25/12/2024

Chuẩn bị đưa con người lên sao Hoả

Nhà du hành vũ trụ Mỹ Scott Kelly sẽ tiếp tục tham gia nhiều thử nghiệm sau 340 ngày sống trong Trạm không gian quốc tế.

 

Chuẩn bị đưa con người lên sao Hoả

 

 

 

Nhà du hành vũ trụ Mỹ Scott Kelly sẽ tiếp tục tham gia nhiều thử nghiệm sau 340 ngày sống trong Trạm không gian quốc tế.

 

 

 

 

 

 

 

 

Chuẩn bị đưa con người lên sao Hỏa
Nhà du hành Scott Kelly (trái) và người anh em song sinh Mark Kelly ở Trung tâm Không gian Johnson – Ảnh: AP

“Lên sao Hỏa nếu mất hai năm rưỡi là điều có thể làm được”. Nhà du hành vũ trụ Scott Kelly, 52 tuổi, rất tự tin phát biểu như trên trong cuộc nói chuyện hôm 4-3 (giờ địa phương) tại Trung tâm Không gian Johnson ở Houston (Mỹ).

Dự án “Một năm trên không gian”

Trong ba nhà du hành trở về Trái đất hôm 2-3, ngoại trừ nhà du hành người Nga Sergei Volkov, hai nhà du hành còn lại Scott Kelly, người Mỹ cùng đồng nghiệp Nga Mikhail Kornienko vừa trải qua chuyến công tác dài ngày nhất (340 ngày) trên Trạm không gian quốc tế (ISS).

Thời gian công tác trên ISS của họ dài gấp đôi so với các đồng nghiệp bởi họ tham gia dự án “Một năm trên không gian” thuộc chương trình nghiên cứu con người của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA).

Dự án kéo dài ba năm, bắt đầu từ năm 2015. NASA và các đối tác sẽ rút kinh nghiệm từ dự án “Một năm trên không gian” để chuẩn bị cho các chuyến bay chở người lên sao Hoả.

Theo CNN ngày 4-3, ông John Charles, phụ trách bộ phận khoa học quốc tế thuộc chương trình nghiên cứu con người của NASA, thông báo các nghiên cứu khoa học đối với Scott Kelly và Mikhail Kornienko vẫn chưa hoàn thành và dự kiến kết quả nghiên cứu sẽ được công bố trong vòng 
một năm.

Trong thời gian sống trên ISS, nhà du hành Scott Kelly phải thường xuyên tự lấy mẫu chất lưu trong cơ thể (máu, nước bọt, nước tiểu, phân…), đồng thời thực hiện hàng loạt thử nghiệm và xét nghiệm y khoa. Trong tối thiểu một năm sau khi trở về Trái đất, ông cũng tiếp tục phải chịu nhiều xét nghiệm.

Các nhà khoa học sẽ phân tích dữ liệu thu thập được từ Scott Kelly trên ISS để xem trong môi trường không trọng lực, các cơ có bị teo hay không, xương có trở nên giòn hơn không.

Các mẫu nước bọt, nước tiểu và phân sẽ cho biết tác động lâu dài đối với vi khuẩn lưu trú trong người, nhất là với hệ tiêu hoá. Áp lực nội sọ cũng được phân tích vì đây là yếu tố làm giảm thị lực và thay đổi chức năng vận động của não.

Ngoài ra, Scott Kelly cũng phải trải qua nhiều thử nghiệm về tâm lý sau 340 ngày sống trong môi trường nhỏ hẹp và ít tiếp xúc.

So sánh 
anh em song sinh

Theo Francetv Info, cách so sánh tuyệt vời nhất là NASA sẽ đối chiếu dữ liệu lấy từ không gian của Scott Kelly với dữ liệu lấy từ người anh em song sinh Mark Kelly ở Trái đất.

Mark Kelly từng thực hiện hai chuyến điều khiển tàu không gian lên vũ trụ và một chuyến chỉ huy tàu không gian Endeavour hồi tháng 5-2011.

Một ví dụ so sánh như sau khi trở về Trái đất, NASA nhận thấy Scott Kelly trông già hơn Mark Kelly nhưng lại có vẻ trẻ hơn. Già hơn vì cơ thể Scott Kelly bị các tia vũ trụ tác động nhiều hơn (tia vũ trụ có thể làm gia tăng quá trình lão hoá và gia tăng nguy cơ ung thư).

Trẻ hơn vì theo thuyết tương đối của Einstein, thời gian sống của Scott Kelly trên ISS trôi qua chậm hơn ở 
Trái đất.

Trang web Space.com đánh giá chuyến công tác trên ISS của Scott Kelly là công trình nghiên cứu sâu nhất của NASA về cách thức môi trường không trọng lực tác động đến cơ thể con người. Mục đích sâu xa nhằm hướng tới mục tiêu đưa người lên sao Hoả.

Dự kiến chuyến du hành lên sao Hoả có thể sẽ kéo dài 500 ngày hoặc hơn, do đó kết quả khoa học thu thập được từ chuyến công tác dài ngày của Scott Kelly sẽ giúp NASA chuẩn bị cho chuyến bay lên hành tinh đỏ tốt hơn.

Theo ông John Charles, có nhiều vấn đề cần quan tâm đến chuyến bay lên sao Hoả như tác động tâm lý đối với các nhà du hành sống trong không gian hẹp dài ngày, chu kỳ sinh học và thức – ngủ, nhu cầu chăm sóc y tế, nguy cơ đối với bức xạ, khó khăn trong cung cấp thức ăn dinh dưỡng, các vấn đề về thị lực, xương, cơ…

Theo Christian Science Monitor, chính quyền của Tổng thống Obama đã yêu cầu NASA chuẩn bị kế hoạch đến năm 2025 phải đưa người lên Mặt trăng và giữa thập niên 2030 đưa người lên quỹ đạo 
sao Hoả.

Ngày 14-3, tên lửa đẩy Proton mang theo máy dò khí TGO và thiết bị thử nghiệm hạ cánh Schiaparelli của châu Âu sẽ được phóng đi từ Baikonur (Kazakhstan).

Dự án ExoMars 2016 do Cơ quan Không gian châu Âu hợp tác với Cơ quan Không gian Liên bang Nga thực hiện.

Furura Science đưa tin sau bảy tháng, thiết bị hạ cánh sẽ tách khỏi máy dò để đáp xuống sao Hoả (dự kiến ngày 19-10), còn máy dò sẽ bay trong quỹ đạo sao Hoả nhiều năm để dò tìm dấu vết khí methane (dấu hiệu sự sống) và truyền dữ liệu về Trái đất.

Trên Trái đất, 90% khí methane có nguồn gốc sinh vật.

HOÀNG DUY