Tham vọng sao Hoả của EU – Nga
Châu Âu và Nga đã khởi động sứ mệnh chung trị giá 1,45 tỉ USD với mục tiêu thám hiểm khí quyển sao Hoả và trên hết là tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên bề mặt hành tinh đỏ.
Tham vọng sao Hoả của EU – Nga
Châu Âu và Nga đã khởi động sứ mệnh chung trị giá 1,45 tỉ USD với mục tiêu thám hiểm khí quyển sao Hoả và trên hết là tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên bề mặt hành tinh đỏ.
Trong lúc các nước châu Âu đồng loạt thắt lưng buộc bụng, một lĩnh vực không những thoát khỏi nguy cơ bị cắt giảm ngân sách, mà còn được tăng mạnh khoản chi: thám hiểm vũ trụ. Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) đã chứng kiến ngân sách tăng 75% kể từ 2008 và mới đây đã bắt tay với Cơ quan Không gian Nga (Roscosmos) triển khai sứ mệnh ExoMars với tham vọng bứt phá trước Mỹ trong nỗ lực tìm kiếm sự sống trên sao Hoả. Dự án trị giá tiền tỉ gồm 2 giai đoạn này đã trở thành một sức mạnh hiếm hoi liên kết khu vực đang đối mặt với cuộc khủng hoảng dân nhập cư chưa từng có, nguy cơ Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) và cuộc xung đột chưa được giải quyết giữa Ukraine và Nga.
Bộ đôi TGO – Schiaparelli
Theo Reuters, sứ mệnh ExoMars 2016 bước đầu đã được triển khai trót lọt, với tên lửa Proton của Nga hồi đầu tuần đã rời bệ phóng ở Kazakhstan, mang theo phi thuyền không người lái TGO (viết tắt từ cụm từ Trace Gas Orbiter). Các chuyên gia tại trạm kiểm soát ở Darmstadt (Đức) cho hay đã nhận được tín hiệu từ phi thuyền sau 11 giờ kể từ thời điểm khai hoả. TGO đã tách rời thành công khỏi tên lửa đẩy và bung các cánh gắn bảng điện mặt trời để tiếp tục cuộc hành trình kéo dài suốt 7 tháng đến sao Hoả. Với tốc độ 33.000 km/giờ, phi thuyền dự kiến sẽ đến đích vào khoảng tháng 10, và tại đó sẽ tách tàu đổ bộ Schiaparelli khỏi tàu TGO sẽ cắm trên quỹ đạo. Sau một loạt các động tác điều chỉnh từ xa phức tạp để đưa tàu vào quỹ đạo ở độ cao 400 km so với bề mặt sao Hoả, cuộc tìm kiếm sẽ bắt đầu nhằm truy lùng nguồn gốc của các cột khí methane thường chỉ tồn tại ngắn ngủi vào mùa hè tại một số khu vực nhất định.
Nếu phòng thí nghiệm trên tàu loại bỏ thành công các nguyên nhân khác, chẳng hạn như phản ứng giữa carbon dioxide (CO2), đá núi lửa và nước nóng, hoặc cũng có thể kèm theo băng tan, khả năng sự sống tồn tại trên bề mặt sao Hoả sẽ lớn. Điều này do trên trái đất, methane là một phó phẩm của các quá trình hoá học ở động vật và một số vi khuẩn. “Thách thức của các nhà khoa học nghiên cứu khí methane của sao Hoả là làm sao phân tích để tìm ra nguyên nhân chính xác nhất giải thích cho sự tồn tại của dạng khí này trên hành tinh đỏ”, theo tờ The Sydney Morning Herald dẫn lời nhà địa chất học hành tinh, tiến sĩ Jon Clarke của Tổ chức sao Hỏa Úc.
Theo sứ mệnh EU – Nga, tàu trên quỹ đạo sẽ đóng vai trò tiếp sóng liên lạc, còn tàu đổ bộ Schiaparelli do Anh chế tạo sẽ đáp xuống bề mặt hành tinh và dùng mũi khoan dài 2 m để lấy mẫu nằm sâu bên dưới lớp đất đỏ. Đây là khâu quan trọng vì ở độ sâu này, vi khuẩn vẫn được bảo toàn trước bức xạ tia cực tím luôn dội dồn dập xuống sao Hoả. Để so sánh, tàu Curiosity của NASA chỉ đào đến độ sâu 70 cm là tối đa. Đến năm 2018, giai đoạn 2 của ExoMars sẽ được triển khai và tàu đổ bộ Bruno sẽ được phóng từ trái đất để tiếp sức Schiaparelli trong nỗ lực thu thập mẫu vật trên sao Hoả.
Hạo Nhiên