16/11/2024

Những phát hiện ở chùa Thiền Lâm

Cùng một nỗi khắc khoải “lăng mộ vua Quang Trung nằm ở đâu?”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã vào cuộc tìm kiếm và cũng theo hướng lăng Ba Vành.

 BÍ ẨN LĂNG MỘ VUA QUANG TRUNG – KỲ 3:

Những phát hiện ở chùa Thiền Lâm

 

 

 

Cùng một nỗi khắc khoải “lăng mộ vua Quang Trung nằm ở đâu?”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã vào cuộc tìm kiếm và cũng theo hướng lăng Ba Vành. 

 

 

 

 

Những phát hiện ở chùa Thiền Lâm
Sơ đồ vị trí chùa Thiền Lâm trên trục Phu Văn Lâu – đàn Nam Giao – Ảnh do nhà nghiên cứu N.Đ.X. cung cấp

“Nhưng may sao tôi sớm phát hiện được nhiều thông tin lịch sử hé lộ cho biết lăng mộ vua Quang Trung có tên là lăng Đan Dương, với những yếu tố mà thực tế lăng Ba Vành không hội đủ” – ông Xuân mở đầu như thế trong công trình nghiên cứu về lăng vua Quang Trung mà ông đã miệt mài theo đuổi một cách quyết liệt suốt hơn 30 năm qua.

Bí ẩn ở chùa Thiền Lâm

Cuộc tìm kiếm 30 năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã mang lại kết quả mà ông đã thông báo rộng rãi, lần mới đây nhất là cuối tháng 11-2015: vua Quang Trung có một cung điện tên là Đan Dương, được xây dựng trên nền phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn, là nơi ông sống và làm việc lúc làm vua ở Phú Xuân.

Khi chết, thi hài ông được mai táng ngay tại cung điện này, được gọi là lăng Đan Dương. Lăng nằm gần chùa Thiền Lâm xưa, thuộc ấp Bình An, là khu vực bao quanh cồn Bông Sứ, các chùa Thuyền Lâm, Vạn Phước (Huế) và khu dân cư lân cận bây giờ…

… Một ngày cuối tháng 11-2015, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đưa đoàn chuyên gia gồm GS Phan Huy Lê – chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN – cùng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử trong nước đến thực địa khu vực mà ông cho là “nơi toạ lạc của cung điện Đan Dương”.

Điểm tập kết là ngôi chùa có tên Thuyền Lâm ở 150 đường Điện Biên Phủ (Huế), nằm ngay phía trước bên phải chùa Từ Đàm. Một ngôi chùa vắng lặng, nhưng nghe ông Xuân giới thiệu thì mới hay chùa đang chồng chất nhiều bí ẩn.

Ông Xuân cho biết chùa Thuyền Lâm hiện nay được dựng trên khuôn viên chùa Thiền Lâm xưa. Đó là ngôi chùa rất nổi tiếng trong sách sử, được khai sơn vào cuối thế kỷ 17 dưới thời chúa Nguyễn, lúc đầu chỉ là một thảo am thuộc phủ Dương Xuân.

Năm 1695, hòa thượng Thích Đại Sán từ Quảng Đông (Trung Quốc) sang hoằng đạo xứ Đàng Trong theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu và lưu trú tại đây. Chúa đã cho xây dựng lại chùa với quy mô lớn như “một tòa phương trượng”.

Đến thời Tây Sơn chiếm Phú Xuân, Bùi Đắc Tuyên (sau này là thái sư dưới triều vua Quang Toản) chiếm chùa Thiền Lâm làm dinh thái sư. Năm 1795, Bùi Đắc Tuyên bị quân “đảo chính” bắt giết, chùa trở thành kho than.

Thời Gia Long, Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu đã cho trùng tu. Đến cuối thế kỷ 19, người Pháp cho mở con đường Nam Giao Tân Lộ (tức đường Điện Biên Phủ bây giờ) đi xuyên qua khuôn viên nên chùa phải dời qua phía tây, tại vị trí chùa Thuyền Lâm bây giờ.

Từ đó, theo ông Xuân, chùa Thiền Lâm rơi vào hoang phế, cho đến năm 1990 mới được thượng toạThích Chơn Trí đến gây dựng lại (và gọi tên chùa là Thuyền Lâm).

Điều bí ẩn mà ông Xuân cho biết liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung chính là vô số gạch đá mà thượng toạ Thích Chơn Trí đã phát hiện dưới mặt đất khi đào móng xây nhà và cuốc đất làm vườn.

Nhà sư cho biết có rất nhiều đá đủ kiểu: đá táng cỡ lớn (dùng kê dưới chân cột nhà), đá lát nền, chân bia, gạch vồ có khuôn dấu… Các hiện vật đó hiện vẫn còn bảo lưu ở sân chùa, một số đã được chùa tận dụng xây nhà.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng khi mở đường Nam Giao, chùa Thiền Lâm đã di dời về xây dựng trên nền của một công trình kiến trúc đã bị triệt phá và vùi lấp bên dưới.

Tiếp tục khảo sát thực địa tại đây, ông Xuân còn phát hiện một số bia mộ của các vị tổ sư chùa Thiền Lâm bị mài đục.

Những phát hiện ở chùa Thiền Lâm
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (đeo máy ảnh) giới thiệu về những hiện vật được phát hiện dưới lòng đất chùa Thiền Lâm – Ảnh: Minh Tự

Dấu vết của một quần thể kiến trúc lớn đã bị triệt phá

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề nghị chúng tôi rời khỏi khuôn viên chùa Thuyền Lâm để xem những dấu vết của một quần thể công trình kiến trúc mà theo ông là đã bị triệt hạ và vùi lấp dưới mặt đất.

Dấu vết đó nằm bao quanh cả một khu vực gồm chùa Thuyền Lâm, chùa Vạn Phước, cồn Bông Sứ và khu dân cư quanh các chùa này.

Năm 1988, sau khi tiếp cận những hiện vật mới phát hiện ở chùa Thuyền Lâm, ông Xuân đã mở rộng nghiên cứu cả khu vực xung quanh và tiếp tục phát hiện những hiện vật gạch, đá, móng thành, những đống gạch đá vụn, rải rác đá táng và đá lát trên dọc đường đi…

Ông Nguyễn Hữu Oánh, nhà ở phía sau chùa Thuyền Lâm, cho ông Xuân biết khi đào vườn làm nhà đã gặp hàng trăm viên gạch vồ và đá lát.

Bà Nguyễn Thị Liên, em ông Oánh, nhà ở ngay bên cạnh, cho biết năm 1945 gia đình bà đào hầm tránh bom đã phát hiện một đường hầm nằm sâu dưới đất. Ông Xuân nghi vấn: có thể đây là huyệt mộ.

Từ những phát hiện đó, ông Xuân quyết định mở một hố khai quật ngay đầu hè nhà bà Liên vào tháng 12-1988, với sự chứng kiến của các nhà nghiên cứu quan tâm đến lăng mộ vua Quang Trung.

Tại độ sâu 2m, ông Xuân phát hiện nhiều vôi vữa mà sau đó đem đối chiếu thì đồng dạng với vôi vữa ở các công trình xây dựng trong giai đoạn xuất hiện lăng mộ vua Quang Trung.

Ông Oánh còn cho ông Xuân biết vào khoảng năm 1938, cụ thân sinh ông đào được bốn tấm đá có kích thước rất lớn, hình chữ nhật, dài 2,72m, rộng 0,67m, dày 0,35m.

Ông Xuân đưa chúng tôi vào chùa Vạn Phước nằm gần nhà ông Oánh, ngoài tấm đá lớn nói trên, tại đây còn có nhiều viên đá táng dùng kê cột nhà, nhiều viên đá lát, đá trang trí.

Trước chùa Vạn Phước là một cồn mồ gọi là cồn Bông Sứ, trải rộng trên một sườn đồi. Phía trước có một khe nước chảy ra tên là suối Tiên, chếch về bên trái có một hồ rau muống đã bị lấp một phần.

Ông Xuân cho biết năm 1988 khi ông đến đây nghiên cứu thì hồ này có hình bán nguyệt. Ông Xuân đã mời bác sĩ Dương Văn Sinh – một chuyên gia về dịch học và phong thuỷ ở Huế – đến cồn Bông Sứ.

Sau khi xem xét và đo đạc hiện trường, ông Sinh cho biết cuộc đất này có đủ các yếu tố “cát địa” của đế vương.

Ông Xuân đưa chúng tôi sang phía đối diện cồn Bông Sứ, ở đó có ngôi chùa tên là Kim Tiên. Ông Xuân cho biết đây là ngôi chùa Tiên mà công chúa Lê Ngọc Hân, tức Bắc cung hoàng hậu của vua Quang Trung, đã lưu trú sau khi vua qua đời và viết bài Ai tư vãn (khóc vua Quang Trung) tại đây.

Ông Xuân còn tìm thấy thêm một số giếng và mồ hoang ở các chùa Diệu Đức, Tuệ Lâm trong khu vực này…

Từ những phát hiện trên đây, ông Xuân đi đến kết luận: đó là dấu vết cung điện Đan Dương – lăng Đan Dương của vua Quang Trung – và trước đó là phủ Dương Xuân. Cung điện này nằm gần cạnh chùa Thiền Lâm, trên nền của phủ Dương Xuân, tức cung điện mùa đông của các chúa Nguyễn.

Khi vua chết đã được an táng ngay tại cung điện này, gọi là lăng Đan Dương. Năm 1802, vua Gia Long đã cho quật mồ, lấy thi hài lên để “tận pháp trừng trị” và triệt phá lăng Đan Dương. Giếng hoang là dấu vết sinh hoạt của quân Tây Sơn và “mã loạn” là mồ của họ sau khi bị nhà Nguyễn tiêu diệt…

Kết luận này đã tạo ra những cuộc tranh luận kịch liệt giữa ông Nguyễn Đắc Xuân với những nhà nghiên cứu theo giả thiết lăng Ba Vành và những người không đồng tình với cả hai giả thiết này, kéo dài cho đến tận hôm nay.

 

MINH TỰ ([email protected])