Không có bóng tối…
Căn phòng nhỏ nằm đầu hành lang của Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM vẫn luôn bình thản, tách biệt. Tiếng bàn phím lách tách…
Không có bóng tối…
Căn phòng nhỏ nằm đầu hành lang của Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM vẫn luôn bình thản, tách biệt. Tiếng bàn phím lách tách…
Quây quần bên vợ, các con và những câu chuyện đầy ánh sáng – Ảnh: Tự Trung |
Căn phòng nhỏ nằm đầu hành lang của Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM vẫn luôn bình thản, tách biệt. Tiếng bàn phím lách tách, giọng đọc của máy lào xào, thỉnh thoảng lại có một chuỗi cười khe khẽ, sảng khoái.
“Trên bàn phím có hai gờ nổi là chữ F và J, anh lấy đó làm dấu để tìm các phím khác. Có nhiều loại giọng đọc để chọn…” – thầy giáo trẻ Tô Nguyên Châu mỉm cười bấm đi bấm lại những thao tác trên chiếc laptop độc đáo chỉ có duy nhất cái bàn phím của mình.
Người đàn ông ngồi đối diện anh cũng mỉm cười, mắt lấp lánh tinh nghịch sau cặp kính, nghiêng tai cố gắng phân biệt từng âm tiết, chữ cái trong chuỗi âm thanh robot phần mềm JAWS (Job Access With Speech) phát ra.
“Anh chẳng nghe được gì cả, dù giọng Mỹ này quen lắm” – ông cười vang. Châu cũng cười: “Mới đầu ai cũng vậy, tập dần chừng hai tháng anh sẽ nghe được”…
Không thể nghĩ được rằng đó là Phạm Đức Trung Kiên, doanh nhân nổi tiếng ở Mỹ và Việt Nam, chủ tịch Quỹ từ thiện Việt Nam, chủ tịch Red Square Việt Nam, đang chuẩn bị cho ngày trước mắt mình sẽ không còn ánh sáng.
Giới hạn là bầu trời
Vẫn là anh Kiên của mười mấy năm về trước, khẳng định như đinh đóng cột với những học sinh, sinh viên mù: “Hãy nỗ lực, phía trước chúng ta chỉ có giới hạn là bầu trời” (“Chỉ có giới hạn là bầu trời” - Tuổi Trẻ ngày 24-10-2004).
Vẫn là anh Kiên của 16 năm miệt mài xem xét từng hồ sơ của sinh viên mù để rồi ân cần trao học bổng, vui mừng chuẩn bị từng cái laptop cấu hình mới, sẵn sàng đưa ra những lời khuyên, giải pháp và sự trợ giúp cần thiết.
Vẫn là anh Kiên luôn có sáng kiến mới để mọi công việc đi vào tổ chức hệ thống, luôn có cái nhìn của một nhà kinh doanh tầm cỡ. Như anh đang hỏi: “Tại sao máy của em chỉ có bàn phím?”. Châu cười xòa: “Màn hình nó bị hư, gãy đi, em sửa lại rồi tháo ra luôn vì em đâu cần sử dụng”.
Anh Kiên như tìm ra một phát minh mới: “Vậy để lần tới anh sẽ nói với hãng sản xuất, mình đặt hàng riêng loại máy không có màn hình. Giá sẽ rẻ hơn và biết đâu họ sẽ làm được những tiện ích mới cho chúng ta”…
Chỉ có một điều khác: hiện thực mà mười mấy năm trước anh đã cho biết: “Anh bị bệnh thoái hóa võng mạc và anh đang nhìn em như qua một cái ống. Rồi sẽ đến ngày mà anh hoàn toàn không được nhìn thấy gì nữa”.
Hôm nay anh thản nhiên “cập nhật”: “Ánh sáng đang chiếu vào mặt em nên anh thấy được cái bóng sáng. Có lẽ anh còn được thấy ánh sáng khoảng sáu tháng nữa…”.
Không để ý đến vẻ lặng đi của người đối diện, rất nhanh Kiên đã nhận diện được bàn phím dưới đầu ngón tay, và viết: “To Châu. Thank you for your help. You are my teacher”. Nghe máy đọc, Châu cười rất tươi.
Anh Kiên cũng cười: “Anh đã rất tự hào với thành công của Châu và các bạn. Hôm nay, được làm học trò của Châu, toát mồ hôi với phần mềm này, lại càng thán phục các em…”.
Còn bản thân anh thì đã là thần tượng, là người thầy, người anh của Châu, của 183 sinh viên nhận học bổng Hướng Dương và hàng ngàn học sinh mù khác từ lâu lắm.
Câu chuyện về Phạm Đức Trung Kiên thật sự là một động lực lớn: một thanh niên 19 tuổi vừa đến nước Mỹ, còn đang phải vật lộn với cuộc mưu sinh để sống, vật lộn với môn tiếng Anh để học, vật lộn với môi trường, văn hoá, lối sống để thích nghi thì lại nhận được tin sét đánh: mắc bệnh thoái hoá võng mạc và có thể trở thành người mù bất kỳ lúc nào.
Cảnh vật xung quanh dần dần mờ đi, biến mất trong tầm mắt nhưng con đường đến với thế giới của Kiên mỗi ngày mỗi mở rộng. Anh đã tốt nghiệp ĐH Colorado, lấy hai bằng thạc sĩ ở ĐH Stanford danh tiếng và sau này còn được vinh danh là một trong 100 cựu sinh viên xuất sắc nhất trong lịch sử của trường.
Anh đã được tuyển chọn vào chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ của nước Mỹ, được mời vào vai trò quản lý cao cấp của những tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới như P&G, Teneco…
Những điều không thể đều đã thành có thể, Kiên mang những thành công của mình về Việt Nam. Anh thành lập Quỹ từ thiện Việt Nam, tổ chức những hoạt động phát triển giáo dục, nhân đạo. Anh làm giám đốc điều hành Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) do Quốc hội Mỹ sáng lập, cấp học bổng sau đại học về khoa học, công nghệ cho những nghiên cứu sinh Việt Nam xuất sắc nhất.
Anh sáng lập công nghệ giáo dục TOPICA đào tạo cử nhân bằng hình thức trực tuyến để mở rộng cơ hội học tập. Anh đầu tư vào viễn thông công nghệ cao, địa ốc, thực phẩm nông sản ở Việt Nam, song song với những khoản đầu tư khác tại Mỹ… Giữa hàng núi những công việc ấy, anh lại còn kiên trì gắn bó với những sinh viên mù.
Phạm Đức Trung Kiên (trái) và “người thầy” mới của mình – thầy giáo Tô Nguyên Châu đã 7 lần nhận học bổng Hướng Dương do anh tài trợ – Ảnh: Tự Trung |
Cội nguồn là chiếc kim la bàn
Khi rời khỏi Sài Gòn, Kiên đã nghĩ mình không còn có thể quay về Việt Nam. Khi trở thành một người Mỹ thành đạt, Kiên đã nghĩ một cô gái Việt Nam sẽ không phù hợp với cuộc sống mở rộng của mình. Thế rồi anh lại quay về Việt Nam, lại gặp và yêu một cô gái Việt Nam, lại chọn TP.HCM để sống và cho các con ăn học.
“Tết này, ba tôi về Việt Nam ăn tết cùng con cháu. Mùng 1 cả nhà ra Hà Nội ăn tết tiếp với gia đình bên ngoại. Năm tới này tôi có nhiều kế hoạch phải thực hiện, rất gấp…” – Kiên hào hứng kể bên những câu chuyện tết của vợ con.
Giúp Thư viện sách nói dành cho người mù xây dựng xong trụ sở là một trong số các kế hoạch ấy. Muốn thúc đẩy sự năng động, hiệu quả của đàn em, anh đưa ra một giải pháp: “Các em không chỉ là người thụ hưởng mà còn là người đóng góp, làm chủ thư viện.
Trong số tiền còn thiếu (khoảng 4 tỉ đồng), cứ một đồng các em đóng góp hay huy động được, Quỹ từ thiện Việt Nam sẽ đóng góp thêm một đồng. Thư viện đã khởi công rồi, chúng ta có ba tháng để huy động số tiền còn thiếu…”.
Một kế hoạch khác là viết lại một cuốn tự truyện về cuộc đời ở Việt Nam, về cuộc đời tại Mỹ, về mục đích sống và những đam mê, niềm tin. Những người bạn của Kiên đã thuyết phục anh viết: “Đó sẽ là một câu chuyện gây cảm hứng”.
Còn Kiên thì lại có riêng một động lực. “Trong công việc, tôi đã đặt chân trên những hành lang to lớn, lát đá cẩm thạch của Quốc hội Mỹ, các lối đi hẹp và yên tĩnh của Nhà Trắng, bước trên những tấm thảm dày trải sàn của các tập đoàn lớn, những con đường gập ghềnh của các công ty non trẻ, những con đường đất đầy bụi bẩn trên hành trình từ thiện, những con đường đầy lý tưởng và cao cả của các tổ chức phi lợi nhuận…
Cội nguồn luôn là cây kim la bàn trong tôi. Viết lại điều đó để làm cái neo cho các con. Sau này chúng sẽ đi rất xa và hiểu được cội nguồn của mình, chúng sẽ có chốn quay về…” – Kiên giãi bày.
Trong buổi trao học bổng Hướng Dương mới đây, anh đã nói lời cảm ơn cha mình, ông Phạm Đức Thiên: “Cha đã luôn dạy dỗ và khuyến khích chúng tôi làm những việc thiện, giúp đỡ người khác trong khả năng của mình. Tôi đưa các con đến đây cũng nhằm mục đích ấy”.
Các cô con gái và cậu con trai của anh đã đến dự những buổi trao học bổng từ lúc mới biết đi, nay đã biết dùng tiền tiết kiệm để góp với ba một suất tặng các anh chị…
Tìm hi vọng cho mình Căn bệnh thoái hóa võng mạc chưa có phương pháp điều trị hiệu quả trên thế giới. Rất nhiều hi vọng đã được đặt vào phương pháp cấy tế bào gốc, tuy nhiên dù đã biệt hoá được tế bào võng mạc từ các mô da, việc thử nghiệm lâm sàng vẫn chưa được hoàn thiện. Kiên nói anh đã chờ đợi sự phát triển của công nghệ tế bào gốc từ hơn 30 năm nay để tìm hi vọng cho mình nhưng chưa được toại nguyện. Tuy vậy, trong câu chuyện của Kiên, từ lúc phát hiện bệnh đến cái mốc “không còn ánh sáng” sáu tháng nữa, đến những kế hoạch cho nhiều năm nữa, không hề có sự xuất hiện của bóng tối. |
Nối tiếp Thạc sĩ Nguyễn Văn Long, giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, tâm sự: “Khi tôi lên cấp III cũng là lúc Thư viện sách nói dành cho người mù được thành lập, đến xin chị Hướng Dương đọc giúp sách giáo khoa, sách tham khảo và được nghe chị kể về anh Kiên. Từ tấm gương của anh mà tôi đã cố gắng để vào ĐH, lấy suất học bổng Hướng Dương đầu tiên. Thư viện sách nói thì cam kết: tôi học đến đâu, cần sách đến đâu, thư viện sẽ cung cấp đến đó”. Long đã trở thành người mù đầu tiên vào ĐH chính quy, lấy bằng cử nhân rồi bằng thạc sĩ như vậy. Tô Nguyên Châu lại nhìn vào con đường của Long, câu chuyện của anh Kiên để lấy được hai bằng ĐH và trở thành thầy giáo. Tính đến nay, 115 sinh viên mù nhận học bổng Hướng Dương đã tốt nghiệp và có cuộc sống tự lập, tạo được lớp học, cơ sở dịch vụ để giúp những người đồng cảnh khác. “Lợi nhuận trong việc đầu tư này thật là quá lớn”, lần nào nghe các em báo cáo kết quả học tập, làm việc, Kiên cũng tấm tắc. |