01/11/2024

Chúa nhật II Chay C:Cuộc biến đổi thiêng liêng

Sau khi suy nghĩ về các cơn cám dỗ xúc phạm tới lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta cuộc biến đổi thiêng liêng qua việc biến hình của Đức Giêsu để mỗi người có thể trở nên giống Chúa Giêsu, dung mạo của lòng Chúa xót thương.

  

Cuộc biến đổi thiêng liêng

 

 Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn,HKK

Lời mở

Vào tuần II Mùa Chay, sau khi suy nghĩ về các cơn cám dỗ xúc phạm tới lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta cuộc biến đổi thiêng liêng qua việc biến hình của Đức Giêsu để mỗi người có thể trở nên giống Chúa Giêsu, dung mạo của lòng Chúa xót thương. Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay cũng nhắc nhở ta rằng: “Đức Giêsu Kitô, Người có quyền năng khắc phục muôn loài, sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn cùa chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (x. Pl 3,17-4,1). Bài Sách Sáng Thế (x. St 15,5-12) còn mở rộng hơn để thấy cuộc biến đổi không phải chỉ liên quan đến từng cá nhân, nhưng liên quan đến cả một dân tộc khi Chúa cho Abraham thấy con cháu của ông trở thành Dân Thiên Chúa đông đúc như sao trên trời.

Vì thế, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cuộc biến đổi thiêng liêng nơi mình cũng như giúp cho người khác,

1. Biến đổi trong đời sống con người

1.1. Biến đổi là gì?

Trước hết chúng ta cần phân biệt sự biến đổi không phải là thay đổi. Thay đổi là thay cái này bằng cái khác. Thí dụ: thay cái áo màu trắng bằng áo màu xanh hay thay ý tưởng này bằng ý tưởng khác. Còn biến đổi – hoặc biến hoá – hay tiến hoá: có nghĩa là thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác nhưng bản chất vẫn là chính vật ấy hay người ấy. Thí dụ: con sâu biến đổi, hay tiến hoá thành con bướm.

Biến đổi là một tiến trình đi từ thấp lên cao, từ tình trạng tầm thường, yếu đuối, khốn khổ, tạm thời sang tình trạng phi thường, mạnh mẽ, tốt đẹp, hạnh phúc, vĩnh hằng. Biến đổi phải đi theo chiều hướng tốt hơn hoặc tốt đẹp mãi mãi.

Con người cũng như muôn vật đều muốn biến đổi theo chiều hướng đó vì Thiên Chúa mong muốn như thế khi dựng nên muôn loài thọ tạo và ban nhiều ân phúc để giúp chúng hoàn thành tiến trình biến đổi nên giống như Ngài, nhất là khi ban Con Một Ngài là Đức Giêsu để nêu gương biến đổi cho nhân loại.

1.2. Việc biến đổi trong đời sống

Mỗi người chúng ta thường cảm nhận được sự thay đổi, nhưng có thể chưa thấy được sự biến đổi trong đời sống.

Chúng ta thấy mình mỗi ngày một già đi, yếu đi, xấu đi và đến một lúc nào đó tiến đến cái chết. Đó là một sự biến đổi có thể nói là bi quan. Nhìn vào một cây hoa ta thấy nó lớn lên, trổ bông tươi đẹp, ta tưởng đó là biến đổi, nhưng rồi lại thấy nó tàn tạ, khô héo, chết đi. Đó chỉ là sự thay đổi làm cho ta thất vọng. Đôi khi ta nói cuộc sống này với cái chết chỉ thay đổi chứ không mất đi. Nói như thế là đúng, nhưng chưa diễn tả được chiều hướng biến đổi làm cho con người và vạn vật được chia sẻ sự sống tốt đẹp vĩnh hằng của Thiên Chúa.

1.3. Thói quen khó biến đổi trong đời sống con người

Trong đời sống thường ngày, nhiều khi do làm đi làm lại nhiều lần một hành động, con người tạo thành thói quen, rồi hình thành nên cá tính của một con người hay của nhiều con người để trở thành bản sắc của cả cộng đồng dân tộc. Có những thói quen tốt và thói quen xấu nên muốn trở nên tốt hơn, tiến bộ hơn, người ta phải biến đổi. Thí dụ: ta có thói quen thức dậy lúc 4 giờ sáng, dù không có ai đánh thức hay dùng đồng hồ báo thức. Có người quen hút thuốc, uống cà phê, uống trà lâu dần thành nghiện không bỏ được. Hoặc có người quen chơi game, xem phim đồi truỵ, cứ bật máy vi tính lên là đưa những hình ảnh dâm đãng, bạo lực, ma quái vào trong tâm trí, khiến tinh thần hỗn loạn, mê muội, chìm đắm trong đam mê mà không chịu thay đổi dù biết là chúng rất tai hại.

Về phương diện khoa học, nhiều em học sinh đã biết thí nghiệm về phản xạ có điều kiện của Pavlov với con chó – đĩa thịt – tiếng chuông. Cứ mỗi lần đánh tiếng chuông, nhìn thấy đĩa thịt thì con chó tiết ra dịch vị trong dạ dày. Dần dần bớt các lần đưa đĩa thịt nhưng vẫn đánh đều tiếng chuông, con chó cũng tiết ra dịch vị. Đến lúc không cần thấy đĩa thịt, chỉ nghe tiếng chuông, con chó vẫn tiết dịch vị thì người ta đã tạo nên một thói quen cho con chó. Định luật này giúp ta hiểu rằng nếu cứ lặp đi lặp lại mãi một hành động, chúng ta sẽ tạo thành một thói quen, thành cá tính hay bản sắc rất khó thay đổi.

Sau hơn 10 thế kỷ bị người Trung Hoa đô hộ, người Việt Nam đã hình thành nên bản sắc dân tộc gồm một số tính tốt như kiên nhẫn, biết chịu đựng, chia sẻ đùm bọc lẫn nhau, nhưng cũng có nhiều khuyết điểm tại hại như khép kín, nghi ngờ nhau, làm việc cầm chừng, lười biếng, tham lam, lấy cắp của công, không tôn trọng của chung … bắt nguồn từ thái độ chống đối kẻ thù. Muốn sửa đổi bản sắc ấy trong đời sống cá nhân cũng như đời sống cộng đồng, ta cần tạo nên những nhận thức mới, cần tập luyện để hình thành nên thói quen mới và cần cả niềm tin vào Chúa Trời để biến đổi con người. Cuộc biến hình của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng như gợi ý cho ta tìm hiểu về những điều kiện cần thiết cho cuộc biến đổi thiêng liêng này.

3. Những điều kiện để biến đổi

Muốn biến đổi để trở thành dung mạo sáng láng tươi đẹp của Chúa Giêsu, chúng ta cần những điều kiện gì?

3.1. Cùng lên núi với Đức Giêsu

Điều kiện đầu tiên là lên núi với Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng kể cho ta nghe chính Đức Giêsu đưa 3 môn đệ thân tín là Phêrô, Gioan, Giacôbê lên núi biến hình. Trong cuộc thay đổi đời ta, Đức Giêsu luôn chủ động vì muốn cho ta được chia sẻ ân phúc và vinh quang của Người. Đức Giêsu là con đường dẫn đến sự thật và sự sống nên mỗi người chúng ta trước hết cần tin tưởng đi theo Chúa Giêsu thì mới có những nhận thức đúng về vạn vật, về con người và mới có thể biến đổi.

Nhiều người không nhận ra được sự thật của vạn vật cũng như giá trị của đời mình nên họ tiếp tục dồn tất cả sức lực và tâm huyết để kiếm tìm tiền của, danh lợi ở trần thế như ta thấy thánh Phaolô nhắc nhở trong bài đọc II: “Có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô. Chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng…Họ chỉ nghĩ đến những sự thế gian” (Pl 3,18-19). Có những người không nhận ra sự thật chết chóc của thuốc lá, con bài, chai rượu, ma tuý, mà chỉ thấy chúng mang lại sảng khoái, thích thú, nên chìm sâu vào thói quen nghiện ngập. Nếu chỉ chiều theo những gì tầm thường, thấp hèn, nhỏ bé, hẹp hòi, ta khó có thể thoát khỏi những gì đang trói buộc ta, làm ta mê muội, khiến không thay đổi được chính mình. Ta cần phải gặp được sự thật là Đức Giêsu để Người dẫn mình lên núi.

Lên núi với Đức Giêsu cũng không phải là chúng ta leo trèo ở một địa điểm vật chất bên ngoài. Núi tượng trưng cho những gì thanh cao, tốt đẹp. Chúng ta leo lên núi cao để thở hít không khí trong lành, mở rộng tầm nhìn để thấy được trời cao, biển rộng, phong cảnh ngút ngàn, không còn bị trói buộc trong căn phòng đóng kín, nhỏ hẹp. Tất cả những gì tốt đẹp trong cuộc đời của Chúa Giêsu đều diễn ra ở trên núi: núi rao giảng Tám mối phúc, núi cầu nguyện, núi chịu chết, núi biến hình, núi thăng thiên.

Vì thế, Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta mở rộng tâm hồn, hướng về những gì cao thượng hơn, vượt lên chính mình để gắn bó mật thiết với Người. Người sẽ đưa ta vào trong đám mây sáng láng để ta kết hợp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, cảm nghiệm được những sự thật của vạn vật và mầu nhiệm thần bí của Thiên Chúa.

3.2. Cầu nguyện

Điều kiện tiếp theo là cầu nguyện. Chính khi Chúa Giêsu cầu nguyện, khuôn mặt của Người đổi khác và y phục của Người trở nên trắng tinh chói loà. Đây là điểm ghi chú đặc biệt của thánh Luca: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người biến đổi” (Lc 9,28). Chúa Giêsu cầu nguyện để dẫn các môn đệ và chúng ta đi vào trong sự thân mật với Thiên Chúa Cha, đưa con người trở về nguồn của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng, của hạnh phúc vô biên, của quyền năng vô tận. Chỉ khi trở về được với Nguồn đó, chúng ta mới biến đổi con người tạm thời, hèn yếu, sai lầm, tội lỗi, vô thường, giới hạn, bất lực này dần dần giống với Thiên Chúa.

Lúc đó con người hay dung mạo ta cũng như những vật chất gắn bó với ta mới toả sáng như Chúa Giêsu. Sự toả sáng không phải đến từ bên ngoài rồi biểu lộ trên khuôn mặt như khi Moisê tiếp xúc với Thiên Chúa trên núi (x. Xh 34,29-35), nhưng từ bên trong vì chúng ta trở thành chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu, có chung một sự sống của Thiên Chúa với Người. Người chính là “ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Sự biến đổi đó mới thật sự trọn vẹn và bền vững. Đây cũng là dịp để chúng ta hỏi xem mình đã cầu nguyện như thế nào và toả sáng khi cầu nguyện chưa?

3.3. Gắn bó với Chúa Giêsu trong cuộc xuất hành của đời mình

Điều kiện quan trọng nhất là gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu vì Người là hiện thân của Thiên Chúa. Khi gắn bó với Chúa Giêsu, ta mới có thể biến đổi được chính mình, vượt lên trên những gì tầm thường yếu đuối hằng ngày của mình để cảm nghiệm được nguồn hạnh phúc và ở mãi trong hạnh phúc đó giống như Phêrô: “Thưa Thầy chúng con ở đây thật là hay. Chúng con xin dựng ba cái lều…” (Lc 9,33). Phêrô không biết mình đang nói gì. Ông mê mẩn trong hạnh phúc. Ông không để ý rằng Chúa Giêsu đang nói với ông Môsê và Êlia về cuộc xuất hành mà Người hoàn thành tại Giêrusalem, về cuộc vượt qua với cái chết nhục nhã trên thập giá đi sau sự phục sinh như kết quả của việc biến đổi thiêng liêng. Ông cần phải xuống núi cùng với Chúa Giêsu để thực hiện cuộc xuất hành này.

Chúa Giêsu chính là Lều Thánh, Lều Hội Ngộ mà Dân Do Thái đã từng cảm nghiệm về sự hiện diện sống động đầy yêu thương che chở của Thiên Chúa trong hành trình ở sa mạc (x. Lv 23,43). Đám mây sáng đã bao phủ lều Hội Ngộ, bây giờ trong cuộc biến hình, cũng bao phủ Chúa Giêsu và các người hiện diện, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người được ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”. Gắn bó với Chúa Giêsu không phải chỉ trong vinh quang mà theo Người trong suốt cuộc đời, dám chấp nhận hy sinh cả mạng sống của mình. Chính khi chúng ta dám chấp nhận hy sinh trọn vẹn như vậy, chúng ta mới biến đổi trọn vẹn để mang lấy thân xác sáng láng vinh hiển của Chúa Giêsu phục sinh.

Lời kết

Trong Năm Thánh đặc biệt về Lòng Thương Xót, chúng ta đang được mời gọi biến đổi đời sống để trở thành dung mạo sáng láng, đầy từ bi, nhân hậu của Chúa Giêsu cho mọi người, mọi vật. Chúng ta hãy can đảm theo Chúa Giêsu lên núi cao, tích cực cầu nguyện để trở về với nguồn sống là Thiên Chúa và gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu trong cuộc xuất hành của đời mình. Mỗi lần cố gắng như thế, chúng ta đều cảm nghiệm được sự biến đổi hạnh phúc mà Chúa Giêsu chia sẻ cho các môn đệ trên núi hôm nay.