24/01/2025

Đi bộ 7.000km để giúp trẻ em Việt Nam

Ở độ tuổi tứ tuần, hai ông Tây đã có một ý tưởng mà nhiều người gọi là “điên rồ” khi bỏ việc để đi bộ quãng đường 7.000km qua 19 nước trong vòng 13 tháng để gây quỹ giúp trẻ em nghèo Việt Nam.

 GƯƠNG MẶT:

Đi bộ 7.000km để giúp trẻ em Việt Nam

 

 

Ở độ tuổi tứ tuần, hai ông Tây đã có một ý tưởng mà nhiều người gọi là “điên rồ” khi bỏ việc để đi bộ quãng đường 7.000km qua 19 nước trong vòng 13 tháng để gây quỹ giúp trẻ em nghèo Việt Nam.

 

 

 

 

Đi bộ 7.000km để giúp trẻ em Việt Nam
Simon và trẻ em Việt Nam tại Trạm Tấu – Ảnh: Bùi Hằng

“Ở Việt Nam, điều kỳ lạ là những người càng nghèo khổ thì càng sẵn lòng giúp đỡ, sẻ chia với người khác

Christoph Obmascher

 

 

Chúng tôi gặp Christoph Obmascher (47 tuổi, người Áo) và Simon Niggli (40 tuổi, người Thuỵ Sĩ) tại Hà Nội khi hai ông vừa kết thúc hành trình dài của mình. Dáng vẻ rắn rỏi, phong thái giản dị và nụ cười nhiệt huyết luôn nở trên môi hai người đàn ông khi họ nhắc đến trẻ em Việt Nam và người Việt Nam nồng ấm tình người.

“Chúng tôi từng đến Việt Nam và có ấn tượng tốt đẹp với đất nước cùng con người nơi đây nên quyết định sẽ trở lại” – cả hai ông Simon và Christoph đều có chung một lý do khi chọn Việt Nam là điểm đến cho hành trình đi bộ gây quỹ giúp trẻ em nghèo được tiếp cận giáo dục.

Đi vì trẻ thơ

Simon (kỹ sư điện tử) đến Việt Nam năm 1999, còn Christoph (quản lý nhà hàng khách sạn) đến Việt Nam năm 2013. Khi gặp nhau, họ có chung dự định sẽ quay trở lại Việt Nam. Cho rằng đi bộ là cách để cảm nhận cuộc sống một cách chậm rãi và rèn sức chịu đựng, cả hai đều chọn cách đi bộ 7.000km cho hành trình của mình.

Nhận được sự ủng hộ tinh thần của gia đình, Simon và Christoph đã nghỉ việc và chuẩn bị hai năm cho chuyến đi. Họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng các cung đường, thời tiết thích hợp cho việc đi bộ, đồng thời gặp gỡ các nhà bảo trợ tiềm năng của Áo và Thuỵ Sĩ trước cuộc hành trình.

Thông qua trang blog du lịch “The walk of our life”, hai ông đã quyên góp được hơn 20.000 euro. Toàn bộ số tiền này sẽ được sử dụng cho các hoạt động hỗ trợ giáo dục của World Vision (một tổ chức nhân đạo quốc tế tại Việt Nam).

Khởi hành từ Thụy Sĩ ngày 18-1-2015, Simon và Christoph đã đi bộ qua nhiều nước châu Âu và tới Trung Quốc. Từ đây, hai ông tiếp tục hành trình bằng tàu và xe buýt qua Nepal, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, Lào và điểm cuối cùng là Việt Nam.

Trên quãng đường kéo dài 7.000km, họ đã trải qua những thử thách khắc nghiệt tưởng chừng muốn bỏ cuộc. Simon kể ông đã trải qua cảm giác kiệt sức đến nỗi không thể lê chân khi đi qua vùng sa mạc ở Kazakhstan trong khí hậu lục địa mùa hè khô nóng. Còn Christoph đã rách mấy đôi giày và vài lần vào bệnh viện vì gặp vấn đề về sức khoẻ.

“Thỉnh thoảng khí hậu rất khắc nghiệt, cực kỳ nóng, nhất là khi chúng tôi đi bộ qua những vùng sa mạc. Nhiều lúc quãng đường chỉ 15km nhưng chúng tôi đi mất cả buổi vì thời tiết quá khắc nghiệt. Điều nguy hiểm nhất mà chúng tôi phải đối mặt trên đường là tình trạng giao thông lộn xộn ở một số nước. Tuy nhiên, bù lại những khó khăn ấy là sự thân thiện, hiếu khách của người dân trên từng cung đường” – Christoph kể.

Cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2016, Simon và Christoph đã đặt chân tới huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) và huyện Lang Chánh (tỉnh Thanh Hoá) để thăm hai trẻ em mà hai ông nhận bảo trợ. Christoph đã dùng một khoản tiền quyên góp được để đầu tư các bếp lò tiết kiệm năng lượng cho các hộ nghèo ở Trạm Tấu.

Tại sao lại đầu tư vào bếp lò? Christoph lý giải: “Tôi tìm hiểu thì được biết trẻ em ở Trạm Tấu phải đi đốn củi giúp gia đình để nấu nướng và sưởi ấm trong mùa đông nên ít có thời gian cho việc học. Do vậy, tôi quyết định đầu tư các bếp lò kiểu này để giúp người dân tiết kiệm chi phí, nhiên liệu, cũng như giúp trẻ em nghèo ở Trạm Tấu có nhiều thời gian cho việc học hành hơn”.

Trước đó, ông Christoph cũng đã nhận bảo trợ cho em Phàng A Tủa tại huyện Trạm Tấu từ năm 2014.

Còn Simon, trong suốt 15 năm qua ông là người bảo trợ tận tâm với trẻ em nghèo Việt Nam. Sau khi du lịch tới Việt Nam năm 1999 và có cảm tình đặc biệt với con người nơi đây, Simon liên lạc với Tổ chức World Vision và bắt đầu bảo trợ cho một trẻ em ở Việt Nam.

Năm 2012, Simon nhận bảo trợ cho một trẻ khác là Lê Xuân Khang, tại huyện Lang Chánh. Khang là người đầu tiên trưởng thành và ra khỏi chương trình bảo trợ. Số tiền còn lại, Simon và Christoph thông qua Tổ chức World Vision để dùng hỗ trợ cho các hoạt động như giáo dục, dinh dưỡng, phát triển sinh kế và đẩy mạnh quyền trẻ em.

Đi bộ 7.000km để giúp trẻ em Việt Nam
Simon và Christoph trên hành trình 7.000km – Ảnh: Bùi Hằng

Những người nghèo 
sẵn lòng sẻ chia

“Việt Nam không phải là quốc gia nghèo nhất trong số những nước tôi và Christoph đi qua, nhưng những lần đến Việt Nam trước đó tôi nhận ra nhiều vùng miền ở Việt Nam vẫn còn nghèo lắm. Người dân không đủ ăn đủ mặc, thiếu thốn đủ thứ từ thức ăn cho đến điện nước và các phương tiện giáo dục. Do vậy chúng tôi quyết định dùng số tiền quyên góp từ chuyến đi bộ này để giúp đỡ trẻ em nghèo Việt Nam” – Simon chia sẻ về lý do tại sao chỉ chọn bảo trợ trẻ em ở Việt Nam mà không chọn nước khác.

Lôi từ trong balô của mình ra vài vật lưu niệm bé xíu, rẻ tiền được các trẻ em nghèo Việt Nam tặng, một vài vỉ thuốc mà người dân đưa cho bôi tạm khi bị trầy xước, ông Christoph tỏ vẻ xúc động: “Chúng tôi đã gặp rất nhiều những con người tuyệt vời suốt hành trình 7.000km. Có rất nhiều cảnh đời khiến chúng tôi chạnh lòng. Ở Việt Nam, điều kỳ lạ là những người càng nghèo khổ thì càng sẵn lòng giúp đỡ, sẻ chia với người khác.

Thông qua hành trình này, chúng tôi mong muốn kêu gọi nhiều hơn nữa những trái tim nhân ái, hào hiệp nhằm cải thiện cuộc sống của trẻ em nghèo Việt Nam – đất nước mà chúng tôi yêu mến”.

Đôi mắt Christoph lấp lánh niềm vui khi ông kể về những người Việt thân thiện và hiếu khách trên hành trình của mình. Ông bảo rằng mình có trải nghiệm tuyệt vời khi được người dân miền núi huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam mời ăn tết cổ truyền.

“Chúng tôi đến từ những đất nước châu Âu giàu có, dư dả, chúng tôi có nhiều hơn mọi thứ. Nhưng khi đến những vùng đất nghèo ở Việt Nam, người dân chỉ có những thứ cơ bản để sống nhưng họ sẵn sàng chia sẻ khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Chúng tôi mong muốn đáp lại bằng cách đưa họ một số tiền nhưng họ không đồng ý” – Christoph xúc động kể.

Còn Simon thì khẳng định chắc chắn: “Khi trở về đất nước của mình, chúng tôi sẽ kêu gọi nhiều hơn nữa những tấm lòng nhân ái để giúp đỡ trẻ em Việt Nam”…

Chương trình bảo trợ của Christoph Obmascher và Simon Niggli là một phần của chương trình phát triển dài hạn (15 năm) do Tổ chức World Vision thực hiện.

World Vision International là tổ chức nhân đạo, thực hiện các chương trình cứu trợ và phát triển nhằm cải thiện chất lượng sống cho cộng đồng, đặc biệt là trợ giúp trẻ em, người nghèo và những người gặp hoàn cảnh khó khăn.

World Vision bắt đầu hoạt động cứu trợ ở Việt Nam năm 1988 và mở văn phòng đại diện tại Hà Nội năm 1990.

Tới nay có khoảng 30.000 cá nhân từ 14 nước đang bảo trợ cho hơn 70.000 trẻ em Việt Nam thông qua Tổ chức World Vision.

Chương trình bảo trợ hỗ trợ các em và gia đình trong các hoạt động như giáo dục, dinh dưỡng, phát triển sinh kế và đẩy mạnh quyền trẻ em.

QUỲNH TRUNG – TÂM LỤA