Giấc mơ… sách
Ở TP.Đông Hà (Quảng Trị), Lê Minh Tuấn được biết đến là một kỹ sư xây dựng, ông chủ một tiệm cà phê dành cho giới trẻ, ông chủ sân bóng đá nhân tạo đầu tiên của thành phố…
Giấc mơ… sách
Ở TP.Đông Hà (Quảng Trị), Lê Minh Tuấn được biết đến là một kỹ sư xây dựng, ông chủ một tiệm cà phê dành cho giới trẻ, ông chủ sân bóng đá nhân tạo đầu tiên của thành phố…
Nay, anh còn được biết đến là một con “mọt sách” với giấc mơ phổ biến văn hoá đọc đến cộng đồng.
Quê ở TT.Gio Linh nhưng để tiện cho sinh hoạt, Tuấn chuyển vào trọ ở TP.Đông Hà. Tốt nghiệp ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Tuấn được tuyển dụng vào Công ty thuỷ lợi Quảng Trị, lúc đang theo học văn bằng 2 chuyên ngành quản trị kinh doanh của ĐH Mở Hà Nội.
Đưa sách vào lớp học
Từ tiền túi của mình, Tuấn lặn lội vào TP.HCM mua những cuốn sách đầu tiên góp vào quỹ sách. Tiếp đó, qua Facebook, Tuấn kêu gọi bạn bè, nhà hảo tâm… chung tay ủng hộ chương trình.
Để cổ vũ chàng trai trẻ, hàng trăm người đã gửi sách tặng chương trình, trong đó có cả những doanh nghiệp lớn… “Chúng tôi đi xin sách và hoan nghênh mọi sự ủng hộ bằng sách của tất cả mọi người, nhưng chúng tôi không xin tiền mặt, đó là nguyên tắc”, Tuấn nói. Chỉ trong thời gian hơn nửa năm, Tuấn đã quyên được hơn 3.000 đầu sách. Nội dung chủ yếu hướng đến giáo dục đạo đức, phát triển tâm hồn, khuyến khích trí sáng tạo…
Có sách rồi nhưng đi tặng cũng không phải là chuyện dễ, thậm chí nhiều ngôi trường từ chối nhận sách vì lo ngại về nội dung, bảo quản, có thầy cô nói thẳng: “Học sinh bây giờ học nặng quá rồi, chỉ đọc sách giáo khoa là đủ”. Dù gặp nhiều “lực cản” nhưng bằng nỗ lực của mình và nhóm bạn cùng chí hướng, trong nửa năm qua, Tuấn đã tặng được 4 tủ sách cho Trường THCS Trần Quốc Toản, Trường tiểu học Kim Đồng (TP.Đông Hà) và 2 trường tiểu học, THCS xã A Vao (H.Đakrông) với tổng số hơn 600 đầu sách. Ngoài ra, trong đêm giao thừa vừa qua, Tuấn cùng bạn bè đã tổ chức thành công chương trình “Tặng sách đầu năm, trao lộc tri thức” bằng cách đi bộ trên nhiều tuyến đường lớn ở TP.Đông Hà và “lì xì” sách cho mọi người.
“Việc tặng sách và mang nụ cười đến cho mọi người chỉ là bước đầu. Khát vọng của tôi là làm sao để mọi người, đặc biệt các em nhỏ, có thói quen đọc sách. Để sau này mọi người không cần chờ tôi tặng sách mà tự đi tìm, đi thuê, đi mua sách để bổ sung kiến thức cho mình”, Tuấn nói.
Cho mượn sách… trên mạng
Ngoài việc tặng các tủ sách cho các trường học, từ tháng 11.2015, Tuấn đã xây dựng một thư viện trên mạng. “Chỉ cần mọi người vào trang Facebook Sách hóa nông thôn Quảng Trị thì sẽ thấy một đường link dẫn đến thư viện Lê Minh Tuấn. Ở đây sẽ liệt kê ra khoảng 1.000 đầu sách bao gồm tên sách, thông tin tác giả, năm xuất bản, thể loại và tình trạng sách đã được mượn hay chưa”, Tuấn giới thiệu.
Theo chàng trai “nghiện” sách này thì tất cả mọi người đều có thể mượn sách ở “thư viện ảo” mà không cần tốn một khoản phí hay phải đặt cọc, xuất trình bất cứ một loại giấy tờ nào. “Việc cho mượn hoàn toàn dựa trên nguyên tắc tin tưởng lẫn nhau. Các bạn có thể mượn nhiều cuốn, mượn bao lâu cũng được, chỉ cần nhớ trả lại cho tôi là được”, Tuấn cười.
Trong 2 tháng mở cửa, thư viện trên mạng của Tuấn đã đón hơn 200 lượt khách nhưng Tuấn tỏ ra không mấy hài lòng với kết quả này. Anh cho rằng, phần do thư viện của anh chưa có “tiếng tăm”, phần vì anh không đủ thời gian để đưa lên mạng thông tin của 3.000 cuốn sách đang có mà chỉ dừng lại ở mức 1.000, theo Tuấn đây là con số còn rất nhỏ.
“Trong tương lai, nếu được, tôi sẽ cố làm 2 việc. Thứ nhất, xin giấy phép chính quyền để chương trình “Sách hoá nông thôn Quảng Trị” được hoạt động một cách chính quy. Thứ hai, tôi muốn có một không gian mở ở trung tâm thành phố để mọi người đến đó thoải mái đọc sách mà không phải lo nghĩ gì. Nhưng đó mới chỉ là dự định, để xem sức của tôi đến đâu đã”, Tuấn nói.
Thấy anh có máu kinh doanh (bán cà phê rồi làm sân banh cho thuê), nhiều người hỏi Tuấn làm chương trình “sách hoá” này thì được lợi lộc gì? Tuấn trả lời: “Lợi nhiều chứ, nhưng không tính bằng tiền và món lợi này cũng không đến ngay tức thì như việc tặng một gói bánh hay một suất tiền. Phải 10 năm, 20 năm sau ta mới thấy món lợi đó, ấy chính là giá trị của tri thức mang đến”.
Nguyễn Phúc