15/11/2024

Câu trả lời đang nằm dưới lòng đất

Nhiều thông tin mới về lăng mộ vua Quang Trung ở các nơi khác, khiến cuộc tìm kiếm càng trở nên kịch tính hơn. Lăng mộ vua Quang Trung thực sự ở đâu?

 BÍ ẨN LĂNG MỘ VUA QUANG TRUNG – KỲ CUỐI:

Câu trả lời đang nằm dưới lòng đất

 

 

Nhiều thông tin mới về lăng mộ vua Quang Trung ở các nơi khác, khiến cuộc tìm kiếm càng trở nên kịch tính hơn. Lăng mộ vua Quang Trung thực sự ở đâu?

 

 

 

 

Câu trả lời đang nằm dưới lòng đất
Tượng đài vua Quang Trung ở Huế – Ảnh: Ngọc Dương

Trong khi dư luận đang dõi theo hai hướng tìm kiếm lăng vua Quang Trung ở Huế (lăng Ba Vành và khu vực chùa Thiền Lâm), thì xuất hiện nhiều thông tin mới về lăng mộ vua Quang Trung ở các nơi khác, khiến cuộc tìm kiếm càng trở nên kịch tính hơn.

Khuân Sơn, Phan Thiết hay núi Quyết?

Tháng 10-2005, tạp chí Xưa & Nay của Hội Khoa học lịch sử VN công bố một phát hiện của hai nhà nghiên cứu Hồng Phi và Nương Nao liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung, khiến giới nghiên cứu sử học cũng như dư luận hết sức quan tâm.

Đó là bài thơ Kiến Quang Trung linh cữu nằm trong tập thơ Liên Khê Nam hành tạp vịnh của nhà nho Lê Triệu, người Thanh Hoá, sống vào thời Tây Sơn và triều Nguyễn (1771-1846).

Hai nhà nghiên cứu dịch tên bài thơ là: Nhìn thấy linh cữu vua Quang Trungvà dựa vào câu thơ: “Khuân Sơn họa tại bách niên phần”, để giả thiết rằng trong chuyến Nam hành, Lê Triệu đã đến thăm phần mộ của hoàng đế Quang Trung tại một ngọn núi có tên là Khuân Sơn.

Các tác giả này suy đoán Khuân Sơn có thể là Thương Sơn, tức núi Kim Phụng nằm ở phía tây Huế. Ngày 8-2-2006, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế đã mở cuộc toạ đàm để bàn về công bố này với sự tham gia của hai tác giả Hồng Phi và Nương Nao. Tại toạ đàm, nhiều ý kiến đã bác bỏ giả thiết này.

Giả thiết “Khuân Sơn” vừa tạm khép thì lại xuất hiện thông tin tìm thấy mộ vua Quang Trung ở Phan Thiết. Báo Thanh Niên ngày 31-7-2006 cho biết cô giáo Võ Thị Minh Liêm, sinh năm 1956, là con gái nhà văn Võ Hồng, đã bỏ ra 16 năm để tìm sự thật một ngôi mộ cổ nằm trong khu vườn cách TP Phan Thiết gần 10km.

Bà Minh Liêm cho rằng mộ vua Quang Trung ở Huế chỉ là mộ giả, và giả thiết rằng ngôi mộ ở Phan Thiết là mộ vua Quang Trung, do hoàng hậu Ngọc Hân bí mật đưa thi hài vua theo đường biển vào đây để mai táng. Nhưng giả thiết này rơi vào im lặng, có lẽ chưa đủ căn cứ để thuyết phục.

Trong khi các nhà nghiên cứu tập trung chủ yếu ở toạ độ Huế, thì tại Nghệ An ra đời một nhóm tìm mộ vua Quang Trung do ông Nguyễn Hữu Bản – nguyên chủ tịch UBND TP Vinh – làm trưởng nhóm.

Nhóm này giả thiết rằng mộ vua Quang Trung được chôn cất ở núi Quyết, nay thuộc địa phận phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An. Địa điểm mai táng này gắn liền với việc vua Quang Trung chọn nơi này để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô – kinh đô của triều Tây Sơn.

Đồng tình với giả thiết này còn có nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật (TP.HCM), các nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đình Siêu, Nguyễn Thiện Đức.

Tại cuộc hội thảo “Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô” tổ chức tại TP Vinh ngày 31-5-2011, đại diện nhóm tìm mộ vua Quang Trung ở Nghệ An đã đưa ra lập luận: mộ của hoàng đế Quang Trung tại Huế chỉ là mộ giả; thi hài của vua đã được đưa bằng đường biển, sau đó theo đường sông vào an táng tại Phượng Hoàng Trung Đô.

Sau đó, đích thân chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường đã gửi công văn cho thủ tướng đề nghị xúc tiến việc tìm kiếm lăng mộ hoàng đế Quang Trung tại Nghệ An.

Câu trả lời đang nằm dưới lòng đất
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thuyết minh với GS Phan Huy Lê (người ngồi) về cung điện Đan Dương – Ảnh: Minh Tự

Có thể lăng vua vẫn chưa bị quật phá?

Trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay ngày 10-5-2007, TS sử học Phan Văn Hoàng cho biết có người cho rằng lăng mộ vua Quang Trung nằm ở núi Kim Phụng (phía tây Huế).

Đó là nơi an nghỉ cuối cùng của bà Phạm Thị Liên – chính cung hoàng hậu của vua Quang Trung – mất trước vua một năm. Lại có giả thiết khác nói mộ vua không nằm ở đâu cả mà chính tại quê ông ở Bình Định. Một giả thiết nữa đưa ra một địa chỉ thật lạ: ấp 5, xã Thuỷ Phương, huyện Hương Thuỷ (Thừa Thiên – Huế).

Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế cho hay tại Huế có đến sáu điểm được quan tâm: lăng Ba Vành, ấp Bình An (chùa Thiền Lâm – Vạn Phước), núi Ngọc Trản (có điện Hòn Chén), núi Kim Phụng, khu vực xã Bình Điền (huyện Hương Trà, Thừa Thiên – Huế), núi Chóp Vung (gần đường tránh Huế).

Một buổi sáng tháng 8-2015, có vị sư tìm đến Văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Huế, chuyển cho báo một số tư liệu liên quan đến lăng vua Quang Trung và khẳng định: mộ vua đang nằm tại một khu vườn trong kiệt (hẻm) 15 đường Minh Mạng – Huế (phía sau đàn Nam Giao).

Chúng tôi đã tìm đến đó và thấy có một ngôi mộ tháp, rêu phong phủ kín, dân chúng không biết mộ của ai. Nhà sư tự giới thiệu pháp danh là Thích Chơn Niệm từ Bình Định tìm ra Huế. Ông cho hay văn bia ngôi mộ này ghi là mộ của bà Duệ Toán phu nhân, người sáng lập nên chùa Thiên Thai, là khu vực có ngôi mộ tháp này.

Theo nhà sư, thực chất đó là văn bia giả để che giấu thi hài của vua Quang Trung được chôn bên dưới. Vị sư cho biết ông đã gửi thư cho các vị lãnh đạo và các nhà nghiên cứu, đề nghị cho khai quật ngay kẻo muộn.

Tuy nhiên, GS Phan Huy Lê – chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN – cho biết kết quả thẩm định các giả thiết trên đây đều cho thấy chưa có căn cứ xác đáng.

“Rất có thể mộ vua Quang Trung chưa bị quật phá?” – đó là ý kiến của ông Hoàng Xuân Định, một cán bộ hưu trí tại Huế rất quan tâm đến cuộc tìm kiếm này, được đưa ra tại hội thảo về vua Quang Trung vào tháng 6-2008 (tại Huế).

Ông Định đưa ra những điều vô lý: trong tình thế cấp bách, phía bắc quân Quang Toản kéo vào đòi chiếm lại Phú Xuân, phía nam thì quân Tây Sơn uy hiếp ở Quy Nhơn, làm sao Nguyễn Ánh lại đủ tâm trí và thời gian để đi tìm mộ Quang Trung mà quật phá?

Vua Quang Trung mất năm 1792, đến mười năm sau (1801) thì thi hài đâu còn nguyên vẹn để Nguyễn Ánh quật lên bêu đầu ở chợ? Từ nghi vấn đó, ông Định cho rằng thi hài của vua Quang Trung vẫn còn đâu đó dưới lòng đất Huế.

Tuy nhiên, cuộc hội thảo mới đây nhất về cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế (tháng 11-2015) cho thấy giới sử học có vẻ nghiêng dần về giả thiết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.

Kết luận cuộc hội thảo này, GS Phan Huy Lê ủng hộ lập luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: có cung điện tên là Đan Dương của vua Quang Trung trong thời gian ở Phú Xuân. Khi vua băng hà, đã mai táng ngay tại cung điện đó.

Nhưng vị trí cung điện đó ở đâu còn phải tiếp tục nghiên cứu, không chỉ tại khu vực chùa Thiền Lâm mà phải mở rộng ra vùng xung quanh.

“Tôi trân trọng đề nghị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế giao cho Sở VH-TT&DL hay Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức một đợt điều tra khảo cổ học. Trên cơ sở đó, có thể đề xuất khai quật khảo cổ học một vài địa điểm cần thiết” – GS Lê nhấn mạnh.

Một ngày đầu xuân 2016, phóng viên Tuổi Trẻ liên hệ trở lại với GS Lê để hỏi bao giờ thực hiện cuộc khai quật này, ông cho biết điều đó tuỳ thuộc vào sự nhập cuộc của chính quyền và các cơ quan chức năng.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng đây là việc quốc gia đại sự, một việc cần làm của hậu thế với vị tiền bối có nhiều công trạng với đất nước như vua Quang Trung.

Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu, việc lớn này cần phải có sự vào cuộc của Nhà nước, bằng việc xây dựng một dự án và huy động các cơ quan chuyên môn triển khai dự án đó.

MINH TỰ