Ô nhiễm môi trường do khai thác than gây ra các ở các thành phố, thị xã tại Quảng Ninh dù đã giảm so với thời gian trước, nhưng nhiều khu vực vẫn ở mức báo động, đặc biệt vào mùa hanh khô.
Sống cùng… bụi than
Ô nhiễm môi trường do khai thác than gây ra các ở các thành phố, thị xã tại Quảng Ninh dù đã giảm so với thời gian trước, nhưng nhiều khu vực vẫn ở mức báo động, đặc biệt vào mùa hanh khô.
Thời điểm này, tại Mạo Khê (TX.Đông Triều), Vàng Danh (TP.Uông Bí), Hà Khánh, Cao Xanh (TP.Hạ Long) và nhiều xã, phường của TP.Cẩm Phả đang mịt mù trong khói bụi.
Ngay thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh là TP.Hạ Long có những thời điểm, cả TP như mờ đi trong sương khói bởi những trận gió cuốn theo bụi than, đất đá từ những bãi thải cao ngất ngưởng vây quanh TP. Bị ô nhiễm nặng nhất là P.Cao Xanh và Hà Khánh – nơi gần với những đại khai trường lộ thiên của một số công ty than.
“Khi nào hết than thì sẽ hết bụi”
Khi nào hết than thì sẽ hết bụi, và hết bụi cũng có nghĩa là hết than
Ông Lê Thanh Sơn, trú tại P.Mông Dương
Theo cảm nhận của người dân, TP.Cẩm Phả bị ô nhiễm nặng nhất, dù rằng năm 2013, TP này được bình chọn là 1 trong 2 TP đạt danh hiệu “Đô thị xanh, sạch, đẹp” vùng Đông Bắc (thông tin này khiến người dân đất mỏ đã phì cười).
“Chuyện người dân đất mỏ phải sống chung với bụi than chẳng có gì lạ. Khi nào hết than thì sẽ hết bụi, và hết bụi cũng có nghĩa là hết than”, ông Lê Thanh Sơn, trú tại P.Mông Dương, nói một cách suy tư nhưng cũng không kém phần hài hước. Mỗi ngày, vợ chồng ông lau chùi nhà cửa 3 – 4 lần, nhưng vừa lau xong là bụi than lại bám đầy, dù nhà lúc nào cũng cửa đóng, then cài. “Bát đĩa, nồi niêu, xoong chảo… trưa mới rửa xong, nhưng không đậy kỹ, đến bữa tối đã đầy bụi”, ông Sơn nói.
Để đo mức độ ô nhiễm bụi than, chị Đặng Ngọc Hương, trú tại P.Cao Thắng, TP.Hạ Long từng đặt một chậu nước sạch trên sân thượng. “Chỉ trong vòng nửa ngày, mặt nước đã phủ kín một lớp bụi than đen”, chị Hương cho biết.
Còn vào mùa mưa, những con suối ở Hạ Long, Cẩm Phả luôn cuồn cuộn nước than đổ ra biển. Theo anh Lê Đức Cường, trú tại P.Cẩm Sơn, TP.Cẩm Phả, có ngày nhóm của anh vớt được hàng tấn than trôi, tuỳ thuộc vào lượng mưa. Các bãi đất đá thải cao như núi của các mỏ đều ở gần bờ biển hoặc ở thượng nguồn các sông, suối, khi có mưa to, một lượng lớn đất đá bị cuốn ra biển gây bồi lấp dòng chảy, làm ô nhiễm môi trường nước. Hầu hết các khai trường than nằm gần vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đều là nguồn gây ô nhiễm môi trường nước và bồi lấp ven bờ. Chưa ai đo được lượng than trôi xuống sông suối, nhưng theo Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh, tổng lượng nước thải mỏ mỗi năm khoảng 58,9 triệu m3, song chỉ xử lý được khoảng 25,9 triệu m3, còn lại đổ thẳng ra các sông suối rồi ra biển.
Lũ bùn từ đập 790 phủ lấp hàng chục hộ dân ở phường Mông Dương, Cẩm Phả trong trận mưa lũ tháng 7.2015 – Ảnh: Đ.T
Theo ông Bùi Khắc Thất, Giám đốc Công ty than Hòn Gai, “Chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp hạn chế tình trạng này, nhưng để triệt hẳn thì rất khó. Hiện nay, khi mưa, các mỏ chỉ có thể dùng bạt để phủ than ở kho; nếu làm mái che toàn bộ các kho than thì không lấy đâu ra cả trăm tỉ đồng”.
Hiểm hoạ từ các bãi thải
Tình trạng ô nhiễm môi trường và ẩn hoạ trong quá trình khai thác than luôn là vấn đề “nóng” được đưa ra mổ xẻ tại các kỳ họp HĐNĐ tỉnh Quảng Ninh.
Trả lời chất vấn các đại biểu tại kỳ họp thứ 22 cuối năm ngoái, ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó tổng giám đốc TKV cho biết, tập đoàn này gần đây đã hoàn nguyên được trên 320 ha bãi thải tại Cẩm Phả và đang phục hồi môi trường khoảng 110 ha tại 2 khu vực thuộc bãi thải Đông Cao Sơn vừa kết thúc khai thác. Tuy nhiên, việc khắc phục triệt để tình trạng bụi ảnh hưởng tới các khu dân cư, ông Cơ thừa nhận là vô cùng khó khăn.
Trận mưa lũ lịch sử vào cuối tháng 7, đầu tháng 8.2015 khiến bùn thải từ đập 790 ở độ cao hàng trăm mét tràn xuống vùi lấp hàng trăm hộ dân ở P.Mông Dương, TP.Cẩm Phả, chỉ thêm một chút nữa là xóa sổ mỏ than Mông Dương phía dưới, là một ví dụ điển hình. Sự cố này không phải xảy ra lần đầu, ngày 31.7.2006, một trận mưa lớn kéo dài đã làm vỡ đập Khe Dè, khiến hàng ngàn mét khối đất đá từ bãi thải của Công ty than Cọc Sáu đổ xuống khu 12, P.Cửa Ông, TP.Cẩm Phả. Toàn bộ 15 hộ dân may mắn thoát chết, nhưng 6 ngôi nhà bị san phẳng; 2 ha đất vườn đồi bị nhấn chìm; nhiều xe máy và vật dụng khác bị cuốn trôi.
Chuyện người dân thường xuyên phải chạy lũ bùn, hoặc chứng kiến bùn đất từ các bãi thải tấn công không còn lạ ở vùng than mỗi khi có mưa lớn kéo dài. Đã có rất nhiều kiến nghị của người dân trước những nguy hiểm từ các bãi thải, nhưng hầu như chưa được giải quyết, bởi ngành than đang thiếu trầm trọng bãi đổ thải và các bãi này hiện vẫn “chưa tới ngưỡng tối đa” cho phép.
Cụ thể, bãi thải 790 kể trên vẫn ở trong độ cao cho phép – từ 250 – 300 m, dù rằng đã suýt gây thảm hoạ. Theo một lãnh đạo Tập đoàn than và khoáng sản (TKV), việc một số bãi thải bị uy hiếp trong trận mưa lũ như năm vừa qua là do lượng mưa quá lớn, trong khi các bãi thải thường có độ liên kết kém.
Tại Quảng Ninh, TKV hiện có khoảng 30 đơn vị sản xuất than đang đổ thải ở hàng chục bãi thải, trong đó có 4 bãi thải ngoài (bãi thải nằm ngoài khai trường), gồm Đông Cao Sơn, Bàng Nâu, Nam Khe Tam – Đông Khe Sim (TP.Cẩm Phả) và bãi thải Chính Bắc (TP.Hạ Long). Theo tính toán, đối với khai thác lộ thiên, phải bóc 10 – 13 tấn đất đá mới được 1 tấn than nguyên khai; trong khi với khai thác hầm lò, để khai thác được 1 tấn than thì phải bóc khoảng gần 1 tấn đất đá. Theo TKV, hiện nay, tổng lượng đổ thải của các đơn vị sản xuất than trung bình 210 triệu m3/năm, trong đó vùng than Cẩm Phả chiếm khoảng 150 triệu m3/năm, vùng than Hạ Long chiếm 45 triệu m3/năm. Đặc biệt, khối lượng đổ thải tại các bãi thải bên ngoài chiếm đến trên 60%.
Điều đáng ngại, là 4 bãi thải Đông Cao Sơn, Bàng Nâu, Nam Khe Tam – Đông Khe Sim và Chính Bắc đều nằm trong vùng có dân cư, trong khi độ cao của các bãi thải đều đã gần đạt mức tối đa là +300 m. Trong khi đó, việc xin cấp phép các bãi đổ thải mới rất khó vì quỹ đất hạn hẹp; còn bãi thải ở xa khai trường thì chi phí vận chuyển cực lớn.