24/12/2024

Không có chuyện thú chết hàng loạt ở Safari Phú Quốc

Báo cáo kiểm tra hoạt động của vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc do Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang công bố hôm qua khẳng định “không có chuyện thú nuôi chết hàng loạt như đồn đại gần đây”.

 

Không có chuyện thú chết hàng loạt ở Safari Phú Quốc

 

 

Báo cáo kiểm tra hoạt động của vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc do Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang công bố hôm qua khẳng định “không có chuyện thú nuôi chết hàng loạt như đồn đại gần đây”.





Không có chuyện thú chết hàng loạt ở Safari Phú Quốc

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, ngày 23.2 Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang kết hợp Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Kiên Giang) tiến hành khảo sát, kiểm tra thực tế và hồ sơ tại Vinpearl Safari Phú Quốc.
Qua đó, xác nhận vườn thú hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 104 loài động vật bao gồm thú, chim và bò sát; 14 cá thể tê giác có nguồn gốc công ty hợp tác với vườn thú Mỹ Quỳnh ở tỉnh Long An để trưng bày. Ngoài ra, công ty quản lý vườn thú đang làm thủ tục xin nhập tê giác từ nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Không có sư tử, hổ, báo, tê giác chết
Báo cáo cho hay, tổng số động vật nhập về là 2.236 cá thể; tổng số động vật hiện còn (tính đến ngày 19.2.2016) là 2.004 cá thể; 12 cá thể động vật tăng do sinh sản. Cho đến nay, có 135 cá thể động vật sổng chuồng là khỉ đuôi dài (thiết kế chuồng để nuôi khỉ lớn, trong khi số khỉ sổng chuồng còn nhỏ).
Cơ quan này kết luận, số động vật chết là 108 cá thể, vì ảnh hưởng của quá trình vận chuyển, một số cá thể bị giảm sút sức khỏe, chưa thích nghi với môi trường, thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu. Không có động vật chết có dấu hiệu của dịch bệnh và số bị chết được xử lý theo đúng quy định. Báo cáo cũng khẳng định không có động vật quý hiếm nào bị chết như sư tử, hổ, báo, tê giác.
Trả lời PV Thanh Niên hôm qua, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốc, khẳng định: “Safari Phú Quốc vẫn đang hoạt động bình thường, còn số liệu thú chết là đúng như báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang công bố. Thông tin các loài thú quý hiếm chết là không hề có”.
Không có chuyện thú chết hàng loạt ở Safari Phú Quốc - ảnh 1

Các loại thú đang sinh trưởng tốt ở Safari Phú Quốc – Ảnh: L.V 

Tỷ lệ thú chết thấp và hoàn toàn bình thường
Xung quanh những thông tin về thú chết hàng loạt, thú quý bị chết ở Safari Vinpearl Phú Quốc, ông Nguyễn Th., hiện đang quản lý một trung tâm nuôi thú lớn phục vụ du lịch tại phía nam, chia sẻ: “Cá nhân tôi tin rằng, doanh nghiệp (DN) không thể có sự chuẩn bị sơ sài hay đối phó để nhập lượng lớn cá thể động vật như vậy được. Thế nên, phải khẳng định các cá thể động vật bị chết là sự cố ngoài ý muốn của cả DN lẫn chuyên gia, nhân viên kỹ thuật. Nguyên tắc trong quá trình vận chuyển, thay đổi môi trường sống, động vật hoang dã rất dễ bị giảm đề kháng, thậm chí bị stress, đổ bệnh… là điều khó tránh khỏi. Tỷ lệ chết chưa tới 5% theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang là thấp và hoàn toàn bình thường”.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia về động vật hoang dã, ông Nguyễn Đăng Trung, người có 22 năm kinh nghiệm làm việc tại Thảo cầm viên Sài Gòn, sau đó có thời gian là chuyên gia động vật hoang dã tại Khu vui chơi giải trí Đại Nam (Bình Dương), Khu du lịch Bảo Sơn (Hà Nội) và là cố vấn chuyên môn cho nhiều vườn thú lớn trên cả nước, nhấn mạnh: “Việc thú chết là ngoài ý muốn. Tỷ lệ chết chưa tới 5% là thấp chứ không cao và hoàn toàn bình thường đối với một đơn vị nhập nuôi động vật hoang dã trong thời kỳ đầu”.
Về những thông tin trên mạng, ông Trung cho rằng thiếu tinh thần xây dựng và không mang tính khách quan khi đề cập đến vấn đề. “Tôi không tham gia cố vấn hay làm việc tại dự án này, song khách quan mà nói, tôi có hơn 30 năm làm trong nghề nên khi đọc bài viết trên blog của người nước ngoài tôi thấy chút gì đó lợn cợn. Việc xây dựng và bảo vệ được động vật hoang dã với những cam kết theo chuẩn thế giới là điều nên hoan nghênh, ủng hộ”, ông Trung phát biểu.
Không có chuyện thú chết hàng loạt ở Safari Phú Quốc - ảnh 2

Theo ông Trung, có 4 nguyên nhân dẫn đến sự hao hụt thú hoang dã trong thời gian đầu khi mới nhập về. Đó là do thay đổi môi trường sống mới, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh sát trùng… “Một tháng đầu khi đưa thú vào nuôi dưỡng chăm sóc ở môi trường mới là cực kỳ quan trọng. Lượng thú bị chết tại Safari Phú Quốc không nằm ngoài những nguyên nhân này”, ông Trung khẳng định.
Với một số thông tin cho rằng CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) chưa cấp phép cho một số loại động vật hoang dã tại đây khi nhập về, ông Trung phân tích: “Làm sao một con tê giác có thể lọt qua hải quan VN để ung dung vào VN được? Hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực động vật hoang dã và từng cố vấn xây dựng chuồng trại đưa thú từ nước ngoài vào một số khu du lịch tại VN, tôi nhận thấy, hải quan VN cực kỳ cẩn trọng và thậm chí khắt khe trong vấn đề liên quan đến việc nhập thú. Không thể có loại thú chưa có giấy phép mà cho nhập được. Về cấp phép của CITES cần phân biệt, số được cấp phép là nằm trong quy định của Chính phủ, số còn lại theo tôi được biết có thể nằm trong phụ lục 2 và 3 của nghị định, không cần giấy phép của CITES”.
Cần được khuyến khích hơn là bài xích
Ông Huỳnh Văn Sơn, doanh nhân đầu tư trong lĩnh vực du lịch ở Phú Quốc, cho biết vì công việc nên kể từ khi Vinpearl Safari Phú Quốc mở cửa hoạt động, ông đã hai lần vào tham quan. “Cái gì mới cũng cần một quá trình để hoàn thiện. Như khi tôi đi ngày khai trương, nhiều thú trông có vẻ mệt mỏi, tiện nghi dành cho du khách chưa thật sự tốt. Nhưng khi tôi đưa con gái quay trở lại, mọi thứ đã đổi khác tích cực. Cơ sở vật chất đầy đủ, thú nuôi như tê giác, hổ, báo, sư tử… nhìn rất mạnh khoẻ. Mô hình “nhốt người, không nhốt thú”, khách đi xe nhìn ngắm thú sinh sống bán hoang dã, không như ở các thảo cầm viên nhốt thú trong chuồng khiến khách thích thú. Việc nỗ lực xây dựng vườn thú cần được xã hội ghi nhận vì việc này không hề đơn giản. Ngay cả TP.HCM còn không làm được khi dự án vườn thú ở Củ Chi vẫn quy hoạch treo cả chục năm. Cho nên, khách quan mà nói, Safari Phú Quốc là sản phẩm du lịch cần được khuyến khích. Còn thú chết do thay đổi môi trường là điều bình thường”, ông Sơn nhấn mạnh.
Không có chuyện thú chết hàng loạt ở Safari Phú Quốc - ảnh 3

Ngựa vằn ở ở Safari Phú Quốc – Ảnh: L.V

Góc độ là một doanh nhân, ông Sơn cho rằng: “Là một nhà đầu tư, Vingroup không dại gì để thú nuôi chết hàng loạt hoặc làm không đúng quy trình, pháp luật bởi như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của họ”.
Bà Lê Thị Thuỳ Trang, Trưởng phòng Du lịch nội địa (Công ty du lịch Liên Bang), cho biết trong dịp tết vừa qua công ty đưa hai đoàn khách đi Phú Quốc, trong chương trình đều dành thời gian tham quan vườn thú.
“Tất cả các tour Phú Quốc của chúng tôi hiện nay đều đưa khách vào Safari, hầu hết khách phản hồi tốt, vì mô hình này lần đầu có ở VN, cung cách phục vụ chu đáo. Trong tuần này, công ty cũng có một đoàn khách du lịch Phú Quốc và tham quan vườn thú. Cá nhân tôi nhận thấy, dù chưa hoàn thiện do còn quá mới, nhưng Safari Phú Quốc là nơi không thể bỏ qua khi đến đây”, bà Trang nhận xét.
Điểm nhấn của du lịch Phú Quốc
Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Safari Phú Quốc là sản phẩm du lịch độc đáo, là điểm nhấn của huyện và đóng góp to lớn cho sự phát triển du lịch Phú Quốc. “Lượng khách tới Phú Quốc và dành thời gian tham quan vườn thú rất đông. Vào ngày thường, mỗi ngày có cả ngàn du khách tham qua vườn thú; dịp lễ tết có tới gần 20.000 du khách mỗi ngày. UBND H.Phú Quốc cũng đã có văn bản trả lời Bí thư Tỉnh uỷ, Sở NN-PTNT cũng đã có số liệu chính thức. Những thông tin trong báo cáo của sở là hoàn toàn chính xác”, ông Hưng phát biểu.

Sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, tất cả các cá thể động vật đã thích nghi được với nơi ở mới và hoàn toàn khoẻ mạnh. Đặc biệt, Vinpearl Safari đã đón chào những cá thể thú quý đầu tiên chào đời như mèo đốm châu Phi (tên khoa học Leptailurus serval, xuất xứ Nam Phi), linh dương Bongo (tên khoa học Tragelaphus Eurycerus, xuất xứ từ Mỹ)…

Lam Nghi – Phương Vi