Chàng trai ‘nói’ tiếng chim
Chàng kiểm lâm trẻ Nguyễn Xuân Trường (Hạt kiểm lâm H.A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) có thể làm người đối diện đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, khi bắt chước được tiếng hót của hàng chục loài chim và nhiều loài thú rừng.
Chàng trai ‘nói’ tiếng chim
Chàng kiểm lâm trẻ Nguyễn Xuân Trường (Hạt kiểm lâm H.A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) có thể làm người đối diện đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, khi bắt chước được tiếng hót của hàng chục loài chim và nhiều loài thú rừng.
Bạn của chim muông
Nguyễn Xuân Trường (30 tuổi) có một tình yêu đặc biệt với núi rừng khi ngoài hai mươi tuổi đã gắn bó với Trạm kiểm lâm Trà Lệnh, một nơi xa xôi, hẻo lánh giữa đại ngàn Trường Sơn.
Ông Hồ Văn Lua (trú xã A Roàng, H.A Lưới) cho biết ngày mới về công tác ở Trạm kiểm lâm Trà Lệnh, mỗi lần đi qua trạm lại nghe tiếng hót của nhiều loài chim. Ông cũng như người dân ở đây mãi sau mới biết đó là… tiếng của Trường. Hiện nay Trường đã chuyển sang trạm khác nhưng người dân quanh Trà Lệnh vẫn không quên chàng trai trẻ có biệt tài thú vị này.
Tìm gặp Trường, nghe Trường giả tiếng chim hót, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hễ Trường cất tiếng hót của chim khướu là những con chim khướu gần đó lại đáp lại. Hễ Trường cất tiếng gà gáy là những chú gà rừng khác thi nhau gáy vang cả núi rừng. Thú vị nhất là khi Trường giả tiếng kêu của voi. Bằng một ống nước, Trường giả y đúc tiếng kêu của voi. Lần lượt, Trường giả tiếng hoạ mi, yểng, sơn ca, bò tót, sóc, mang, sơn dương… một cách dễ dàng. Thậm chí, với mỗi loài, Trường còn có thể giả rất nhiều giọng khác nhau như tiếng chim đực, chim cái, tiếng gọi bầy, báo kẻ thù…
Trường chia sẻ: “Chim tức nhau tiếng hót, gà tức nhau tiếng gáy. Mỗi khi mình hót là cả khu rừng đua nhau hót theo là vì thế. Ngày mới lên Trạm kiểm lâm Trà Lệnh, trạm xa xôi và hẻo lánh nhất của hạt, chính chim chóc và thú rừng là những người bạn của Trường. Ban ngày đi tuần trong rừng hót cùng chim muông. Ban đêm không đèn điện thì giả tiếng muông thú. Mỗi khi mình hót, nghe chúng đáp lại và bay đến làm bạn, mình thấy rất vui”.
Bảo vệ đại ngàn
Vốn lớn lên với núi rừng nên từ nhỏ Trường đã ước mơ thành một kiểm lâm ngay chính trên vùng núi A Lưới, nơi Trường đang sinh sống. Vì thế, sau khi học hết THPT, Trường quyết định theo học tại Trường Lâm nghiệp 1 (Quảng Ninh) và trở thành kiểm lâm viên của Hạt kiểm lâm H.A Lưới.
“Hồi nhỏ, mình thường đi làm trong rừng với ba. Khi nghe tiếng chim hót, vượn kêu thì mình bắt chước cho vui. Mỗi ngày như thế, số loài mình có thể bắt chước tăng dần. Cũng nhờ vậy, mình gắn bó với chúng hơn, hiểu và yêu chúng nhiều hơn, muốn làm bạn và bảo vệ chúng. Đến khi đi làm, càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với các loài, mình càng thấy ngôn ngữ các loài rất phong phú. Những kiến thức ấy giúp ích rất nhiều cho công việc của mình”, Trường nói.
Trường kể, mới đây Trường luân chuyển sang Trạm kiểm lâm Hồng Hạ. Một lần đi tuần trong rừng, mỗi người chia nhau một hướng. Do chưa quen địa bàn nên Trường bị lạc. Khi ấy, Trường đã giả tiếng gà rừng gáy để báo hiệu cho mọi người biết. Bởi tiếng gà rừng gọi giữa núi rừng thường vọng rất xa, đặc biệt là tiếng gà trống rừng đã trưởng thành. Cũng có khi đi tuần trong rừng, nhờ biết được tiếng kêu của các loài thú, Trường mới phát hiện được chúng đang gặp nguy hiểm.
Ông Hồ Văn Sao, Hạt phó Hạt kiểm lâm H.A Lưới, cho biết: “Bắt chước tiếng vài loài đã khó, thế mà Trường có thể giả tiếng hàng chục loài chim và thú. Là một kiểm lâm, điều này thực sự là một thuận lợi mỗi khi đi rừng. Mỗi khi nghe tiếng kêu của một con thú bị bẫy, Trường có thể giao tiếp với nó để biết nó đang ở đâu. Hay mỗi khi đi khảo sát, muốn xác định vùng này đang có loài gì thì Trường có thể kêu để gọi đàn…”.
Tuyết Khoa