Mất 3 tỉ USD vì lãng phí thuốc ung thư
Kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu ung thư Memorial Sloan Kettering tại New York cho thấy số thuốc điều trị ung thư tại Mỹ bị lãng phí là do ý muốn của con người.
Mất 3 tỉ USD vì lãng phí thuốc ung thư
Kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu ung thư Memorial Sloan Kettering tại New York cho thấy số thuốc điều trị ung thư tại Mỹ bị lãng phí là do ý muốn của con người.
Quầy thuốc dùng cho hoá trị ở trung tâm trị ung thư Antoine, Lacassagne – Ảnh: Reuters |
“Một vài loại thuốc trong số bị lãng phí đang được bán với giá gấp 1.000 lần giá vàng |
Ông Bach (giám đốc Trung tâm chính sách y tế và các tác động của Trung tâm nghiên cứu ung thư Memorial Sloan Kettering) |
Theo CNBC, thuốc ung thư luôn có giá “trên trời”, vậy mà lượng thuốc luôn bị thừa ra trong các lọ đóng sẵn theo liều dùng một lần.
Nhóm lợi ích
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Y Khoa Anh, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng lượng thuốc tiêm trị ung thư đóng lọ bán tại Mỹ thường chứa nhiều hơn mức cần dùng mỗi lần của người bệnh. Trong phần lớn trường hợp, phần thuốc dư bị đổ đi ngay cả khi vẫn còn dùng tốt. Thực tế này khiến người bệnh cũng như hệ thống bảo hiểm Mỹ lãng phí hàng trăm ngàn USD.
Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering ước tính năm 2016, tổn thất tiền bạc liên quan tới tình trạng lãng phí thuốc ung thư sẽ lên tới gần 3 tỉ USD.
Tuy nhiên, để lật tẩy vấn đề sẽ rất khó khăn vì đụng chạm tới các nhóm lợi ích. Nhiều nhóm đang hưởng lợi rất “đậm” từ tình trạng lãng phí cũng như giá thuốc. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra chi tiết việc các hãng dược, bệnh viện và bác sĩ đã trục lợi ra sao từ phần thuốc dư trong điều trị ung thư.
Họ tập trung nghiên cứu 20 loại thuốc trị ung thư hàng đầu hiện nay, dạng đóng lọ với liều dùng một lần căn cứ theo cân nặng người bệnh. Kết quả cho thấy trong số này, lượng thuốc còn thừa sau mỗi liều dùng nằm trong khoảng 1-33% dù mức phí điều trị của một số loại thuốc ít nhất 15.000 USD/tháng.
Dựa theo các kích thước lọ hiện có ở Mỹ, nghiên cứu ước tính năm nay những hãng dược sở hữu 20 loại thuốc đó sẽ thu thêm được 1,84 tỉ USD từ phần thuốc thừa ra, tương đương 10% tổng doanh thu dự kiến của họ tại Mỹ. Theo đó, các hãng bảo hiểm và người bệnh ung thư sẽ phải trả thêm ít nhất 1 tỉ USD cho phần thuốc bị thừa năm 2016, căn cứ vào mức giá mà bệnh viện và bác sĩ kê cho họ.
Báo cáo nghiên cứu dẫn ra một số ví dụ cụ thể như thuốc trị u tuỷ Kyprolis của Hãng Amgen với mức dư trung bình trong mỗi liều dùng là 1/3. Ước tính với doanh thu 677 triệu trong năm 2016, lượng thuốc bị bỏ phí này chiếm 231 triệu USD trong đó.
Cùng với đó là trường hợp của loại thuốc mới Keytruda điều trị ung thư da của Hãng Merck. Thoạt đầu Keytruda được đóng lọ 50mg, tuy nhiên vào tháng 2-2015, công ty này chuyển sang chỉ sản xuất lọ 100mg.
Với một người bệnh nặng 68kg cần liều điều trị mỗi lần 140mg, họ sẽ phải tăng mức lãng phí thuốc từ 10mg lên 60mg. Đương nhiên doanh thu của Merck từ phần dư thuốc Keytruda sẽ tăng từ 500 USD lên 3.000 USD với mỗi người bệnh.
Theo nghiên cứu, tại châu Âu và các nơi khác, do nhà chức trách quản lý chặt chẽ hơn trong vấn đề giá thuốc và kích cỡ đóng lọ liều dùng nên tình trạng lãng phí này được hạn chế tốt hơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cơ quan quản lý của Mỹ cần phải yêu cầu các hãng dược phẩm cung cấp nhiều kích cỡ liều dùng đa dạng và có những chỉ dẫn phù hợp để phần thuốc thừa có thể được chia sẻ với người bệnh khác. Hiện tại, sau khi mở lọ, nhìn chung các thuốc này chỉ có thể sử dụng trong vòng sáu giờ để đảm bảo tác dụng.
Việt Nam không có tình trạng này
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho biết trong thực tế điều trị có tình trạng dư thừa thuốc sau mỗi liều dùng, mặc dù về lý thuyết các nhà sản xuất đã tính toán theo mức tiêu chuẩn.
Có một phần nguyên nhân là do tiêu chuẩn về cân nặng (được lấy làm căn cứ cho liều lượng) của người nước ngoài khác với tiêu chuẩn cân nặng của người Việt.
Với số lượng bệnh nhân rất đông và nguồn ngân sách hoạt động còn khiêm tốn, các bác sĩ tại Đà Nẵng đã chủ động san sẻ phần thuốc thừa với các bệnh nhân khác, không để xảy ra tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, ông cũng nói tình trạng này có thể sẽ xảy ra ở những bệnh viện ít bệnh nhân và có nhiều chủng loại thuốc ung thư khác nhau để lựa chọn.
Vị bác sĩ này nhận xét rằng trong quá trình điều trị, ông nhận thấy có vẻ như cách chia liều lượng thuốc của các hãng dược phẩm trong nước dễ áp dụng hơn so với thuốc ngoại.
Mặc dù phần lớn thuốc trị ung thư hiện nay ở Việt Nam vẫn phải nhập khẩu, nhưng theo ông, có nhiều loại ngành dược của Việt Nam đã sản xuất được và có chất lượng tương đương thuốc ngoại trong khi giá bán chỉ bằng một nửa. Ông khuyến nghị người bệnh nên dùng những loại thuốc này.