24/12/2024

Hạn, mặn trùm lên vựa lúa ĐBSCL là đặc biệt nghiêm trọng

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Cao Đức Phát dự hội nghị và thị sát tình trạng hạn hán, ngập mặn ở ĐBSCL – được xem là nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua.

 

Hạn, mặn trùm lên vựa lúa ĐBSCL là đặc biệt nghiêm trọng

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Cao Đức Phát dự hội nghị và thị sát tình trạng hạn hán, ngập mặn ở ĐBSCL – được xem là nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua.

 

Hạn, mặn trùm lên vựa lúa ĐBSCL là đặc biệt nghiêm trọng
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe đại diện tỉnh Hậu Giang báo cáo về tình hình hạn hán, nhiễm mặn chưa từng có trong buổi thị sát chiều 17-2 – Ảnh: Chí Quốc

Lần đầu tiên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhìn nhận hạn hán, mặn xâm nhập đang xảy ra ở khu vực ĐBSCL là thiên tai đặc biệt nghiêm trọng tại hội nghị về chủ đề này diễn ra ở TP Cần Thơ ngày 17-2.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chu kỳ hạn hán này xảy ra khoảng 90 năm một lần.

Đây là trận thiên tai nghiêm trọng, gần 100 năm mới có một lần. Tôi còn sợ có những diễn biến mà không ai trong chúng ta hình dung được

Bộ trưởng CAO ĐỨC PHÁT

Không quyết liệt 
sẽ thiệt hại lớn

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: nếu không có biện pháp quyết liệt, kịp thời thì thiệt hại lớn sẽ xảy ra.

Ông Phúc yêu cầu phải có cách giải quyết nhanh và kịp thời, không nhất thiết “phải làm quy trình, thủ tục” bởi sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Ông Phúc cũng yêu cầu các cơ quan chức năng trình gấp nhu cầu hỗ trợ kinh phí chống hạn của các địa phương để Thủ tướng quyết định hỗ trợ sớm, thực hiện ngay sau hội nghị này.

Theo Phó thủ tướng, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu trực tiếp và sâu sắc nhất, nên ông giao trách nhiệm cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Tài nguyên và môi trường nghiên cứu biến đổi khí hậu một cách căn cơ để có biện pháp ứng phó chủ động.

Thông tin về việc Thái Lan đặt các trạm bơm công suất cực lớn để chuyển nước về Bangkok, hay các dự án thủy điện lớn ở thượng nguồn cũng được đề cập nhiều lần tại hội nghị…

Các quy hoạch thủy lợi, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và sự thay đổi dòng chảy của thượng nguồn cần được rà soát; chuyển đổi diện tích trồng lúa không đảm bảo nguồn nước sang những cây trồng, vật nuôi phù hợp với nước mặn, nước lợ… là những giải pháp được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở.

Ông giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trách nhiệm này. Ông Phúc cho biết hiện đã có giống lúa chịu mặn, cần tiếp tục mở rộng nghiên cứu hướng này (các loại cây chịu mặn), còn ở Quảng Ninh nuôi được vịt biển cũng rất thành công.

Cho rằng tình hình xâm nhập mặn không phải mới và biến đổi khí hậu thì ai cũng biết, đã nói nhiều, ông Nguyễn Phong Quang – phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ – cho rằng trước tình hình mới cũng phải có giải pháp để đảm bảo đời sống và sản xuất của gần 20 triệu dân đồng bằng sông Cửu Long mà theo ông cần phải có giải pháp trước mắt và lâu dài.

Trong đó ông Quang kiến nghị Chính phủ nên làm việc với một số quốc gia vùng sông Mekong để giải quyết tình hình xây đập thu điện.

Còn các tỉnh bị xâm nhập mặn cần xác định khu vực nào quan trọng nhất thì tập trung làm đê bao chứ không thể làm tràn lan vì không có vốn và thực tế cũng không ngăn nổi.

Hạn, mặn trùm lên vựa lúa ĐBSCL là đặc biệt nghiêm trọng
Nguồn: Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Viện Khoa học thủy lợi VN) – Đồ họa: Vĩ Cường

Tạm ứng ngân sách chống hạn, mặn

Ông Mai Anh Nhịn – phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – cho rằng: “Tôi lớn lên ở Kiên Giang từ trước tới giờ nhưng đây là lần đầu tiên trong đời thấy hạn hán, xâm nhập mặn lớn như vậy”.

Về giải pháp, ông Nhịn chia sẻ địa phương đã chỉ đạo thông tin sớm cho dân nắm và hiểu được tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay để bố trí lịch thời vụ hợp lý.

Ông Nhịn đồng tình với ý kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là tùy từng vùng mà có thể xuống giống khác nhau, không theo lịch thời vụ như hằng năm.

Trong đó vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của xâm nhập mặn là huyện An Biên và An Minh (vùng lúa – tôm) thì thậm chí có thể sẽ không xuống giống mà hướng dẫn nông dân trồng năng để cải tạo đất phục vụ cho nuôi tôm hiệu quả hơn.

Tại hội nghị, đại diện tỉnh Tiền Giang và một số tỉnh cho biết trong thời gian tới sẽ cho chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trên vùng khó khăn về nguồn nước.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định trước mắt bộ đã triển khai cho các cơ quan chuyên môn hỗ trợ những giải pháp công nghệ phù hợp để xây dựng các đập tạm, giải pháp lấy và trữ nước.

Hướng dẫn thời vụ và cơ cấu giống lúa cho từng tiểu vùng, nhằm né tránh và giảm thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Hoàn chỉnh gói kỹ thuật canh tác lúa thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn để phổ biến rộng rãi trong toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

“Cần hướng dẫn rất cụ thể cho dân để xuống giống lúa, giống tôm cho phù hợp. Tôi yêu cầu Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam và các cơ quan thuỷ sản phải đưa ra ngay gói kỹ thuật phù hợp cho từng vùng, ngay trong tuần này phải thông báo về các địa phương” – Bộ trưởng Cao Đức Phát quyết liệt.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ tạm ứng ngân sách trung ương cho các địa phương để thực hiện các công trình, biện pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn với mức hỗ trợ bằng 70% nhu cầu; hỗ trợ cho những vùng phải dừng sản xuất do không đủ nước tưới; hỗ trợ kinh phí chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng cạn…

Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát tình hình hạn và xâm nhập mặn tại xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh, Hậu Giang) và quyết nhanh một số giải pháp cho địa phương này chống hạn, chống mặn.

Nhiều nơi không còn nước ngọt

Lý giải nguyên nhân của những diễn biến bất thường năm nay, Trung tâm Dự báo khí tượng thu văn trung ương lưu ý hai yếu tố quan trọng: cụ thể là lượng trữ nước trong Biển Hồ và dòng chảy đến đầu châu thổ Mekong.

Theo trung tâm này, dự đoán dòng chảy từ Biển Hồ về đồng bằng trong mùa khô năm 2015 – 2016 rất hạn chế. Còn dòng chảy trên dòng chính sông Mekong đổ về đồng bằng vào thời điểm cuối năm 2015 ở mức thấp hơn so với trung bình của cả thời kỳ 33 năm (1980 – 2013).

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cũng cho rằng dòng chảy từ thượng nguồn về đồng bằng nước ta dự kiến ở mức thấp lịch sử, dẫn đến xâm nhập mặn duy trì ở mức cao và hết sức nghiêm trọng.

GS.TS Tăng Đức Thắng – phó giám đốc Viện Khoa học thu lợi Việt Nam – cho biết thêm hiện nay dòng chảy thượng lưu sông Mekong về đồng bằng đang diễn biến rất phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa trên dòng.

Viện Khoa học thu lợi miền Nam đưa ra dự báo nhiều khu vực không còn khả năng xuất hiện nước ngọt trong suốt mùa khô. Một trong những điểm nóng là khu vực Cầu Nổi trên sông Vàm Cỏ – nơi cách biển khoảng 33km.

Cũng trong vùng này, tại Bến Lức trên sông Vàm Cỏ Đông – nơi cách biển khoảng 69km – từ giữa đến cuối tháng 2-2016 nước ngọt có khả năng xuất hiện vào những lúc chân triều (thượng nguồn đẩy về).

Nhưng bước sang tháng 3, tháng 4 và đầu tháng 5 năm nay, nguồn nước bị nhiễm mặn hoàn toàn, không có khả năng xuất hiện nước ngọt, kể cả vào lúc chân triều. Khu vực Tân An trên sông Vàm Cỏ Tây – nơi cách biển 85km – cũng rơi vào tình trạng không khá hơn.

Tương tự, trên sông Ông Đốc luôn có độ mặn cao (25 – 27 gam/lít trong suốt mùa khô). Vùng nam Cà Mau độ mặn cũng rất cao, trong các kênh nội đồng có thể vượt quá 35 gam/lít do nắng nóng, bốc hơi cao.

Một vùng rộng lớn các huyện phía nam sông Cái Lớn thuộc tỉnh Kiên Giang như An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng… gặp nhiều khó khăn về nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt. TP Vị Thanh (Hậu Giang) được cảnh báo trong tháng 3 và 4 năm nay, vào những ngày triều cao, mặn có khả năng ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt…

340.000 ha lúa bị ảnh hưởng 
bởi xâm nhập mặn

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết vụ lúa đông xuân toàn vùng ĐBSCL có 1.550.000 ha, trong đó 8 tỉnh ven biển bị xâm nhập mặn gay gắt chiếm 971.200 ha.

Số diện tích lúa đông xuân có nguy cơ bị xâm nhập mặn là 340.000 ha, còn diện tích đã bị ảnh hưởng nặng bởi xâm nhập mặn là 124.000 ha.

Cũng theo ông Doanh, vụ thu đông và một phần nhỏ diện tích lúa mùa sắp tới nếu không có giải pháp kịp thời ứng phó thì cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.