24/01/2025

Tập trung mọi nguồn lực để chống hạn

Chiều 22.2, tại tỉnh Ninh Thuận, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Nam Trung bộ, Tây nguyên và tỉnh Bình Phước về công tác chống hạn năm 2016.

 

Tập trung mọi nguồn lực để chống hạn

 

 

Chiều 22.2, tại tỉnh Ninh Thuận, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Nam Trung bộ, Tây nguyên và tỉnh Bình Phước về công tác chống hạn năm 2016.



 


Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát hồ thủy lợi Sông Sắt, H.Bác Ái - Ảnh: Thiện Nhân

 

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát hồ thủy lợi Sông Sắt, H.Bác Ái – Ảnh: Thiện Nhân

 

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta, gây ra hạn hán. Tính riêng năm 2015 ở khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên đã có gần 40.000 ha lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước, 122.000 ha cây trồng bị hạn hán và hàng chục ngàn người bị thiếu nước sinh hoạt.
El Nino kéo dài nhất trong lịch sử
Dự báo, nắng hạn sẽ tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến nửa đầu tháng 9 và nhiều khả năng El Nino năm 2014 – 2016 sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong lịch sử. Trong năm 2015, do mùa mưa đến chậm và kết thúc sớm nên mực nước các hồ thủy lợi trên địa bàn các tỉnh trong khu Nam Trung bộ, Tây nguyên đạt rất thấp, ảnh hưởng đến việc sản xuất, chăn nuôi, sinh hoạt của người dân trong vùng. Ngoài việc cắt giảm diện tích xuống giống vụ đông xuân 2015 – 2016, dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm diện tích gieo trồng vụ hè thu ở mức cao. Cụ thể: Khánh Hoà sẽ có khoảng 10.000 ha phải dừng sản xuất trong vụ hè thu và hơn 35.000 người cần được hỗ trợ nguồn nước sinh hoạt; Ninh Thuận phải dừng hơn 10.000 ha và Bình Thuận hơn 20.000 ha. Riêng khu vực Tây nguyên, diện tích được tưới từ công trình thuỷ lợi chỉ được 30% diện tích canh tác. Đến thời điểm này, phải dừng sản xuất là 2.865 ha, gồm: 2.650 ha ở Gia Lai, 215 ha ở Đắk Nông. Dự kiến, trong thời gian tới, diện tích bị hạn hán, thiếu nước khoảng 180.000 ha (Đắk Lắk 70.000 ha, Đắk Nông 22.000 ha, Kon Tum 5.000 ha, Lâm Đồng 45.000 ha, Bình Phước 36.000 ha…).
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Tại buổi làm việc, đại diện các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk… đã đưa ra nhiều giải pháp chống hạn, để giảm thiệt hại cho người dân, như chuyển đổi diện tích cây lúa sang trồng những cây chịu hạn; vận động người dân áp dụng các phương pháp tưới tiêu tiết kiệm nước; tập trung di chuyển đàn gia súc đến nơi chủ động nguồn nước và thức ăn… Đồng thời kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói, giống cây trồng cho người dân vùng bị ảnh hưởng, kinh phí chống hạn, giúp người dân vượt qua đại hạn. Ngoài các giải pháp và kiến nghị trên, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực VN chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường tích nước các hồ thuỷ điện, có kế hoạch phát điện phù hợp để ưu tiên bổ sung nguồn nước cho hạ lưu.
Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền địa phương. Phó thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để giúp người dân vượt qua đại hạn. Những nơi nào để người dân phải khát nước, đói và gia súc bị dịch bệnh do nắng hạn thì người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm. Về các kiến nghị hỗ trợ chống hạn của các địa phương, Phó thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ trình Thủ tướng quyết định ngay trong tuần này.
Sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát tình hình nắng hạn và thăm hỏi động viên người dân vùng tâm hạn ở hai huyện Ninh Hải và Bác Ái (Ninh Thuận).

Thiện Nhân