng Xuân – chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp của Việt Nam, người đã có hơn 40 năm nghiên cứu về vùng đất này – đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi tâm huyết. Giáo sư Xuân nói:

– Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất bị thiệt hại bởi tình trạng hạn hán khủng khiếp năm nay. Đây là ảnh hưởng rõ rệt nhất của sự biến đổi khí hậu mà các chuyên gia khí tượng đã dự đoán. Ngoài ra, còn do những tác động khác của con người làm cho đất đai bị hạn hán như đắp đập thuỷ điện hoặc đập chứa nước ở thượng nguồn sông, khai thác rừng đầu nguồn quá giới hạn để lấy gỗ, mở rộng vùng trồng trọt, nhất là trồng lúa, tiêu tốn quá nhiều nước ngọt…

* Đợt hạn – mặn năm nay cho thấy một lần nữa vựa lúa vùng ĐBSCL lại đứng trước bài toán thiếu nước ngọt. Nhiều năm qua Nhà nước đã bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng các công trình ngăn mặn, giữ ngọt. Hiệu quả của các công trình này thế nào, thưa giáo sư?

– Việc sử dụng nước ngọt để trồng lúa, trong số các quốc gia dọc sông Mekong, Việt Nam là quốc gia đầu tiên đã và đang lấy nước sông Tiền và sông Hậu nhiều nhất để mở rộng diện tích lúa có nước tưới trong mùa khô (đông xuân), đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hằng năm từ 6-7 triệu tấn gạo.

Theo gương Việt Nam, các nước khác dọc sông Mekong cũng mở thêm diện tích lúa cao sản ngắn ngày vụ đông xuân, từ Vân Nam (Trung Quốc), xuống đến Lào và Campuchia. Và mới hai năm gần đây Thái Lan cũng đắp đập lấy nước về tưới cho vùng đông bắc khô cằn nghèo khó của họ. Thêm vào đó, hệ thống trên 12 đập thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong từ Vân Nam sang Lào chắc chắn ảnh hưởng xấu đến lượng nước cuối nguồn. Như thế khối lượng dòng chảy sông Mekong về đến ĐBSCL sẽ tiếp tục giảm, rõ nét nhất là trong mùa khô (đông xuân)…

Nhiều năm qua, Nhà nước đã đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng để đắp đập ngăn mặn, xây cống, xây đê dẫn nước ngọt về sản xuất lúa rất tốn kém. Nhưng rất tiếc kết quả không đạt theo ý muốn: nước ngọt không bao giờ đủ cho cây lúa mà trái lại sự ngăn mặn đã ngăn luôn cơ hội cho các nông dân nuôi tôm khiến nông dân phải tự xoay trở rất khó khăn tìm cách để lấy nước mặn vào nhằm nuôi tôm.

Với quá trình theo dõi, nghiên cứu trong hơn 40 năm qua, tôi thấy các dự án ngăn mặn, giữ ngọt cho ĐBSCL là lãng phí, không đem lại lợi ích kinh tế. Sản lượng lương thực của Việt Nam đã quá nhiều rồi, không nên tiếp tục trồng lúa tại các vùng nhiễm mặn nữa.

GS Võ Tòng Xuân :Không nên đua trồng lúa bằng mọi giá
Vùng trồng lúa – tôm tại xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Trong ảnh: một ruộng lúa vừa thu hoạch xong được người dân chuyển sang nuôi tôm khi nước mặn xâm nhập – Ảnh: Chí Quốc

* Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây, Bộ NN&PTNT đã đề xuất tiếp tục chi hàng chục nghìn tỉ đồng để hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi ĐBSCL. Ông nghĩ thế nào về đề xuất này?

– Như tôi đã nói ở trên, chúng ta đã tiêu tốn hàng chục nghìn tỉ đồng trong suốt 40 năm nay để đầu tư thuỷ lợi cho nông dân trồng lúa xuất khẩu nuôi dân ta và dân nhiều nước khác, nhưng nông dân Việt Nam vẫn nghèo.

Nhìn số liệu của Ngân hàng Thế giới báo cáo về thu nhập bình quân của dân các nước trên thế giới, chúng ta thấy GDP bình quân đầu người năm 2014 của các nước ASEAN (không kể ba nước láng giềng Lào, Campuchia và Myanmar) thì Việt Nam là thấp nhất (2.000 USD/người), sau cả Philippines (2.765 USD/người). Và trong các nước TPP thì Việt Nam đạt GDP bình quân đầu người thấp nhất trong số 12 nước. Các nước này không cần tập trung trồng lúa mà để đất trồng những cây trồng giá trị cao để làm giàu.

Trong thời điểm biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, khô hạn, ngập lụt, nước biển dâng xảy ra liên tiếp, tôi nghĩ không nên bỏ thêm quá nhiều tiền để ngăn quy luật tự nhiên đang diễn ra gay gắt mà nên khuyến cáo người dân chú ý sử dụng tiết kiệm nguồn nước ngọt quý giá.

* Nhiều năm qua, giáo sư đã nhiều lần kiến nghị không nhất thiết phải sản xuất lúa bằng mọi giá mà có thể chuyển sang hình thức canh tác khác. Hiện nay quan điểm của ông về việc này thế nào?

– Đáng lẽ nông dân các vùng ven biển được sung sướng hơn với nước mặn nếu Nhà nước chấp nhận hướng canh tác phù hợp và có lợi tức cao hơn.

Từ năm 1991, hai năm sau khi nước ta trở lại thương trường xuất khẩu gạo trên thế giới (lúc đó tôi là phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ), tôi đã đổi tên “Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa ĐBSCL” của Đại học Cần Thơ trở thành “Viện nghiên cứu và phát triển hệ thống canh tác” với mục tiêu là nghiên cứu được những mô hình canh tác lấy cây lúa làm trung tâm kết hợp cây trồng vật nuôi thích hợp trước lúa, sau lúa hoặc xen canh với lúa nhằm đem lại lợi tức cao cho người trồng lúa. Chúng tôi đã kết hợp với một số trường đại học trong toàn quốc để thành lập Mạng lưới hệ thống canh tác Việt Nam nhằm đào tạo nguồn nhân lực tham gia nghiên cứu hệ thống canh tác trên từng vùng sinh thái của cả nước.

Tại ĐBSCL, chúng tôi nghiên cứu mô hình lúa – tôm đầu tiên được một nông dân ở xã Long Điền Đông C (huyện Giá Rai, Bạc Liêu) khám phá và đã xác định là mô hình bền vững nhất cho vùng đất phèn nhiễm mặn ven biển. Quy trình này bắt đầu từ vụ lúa trồng khi mùa mưa bắt đầu đến khi dứt mưa, hết nước ngọt thì lúa cũng vừa gặt xong. Nước mặn được cho vào ruộng còn sình lầy, và theo nước có tôm (tép) vào theo hoặc tôm (tép) được lấy từ ao ươm thả vào. Suốt mùa nắng với nước mặn trong ruộng, tôm tép, cua, cá kèo… có thể được nuôi nhanh lớn, đem lợi tức về cho nông dân gấp 2-3 lần trồng lúa.

Tuy nhiên, vì chính sách an ninh lương thực, Nhà nước không cho phép đầu tư gì cho quy trình lúa – tôm này, nên đề án của chúng tôi đề xuất bị tắc, không triển khai rộng rãi được.

* Nhưng làm sao hài hòa giữa việc đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ xuất khẩu với việc chuyển đổi sang hình thức canh tác khác phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn?

– Tôi cho rằng trong điều kiện hạn hán và nước biển xâm nhập, các tỉnh ĐBSCL không nên cứ chạy theo trồng lúa để xuất khẩu với giá quá rẻ, nông dân không có lời mà Nhà nước phải đầu tư quá nhiều kinh phí tiền bạc. Chúng ta cần chuyển đổi những hình thức canh tác phù hợp, bền vững mà lợi tức cao như quy trình lúa – tôm ở những vùng ven biển thường bị mặn xâm nhập. Cách làm này vừa bảo đảm an ninh lương thực, lãi cao, bảo vệ môi trường bền vững, ít tốn kinh phí đầu tư của Nhà nước chống xâm nhập mặn, vừa không phí phạm lượng nước ngọt dành cho dân sinh và cho những cây trồng cao cấp như cây ăn trái, rau cải, hành tỏi…

* Vậy ở ĐBSCL, vùng nào nên trồng lúa và vùng nào nên nuôi tôm hoặc các hình thức canh tác khác phù hợp, thưa giáo sư?

– Theo tôi, khu vực ĐBSCL chỉ nên tập trung trồng lúa tại các vùng đất phù sa ven sông hoặc ven kênh lớn bảo đảm có nước ngọt hoàn toàn quanh năm. Tại các vùng nhiễm mặn, nếu nuôi tôm bền vững thì Nhà nước nên đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thuỷ lợi kèm theo giúp dân tránh được tình trạng tôm bệnh như hiện nay. Vùng đất giồng cát ven biển thì Nhà nước có thể tổ chức cho nông dân trồng màu (củ hành, tỏi, sắn…) hoặc cây ăn trái (xoài, nhãn, vú sữa, chuối…) liên kết với các doanh nghiệp chế biến bảo quản các sản phẩm này đưa ra thị trường trong nước hoặc xuất khẩu.

HOÀNG TRÍ DŨNG thực hiện