3 cô trên đỉnh Pờ Hồ
Đó là 3 cô giáo, lớn tuổi nhất sinh năm 1988, trẻ nhất sinh 1992 đang dạy chữ cho 40 học sinh mầm non, tiểu học lít nhít của bản người Mông trên đỉnh núi Pờ Hồ Cao (Trung Lèng Hồ, Bát Xát, Lào Cai) – đỉnh cao nhất dãy Hoàng Liên Sơn có dân sinh sống.
3 cô trên đỉnh Pờ Hồ
Đó là 3 cô giáo, lớn tuổi nhất sinh năm 1988, trẻ nhất sinh 1992 đang dạy chữ cho 40 học sinh mầm non, tiểu học lít nhít của bản người Mông trên đỉnh núi Pờ Hồ Cao (Trung Lèng Hồ, Bát Xát, Lào Cai) – đỉnh cao nhất dãy Hoàng Liên Sơn có dân sinh sống.
7 giờ sáng, Lục Vân Anh (sinh năm 1992, quê Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đã đập cửa phòng ở tại điểm trường chính Trung Lèng Hồ (Bát Xát, Lào Cai) lảnh lót: “Đi Pờ Hồ Cao anh ơi! Trời mưa, đi cả ngày cũng không đến!”.
Chiếc xe máy lụ khụ lao lên dốc như say rượu, khung ốc rung đùng đùng sau mỗi gờ đất trên mặt đường bê tông, Vân Anh ngượng nghịu: “Hồi mới lên xe em còn mới lắm!” và khoe: “May nhờ có đường dẫn vào thuỷ điện, ngày xưa bọn em toàn đi bộ từ điểm chính, mất cả ngày!”.
Gần 1 tiếng đồng hồ với khoảng 20 km nền đường đi xe máy, chúng tôi phải đẩy xe vào gửi nhờ công nhân làm đường.
Nước mắt tuổi 24
“Từ giờ đi bộ, cẩn thận kẻo đá lăn!”, Vân Anh chỉ lên ngọn núi mây phủ trắng xoá như râu tóc ông lão ngay trước mặt, làm tôi ngửa cổ nhìn suýt ngã và ào xuống dốc theo bước cô đang khoanh tay gục đầu đều bước, gùi tre thít chặt eo lưng.
Đoạn đầu tiên xuống bản Pờ Hồ Thấp, bắt đầu ngược lên Pờ Hồ Cao, tôi còn hỏi chuyện Vân Anh, nhưng chỉ sau nửa tiếng ngược lên những con dốc cao đến tức ngực, mồ hôi túa ra trong cái lạnh 10 độ phải cởi hết áo khoác áo len tống vào gùi, vượt qua những quả đồi nhão nhoét đất mặt và tim đập thình thịch, hơi thở phà ra trắng cả vành tai, thì tôi không còn sức hỏi nữa, chỉ cắn môi bước, im lặng nghe Vân Anh kể chuyện: “Tháng đầu tiên lên đây, mắt em cứ sưng húp vì chiều nào cũng ngồi khóc. Anh không tưởng tượng chiều tối trên này buồn thế nào đâu. Học sinh về hết, 3 chị em ngồi bậu cửa nhìn bóng tối bò vào nhà chầm chậm, mỗi phút mặt người lại đen lại và chỉ chốc là không nhìn thấy nhau. Lại lần mò trong bóng tối thắp nến, trệu trạo ăn cơm và lên giường nằm nói chuyện, tự ru ngủ sớm như con gà trên núi!”, Vân Anh đều đều giọng và dừng chân nhìn xuống thung lũng mây dưới chân: “Cũng là giáo viên mà sao chúng em khổ thế? Chẳng bù cho đám bạn dưới xuôi phóng xe ga vù vù, quần áo là lượt sạch sẽ, được dùng phấn son trang điểm và chẳng bao giờ biết lạnh áo, ướt chân!”…
“Trên đây, em phải tưởng tượng đang ở quê, nếu không sẽ bỏ về mất. Gần một năm, nhưng bố mẹ chưa biết em sống ra sao và em cũng không cho ai lên thăm. Em không muốn bố mẹ thấy em khổ. Có lúc đang khóc mẹ gọi điện, em phải đổi giọng cười: Con sống đầy đủ lắm!”, Vân Anh gạt nước mắt lẫn mồ hôi, giữa đường rừng bập bõm.
“Người khói” trên đỉnh mây
Đặng Thị Tới (sinh năm 1988, quê ở Yên Bái) cùng là giáo viên dạy tiểu học trên điểm trường Pờ Hồ Cao. Chồng Tới quê Hải Dương, là công nhân đi khắp H.Bát Xát nên cô con gái 2 tuổi không thể theo mẹ lên đỉnh núi, đành phải về quê ở với ông bà nội.
Mọi tình cảm, Tới dành hết cho học sinh và 2 đồng nghiệp kém tuổi, nên được gọi là chị cả. Sau giờ dạy, Tới lúi húi trong bếp nấu nướng. “Gạo thì dân cho, thức ăn thì hết cá khô đến lạc rang. Thịt cá tươi, vừa không gùi nổi vừa không có đồ bảo quản lâu ngày!” – Tới thật thà vậy, khiến Vân Anh cười: “Các anh dưới xuôi cứ bảo cải mèo là đặc sản. Nhưng tụi em ăn bữa này qua bữa khác, ngày này qua ngày khác nên sợ. Nhiều bữa nôn hết vì đắng, phải nhắm mắt nuốt vì trên này lạnh, chỉ rau cải mèo mới sống nổi!”.
Đứng từ xa, không ai nghĩ dãy nhà cấp 4 vách gỗ, mái xi măng cũ kỹ, mốc thếch và lụp xụp đầu bản lại là điểm Trường tiểu học Pờ Hồ Cao. Phòng ở của giáo viên ngay đầu hồi, khác với lớp học bởi những miếng nhựa xanh đỏ dán xung quanh chắn gió. Sát phòng, một chái nhà lợp lá thò ra làm bếp nấu với “nhận dạng” đơn giản là mấy viên gạch kê thành chỗ nấu, 3 cái nồi và 1 bó củi gầy còm.
Cô giáo Đặng Thị Tới (trái) và cô giáo Lục Vân Anh lần đầu được tặng bếp gas và bình gas – Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Cô giáo Tới ngượng nghịu chỉ mấy tấm ván: “3 đứa em ngủ chung vì chỉ có 2 cái chăn. Đêm lạnh thì phải dậy đốt lửa sưởi. Giấc nào lạnh quá không chịu được thì phải ôm chăn sang nhà dân, ngủ nhờ quanh bếp lửa!” và thật thà: “Có mỗi cái giường cá nhân, tụi em hì hục lắp thêm tấm phản gỗ cạnh giường. Chia nhau ra nằm chỗ nửa thấp nửa cao, có khó ngủ, nhưng phải cố gắng thôi!”.
Vân Anh góp lời: “Trên này quanh năm sương mây, quần áo tụi em giặt xong phải phơi cạnh bếp lửa, cả tuần không khô và đi đâu, ai cũng bảo là… người khói!”…
Sao sáng không chỉ ngày 8.3
Điểm Trường mầm non Pờ Hồ Cao nằm trên ngọn đồi cách bản khoảng 300m. Cô giáo Nguyễn Thị Hương da ngăm đen, mặt tròn vành vạnh và mắt lúc nào cũng lóng lánh những nước, nói giọng buồn buồn: “Ngày mưa hoặc nhiều sương mù đường ướt, em toàn phải xuống chân dốc, bế từng đứa lên!”. Hương sinh năm 1989, ở ngay xã Bản Qua (Bát Xát, Lào Cai). Học xong sư phạm, cô được phân công dạy ở Trường mầm non xã Trung Lèng Hồ trong huyện và đều ở các điểm bản. Chồng Hương làm công nhân thuỷ điện Dền Thàng, vợ chồng có 2 cô con gái.
Nếu nói về độ xa cách thì gia đình Hương là số 1: Vợ ở trên núi Pờ Hồ Cao, chồng ở Dền Thàng, con gái đầu nhờ bà nội ở Cam Đường (Lào Cai) trông hộ và bé út gửi bà ngoại ở Bản Qua. Cuối tuần, nếu không có việc bận nhà trường, Hương sẽ đi bộ xuống núi từ 3 giờ chiều, lấy xe máy gửi nhà người dân chạy ra nhà ngoại ở Bản Qua chừng 60 km với con gái út, sau đó hai mẹ con lại lúc lỉu 40 km sang nhà nội với chị Nga. Bọn trẻ gặp mẹ đã khó, gặp bố lại càng khó hơn bởi do đặc thù ca kíp nên 1 – 2 tháng mới tranh thủ nhờ người trực, chạy xe máy cả trăm ki lô mét về nhà, có khi gặp con mà không gặp vợ.
“Cứ dạy xong là em ra chỗ cao hứng sóng, gọi về cho 2 đứa!” – gặng hỏi mãi, Hương mới kể vậy và cười: “Con út thì nhỏ quá, lại quấn bà từ nhỏ nên không biết. Còn con lớn, bà đưa điện thoại lại không nói chuyện, cứ chui vào góc nhà khóc dấm dứt vì nhớ mẹ, nên em cũng không dám nói chuyện với con, sợ nó buồn!”.
Điểm Trường mầm non Pờ Hồ Cao có 13 học sinh. Cả ngày, Hương chăm sóc bọn trẻ từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến ị tè và dạy mọi môn học vốn dành cho trẻ dưới thành phố. Chủ nhật lên bản, cái ba lô sờn rách của Hương lại căng phồng thực phẩm cho bọn trẻ. “Lương em 5 triệu đồng/tháng, nuôi con còn chẳng đủ nên mỗi tuần chỉ mua mấy gói mì tôm, nấu thành canh cho chúng nó dễ và cơm với muối, măng!”, Hương thở dài.
Tôi lên Pờ Hồ Cao trước 8.3, ngẩn ngơ làm phép tính: “Mỗi tuần đi bộ lên núi, bằng thời gian chạy xe từ Hà Nội lên Sa Pa”, khiến 3 cô giật áo: “Sa Pa ngay dưới núi, đêm quang mây, chị em vẫn ra bậu cửa nhìn xuống thị trấn li ti ánh điện như cái bánh đa vừng!”.
Cô Tới bảo: “Chỗ ấy nhiều người, nên điện mới sáng thế!”. Vân Anh háo hức: “Chắc nhiều hoa quả, sữa chua ăn vặt!”. Còn Hương thì cười buồn, mắt lại lóng lánh những nước là nước: “Có đi cả đời, cũng chẳng đến được Sa Pa!”…
Đêm sau tôi xuống núi, về Hà Nội theo đường qua Sa Pa, ngước lên đỉnh Pờ Hồ Cao phía bắc, nhìn mãi chỉ thấy nơi núi chạm trời, hình như có 3 vì sao nhấp nháy chào tạm biệt. Trên những đỉnh núi phía bắc, có bao nhiêu ngôi sao vẫn sáng lấp lánh, không cần đến ngày 8.3…
Mai Thanh Hải