23/01/2025

Gia Lai khô khát

Hàng chục ngàn héc ta cây trồng ở Gia Lai đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, trong khi còn vài tháng nữa mới đến mùa mưa, kéo theo nguy cơ mất mùa rất lớn.

 

Gia Lai khô khát

 

Hàng chục ngàn héc ta cây trồng ở Gia Lai đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, trong khi còn vài tháng nữa mới đến mùa mưa, kéo theo nguy cơ mất mùa rất lớn.





Nhiều trạm bơm tại Gia Lai không còn nước để bơm - Ảnh: Trần Hiếu

Nhiều trạm bơm tại Gia Lai không còn nước để bơm – Ảnh: Trần Hiếu


Sông “chết”
Con sông Ba hùng vĩ chảy qua nhiều huyện, thị của Gia Lai và đổ về tỉnh Phú Yên hiện giờ khô khốc. Từ khi con sông này bị chặn dòng làm thuỷ điện, phần lớn nước đã bị chuyển xuống sông Côn (Bình Định). Mùa khô do vậy càng khốc liệt hơn. Sông Ba mùa này như một dòng sông chết.
Ở nhiều đoạn sông, mùi rác thải bị phân huỷ, mùi xác sinh vật chết… phả lên hôi thối. Người dân hai bên bờ có thể dễ dàng đi bộ qua lại. Lượng nước trả lại sông Ba chỉ được xả rỉ rả như muối bỏ biển khiến hàng chục ngàn héc ta cây trồng cần nước tưới và nước sinh hoạt cho người dân từ TX.An Khê đến các huyện như Kon Chro, Ia Pa, Krông Pa bức thiết hơn bao giờ hết.
Trong 10.000 ha cây trồng của TX.An Khê, phần lớn nằm dọc sông Ba, có đến 6.000 ha chịu ảnh hưởng hạn hán. Thị xã này có 3 trạm bơm điện nhưng đều án binh bất động từ gần một tháng nay vì nước đã xuống đến mực nước chết, đường mương khô khốc. Đồng khô, cỏ cháy vì chịu ảnh hưởng của nắng hạn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị uỷ An Khê, cho biết: “Trước tết, tôi đi kiểm tra, phát hiện Nhà máy thủy điện An Khê – Ka Nát mở cửa xả nước không đạt theo quy định 4 m3/giây. Sông Ba đoạn chảy qua TX.An Khê cạn nước nhiều nơi khiến các hoạt động sản xuất, sinh hoạt chịu nhiều ảnh hưởng. Chúng tôi đã báo cáo và kiến nghị cấp trên có biện pháp giải quyết tình trạng thiếu nước và ô nhiễm sông Ba”.
Gia Lai khô khát 2

Ruộng lúa đang chuẩn bị làm đòng khô cháy

Lúa, cà phê, hồ tiêu điêu đứng
Dù chỉ mới đầu mùa khô nhưng tình hình hạn hán đang có dấu hiệu nghiêm trọng. Thời điểm này, nhu cầu nước tưới cho hàng chục ngàn héc ta cà phê đang cấp bách. Nếu thiếu nước, cà phê vừa ra bông sẽ khó đậu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Ngoài ra, hàng chục ngàn héc ta lúa, hồ tiêu và các loại cây trồng cạn khác cũng đang có nguy cơ thiếu nước.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Gia Lai, tổng lượng mưa năm 2015 của Gia Lai phổ biến từ 1.200 – 1.700 mm. Lượng mưa thiếu hụt phổ biến từ 20 – 30% so cùng kỳ, dẫn đến lượng nước trên các sông, hồ chứa thủy điện, thủy lợi giảm mạnh so với các năm. Dự báo của Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Tây nguyên cho biết hiện lượng nước trữ tại các hồ thủy lợi ở khu vực phía đông, đông nam Gia Lai chỉ đạt từ 29,51 -85,6% dung tích. Nhiều sông, suối của Gia Lai đã cạn khô. Thực trạng này báo hiệu cơn đại hạn trên diện rộng, nghiêm trọng kể từ 10 năm qua.
Ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, cho biết: “Đã có 115 ha lúa bị mất trắng; hơn 2.900 ha lúa và các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Kbang bị hạn, thiếu nước tưới. Dự báo trong vòng một tuần tới nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài sẽ có thêm gần 500 ha lúa bị mất trắng, hơn 3.000 ha cà phê và gần 1.000 ha hồ tiêu bị thiếu nước tưới”.
Thuỷ điện khốn đốn
Nhà máy thuỷ điện Ia Ly, nằm trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hạn hán. Ông Đoàn Tiến Cường, Phó giám đốc nhà máy, nói: “Với công suất 720 MW, đây là nhà máy thuỷ điện lớn thứ ba của nước ta sau Sơn La và Hoà Bình. Mực nước hồ chứa năm nay xuống thấp nhất kể từ 10 năm qua khiến chúng tôi như ngồi trên lửa. Thời điểm cùng kỳ các năm, mực nước hồ thường đạt khoảng 700 triệu m3 nước nhưng hiện chỉ còn khoảng 500 triệu m3 nước. Nguy cơ thiếu nước để chạy máy và thiếu hụt sản lượng là khó tránh khỏi nếu không có lượng mưa lớn từ thượng nguồn bổ sung vào hồ chứa trong 1, 2 tháng tới… Các thuỷ điện khác nằm trên cùng bậc thang thuỷ điện của sông Sê San như Plei Krông, Sê San 4, Sê San 4A… cũng chịu chung cảnh ngộ như chúng tôi, không thể chạy hết công suất”.

Kon Tum lo hạn nặng
Theo Sở NN-PTNT Kon Tum, đến nay toàn tỉnh này có trên 80 ha diện tích cây trồng bị hạn, trong đó trên 63 ha lúa và gần 20 ha cà phê… Hạn nặng nhất là 2 huyện Đăk Hà, Sa Thầy và TP.Kon Tum. Dự báo tình hình nắng nóng, khô hạn ở Kon Tum có thể kéo dài đến đầu tháng 5.2016 và xảy ra trên diện rộng, gây thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, kéo theo nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Hiện tỉnh Kon Tum đang triển khai nhiều biện pháp chống hạn và thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nhân dân tổ chức sản xuất, tiết kiệm và sử dụng nước có hiệu quả.
Trần Minh


Trần Hiếu