24/12/2024

Trò chuyện với “mấy đứa rảnh” ở ngã tư Hàng Xanh

“Mấy đứa này rảnh quá, về nhà ăn cơm đi” là câu nói của một người đàn ông với nhóm sinh viên ở ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), khiến TTO “dậy sóng” chiều qua. Cuộc trò chuyện thú vị với họ.

 

Trò chuyện với “mấy đứa rảnh” ở ngã tư Hàng Xanh

 

 

“Mấy đứa này rảnh quá, về nhà ăn cơm đi” là câu nói của một người đàn ông với nhóm sinh viên ở ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), khiến TTO “dậy sóng” chiều qua. Cuộc trò chuyện thú vị với họ.

 

 

 

 

Trò chuyện với “mấy đứa rảnh” ở ngã tư Hàng Xanh
Những tờ biểu ngữ mang những thông điệp thiết thực của nhóm sinh viên tại ngã tư Hàng Xanh – Ảnh: Ngọc Hiển

Đèn đỏ, nhóm gồm nhiều thanh niên nam nữ khuôn mặt sáng láng từ vỉa hè bước xuống đường đứng thẳng hàng băng ngang qua đám đông xe máy đang dừng.

Họ cúi chào mọi người, tay giăng cao những tấm biển mang dòng chữ: “Nhận tờ rơi đừng đánh rơi xuống đất”, “Tắt máy 25 giây vì môi trường”, “Hãy sử dụng sản phẩm tái chế”, “Hãy sử dụng xăng E5”…

Những tờ giấy đó không phải được in màu vuông vức hay dán decal thẳng hàng, mà là những dòng chữ ngộ nghĩnh do chính tay các bạn sinh viên vẽ ra để thu hút sự chú ý của người đi đường. Khi đèn giao thông đến những giây cuối chuyển sang màu xanh, nhóm thanh niên cúi chào và bước lên vỉa hè.

Hình ảnh này xuất hiện một tuần nay ở ngã tư Hàng Xanh vào giờ tan tầm. Ngoài ngã tư Hàng Xanh, các ngã tư lớn tại các quận nội thành Sài Gòn như 1, 3, 5, 10, Thủ Đức cũng có gần 200 sinh viên xuống đường chuyển tải những thông điệp tương tự đến người dân, kéo dài đến ngày 19-3.

Hoạt động này nhằm hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất 2016 với nhiều chương trình kêu gọi cộng đồng hành động để giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu.

Nhiều người trong đám đông mỉm cười, bày tỏ sự thân thiện, ủng hộ. Nhiều người tắt máy xe. Đôi người đi ngang vỗ vai các bạn “làm tốt lắm”. Đâu đó nhiều người bày tỏ: “Tụi này khùng”, “rảnh quá”, “chắc bị điên”…

Ước chừng nếu mỗi người dừng 20 trụ đèn đỏ mỗi ngày và tắt máy 30 giây ở mỗi trụ đó thì một ngày tiết kiệm được 10 phút, một tháng 5 tiếng và một năm tiết kiệm 60 tiếng, tức là hơn 2 ngày động cơ hoạt động mà xe không di chuyển

TUẤN ANH 
(ĐH Kinh tế TP.HCM)

* Chào Hùng, bạn có ngại không khi cầm tấm bảng này?

Đỗ Mạnh Hùng (ĐH Giao thông vận tải TP.HCM): Ngày đầu tiên cầm tấm bảng này rất ngại, ai cũng nhìn mình cười cười như thể đang làm một điều gì đó rất lập dị. Nhưng bây giờ nhóm này đã “chai mặt”, ai nói ngược nói xuôi gì cũng cười thân thiện bởi tụi mình thấy hiệu quả của những thông điệp này rất rõ.

* Theo Hùng, hiệu quả đó là gì?

– Nhiều người thấy nhóm giơ biểu ngữ lên là tự động tắt máy xe, nhét tờ rơi vào túi quần chứ không xả xuống đường. Nhiều phụ huynh khi dừng trước vạch vôi đã chỉ cho con cái mình ý nghĩa của từng tấm biểu ngữ. Có người nói tắt máy hư đề chứ được gì, nhưng đó chỉ là vài trường hợp hiếm hoi chứ phần lớn người ta đã tắt máy, hiệu quả ngay tức thì.

Riết thành thói quen thì người ta sẽ tiết kiệm được nhiên liệu cho mình, góp phần bảo vệ môi trường. Nếu mọi người cùng hưởng ứng thì hiệu quả rất lớn. Ngay cả bản thân Hùng cũng đã quen với việc tắt máy, sử dụng xăng E5 và giữ lại hoặc từ chối tờ rơi mỗi khi ra đường.

* Chào Thảo, bạn thấy thế nào khi người khác nói mình “rảnh” quá?

Vũ Thị Bích Thảo (ĐH KHXH&NV TP.HCM): Đối với chúng tôi, cái đáng buồn nhất là nhiều người nhận tờ rơi xong rồi xả ngay xuống đường. Việc ai nhận xét gì với mình không quan trọng, mà quan trọng là cả nhóm thấy cầm biểu ngữ “đứng đường” đã đem lại cho bản thân nhiều niềm vui.

Đó là khi người đi đường dừng đèn đỏ, vỗ tay lớn rồi nói “cố lên các con” khi thấy nhóm đứng giơ bảng dưới trời nắng. Hay khi nhóm cúi chào thì nhiều người cũng chào lại hoặc chạy đến vỗ vai động viên rồi nói “thiết thực lắm con ơi”.

* Theo Thảo, để hành động của các bạn đạt hiệu quả lâu dài thì cần làm gì?

– Điều mà nhóm hướng tới là sự thay đổi lâu dài từ nhận thức chứ không phải là hành động ăn theo, phong trào. Văn minh đô thị đến từ ngay những hành động, những thông điệp nhỏ nhặt nhưng không phải ai cũng nhận ra. Nên khi người này hành động, người khác hành động sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn, có tính bền vững.

Bạn đọc ủng hộ hành động của bạn trẻ

Đó là lượng phản hồi lớn của bạn đọc sau khi Tuổi Trẻ Online đăng tải câu chuyện của nhóm bạn trẻ kêu gọi hành động bảo vệ môi trường ở ngã tư Hàng Xanh. Từ bức xúc với chuyện xả rác, đại đa số ý kiến ủng hộ hành động của nhóm bạn trẻ.

Trong đó nhiều bạn đọc cho rằng cần phải duy trì, nhân rộng hành động đẹp và thiết thực này ở nhiều địa phương khác.

Bạn đọc Văn Minh nhận xét: “Hoan hô các bạn sinh viên. Các hành động này rất thiết thực cho xã hội để đánh thức những ý thức chưa tốt. Thiết nghĩ chính quyền các cấp phải mạnh tay nhờ những chương trình truyền hình như kịch, phim ảnh nhằm mở rộng tuyên truyền để cuộc sống người Việt Nam ngày càng văn minh hơn. Không hút thuốc nơi công cộng, không ném rác ngoài đường, không vứt giấy tiền vàng bạc ngoài đường, không chửi tục, tiết kiệm điện nước…”.

Tương tự, bạn đọc Long Phạm cho rằng việc này phải thực hiện lâu dài, chứ không nên hưởng ứng “Giờ trái đất” rồi sau đó mất hút.

Tuy nhiên, theo một số bạn đọc, sinh viên phải chọn vị trí hợp lý, không làm ảnh hưởng đến giao thông công cộng và đảm bảo an toàn cho bản thân. Một số ý kiến cũng cho rằng việc tắt máy 25 giây để bảo vệ môi trường cần phải có một nghiên cứu đáng tin cậy trước khi tuyên truyền đến cộng đồng.

NGỌC HIỂN