HỌC HỎI NĂM THÁNH trong Sống Lời Chúa mỗi ngày
Chúng tôi giới thiệu các bài học hỏi về Năm Thánh của Lòng Chúa Thương xót do Tổng Giáo Phận Sài Gòn biên soạn và đăng trên tờ báo giáo phận Sống Lời Chúa Mổi Ngày.
trong Sống Lời Chúa mỗi ngày
số 3 : từ 11/2-26/3
Thứ năm 11/2 :
Hỏi 1: Thông Điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố vào thời điểm nào?
Đáp 1: Thông Điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố vào ngày 30 tháng 11 năm 1980, vào năm thứ ba triều đại của ngài.
Hỏi 2: Tựa đề của Thông Điệp được trích dẫn từ sách nào trong bộ Thánh Kinh?
Đáp 2: Tựa đề của Thông Điệp được trích dẫn từ Thư của Thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Êphêsô, chương 2, câu 4: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến
chúng ta.”
Thứ sáu 12/2 :
Hỏi 3: Thông Điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II liên kết với hai Thông Điệp đi trước và theo sau của ngài như thế nào?
Đáp 3: Thông Điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II liên kết chặt chẽ với Thông Điệp “Ðấng Cứu Độ loài người” (1978) đi trước và Thông Điệp “Ðấng ban Sự Sống” theo sau Thông Điệp này. Cả ba làm nên một tổng hợp suy tư và giáo huấn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về mầu nhiệm Thiên Chúa.
Thứ bảy 13/2 :
Hỏi 4: Thông Điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” gồm có mấy chương và chia làm mấy phần?
Đáp 4: Thông Điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” có tất cả 8 chương, 15 số và chia làm 4 phần:
– một là phần Loan báo,
– hai là phần Thánh Kinh,
– ba là phần Thần học,
– bốn là phần Mục vụ.
Chúa nhật 14/2 :
Hỏi 5: Trong phần Loan báo, gồm chương I và II, Thông Điệp đề cập tới điều gì?
Đáp 5: Trong phần Loan báo, Thông Điệp cho chúng ta biết: nhờ Chúa Giêsu, lòng thương xót của Chúa Cha được mặc khải và nhập thể.
Hỏi 6: Trong phần Thánh Kinh, gồm chương III và IV, Thông Điệp đề cập tới điều gì?
Đáp 6: Trong phần Thánh Kinh, Thông Điệp trình bày lòng thương xót của Thiên Chúa trong Cựu Ước và trong Tân Ước, đặc biệt trong các sách Tin Mừng, khởi đi từ dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” (Lc 15).
Thứ tư 17/2 :
Hỏi 7: Trong phần Thần học ở chương V, Thông Điệp đề cập tới điều gì?
Đáp 7: Trong phần Thần học, Thông Điệp qui chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa vào Mầu Nhiệm Phục Sinh, mầu nhiệm diễn tả đầy đủ nhất lòng thương xót của Thiên Chúa.
Hỏi 8: Trong phần Mục vụ, gồm chương VII và VIII, Thông Điệp đề cập tới điều gì?
Đáp 8: Trong phần Mục vụ, gồm chương VII và VIII, Thông Điệp áp dụng sứ điệp và mầu nhiệm lòng thương xót của Thiên Chúa cho thời đại chúng ta và cho sứ vụ của Hội Thánh.
Hỏi 9: Để hiểu rõ Thông Điệp và có được những định hướng cho đời sống Kitô hữu, chúng ta phải làm gì?
Đáp 9: Để hiểu rõ Thông Điệp và có được những định hướng cho đời sống Kitô hữu, chúng ta cần nắm vững những điểm chính yếu nối kết các phần của Thông Điệp với nhau.
Thứ bảy 20/2 :
Hỏi 10: Ai đã tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót?
Đáp 10: Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, vì Ngài là Con Yêu Dấu của Chúa Cha.
Chúa nhật 21/2 :
Hỏi 11: Chúa Giêsu đã chỉ cho ông Philípphê làm cách nào để biết Chúa Cha?
Đáp 11: Chúa Giêsu đã chỉ cho ông Philípphê cách này: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.
Hỏi 12: Chúa Giêsu chỉ cho ông Philípphê biết điều này trong bối cảnh nào?
Đáp 12: Chúa Giêsu chỉ cho ông Philípphê biết điều này, trong bối cảnh của biến cố Vượt Qua. Biến cố này nói với chúng ta rằng: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Ngài cũng cho chúng ta được cùng sống với Chúa Giêsu”.
Thứ tư 24/2 :
Hỏi 13: Vì sao Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dành Thông Điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” để trình bày sự thật về Thiên Chúa, sau khi dành Thông Điệp “Đấng Cứu Độ loài người” để trình bày sự thật về con người?
Đáp 13: Vì chính khi mặc khải “mầu nhiệm Chúa Cha và tình thương của Ngài”, Chúa Giêsu đã bày tỏ sự thật về con người cách đầy đủ và sâu xa nhất. Nói cách khác, sự thật về con người chỉ được khám phá trọn vẹn trong Chúa Giêsu, nhờ sự mặc khải “mầu nhiệm Chúa Cha và tình thương của Ngài”.
Hỏi 14: Vì sao Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II muốn khám phá lại sự thật về con người trong Chúa Giêsu, dung mạo của Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót?
Đáp 14: Vì Ngài muốn thực hiện giáo huấn của Công Đồng Vatican II và đáp ứng nhu cầu của con người ngày nay, những con người đau khổ và đầy khát vọng.
Thứ bảy 27/2 :
Hỏi 15: Để bày tỏ sự thật về con người cho chúng ta, Chúa Giêsu đã làm gì?
Đáp 15: Để bày tỏ sự thật về con người cho chúng ta, Chúa Giêsu đã mặc khải nơi chính bản thân mình “Chúa Cha và tình thương của Ngài”.
Hỏi 16: Để bày tỏ sự thật về con người cho chúng ta, Giáo Hội phải làm gì?
Đáp 16: Để bày tỏ sự thật về con người cho chúng ta, Giáo Hội phải đi với chúng ta trên chính con đường mà Chúa Giêsu đã vạch ra; đó là mặc khải nơi chính bản thân mình “Chúa Cha và tình thương của Ngài”. Vì thế, sứ mạng của Giáo Hội càng tập trung vào con người, càng phải được khẳng định và thực hiện theo cách tập trung vào Thiên Chúa, nghĩa là được quy hướng về Chúa Cha trong Chúa Giêsu Kitô.
Hỏi 17: Công Đồng Vatican II quan niệm thế nào về các luồng tư tưởng, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, có khuynh hướng tách biệt hay đối nghịch giữa chủ trương quy về Thiên Chúa và chủ trương quy về con người?
Đáp 17: Công Đồng Vatican II quan niệm rằng, trong Chúa Giêsu, con đường đến với con người cũng là con đường đến với Chúa Cha và tình thương của Ngài. Vì thế, trong suốt dòng lịch sử, Giáo Hội không ngừng bước theo Chúa Giêsu trong việc nối kết chúng lại với nhau.
Chúa nhật 28/2 :
Hỏi 18: Theo Công Đồng Vatican II, Giáo Hội phải xem xét và thực hiện việc nối kết hai chủ trương quy về Thiên Chúa và quy về con người như thế nào?
Đáp 18: Theo Công Đồng Vatican II, Giáo Hội phải xem việc nối kết hai chủ trương quy về Thiên Chúa và quy về con người như là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội ngày nay và thực hiện nhiệm vụ ấy với niềm tin, với khối óc mở rộng cũng như với cả tấm lòng.
Thứ tư 2/3 :
Hỏi 19: Theo Thánh Giáo Hoàng Phaolô II, ý thức phong phú và sâu xa mà Giáo Hội có được từ Công Đồng Vatican II đã tác động trên tâm trí của chúng ta như thế nào?
Đáp 19: Theo Thánh Giáo Hoàng Phaolô II, ý thức phong phú và sâu xa mà Giáo Hội có được từ Công Đồng Vatican II, đã khai mở tâm trí của chúng ta cho Chúa Giêsu.
Hỏi 20: Theo Thánh Giáo Hoàng Phaolô II, việc mở ra cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ loài người và mặc khải đầy đủ về con người, chỉ có thể thực hiện được nhờ đâu?
Đáp 20: Theo Thánh Giáo Hoàng Phaolô II, việc mở ra cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ loài người và mặc khải đầy đủ về con người, chỉ có thể thực hiện được nhờ quy chiếu ngày một sâu sắc hơn về Chúa Cha và tình thương của Ngài.
Thứ năm 3/3 :
Hỏi 21: Làm sao chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa, “Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một ai đã thấy hay có thể thấy”?
Đáp 21: Chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa, “Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một ai đã thấy hay có thể thấy”, một cách gián tiếp và bất toàn, thông qua các thụ tạo của Ngài.
Hỏi 22: Làm thế nào chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa một cách rõ ràng và đầy đủ hơn?
Đáp 22: Chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa một cách rõ ràng và đầy đủ hơn, trong và nhờ Chúa Giêsu, “Con Một Thiên Chúa, Đấng hằng ở nơi cung lòng của Chúa Cha”.
Hỏi 23: Trong và nhờ Chúa Giêsu, Thiên Chúa được bày tỏ và nhận biết như thế nào?
Đáp 23: Trong và nhờ Chúa Giêsu, Thiên Chúa trở nên “hữu hình” và được nhận biết như là “Chúa Cha giàu lòng thương xót”.
Thứ bảy 5/3 :
Hỏi 24: Để Thiên Chúa trở nên “hữu hình” và được nhận biết như là “Chúa Cha giàu lòng thương xót”, Chúa Giêsu đã làm những gì?
Đáp 24: Để Thiên Chúa trở nên “hữu hình” và được nhận biết như là “Chúa Cha giàu lòng thương xót”, Chúa Giêsu không chỉ giảng về lòng thương xót bằng những hình ảnh và dụ ngôn, mà còn làm cho lòng thương xót nhập thể qua những việc chữa lành và tha thứ, đặc biệt qua cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Người.
Hỏi 25: Thánh Giáo Hoàng Phaolô II nhận xét thế nào về não trạng của con người ngày nay?
Đáp 25: Thánh Giáo Hoàng Phaolô II nhận thấy con người ngày nay xem ra đối nghịch với Thiên Chúa của lòng thương xót và có khuynh hướng loại bỏ ý niệm về lòng thương xót khỏi tâm hồn và cuộc sống con người.
Hỏi 26: Theo Thánh Giáo Hoàng Phaolô II, vì sao trong lòng con người và thế giới ngày nay, không còn chỗ cho lòng thương xót?
Đáp 26: Theo Thánh Giáo Hoàng Phaolô II, trong lòng con người và thế giới ngày nay, không còn chỗ cho lòng thương xót, vì một khi con người đã trở thành ông chủ của trái đất, đã khuất phục và thống trị nó cách phiến diện và độc đoán, nhờ sự phát triển vượt bậc của khoa học và kỹ thuật, thì làm sao có thể ưa chuộng lòng thương xót.
Chúa nhật 6/3 :
Hỏi 27: Như vậy, phải chăng thế giới ngày nay luôn tỏ ra mạnh mẽ và con người luôn tin tưởng vào sức mạnh của mình?
Đáp 27: Không, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng cho thấy: “Thế giới ngày nay tỏ ra vừa mạnh vừa yếu, có khả năng thực hiện những điều tốt đẹp nhất hoặc xấu xa nhất, và con đường mở ra trước mặt nó dẫn đến sự tự do hoặc nô lệ, dẫn đến sự tiến bộ hoặc thoái hóa, tình huynh đệ hoặc sự hận thù. Đàng khác, con người ý thức rằng sự điều khiển đúng hướng những sức mạnh mà con người đã sử dụng và những sức mạnh đó có thể đè bẹp hoặc phục vụ con người đều tuỳ thuộc con người ”.
Hỏi 28: Thông Điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” đã nhìn thế giới với đặc điểm chính yếu nào?
Đáp 28: Thông Điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” nhìn thế giới không chỉ có những thay đổi khiến con người hy vọng vào một tương lai trần thế tốt đẹp hơn, nhưng còn có nhiều mối đe dọa vượt hẳn những đe dọa đã được biết cho đến nay.
Thứ hai 7/3 :
Hỏi 29: Trước những mối đe dọa này, Giáo Hội đã làm gì?
Đáp 29: Giáo Hội không ngừng tố giác những mối đe dọa này trong những cơ hội khác nhau, chẳng hạn khi lên tiếng tại Liên Hiệp Quốc, tại các tổ chức Liên Hiệp Quốc về giáo dục, khoa học và văn hóa, tại tổ chức Lương Nông v.v… đồng thời nhìn những mối đe dọa ấy dưới ánh sáng của đức tin, để thấy Thiên Chúa giàu lòng thương xót đặc biệt gần gũi với con người, nhất là khi họ đau khổ, bị đe dọa ngay ở căn bản cuộc sống và phẩm giá của mình.
Hỏi 30: Nhìn những mối đe dọa ấy dưới ánh sáng của đức tin, Giáo Hội còn nhận ra điều gì khác nữa?
Đáp 30: Nhìn những mối đe dọa ấy dưới ánh sáng của đức tin, Giáo Hội nhận ra trong hoàn cảnh ấy có nhiều người và nhiều nhóm, được đức tin soi dẫn, tìm đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Giáo Hội còn nhận ra, trong bối cảnh con người bị đe dọa, lời kêu gọi của Thiên Chúa – Đấng đã được Chúa Giêsu mặc khải như Chúa Cha giàu lòng thương xót.
Thứ năm 10/3 :
Hỏi 31: Qua Thông Điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II mong muốn điều gì?
Đáp 31: Qua Thông Điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II muốn chấp nhận lời kêu gọi của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, trong bối cảnh con người bị đe dọa, để giải bày trước Thiên Chúa và nhân loại những ưu tư lớn lao của thời đại, vì mặc khải và đức tin không dạy cho chúng ta suy niệm cách trừu tượng về mầu nhiệm Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, nhưng dạy chúng ta kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa nhân danh Chúa Giêsu và trong sự kết hợp với Ngài.
Thứ sáu 11/3 :
Hỏi 32: Qua Thông Điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, Thánh Giáo Hoàng còn muốn điều gì khác nữa?
Đáp 32: Qua Thông Điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, Thánh Giáo Hoàng còn muốn làm cho mầu nhiệm “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” gần gũi hơn với mọi người và muốn họ là lời kêu gọi thiết tha của Giáo Hội tới lòng thương xót mà con người và thế giới ngày nay rất cần đến, cho dù nhiều khi họ không biết.
Thứ bảy 12/3 :
Hỏi 33: Để Chúa Cha hiện diện giữa loài người, Chúa Giêsu làm thế nào?
Đáp 33: Để Chúa Cha hiện diện giữa loài người, Chúa Giêsu đã “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn …, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”.
Hỏi 34: Chúa Cha hiện diện giữa loài người nghĩa là hiện diện giữa những ai?
Đáp 34: Chúa Cha hiện diện giữa loài người nghĩa là hiện diện giữa mọi người, đặc biệt là những người nghèo khó, không công ăn việc làm, những người bị tước đoạt tự do, những người mù lòa không thấy được vẻ đẹp của vũ trụ, những người đang sống với tâm hồn tan nát, những người đau khổ vì bất công xã hội, và sau cùng là những người tội lỗi.
Hỏi 35: Khi hiện diện và hoạt động giữa những người có hoàn cảnh đặc biệt như thế, Chúa Giêsu cho chúng thấy Chúa Cha là Đấng thế nào?
Đáp 35: Khi hiện diện và hoạt động giữa những người có hoàn cảnh đặc biệt như thế, Chúa Giêsu cho chúng thấy Chúa Cha yêu thương hết mọi người.
Chúa nhật 13/3 :
Hỏi 36: Khi ông Gioan Tẩy Giả cử những người đến hỏi: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác”, Chúa Giêsu đã trả lời thế nào?
Đáp 36: Chúa Giêsu đã trả lời cho những người được ông Gioan Tẩy Giả cử đến, bằng cách viện dẫn những việc Ngài đã làm, khi bắt đầu sứ vụ công khai tại Nadarét: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”.
Hỏi 37: Qua lối sống và hành động của mình, Chúa Giêsu đã mặc khải những gì về tình yêu?
Đáp 37: Qua lối sống và hành động của mình, Chúa Giêsu đã mặc khải tình yêu hiện diện trong thế giới mà chúng ta đang sống, một tình yêu tích cực được gởi đến cho con người và bao hàm tất cả những gì làm nên nhân tính của họ.
Thứ hai 14/3 :
Hỏi 38: Tình yêu mà Chúa Giêsu mặc khải còn bộc lộ rõ hơn trong hoàn cảnh nào và được gọi là gì?
Đáp 38: Tình yêu mà Chúa Giêsu mặc khải còn bộc lộ rõ hơn khi tiếp xúc với đau khổ, bất công, nghèo khó, với thân phận hữu hạn và mong manh, về thể xác cũng như tinh thần, của con người. Tình yêu này được gọi là “lòng thương xót”.
Hỏi 39: Đối với Chúa Giêsu, “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” phải chăng chỉ là một chân lý để giảng dạy?
Đáp 39: Đối với Chúa Giêsu, “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” không chỉ là một chân lý để giảng dạy, nhưng còn là một thực tại để sống. Ngài không chỉ giảng mà còn làm cho chân lý ấy hiện diện giữa mọi người.
Thứ ba 15/3 :
Hỏi 40: Chúa Giêsu ý thức đâu là nền tảng cho sứ mạng cứu thế của Ngài?
Đáp 40: Chúa Giêsu ý thức rằng nền tảng cho sứ mạng cứu thế của Ngài là làm cho Chúa Cha hiện diện giữa mọi người như tình yêu và lòng thương xót.
Hỏi 41: Chúa Giêsu xác nhận “việc làm cho Chúa Cha hiện diện giữa mọi người như tình yêu và lòng thương xót là nền tảng cho sứ mạng cứu thế của Ngài” khi nào?
Đáp 41: Chúa Giêsu xác nhận “việc làm cho Chúa Cha hiện diện giữa mọi người như tình yêu và lòng thương xót là nền tảng cho sứ mạng cứu thế của Ngài” khi nói với mọi người trong hội đường Nadarét cũng như với các sứ giả của ông Gioan Tẩy Giả và các môn đệ của Ngài.
Thứ tư 16/3 :
Hỏi 42: Chúa Giêsu thường giảng về lòng thương xót bằng cách nào?
Đáp 42: Chúa Giêsu thường giảng về lòng thương xót bằng cách sử dụng các dụ ngôn như người cha nhân hậu, người Samaria nhân lành, người mục tử nhân lành…kể cả những dụ ngôn tương phản như người tôi tớ ác nghiệt.
Thứ năm 17/3 :
Hỏi 43: Vì sao Chúa Giêsu lại giảng về lòng thương xót bằng cách sử dụng các dụ ngôn?
Đáp 43: Vì dụ ngôn có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa sâu xa của lòng thương xót.
Hỏi 44: Lời giảng dạy về lòng thương xót của Chúa Giêsu đặc biệt được ghi lại trong Tin Mừng nào và Tin Mừng này được gọi là gì?
Đáp 44: Lời giảng dạy về tình yêu và lòng thương xót đặc biệt được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. Vì thế, Tin Mừng này được gọi là “Tin Mừng về lòng thương xót”.
Thứ sáu 18/3 :
Hỏi 45: Để hiểu được “thực tại lòng thương xót”, chúng ta phải làm gì?
Đáp 45: Để hiểu được “thực tại lòng thương xót”, chúng ta phải hiểu rõ từ ngữ và nội dung của khái niệm “lòng thương xót”.
Hỏi 46: Ngay khi mặc khải tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đòi hỏi dân chúng điều gì?
Đáp 46: Ngay khi mặc khải tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đòi hỏi dân chúng để cho tình yêu và lòng thương xót hướng dẫn cuộc sống của họ.
Thứ hai 21/3 :
Hỏi 47: Đòi hỏi của Chúa Giêsu quan trọng như thế nào?
Đáp 47: Đòi hỏi của Chúa Giêsu vừa là phần chính yếu của sứ điệp cứu độ: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, vừa là tâm điểm của đạo đức Tin Mừng: “Hãy có lòng thương xót”.
Hỏi 48: Chúa Giêsu trình bày đòi hỏi này như thế nào?
Đáp 48: Chúa Giêsu trình bày đòi hỏi này như một điều răn: “điều răn lớn nhất” và như một lời chúc phúc: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.
Thứ ba 22/3 :
Hỏi 49: Sứ điệp cứu độ về lòng thương xót có những chiều kích nào?
Đáp 49: Sứ điệp cứu độ về lòng thương xót vừa có chiều kích thần linh, vừa có chiều kích nhân linh.
Hỏi 50: Khi trở nên tình yêu nhập thể, Chúa Giêsu mặc khải rõ ràng và đầy đủ hơn Chúa Cha là Đấng thế nào?
Đáp 50: Khi trở nên tình yêu nhập thể, Chúa Giêsu mặc khải rõ ràng và đầy đủ hơn Chúa Cha là Đấng giàu lòng thương xót.
Thứ tư 23/3 :
Hỏi 51: Khi trở nên gương mẫu cho mọi người về lòng thương xót, Chúa Giêsu mời gọi điều gì?
Đáp 51: Khi trở nên gương mẫu cho mọi người về lòng thương xót, Chúa Giêsu mời gọi hãy có lòng thương xót; đó là một trong những yếu tố chính của đạo đức Tin Mừng.
Thứ sáu 25/3 :
Hỏi 52: Khi mời gọi: “Hãy có lòng thương xót”, phải chăng Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện một điều răn hay chu toàn một bổn phận đạo đức?
Đáp 52: Khi mời gọi: “Hãy có lòng thương xót”, Chúa Giêsu không chỉ muốn chúng ta thực hiện một điều răn hay chu toàn một bổn phận đạo đức, nhưng còn muốn chúng ta hoàn thành một điều kiện quan trọng, để Thiên Chúa tỏ mình qua lòng thương xót của Người dành cho mọi người.