Sai phạm trong vận chuyển, xử lý rác, TP.HCM thiệt hại hơn 1.000 tỉ
Thanh tra TP.HCM vừa có kết luận thanh tra toàn diện hoạt động của Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải (MBS) thuộc Sở Tài nguyên – môi trường TP.
Sai phạm trong vận chuyển, xử lý rác, TP.HCM thiệt hại hơn 1.000 tỉ
Thanh tra TP.HCM vừa có kết luận thanh tra toàn diện hoạt động của Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải (MBS) thuộc Sở Tài nguyên – môi trường TP.
Một góc bãi chôn lấp số 3 Khu xử lý rác thải Phước Hiệp hiện đã ngưng thi công – Ảnh: Quang Khải |
Kết quả thanh tra cho thấy những sai phạm, bất cập trong vấn đề giám sát môi trường, vận chuyển, xử lý cũng như đơn giá xử lý rác trên địa bàn TP… gây lãng phí ngân sách TP hơn 1.000 tỉ đồng.
Lãng phí hơn 1.000 tỉ đồng
Theo kết luận của Thanh tra TP, việc cân đo tại một số cầu cân chưa thật sự chuẩn xác (cơ sở thanh toán chi phí xử lý rác), có thể gây thất thoát tiền ngân sách TP. Cụ thể, nhiều phiếu cân không có chữ ký xác nhận của tài xế.
Với vai trò được giao kiểm tra giám sát nhưng “MBS không có ý kiến, không có biện pháp khắc phục và cũng không báo cáo sự việc cho Sở Tài nguyên – môi trường chỉ đạo xử lý, để tình trạng trên diễn ra trong thời gian dài”.
Kết luận thanh tra còn cho rằng thực hiện theo chủ trương của UBND TP, bãi chôn lấp số 3 tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (khu xử lý rác Phước Hiệp, H.Củ Chi) ngừng tiếp nhận rác từ ngày 1-4-2015 để chuyển sang chế độ dự phòng, gần như toàn bộ lượng rác về đây được chuyển sang khu xử lý rác Đa Phước (H.Bình Chánh).
Tuy nhiên, bãi chôn lấp số 3 này vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên không thể đáp ứng yêu cầu “dự phòng” và có thể gây lãng phí hơn 1.000 tỉ đồng (gồm 600 tỉ đồng đã đầu tư bãi chôn lấp và dự kiến bồi thường 400 tỉ đồng cho nhà đầu tư Hàn Quốc với lý do dự án ngưng giữa chừng).
Hiện trên địa bàn TP có 4 đơn vị ký hợp đồng xử lý rác, có 3 đơn vị được MBS giám sát về tiếp nhận chất thải, cân, mùi hôi… theo quy định.
Riêng đối với Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn VN (VWS) hoạt động tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (khu xử lý rác Đa Phước), MBS chỉ mới dừng lại ở việc xác nhận khối lượng rác tiếp nhận.
Việc khu xử lý rác Đa Phước có công suất tiếp nhận ban đầu là 3.000 tấn/ngày, đến nay nâng công suất tiếp nhận lên đến 10.000 tấn/ngày (hiện tiếp nhận bình quân 5.000 tấn/ngày) cần phải được cân nhắc đến công tác quản lý nhà nước về môi trường, việc chấp hành quy định pháp luật của chủ đầu tư…, đặc biệt vấn đề an ninh chất thải trong trường hợp khu xử lý rác này xảy ra lún, sụt, cháy nổ…
Mỗi năm ngân sách chi thêm 48 tỉ
Cùng là công nghệ chôn lấp tương tự nhau nhưng Thanh tra TP phát hiện đơn giá xử lý rác được áp dụng đối với VWS cao hơn 67.384 đồng/tấn so với đơn giá áp dụng cho Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.
Với đơn giá này, việc chuyển khoảng 2.000 tấn rác mỗi ngày từ khu xử lý rác Phước Hiệp về Đa Phước, mỗi năm ngân sách TP phải chi thêm hơn 48 tỉ đồng.
Theo Thanh tra TP, đến nay chưa có cơ sở để xác định tổng mức đầu tư thực tế của VWS để làm cơ sở xác định giá xử lý rác. Trong khi thực tế đơn giá xử lý rác áp dụng cho VWS cứ tăng dần từ 19,009 USD/tấn (năm 2013) lên 20,166 USD/tấn kể từ ngày 31-12-2014.
Để giải quyết những bất cập trên, Thanh tra TP kiến nghị UBND TP xem xét, cân nhắc chủ trương đóng cửa bãi chôn lấp số 3 tại khu xử lý rác Phước Hiệp, đồng thời cho phép tiếp tục đầu tư hoàn thiện và cho bãi chôn lấp này tiếp nhận khối lượng rác 2.000 tấn/ngày nhằm tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Giao Sở Tài nguyên – môi trường chủ trì cùng các đơn vị liên quan xây dựng trình phương án khả thi về hoạt động bãi chôn lấp số 3.
Thanh tra TP cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra tổng kinh phí đầu tư thực tế của khu xử lý rác Đa Phước để làm cơ sở áp dụng đơn giá đúng theo hợp đồng ký kết; thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cầu cân và hoạt động xử lý chất thải, nước rỉ rác tại các khu xử lý…