01/11/2024

Chúa Nhật III MC C-2016: Sám hối để có lòng thương xót

Chúa Giêsu trong dụ ngôn hôm nay yêu cầu chúng ta tích cực hành động để chúng tỏ lòng sám hối như người làm vườn vun xới chung quanh cây vả chưa cho trái và bón phân cho nó vì hy vọng có quả sau này.

 

Sám hối để có lòng thương xót

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong hai Chúa Nhật Mùa Chay vừa qua, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về những cơn cám dỗ xúc  phạm tới lòng thương xót của Chúa và cuộc biến đổi thiêng liêng để đời sống ta toả sáng như Chúa Giêsu. Trong Chúa Nhật này, Giáo Hội đề nghị chúng ta sám hối để cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương. Vì thế chúng ta dành ít phút để suy nghĩ về đề nghị này.

1. Sám hối là gì và tại sao lại phải sám hối?

Sám hối là đau xót và hối hận về tội lỗi mình đã phạm. Ví dụ sau khi làm điều bất kính với Thiên Chúa và ác đức với con người, ta đau khổ, hối hận vì những hành động xấu xa đó nên xin lỗi Chúa và anh em rồi quyết tâm sửa đổi đời sống.

Trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 13,1-9), Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng: “Anh em tưởng những người bị giết hay bị tháp Siloe đổ xuống đè chết là những người mắc tội nặng hơn những người khác sao? Tôi nói cho anh em biết không phải thế đâu. Nhưng nếu anh em không sám hối thì anh em sẽ chết hết giống như vậy”.

Quả thật, đã là sinh vật, là con người, ai cũng phải chết. Nhưng Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta vượt qua cái chết để tìm được sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên, nếu chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa Cha và bước theo Người trên con đường sự thật và sự sống.

Trong cuộc sống ở trần thế, chúng ta luôn bị thúc đẩy bởi tham vọng và dục vọng. Ta miệt mài học hành để đạt được bằng này cấp nọ. Ta tối mắt làm việc kiếm tiền để mua nhà, mua xe. Ta chiều theo những thú vui dẫn đến đam mê, nghiện ngập. Những hành động đó được lặp đi lặp lại mỗi ngày trở thành thói quen, biến ta dần dần trở thành người tôn thờ ngẫu tượng. Chúa của con người bây giờ là những Thần Tài, Thần Khoa Học, Thần Sắc Đẹp Venus, Thần Văn Chương Minerva, Thần Chiến Tranh Mars… Còn vị Chúa thật sự lại bị gạt ra khởi đời sống của ta vì ta quên rằng tất cả những gì mình đang có, từ thể xác đến tinh thần, từ bát cơm manh áo đến trời đất biển khơi, đều do lòng Chúa yêu thương ban tặng cho ta.

Nhiều tín hữu đạo đức vẫn tự an ủi rằng: dù mình đầu tắt, mặt tối học hành, làm việc, nhưng mình vẫn đi dự lễ Chúa Nhật mỗi tuần, vẫn đọc kinh trước khi ngủ hằng đêm, vẫn ăn chay kiêng thịt đúng luật, vẫn rước Mình Máu Chúa đều đặn, nên chẳng thể nào mất ơn nghĩa Chúa! Thánh Phaolô trong Bài Đọc II (x. Cr 10,1-6.10-12) đã nhắc nhở ta đừng tự mãn về những việc đó. Ngài nói với ta rằng: “Chính những người như cha ông chúng ta đã được chịu Phép Rửa, đã ở dưới đám mây sáng, đã vượt qua biển Đỏ, đã cùng ăn 1 thức ăn linh thiêng, cùng uống 1 thức uống linh thiêng, nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa và bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc và không được vào đất Hứa. Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta”.

Tóm lại, ta cần phải sám hối tội lỗi để cảm nhận được lòng Chúa thương xót đã ban muôn vàn ân huệ cho ta, cũng như để thể hiện lòng thương xót trong đời sống thường ngày.

2. Làm sao cảm nghiệm và thể hiện lòng thương xót?

2.1. Cảm nghiệm

Trong Năm Thánh về Lòng Thương Xót, chắc chắn anh chị em sẽ được nghe nói và suy niệm rất nhiều về đề tài này. Hôm nay tôi chỉ xin giới thiệu 1 điểm nhỏ để giúp anh chị em cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương. Đó là ta hãy suy niệm và nhớ đến Đấng Hiện Hữu.

Trong Bài Đọc I (x. Xh 3,1-8.13-15), Chúa mạc khải cho ông Moisê biết Ngài là Đấng Hiện Hữu (Xh 3,14). Từ Hiện hữu là giải nghĩa từ Giavê hay Giêhôva của tiếng Do Thái. Hiện là lúc này, hữu là có, là tồn tại. Hiện hữu là đang tồn tại, đang có.

Vậy tất cả những gì mà mỗi con người và vũ trụ đang có, từ vật chất đến tinh thần, đều là của Chúa, đều thuộc về Chúa, đều do Chúa ban cho ta. Thử nhìn vào con người mình, phân tích dưới khía cạnh khoa học, ta thấy mình là gì? Chỉ là 1 đám vật chất vô cơ hay hữu cơ gồm carbon, hydro, oxy, nitơ, sắt, đồng ,chì, kẽm… như 1 cục đá, 1 ngọn cỏ. Vậy mà ta đang sống động, đang suy nghĩ, đang yêu thương, đang hạnh phúc, đang tươi trẻ, đang đẹp đẽ. Nhưng sự sống, tư tưởng, tình yêu, hạnh phúc, cái đẹp, cái thiện, cái đúng lại không nằm ở trong vật chất vô hồn. Tuy nhiên, tất cả đếu bắt ngưồn từ Đấng Hiện Hữu vì chúng không thể tự cho mình tồn tại.

Vì thế, ta cần phải cảm nghiệm và xác tín rằng: những gì mình đang có đều bắt nguồn từ Chúa để cảm tạ và ca tụng lòng thương xót của Người đã ban chúng cho ta.

2.2. Một ví dụ cụ thể

Tôi xin chia sẻ 1 ví dụ nhỏ để giúp anh chị em cảm nghiệm lòng thương xót đó. Chúng ta hãy thử nhắm chặt đôi mắt trong vòng 1 phút, bước ra khỏi hàng ghế và đi lại ít bước xem anh chị em cảm thấy gì? Chúng ta sẽ thấy mình chỉ muốn ngồi yên, không dám bước đi vì sợ ngã, sợ va chạm vào người khác. Ta hãy tưởng tượng thêm dòng điện trong nhà thờ đột ngột bị cắt, không còn chút ánh sáng nào hay đột ngột ta bị choáng, không còn nhìn thấy gì, mà phải tự mình tìm đường về nhà, ta sẽ khổ sở và lo âu biết bao!

Rồi nếu mắt ta vẫn mở nhưng không còn anh sáng mặt trời, không còn thứ ánh sáng nào khác, thì làm sao ta thấy được mầu sắc tươi đẹp của cảnh vật, của con người, làm sao cây lúa có thể lớn lên cho ta có gạo ăn, làm sao cây cối có thể cho hoa thơm trái ngọt, làm sao cây cối toả dưỡng khí cho ta thở? Tóm lại làm sao ta có thể sống được nếu như không có anh sáng? Như thế ta mới biết cảm tạ Cha Trên Trời ban cho ta mặt trời soi sáng mỗi ngày.

2.3. Thể hiện lòng thương xót

Ngài cho mặt trời soi sáng cho người lành kẻ dữ và cho mưa rơi xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương vì Ngài là Chúa đầy lòng thương xót. Ngài muốn chúng ta, khi nhận được những ân huệ từ Đấng Hiện Hữu, cũng biết chia sẻ cho nhau để thể hiện lòng thương xót của Ngài (x. Lc 6,35).

Chúa Giêsu trong dụ ngôn hôm nay (x. Lc 13, 6-9) yêu cầu chúng ta tích cực hành động để chúng tỏ lòng sám hối như người làm vườn vun xới chung quanh cây vả chưa cho trái và bón phân cho nó vì hy vọng có quả sau này. Lòng sám hối không phải chỉ là những tình cảm đau buồn, hối hận vì tội lỗi đã phạm. Nó phải trở thành những hành động cụ thể, thiết thực như nói lên lời xin lỗi, lời tha thứ, tỏ thái độ vui tươi đón nhận người xúc phạm đến mình. Nó phải diễn tả thành những hành động từ thiện, bác ái như giúp đỡ vật chất cho người nghèo đói khi chia sẻ ân huệ Chúa ban, chỉ dẫn nghề nghiệp, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho những ai gây đau khổ cho mình.

Những hành động cụ thể ấy có sức biến đổi mãnh liệt, nhất là khi kèm theo lời cầu nguyện. Chúng giống như nụ hôn của chàng hoàng tử làm sống dậy cô công chúa đẹp đẽ và cả triều đình đang ngủ mê bất động hàng trăm năm trong vở vũ kịch balê The Sleeping Beauty đang được trình diễn ở downtown Houston. Chúng làm thức tỉnh lương tâm và lòng tốt của con người chúng ta đã bị quỷ dữ làm mờ tối, bất động nhờ hành động sám hối thật tình. Chúng ta sẽ sống lại trong niềm vui và hạnh phúc với Chúa Giêsu Kitô, vị hoàng tử đầy lòng thương xót trong Mầu nhiệm Vượt Qua.

Lời kết

Cầu chúc anh chị em cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa trong đời sống thường ngày và cả nụ hôn yêu thương của Chúa Giêsu để đánh thức lòng sám hối của chúng ta.