23/12/2024

Kinh Truyền Tin Chúa Nhật III Mùa Chay

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, 28.02 với vài chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng hoán cải không bao giờ là quá trễ, nhưng đó lại là một việc khẩn thiết và phải làm ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay. Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã gửi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.

 Kinh Truyền Tin Chúa Nhật III Mùa Chay

 

Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật III Mùa Chay – AP

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, 28.02 với vài chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng hoán cải không bao giờ là quá trễ, nhưng đó lại là một việc khẩn thiết và phải làm ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay.

 

Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:

 

“Anh chị em thân mến,

 

Điều đáng buồn là mỗi ngày trên sách báo đều xuất hiện những tin xấu, chẳng hạn như những vụ thảm sát, những tai nạn thương tâm, những thiên tai dữ dội. Trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, Đức Giêsu cũng đề cấp đến hai sự kiện bi thảm đã từng gây xôn xao thời bấy giờ. Chuyện thứ nhất là những người Galilê bị tống trấn Philatô giết khi đang dâng lễ vật trong đền thờ. Chuyện thứ hai là có mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết (x. Lc 13,1-5).

 

Đức Giêsu biết rõ tâm thức mê tín của những kẻ đang nghe Ngài giảng và họ sẽ giải thích những sự kiện ấy theo một nghĩa hoàn toàn sai lầm. Thật vậy, dân chúng nghĩ rằng những người chết cách thê thảm như thế là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đang trừng phạt vì những tội lỗi nặng nề, ghê tởm mà họ đã gây ra. Dân chúng nói: ‘Những kẻ ấy đáng bị như vậy. Những ai thoát khỏi thảm hoạ, có nghĩa là họ tốt lành, thánh thiện.’

 

Đức Giêsu đã quyết liệt lên án và loại bỏ lối nhìn này, vì Thiên Chúa không bao giờ cho phép những thảm hoạ hay bi kịch xảy ra để trừng phạt những ai tội lỗi. Ngài cũng tuyên bố rằng những nạn nhân bị chết ấy không hề tội lỗi hơn những người Galilê khác. Trên hết, Ngài mời gọi dân chúng hãy biết đọc ra từ những biến cố ấy một lời cảnh báo dành cho tất cả mọi người, vì ai cũng là tội nhân. Đức Giêsu khẳng đỉnh: ‘Tôi nói cho các ông biết, nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.’

 

Ngay cả ngày hôm nay nữa, khi đứng trước những thảm họa thiên tai, người ta rất dễ bị cám dỗ ‘gán’ mọi trách nhiệm cho nạn nhân, hay thậm chí là gán cho Thiên Chúa. Nhưng Tin Mừng ngày hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết suy tư và phản tỉnh: Chúng ta đang có ý tưởng nào về Thiên Chúa? Chúng ta có thật sự nghĩ rằng Thiên Chúa là như thế không? Đó không phải chỉ là một sự phóng chiếu của chúng ta thôi ư, một Thiên Chúa được dựng nên theo tưởng tượng và hình dung của con người mà thôi? Trái lại, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy biến đổi con tim, thực hiện một cuộc hoán cải tận căn trong hành trình cuộc sống của chúng ta, hoàn toàn dứt bỏ những thỏa hiệp với sự dữ, với sự giả hình; để thực sự bước đi trên con đường Tin Mừng. Nhưng một lần nữa chúng ta lại có cám dỗ biện minh cho chính mình: ‘Chúng ta sẽ phải hoán cải từ đâu đây? Bởi vì, chúng ta là những người tốt lành. Chúng ta là những tín hữu. Chúng ta tuân giữa và thực hành đạo nghĩa cũng đầy đủ lắm mà.’ Chúng ta vẫn hay thường biện minh cho mình như thế.

 

Đáng tiếc là mỗi người chúng ta lại giống như cái cây trong vườn mà qua năm này tháng nọ không cho ông chủ thấy được dấu hiệu có thể trổ sinh hoa trái. Nhưng chúng ta cũng may mắn, vì Đức Giêsu như một Người Làm Vườn, với lòng kiên nhẫn vô ngần, đã xin ông chủ gia hạn thêm cho cây vả: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. […] May ra sang năm nó có trái. (x. câu 9).’ Một ‘năm’ của ân sủng là thời gian để Đức Kitô chăm sóc, vun xới; là thời gian của Giáo hội trước khi Đức Kitô lại đến trong vinh quang và cũng là thời gian của đời sống chúng ta, cách đặc biệt là những ngày tháng mùa Chay mà chúng ta được ban tặng như là cơ hội để ăn năn sám hối và được cứu độ. Một năm ân sủng ấy cũng là thời gian của Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Bởi vậy, sự kiên nhẫn vô cùng vô tận của Đức Giêsu và mối bận tâm liên lỉ của Ngài dành cho tội nhân phải khơi lên trong chúng ta một sự băn khoăn trăn trở khi đối diện với chính mình! Hoán cải không bao giờ là quá trễ, nhưng đó lại là một việc khẩn thiết và phải làm ngay bây giờ! Trong những giờ khắc cuối cùng, lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa vẫn chờ đợi chúng ta.

 

Anh chị em hãy nhớ lại câu chuyện nho nhỏ về Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, khi thánh nữ cầu nguyện cho một phạm nhân bị kết án tử hình. Ông không muốn lãnh nhận sự hoà giải của Giáo hội, không muốn gặp linh mục giải tội. Ông chỉ muốn chết trong tình trạng như thế. Trong tu viện, Thánh Têrêsa vẫn hằng liên lỷ cầu nguyện cho ông. Và khi người đàn ông này bước ra pháp trường, trong giây phút chuẩn bị hành hình, ông đã quay về phía vị linh mục và cầm lấy Thánh giá mà hôn. Đó chính là lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa. Và lòng nhẫn nại ấy cũng dành cho mỗi người chúng ta. Đã biết bao lần, khi chúng ta sắp sa ngã, Thiên Chúa luôn có mặt ở đó để nâng đỡ và cứu vớt chúng ta. Thiên Chúa cứu chúng ta vì Ngài có tình yêu thương nhẫn nại vô hạn dành cho chúng ta. Hoán cải không bao giờ là quá trễ, nhưng phải nhanh lên, phải thực hiện ngay bây giờ. Chúng ta hãy bắt đầu ngay ngày hôm nay.

 

Xin Đức Trinh Nữ Maria gìn giữ chúng ta, giúp chúng ta biết  mở cửa tâm hồn trước ân sủng và lòng xót thương của Thiên Chúa. Xin Mẹ giúp chúng ta đừng bao giờ xét đoán người khác những biết đặt mình trước những biến cố không vui, những điều không may mắn, những thảm hoạ trong cuộc sống thường ngày để xét mình cẩn thận và nhờ đó mà ăn năn hoán cải.”

 

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã gửi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.  

 

Cách đặc biệt, Đức Thánh Cha nói: “Tôi cầu nguyện và mời gọi anh chị em cầu nguyện cho những người phải di cư, tị nạn vì chiến tranh và trong những hoàn cảnh vô nhân đạo khác. Đặc biệt là ở Hy Lạp và một số quốc gia, người dân đang gặp khó khăn và chờ đợi viện trợ. Đồng thời, tôi cũng đang hy vọng những tin tức tốt lành của việc chấm dứt chiến sự tại Syria. Anh chị em hãy cùng tôi cầu nguyện để cánh cửa cơ hội này có thể mang đến hy vọng cho những người đau khổ, thúc đẩy những trợ giúp nhân đạo cần thiết và mở ra những cuộc đối thoại cho những người yêu chuộng hoà bình.

 

Tôi cũng bày tò niềm cảm thông và sự gần gũi với những người thuộc quần đảo Fiji, đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão tàn khốc. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và cho những người tham gia vào các hoạt động cứu trợ.”

 

Cuối cùng, Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa Nhật tốt lành và ngài cũng không quên xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

 

 

Vũ Đức Anh Phương, SJ