23/12/2024

Chúa Nhật IV MC C-2016: Cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa Cha

Chúng ta có thể chia con đường cảm nghiệm lòng thương xót cúa Chúa Cha thành 3 giai đoạn. Chúng ta hãy tìm hiểu xem mình đang ở giai đoạn nào trên con đường cảm nghiệm để thấy mình cần phải tiến bước thế nào trong hành trình của đời mình.

 

Cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa Cha

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong tông sắc Dung mạo Lòng Thương xót Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh nhiều lần đến việc cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa (x. số 17, 19) để có thể “thương xót như Chúa Cha” như câu tâm niệm của Năm Thánh.

Các bài Thánh Kinh hôm nay, nhất là bài Tin Mừng kể về dụ ngôn “Người con hoang đàng”, sẽ giúp chúng ta hiểu biết và cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa Cha. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót công bố năm 1980, đã dành nhiều thời giờ để giải thích cho chúng ta dụ ngôn này (x. phần 4, số 5-7). Vì thế chúng ta dành ít phút để tìm hiểu con đường cảm nghiệm lòng Chúa thương xót mà con người có thể trải qua.

1. Hướng dẫn chung về con đường

Chúng ta có thể chia con đường cảm nghiệm lòng thương xót cúa Chúa Cha thành 3 giai đoạn:

– Giai đoạn đầu: cảm nhận các ơn lành của Chúa Cha một cách hờ hững như người con hoang đàng sống với cha trước khi bỏ nhà đi hoang.

– Giai đoạn hai: cảm nghiệm được nỗi thống khổ và xúc phạm đến Chúa Cha như người con hoang đàng phải chịu đói khát, nhục nhã vì xa rời cha.

– Giai đoạn ba: Cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa như người con hoang đàng thống hối trở về.

Trong Năm Thánh này chúng ta hãy tìm hiểu xem mình đang ở giai đoạn nào trên con đường cảm nghiệm để thấy mình cần phải tiến bước như thế nào trong hành trình của đời sống. Bây giờ chúng ta tìm hiểu về từng giai đoạn.

2. Giai đoạn sống vô tư và vô tâm đối với Cha

Người con thứ sống với cha trong 1 gia đình giàu sang, quyền quý, có kẻ hầu người hạ, cơm bưng nước rót, quần áo sang trọng, nhà cao cửa rộng, hạnh phúc tuyệt vời. Nhưng anh đón nhận tất cả những tiện nghi và ân huệ ấy một cách vô tình, hờ hững. Anh không cảm nhận được tình yêu đầy lòng thương xót của cha và địa vị làm con cao quý của mình. Anh tưởng rằng mình đương nhiên có quyền hưởng những thứ ấy mà chẳng cần đáp lại cha bằng một thái độ hiếu thảo nào.

Nhiều người chúng ta có thể đang sống thờ ơ, vô cảm, vô tâm như anh trước tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Từng giây phút ta thở hít không khí trong lành, tận hưởng gió mát trăng thanh, đón nhận ánh sáng mặt trời. Mỗi ngày ta hưởng dùng những vật phẩm của trời đất, biển khơi, sông núi. Ta thấy mình đang sống động, suy tư, học hành, làm việc, vui chơi. Ta cảm thấy mình khoẻ mạnh, xinh đẹp, trẻ trung, hạnh phúc.

Ta đón nhận chúng cách vô tư vì tưởng rằng chúng tự nhiên mà có hay do con người làm ra nhờ trí óc và bàn tay của mình. Ta không biết tất cả đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng Hiện Hữu. Ngài dựng nên tất cả nhờ Ngôi Lời là Con Một của Ngài và ban tặng cho chúng ta là những người con thứ chỉ vì yêu chúng ta. Chúng ta hưởng dùng tất cả một cách dễ dãi, có khi cách ích kỷ tham lam, mà không nói được một lời cảm ơn hay tỏ một thái độ kính thờ phải phép đối với Người Cha đầy lòng thương xót của mình.

3. Giai đoạn sống đói khổ vì xa rời Cha

Người cha trong dụ ngôn yêu thương con nên tôn trọng tự do của con. Khi nó xin ông chia gia tài và bỏ đi phhương xa để ăn chơi phung phí hết cả sản nghiệp, ông biết trước nó sẽ gặp đói khát, thất bại, ông đau khổ nhưng không thể ép buộc nó ở lại, không thể dùng bạo lực xích chân nó ở nhà. Nó là con ông chứ không phải là nô lệ của ông. Một khi ban tự do và gia sản cho con, ông không bao giờ đòi lại vì tự do làm nên giá trị người con. Nó có thể làm mất gia sản nhưng không thể đánh mất tự do.

Đúng như ông dự đoán, người con đó thật sự gặp thất bại, đói khổ, nhục nhã khi tiêu sạch tiền của mang theo. Anh ta phải đi chăn heo cho người khác, một công việc tủi nhục và thấp kém nhất của đời nô lệ đối với người Do Thái. Anh đói đến nỗi muốn ăn cả cám heo mà cũng không ai cho vì anh chẳng có giá trị bằng con heo họ nuôi. Anh đánh mất mọi thứ vật chất mình có và cả giá trị tinh thần là con của một gia đình quyền quý khi cắt đứt tình nghĩa với cha và bỏ nhà ra đi.

Nhiều người chúng ta có lẽ cũng từng trải qua kinh nghiệm đói khổ, nhục nhã, nhưng có lẽ nguyên tổ Ađam Evà còn cảm nghiệm rõ ràng hơn khi cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn sự sống vĩnh hằng, ân phúc vô biên, tình yêu vô tận và chân thiện mỹ tuyệt đối của mình để gây khổ cho con cháu sau này. Ta đối mặt với bệnh tật, nghèo đói, xấu xí, ngu dốt, bất hạnh và cả cái chết của mình mà lòng vẫn khắc khoải muốn mình trẻ mãi, đẹp mãi, sống mãi.

Chúa không ngăn cản ta bằng 1 phép lạ khi ta quyết tâm đi theo con đường tội lỗi hư hỏng cũng như Ngài đã không gạt bàn tay hái trái cấm của Ađam vì đã ban tự do cho người con được Ngài tạo thành theo hình ảnh của Ngài. Ngài sẽ sửa chữa tội bất tuân của ông khiến loài người phải chết, phải tàn tạ, xấu xa, bằng cách ban chính Con Một Ngài để người Con đó vâng lời cho đến chết nhục nhã trên thập giá, nhờ đó mà hoà giải muôn loài với Chúa Cha.

Vì thế, thánh Phaolô nhắc nhở ta qua Bài Đọc II: “Thiên Chúa đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Ngài…Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta được nên công chính trong Người” (x. 2 Cr 5,17-21).

4. Giai đoạn sống hạnh phúc trọn vẹn với Cha

Người con hoang đàng quay trở về nhà cha chỉ vì muốn thoát cảnh đói khổ hơn là tin tưởng được cha tha thứ. Anh cảm thấy mình không còn xứng đáng với địa vị làm con khi phung phí tất cả những gì của cha. Anh chỉ xin cha đối xử với mình như 1 tên đầy tớ. Anh vẫn chưa hiểu tình yêu và lòng thương xót của cha mình. Nhưng người cha lại trung thành trong tư cách làm cha vì không bao giờ chối bỏ đứa con mình sinh ra. Ông trung thành trong tình yêu dồi dào vẫn dành cho con từ bấy lâu nay và càng thương xót hơn khi thấy nó tàn tạ, xấu xí, hư đốn vì tình yêu và lòng thương xót của ông không có giới hạn.

Sự trung thành ấy được diễn tả bằng hàng loạt hành động cụ thể: ông chạy đến anh trong khi anh rụt rè bước tới; ông không để anh nói hết lời xin lỗi; ông mừng rỡ ôm hôn anh để anh không cảm thấy lạnh lùng, xa cách vì tội lỗi anh phạm. Rồi ông phục hồi địa vị cậu chủ cho anh bằng việc bắt đầy tớ đem quần áo, giầy đẹp, nhẫn quý và tổ chức tiệc mừng cho anh. Hành động đầy lòng thương xót ấy làm cho người con cả giận dữ, ghen tức vì anh ta luôn chăm chỉ làm việc, vâng phục cha.

Nhiều người chúng ta chưa cảm nghiệm được niềm hạnh phúc khi sống bên Chúa và thậm chí còn ghen tức với những người tội lỗi khi thấy họ được Chúa ban nhiều ân phúc. Ta cứ nghĩ mình sống đạo đức, giữ đủ lễ nghi, luật lệ thì mới đáng hưởng những ơn lành đó. Ta sống với Chúa Cha, ở giữa một gia tài lớn lao về ân sủng, có quyền hưởng được sự sống phi thường, kỳ diệu,  nhưng ta vẫn coi đó là của Thiên Chúa chứ không phải của mình. Ta vẫn hành động như người con cả trong thái độ của kẻ làm mướn không công, nên cảm thấy Cha đối xử bất công với mình. Ta không ý thức địa vị làm con của mình vì không cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót của Chúa Cha.

Chúa Cha yêu thương chúng ta bất chấp tội lỗi nên ta đừng bao giờ thất vọng hay tuyệt vọng vì quá khứ tội lỗi của mình. Chúa Cha luôn nhận chúng ta là con cái của Ngài khi ta gắn bó với Con Một Ngài là Chúa Giêsu để chia sẻ cho ta sự sống phi thường và hạnh phúc trọn vẹn của chính Thiên Chúa. Chúng ta chưa cảm nhận được sự sống này chỉ vì chúng ta chưa thật lòng sám hối, vẫn tự mãn về đời sống đạo đức của ta thay vì cố gắng kết hợp với Chúa Giêsu và thở được Thần Khí Tình Yêu của Người.

Lời kết

Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn để chúng ta khám phá ra đoạn đường nào chúng ta đang dừng lại và quyết tâm đi cho đến cùng trên con đường sự thật và sự sống để cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương.