01/11/2024

Thuốc trừ sâu sinh học từ cây cúc dại

Đó là công trình nghiên cứu của hai học sinh Lê Song Hồ và Nguyễn Thị Yến Bình, lớp 11A2 Trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (Sóc Trăng).

 

Thuốc trừ sâu sinh học từ cây cúc dại

 

 

Đó là công trình nghiên cứu của hai học sinh Lê Song Hồ và Nguyễn Thị Yến Bình, lớp 11A2 Trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (Sóc Trăng). 

 

 

 

 

Thuốc trừ sâu sinh học từ cây cúc dại
Hồ và Bình chuẩn bị dụng cụ cho cuộc thi khoa học sắp tới – Ảnh: T.Trang

Đây là một trong năm đề tài được Sở GD-ĐT tỉnh chọn tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia khu vực phía Nam sắp tới tại Đồng Nai.

Bình cho biết từ nhỏ đã thấy mỗi khi xịt thuốc trừ sâu thì mình mẩy nổi mẩn đỏ nhiều do dị ứng, có khi ho, viêm họng, viêm mũi cả tháng trời mới hết. Lớn lên đi học mới biết thuốc trừ sâu hoá học rất có hại đến sức koẻ con người nên ước ao tìm ra loại thuốc trừ sâu nào vừa bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm, mà con người không mang bệnh.

“Trong khi các loài cây khác chỉ cần thuốc diệt cỏ một lần là chết, nhưng cây cúc dại, cây thuốc cá mọc trong vườn lẫn ven đường thì ngày càng sinh sôi nảy nở, đặc biệt không loài sâu bọ nào bám trên cây được. Nông dân ở đây thì ngao ngán tìm mọi cách để diệt. Em đã nghĩ ngay tại sao không “lấy độc trị độc” – Bình chia sẻ. Bình đem ý tưởng của mình khoe với cậu bạn thân Lê Song Hồ và được hưởng ứng nhiệt tình.

Từ cuối tháng 7-2015, hai bạn bắt tay vào công việc từ nhổ cây đến tìm cách chiết xuất lấy tinh chất. Cả hai phải mất cả chục lần pha thêm chất này, trộn lẫn chất khác mới ra được thành phẩm. Không chỉ vậy, phòng thí nghiệm của trường không đủ dụng cụ để thực hành, hai bạn “chế biến” thêm hộp nhựa, ống hút, ống nước… để bổ sung vật dụng thí nghiệm cho mình.

“Em sợ nhất là sâu vậy mà phải đi tìm bắt đủ thứ các loài sâu, có khi phải nuôi trong hũ để dành thí nghiệm. Khi chế tạo xong, nhỏ lên sâu vài giọt thuốc, thấy con thì oằn mình nằm bất động, con thì rã ra, tụi em mừng khôn xiết”, Bình kể.

Còn Hồ nói lúc đầu lấy vườn rau của ba mẹ để phun thuốc làm thí nghiệm bị la quá, nhưng sau thấy mấy hôm liền rau muống và rau dền ít sâu hẳn thì mới được ba mẹ tin tưởng hơn. Ông Trần Tấn Phước, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, cho biết mới đầu còn bán tín bán nghi nên chỉ xin một ít dùng thử cho biết. “Hay lắm nha, cứ cách bữa tui xịt thuốc một lần vậy mà hầu như không còn con sâu nào trên thân trên lá luôn”, ông Phước nói.

Thầy Nguyễn Ngọc Hải, giáo viên tư vấn đề tài thuốc trừ sâu sinh học của Bình và Hồ, cho biết mặc dù chưa được đưa đi kiểm định nhưng người dân ở đây đã dùng thử và khen ngợi rất nhiều. Nhiều người đặt hàng nhưng các em bận bịu thời gian học ở trường nên làm không kịp. “Thấy tụi nhỏ ham thích sáng tạo, lại rất gần gũi và giúp ích nông dân ở đây nên có khi đang giữa trưa hoặc buổi tối, tụi nó nghĩ ra cái gì là chạy tới nhà nhờ tôi góp ý”, thầy Hải kể vui.


THUỲ TRANG